Dân chủ đa nguyên bắt đầu từ đâu ? (Trương Sỏi)

Những người lười suy nghĩ nên họ rất không thích được hỏi "Tại sao?" hoặc không muốn tự hỏi "Tại sao?" với bản thân. Vì đó là câu hỏi bắt buộc người ta phải suy nghĩ nhiều, căng não ra nên rất đau đầu. Giống như không tập thể dục, lười vận động thì cơ bắp yếu ớt. Không thích đọc nhiều, không suy nghĩ nhiều thì nơ-ron thần kinh thiếu nhạy cảm, thiếu mạnh mẽ, thiếu sâu sắc và tinh tế.  


Không phải tất cả, nhưng hầu hết con người, ai cũng muốn mang những bộ áo quần đẹp, đi những đôi giày sang, đôi dép xịn. Đó có thể là nhu cầu tự nhiên của con người. Nhưng tại sao như vậy?

Hầu hết chúng ta, không phải tất cả, thường khi chụp ảnh (trừ các bức ảnh chụp mang tính thông tin phục vụ cho các mục đích nghề nghiệp, kỹ thuật) đều chọn phông ảnh là những nơi có nhiều hoa đẹp hay cảnh đẹp, nếu không hoa cỏ xanh tươi, rực rỡ thì cũng là những toà nhà nguy nga, những chiếc xe lộng lẫy. Nếu không vậy thì là những danh lam thắng cảnh mà nhiều người mong ước được đến thăm. Hoặc nhiều người vẫn có ao ước được chụp hình chung với các nguyên thủ, chính khách to bự hay với các nhân vật được nhiều người biết đến, nổi tiếng trong bất kỳ lĩnh vực nào - "Thấy người sang bắt quàng làm họ". Sau đó, họ mang những bức ảnh đó ra khoe với thiên hạ. Đó có thể là nhu cầu tự nhiên của con người. Nhưng tại sao như vậy?

Hầu hết con người, không phải tất cả, đều mong muốn đi những chiếc xe đẹp, xe sang, dù đó là xe đạp, xe máy, xe ô tô, hay thậm chí trực thăng hoặc xe bay. Ngay cả khi đi trên những chiếc phi cơ có sức chứa mấy trăm người, vẫn có những khoang hạng sang dành cho những vị khách vip, thương gia giàu có. Đó có thể là nhu cầu tự nhiên của con người. Nhưng tại sao như vậy?

Hầu hết con người, không phải tất cả, đều mong ước được ở trong một ngôi nhà khang trang, rộng lớn, lộng lẫy và muốn đến những nơi như quán cafe, nhà hàng, khách sạn, công ty... sang đẹp, diễm lệ và hiện đại. Đây cũng có thể là nhu cầu tự nhiên của con người. Nhưng tại sao như vậy?

Hầu hết con người, không phải là tất cả, đều mong muốn ăn những món ngon, đắt tiền (và lạ), thậm chí những món không ngon lành gì lắm nhưng đắt đỏ, những món sơn hào hải vị, đông trùng hạ thảo... để thỏa mãn khẩu vị. Đó cũng có thể là nhu cầu tự nhiên của con người. Nhưng tại sao lại như vậy?

Hầu hết con người, không phải là tất cả, đều mong muốn được giàu có, giỏi giang, thành đạt, đẹp trai, xinh gái, tài năng, nổi tiếng... Nếu họ không có được những (hoặc một vài) điều đó thì họ mong muốn người bạn đời của họ, con cái của họ, có được như vậy. Đó có thể là nhu cầu tự nhiên của con người. Nhưng tại sao lại như vậy?

Hầu hết con người, không phải là tất cả, đều thích được người khác ca tụng, khen ngợi, tặng thưởng bằng những câu nói có cánh, bằng những bằng khen và huy chương, bằng những món quà hay hiện vật có giá trị. Ngược lại, hầu hết đều không muốn và thậm chí căm ghét khi bị chê bai, bị phê phán hay đôi khi chỉ được góp ý vụng về. Đó có thể là tâm lý tự nhiên của con người. Nhưng tại sao như vậy?

Bạn có bao giờ hỏi tại sao như vậy chưa, nếu bạn là người thích một trong những điều trên? Còn nếu bạn hoàn toàn không thích tất cả những điều như trên, thì tại sao bạn lại không thích?

dcdn-1

Hầu hết con người, không phải là tất cả, đều mong muốn được giàu có, giỏi giang, thành đạt, đẹp trai, xinh gái, tài năng, nổi tiếng...

Trong tất cả các loại câu hỏi Khi nào (when)? Ở đâu (where)? Cái gì (what)? Ai (who)? Cách nào (how)? và Tại sao (why)? thì câu hỏi "Tại sao?" là câu hỏi có bản chất triết học. Vì triết học có sứ mệnh giải phóng con người bằng cách đi sâu vào khám phá bản chất của các sự vật, sự việc và hiện tượng. Câu hỏi "Tại sao?" giúp chúng ta khám phá ra bản chất vấn đề. Khi hiểu được được bản chất vấn đề thì vấn đề không còn là vấn đề nữa. Khi đó, chúng ta đã được giải phóng khỏi vấn đề đó. Câu trả lời cho mọi vấn đề vốn đã tồn tại trong chính bản thân vấn đề đó rồi. Vấn đề luôn không phải là vấn đề. Vấn đề chỉ là cách nhìn của chúng ta đối với vấn đề.

Những người lười suy nghĩ nên họ rất không thích được hỏi "Tại sao?" hoặc không muốn tự hỏi "Tại sao?" với bản thân. Vì đó là câu hỏi bắt buộc người ta phải suy nghĩ nhiều, căng não ra nên rất đau đầu. Giống như không tập thể dục, lười vận động thì cơ bắp yếu ớt. Không thích đọc nhiều, không suy nghĩ nhiều thì nơ-ron thần kinh thiếu nhạy cảm, thiếu mạnh mẽ, thiếu sâu sắc và tinh tế. Do đó, với những người lười suy nghĩ, họ nô lệ cho chính trí óc của mình. Từ đó, những người tinh ranh khác sẽ dễ dàng thao túng và nô dịch họ.

Ở đây, các câu hỏi "Tại sao?" được đưa ra để chúng ta có thể tìm hiểu bản chất của con người. Những điều mà chúng ta thường xem nó là điều tự nhiên nhất, căn bản nhất cũng ẩn chứa đằng sau là một bản chất sâu xa. Biết đâu được, việc hỏi những câu hỏi này sẽ đưa chúng ta đến cốt lõi của mọi vấn đề trong cuộc sống loài người, kể cả vấn đề mà người Việt Nam chúng ta đang rất mong mỏi hiện nay: tự do, dân chủ và đa nguyên.

Như một người đứng trên tầng thượng của một cao ốc có thể nhìn rõ và bao quát dòng người và xe cộ xuôi ngược dưới đại lộ bên cạnh tòa nhà. Anh ta có thể thấy các luồng xe chạy, các tín hiệu giao thông, các loại xe cộ cũng như cách thức lái xe của nhiều người, thậm chí anh ta có thể nhìn thấy các nguy cơ tai nạn, rủi ro có thể gặp phải của những người tham gia giao thông.

Tương tự như vậy, mời bạn cùng tôi tạm "tách khỏi" cuộc sống hiện tại, cùng bước lên tòa cao ốc tưởng tượng để nhìn xuống đại lộ tiến hóa của nhân loại: bắt đầu từ thời tiền sử, kéo dài cho đến ngày nay. Chúng ta hãy cùng nhau quan sát, bằng ánh mắt chú ý và với một cái tâm khách quan nhất, để thấy loài người đã tiến hóa từ một loài vượn cổ để trở thành con người văn minh trong thế giới hiện đại ngày nay như thế nào. Qua đó, có thể chúng ta sẽ hiểu rõ hơn bản chất của chính mình, của loài người và của xã hội loài người. Từ đó, chúng ta có thể sống tự do hơn. Và cũng từ đó, cùng nhau, chúng ta sẽ tạo nên một xã hội văn minh, một thế giới tự do, hạnh phúc và phồn thịnh cho mọi người. Chứ không phải một xã hội chỉ có tự do, giàu có cho một nhóm nhỏ và nô lệ cho phần đông còn lại như hiện tại.

Cây cối mọc theo từng khóm, từng cụm, rồi thành rặng, thành rừng. Đó là một đặc điểm, một bản chất của sự sống hay là một bản năng duy trì sự sống. Cho nên, các loài động vật cũng tập hợp lại thành nhóm, thành bầy, thành đàn. Con người nguyên thủy sống theo bầy đàn. Việc này tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ nòi giống trước nguy cơ tấn công của kẻ thù, của các loài thú ăn thịt khác. Còn nữa, việc tạo thành bầy đàn sẽ thuận lợi trong việc tìm kiếm thức ăn, săn bắt hay hái lượm sau này. Từ đó việc phân chia lao động hình thành như một lẽ tự nhiên, mỗi người mỗi việc.

Sống giữa thiên nhiên, việc tồn tại phải dựa vào sức mạnh của móng vuốt, của cơ bắp... Nói chung, đó là sức mạnh bạo lực. Do đó mà con nào nhanh hơn, mạnh hơn, khỏe hơn thì được làm con đầu đàn, lãnh đạo và dẫn dắt những con khác đi theo nó bằng cách áp đặt sức mạnh bạo lực. Con nào không thần phục thì sẽ bị giết chết hoặc bị xua đuổi ra khỏi đàn. Đơn độc thì rất nguy hiểm đến tính mạng!

Và như một điều tất yếu, con khỏe hơn, con đầu đàn sẽ có được nhiều thức ăn hơn, và có nhiều bạn tình hơn. Con cái là những con có ít sức vóc hơn, yếu đuối hơn cho nên việc tìm kiếm thức ăn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Dần dần, con cái sẽ phụ thuộc vào con đực có nhiều thức ăn hơn nó. Và con cái cũng sẽ e sợ các con đực mạnh hơn. Chấp nhận để cho con đực giao phối và được con đực bảo vệ, chia sẻ thức ăn thì tốt hơn nhiều so với việc chống cự lại con đực đó, không được gì mà có khi phải mất mạng. Do đó, con cái có xu hướng thích những con đực đầu đàn, những con đực to khỏe và có nhiều thức ăn hơn.

Loài người nguyên thủy cũng như vậy. Vì con người vẫn là một loài thú trong tự nhiên, vẫn là "con" mà thôi. Vì vậy, loài người cũng tranh dành miếng ăn, cũng cắn xé lẫn nhau để dành giật bạn tình, cũng tranh ngôi đoạn vị, chẳng khác gì các loài vật khác. Thật ra, con người còn quỷ quyệt, thú vật và tàn nhẫn hơn mọi loài khác nữa. "Sông sâu còn có dây dò, chứ ai lấy thước mà đo lòng người!"

Từ thời săn bắt, hái lượm cho tới khi tìm thấy lửa, và biết sử dụng các đồ dùng bằng đá, bằng sắt, bằng đồng để trồng trọt và chăn nuôi thì đời sống của loài người vẫn dựa trên sức mạnh cơ bắp, vẫn còn sợ hãi trước bão tố phong ba, và các loại thiên tai mà trí não con người chưa đủ phát triển để hiểu được.

dcdn-2

Còn chưa hiểu là còn sợ hãi. Còn sợ hãi là còn tôn thờ, lạy lục và van xin.

Còn chưa hiểu tức là còn sợ hãi. Còn sợ hãi là còn tôn thờ, còn lạy lục và còn van xin. Do đó, các vị thần thánh bắt đầu được con người tạo ra bằng trí tưởng tượng. Và cũng chính tư duy đó, họ tôn thờ, sùng bái và sợ hãi các vị thần thánh do chính họ tạo ra đó. Rồi từ đó, con cháu họ đều bắt chước việc tôn thờ, sùng bái từ đời này qua đời khác như một thói quen. Và thói quen được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành truyền thống. Thói quen lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ làm cho bộ não tin, dù đó là sự thật hay chỉ là sự dối trá, hay chỉ là ảo tưởng. Bộ trưởng bộ tuyên truyền của Đức quốc xã, Joseph Goebbels, đã đúc rút ra kinh nghiệm nhồi sọ để mị dân rằng "khi chúng ta lặp đi lặp lại một lời nói láo thì đến một lúc nào đó, người ta sẽ tin điều đó là sự thật."

Việc lựa chọn các vị trí chổ ngồi chắc chắn ở những nơi cao để tránh được sự tấn công của kẻ thù cho đến việc có những cái hang kiên cố ở nơi cao ráo, an toàn để tránh mưa bão, lũ lụt và các tai họa khác, dần dần qua sự tiến hóa, đã trở thành việc mong muốn có được những vị trí cao trong tập thể, trong công ty, cho đến việc mong muốn có cái nhà to lớn, những thành quách thật bền vững, chắc chắn và kiên cố để đảm bảo an toàn cho sinh mạng của mình, của gia tộc mình, của bộ lạc mình.

Việc sống theo bầy đàn dựa trên đặc thù giống loài, đã làm cho con người bắt đầu hình thành nên bộ lạc, bộ tộc và sau đó là các vùng lãnh thổ, các quốc gia như hiện nay. Và chiến tranh xảy ra giữa các bộ tộc, giữa các bộ lạc, giữa các lãnh địa và giữa các quốc gia không gì hơn là việc tranh giành khu vực kiếm ăn, tranh giành lãnh thổ sinh sống hoặc tranh giành bạn tình. Chẳng khác gì các loài thú khác, tranh giành các khu vực đồng cỏ hay rừng rú, cốt cũng chỉ để đảm bảo nơi ăn chốn ở cho bản thân mình và giống loài của mình. "Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu".

Từ đó, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa yêu nước cũng không khác gì là việc con đầu đàn, bằng việc dùng sức mạnh bạo lực hoặc bằng sự khôn ranh của bộ não, áp đặt hoặc thuyết phục các con khác trong đàn biết yêu lấy cánh rừng của mình, từ đó có thể xả thân cứu chúa, nhân danh việc bảo vệ cánh rừng, bảo vệ giống loài, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ quốc gia. Qua việc đó, con đầu đàn và hậu duệ của nó được duy trì quyền lực và quyền lợi. Con đực đầu đàn còn sáng tạo ra thuyết "tam cương, ngũ thường" để dễ bề thống trị các con đực khác trong đàn.

Về con cái, sau khi thấy mình không đủ sức mạnh bạo lực bằng con đực, lại phải cáng đáng cả việc mang thai và nuôi con, lại còn tốn nhiều thời gian hơn cho việc tìm kiếm thức ăn nên con cái cần thức ăn từ con đực, cần sự bảo vệ của con đực nhiều hơn. Cho nên, con cái phát huy hết khả năng quyến rũ con đực. Con cái bắt đầu biết sử dụng vỏ cây, vỏ sò, lông chim, hoa cỏ... và sau này là đá, đồng, bạc và vàng để làm các đồ trang sức bắt mắt, may các bộ đồ đẹp hơn, sặc sỡ hơn, gợi tình hơn để thu hút con đực. Không những thế, con cái còn biết dùng đến những điệu múa uốn lượn, giọng hát luyến láy, ánh mắt lúng liếng, lời nói ngọt ngào, nhỏ nhẹ... để làm say mê con đực, "mật ngọt thì chết ruồi, lời nói ngọt thì lọt đến xương". Tất cả việc làm của con cái cũng chỉ là muốn được con đực cung cấp thức ăn và bảo vệ cho nó. Đổi lại, nó phải để cho con đực giao phối, sinh đẻ ra và nuôi dưỡng giống nòi cho con đực.

Về phần con đực, bản năng bảo vệ con cái yếu đuối từ đó cũng hình thành. Ẩn dấu đằng sau đó là ham muốn được chiếm hữu con cái, được con cái thần phục và hầu hạ mình. Từ mong muốn có vị trí cao trong bầy đàn cho đến việc có cái hang, cái tổ lớn là để đảm bảo tính mạng cho con đực, đồng thời để có thể dung nạp và chinh phục nhiều con cái hơn, đẻ ra nhiều hậu duệ hơn, từ đó nhân rộng nòi giống của nó ra nhiều hơn. Song song với việc đó, con đực cũng muốn thị uy, chứng tỏ và thể hiện với các con đực khác hay với kẻ thù thấy được sức mạnh của nó, để những con đực khác sợ hãi nó, không dám tấn công nó, không dám tranh giành bạn tình và nơi ăn chốn ở của nó, không dám xâm chiếm lãnh địa của nó.

Với đặc trưng giống loài như vậy, con đực săn mồi, cắn xé các con đực khác và tìm kiếm thức ăn là chính nên con đực ngày càng trở nên to con hơn, vạm vỡ hơn và cũng thô thiển hơn. Trong khi, con cái lại trở nên thon gọn hơn vì ít vận động hơn, khéo léo hơn nhờ thêu thùa may vá và cáng đáng những công việc nhà, từ việc nuôi dạy con cũng như những cách thức quyến rũ con đực càng làm cho con cái mềm mại và uyển chuyển hơn. Từ đó, "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" là như vậy. Cũng từ đó, việc kinh bang tế thế cứ mặc định là việc của con đực, còn con cái tự an ủi mình rằng "Phận đàn bà, đái không qua ngọn cỏ thì làm nên nỗi gì!"

Tiếp đến là sự phát triển mạnh mẽ của tư duy, của trí tuệ nên cuộc cách mạng kỹ nghệ bắt đầu hình thành. Con người tạo ra được nhiều của cải và hàng hóa nhiều hơn, dần dần xã hội loài người sơ khai, thông qua trao đổi và mua bán hàng hóa, được phát triển mạnh và tạo thành xã hội hiện đại ngày nay. Song song với cuộc cách mạng kỹ nghệ, có một sức mạnh, không phải sức mạnh của cơ bắp, không phải sức mạnh bạo lực, đã ra đời và trổi mạnh. Đó là sức mạnh của trí tuệ.

Ngày trước, một con đực chỉ có thể cắn xé một hay một vài con khác nhờ vào sức mạnh bắp thịt. Ngày nay, bằng việc sử dụng sức mạnh trí tuệ, con đực có thể chế tạo ra súng đạn, vũ khí nguyên tử, vũ khí hoá học hay vũ khí sinh học có thể giết hại hàng loạt, có thể diệt chủng đồng loại hoặc các loài khác, và huỷ hoại trái đất một cách nhanh nhất chưa từng có.

Tất cả chúng ta đều biết, làm việc dựa vào trí tuệ thì có thể tạo ra nhiều hàng hóa, của cải gấp hàng ngàn lần so với việc làm việc dựa vào sức mạnh cơ bắp. Từ đó mà một người làm việc dựa trên trí tuệ thì kiếm được nhiều tiền hơn nhiều so với người làm việc dựa trên cơ bắp. Công nhân cổ cồn trắng kiếm được nhiều tiền hơn so với công nhân cổ cồn xanh. Con đực đầu đàn làm việc dựa vào trí óc dần dần chế ngự hết các con đực đầu đàn làm việc bằng sức mạnh bắp thịt.

Việc làm bằng cách sử dụng bắp thịt không được xem trọng như việc làm sử dụng trí óc. Từ đó, con cái dần dần thích các con đực có trí tuệ hơn là các con đực chỉ có sức mạnh cơ bắp. Một số con cái còn cà khịa các con đực to xác là "đầu óc ngu si, tứ chi phát triển" đấy thôi. Do đó, người ta lại nói rằng: Con cái chỉ thích hai loại con đực. Một loại con đực có thể vác một bao gạo 30 kg từ tầng 1 tới tầng 30 bằng cầu thang bộ. Loại con đực thứ hai là con đực có khả năng trả tiền cho loại con đực thứ nhất làm việc đó.

Dù con đực làm việc dựa trên sức mạnh cơ bắp hay làm việc dựa trên sức mạnh của các nơ-ron thần kinh, thì nó vẫn luôn mong muốn có cái hang ổ thật to lớn, vững chắc và xinh đẹp. Nó cũng thèm những bộ lông mới xịn xò, những chiếc xe bóng lộn và những vị trí có chức quyền cao. Đồng thời, nó cũng mong muốn chinh phục được nhiều con cái xinh đẹp, quyến rũ, hoặc tài giỏi, hoặc khéo léo, hoặc cả hai. Để từ đó có thể sinh ra các nòi giống thông minh, trí tuệ, xinh đẹp... Con đực có năm thê, bảy thiếp là bình thường. Giống đực tự tạo ra một thứ đạo đức xã hội rừng rú để làm lợi cho nó. Giống đực tạo ra thuyết “tam tòng, tứ đức” để nô dịch con cái mãi mãi. Thậm chí, con đực xây dựng nên cả đế chế hay chinh phục cả thiên hạ cũng chỉ để giâng lên cho con cái mà nó khao khát được chiếm đoạt. Đó là bản năng giống loài của con đực.

Còn con cái, dù bản năng dựa dẫm vào con đực vì chân yếu tay mềm đã dần dần có chút thay đổi nhờ vào sức mạnh của trí tuệ bộ óc. Bộ óc của con đực và bộ óc con cái không có gì khác nhau, dù bên ngoài thì có khác chút. Tóc của con đực ngắn hơn tóc con cái. Một số con đực vẫn còn khinh thường con cái bằng câu nói "tóc dài, óc ngắn" là như vậy. Do đó, một số con cái dần dần độc lập, không phải dựa dẫm hay phụ thuộc vào con đực để có thức ăn hay chổ ở an toàn nữa. Tự túc là hạnh phúc - một chân trời tự do mới mở ra cho con cái!

Nhưng cái sự thay đổi đó không đáng kể bao nhiêu. Ngày nay, số lượng tỷ phú đực cũng nhiều hơn hẳn số lượng tỉ phú cái. Số lượng con đực có nhiều thành tựu về mặt trí tuệ cũng nhiều hơn hẳn số con cái, hầu như trong bất kỳ lãnh vực nào. Nên tâm lý coi thường con cái vẫn còn ngự trị nhiều lắm ở trong một số con đực. Bản năng thích mua sắm áo quần, thích làm đẹp, thích khoe những đường nét quyến rũ, gợi tình ở con cái được khai thác tối đa nhất có thể. Tất cả việc đó cũng chỉ để quyến rũ con đực, cho con đực ngắm nhìn, cho con đực thèm khát, để rồi cho con đực chinh phục. Rất nhiều con cái, như một bản năng giống loài, cảm thấy thích được con đực chiếm đoạt. Hội chứng Stockholm cho thấy con cái có xu hướng yêu luôn con đực đã cưỡng hiếp mình.

Con đực luôn luôn mặc kín đáo dù chẳng có mấy thứ để che đậy. Chỉ có vài hạt cúc áo thôi mà con đực cũng may một miếng vải nhỏ kiểu cách để che lại và gọi nó là cái "cà-vạt". Trong khi đó, con cái lại cứ phô ra gần như toàn bộ cơ thể, đặc biệt là những vị trí nhạy cảm để mời gọi con đực, kích thích sự thèm thuồng xác thịt của con đực. Thật không thể chịu đựng được! Thật không thể hiểu được!

Vì vàng là một kim loại có ánh kim lấp lánh, có nguồn gốc từ mặt trời, lại không hề bị hủy hoại bởi môi trường và bền bỉ với thời gian nên vàng rất có giá trị về mặt thẩm mỹ trong công nghệ trang sức. Kim cương cũng vậy. Chúng làm cho phụ nữ đẹp hơn, quyến rũ hơn - "người đẹp vì lụa" mà. Cho nên vàng và kim cương là hai thứ vô cùng mê hoặc phụ nữ. Cũng vậy, quyền lực và đàn bà cũng mê hoặc đàn ông không kém. Do đó, người ta mới nói "Đem lửa để thử vàng. Đem vàng để thử đàn bà. Đem đàn bà để thử đàn ông." Để từ việc thử đó, có thể biết đâu là vàng thật, đâu là đàn bà chân tình, đâu là đàn ông bản lĩnh.

Tóm lại, việc mong muốn có chức quyền cao, có nhà cửa khang trang, có xe cộ đẹp, có vợ con ngoan hiền, xinh đẹp như là một phần trong bản năng của con đực. Điều này đem lại cho con đực cảm giác an toàn, không cô đơn và không sợ hãi. Không cô đơn giữa tự nhiên và không sợ hãi trước kẻ thù cũng như đồng loại.

"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền" là có lý do của nó. Hơn thế nữa, việc có quyền lực và có những thứ mà những con đực khác không có còn làm cho con đực cảm thấy nó vĩ đại, nó quan trọng, được các con đực khác và con cái khác tôn trọng, sợ hãi hoặc thèm khát. Nhưng sâu xa, những thứ đó cũng chỉ để đảm bảo an toàn của nó khỏi nỗi cô đơn và nỗi sợ hãi. Nếu không có những thứ đó, con đực sẽ đối diện với sự cô đơn, trống rỗng và sợ hãi thường trực bên trong nó. Điều này thật kinh khủng!

Còn về con cái, nó phát huy tất cả các ngón nghề làm đẹp và quyến rũ để có thể chinh phục được con đực. Do đó, con cái chỉ cần xinh đẹp và tinh ranh là nó có thể có được thiên hạ. Con đực đi chinh phục thiên hạ, chiếm đoạt giang sơn cũng chỉ để dâng lên cho con cái mà nó thèm khát. Con cái cần phải xinh đẹp và quyến rũ để làm con đực thèm khát da thịt con cái. Nên con cái có vẻ đẹp "nghiêng nước, nghiêng thành" là những con cái được thèm khát nhất, được săn đón nhiều nhất. Nên con cái càng xinh đẹp thì tự thấy nó càng kiêu hãnh, càng có nhiều giá trị. Đối với các con cái xinh đẹp, nhan sắc gần như là tất cả!

Con cái cũng cần tinh ranh để nắm bắt được tâm lý con đực. Từ đó, con cái có thể vừa khéo léo khơi gợi bản năng bảo vệ con cái yếu đuối của con đực, vừa có thể khôn khéo tâng bốc để con đực thấy rằng mình là bậc quân tử, là con đực quan trọng, là con đực bản lĩnh, là con đầu đàn biết bảo vệ giống loài... Con cái xinh đẹp luôn luôn có cách để thao túng con đực, kể cả con đực đầu đàn. "Quân tử không qua ải mỹ nhân" là như vậy. Nhưng tất cả việc con cái làm, xét cho tận cùng là cũng để tự bảo vệ sự an toàn cho nó và con của nó. Từ đó nó cũng chứng minh cho các loài khác cũng như với đồng loại, rằng nó là con cái có tầm quan trọng, theo một cách khác với con đực. Nếu không có nhan sắc, không có con đực to lớn theo đuổi và bảo vệ, cung cấp thức ăn và hang ổ cho nó, con cái cũng cảm thấy cô đơn, sợ hãi và ít giá trị đi!

Như đã thấy, con cái cũng như con đực, mọi việc nó làm cũng chỉ để đảm bảo được hai yếu tố: an toàn về xác thân và khẳng định tầm quan trọng của nó về mặt tâm lý. Nhưng khẳng định tầm quan trọng của nó về mặt tâm lý, dù là đặc trưng duy nhất chỉ loài người mới có nhưng về bản chất sâu xa, việc khẳng định tầm quan trọng về mặt tâm lý cũng chỉ là để đảm bảo an toàn về mặt xác thân mà thôi. (Sâu xa hơn nữa thì xin được thể hiện ở một bài viết khác).

Rõ ràng, bản chất của con người là cô đơn, trống rỗng và sợ hãi. Vì cô đơn, trống rỗng và sợ hãi cho nên nó mới tụ tập lại thành bầy đàn, bộ tộc, bộ lạc, và sau này thành nhà nước. (Xin để lại một ngoặc đơn cho một ý nghĩa khác về việc tổ chức thành tập thể, có thể là thiêng liêng, nhưng sẽ được trình bày ở những bài viết khác). Cũng vì cô đơn, trống rỗng và sợ hãi nên con người mới tự ĐỒNG HÓA mình với những thứ to lớn hơn, đẹp đẽ hơn, lộng lẫy hơn, giàu có hơn, sang trọng hơn, cao quý hơn... để từ đó, họ thấy mình ít trống trải hơn, ít cô đơn hơn, thêm xinh đẹp hơn, quan trọng hơn, quyền lực hơn, cao quý hơn... Những điều này đảm bảo cho họ sự an toàn thân xác và an toàn về mặt tâm lý. Sự ham muốn này dần dần mang tính bản năng.

Do đó, xã hội loài người nào còn mông muội, còn nhiều tính mọi rợ nguyên thủy thì ở xã hội đó, con đực càng thèm khát sự thành công nhiều hơn, mà thành công ở đây là sự giàu có về vật chất, bạc tiền. Cho nên, ở đó sẽ còn nhiều sự bóc lột cũng như bạo lực và nhiều vấn nạn tham nhũng, cướp bóc, lừa gạt, tráo trở khác. Những con đực thèm khát quyền lực, nhà cao cửa đẹp, xe cộ và bạc tiền để chứng tỏ hoặc thị uy sức mạnh của nó với đồng loại, với kẻ thù như một sự tự bảo vệ chính mình và giống nòi của mình. Hãy để ý những người giàu có sợ bị mất của cải như thế nào. Hãy để ý những người nghèo thèm khát và đố kỵ với sự giàu có như thế nào. Cũng hãy quan sát xem người ta vừa sợ hãi lại vừa thèm khát quyền lực như thế nào.

dcdn-3

Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 nói rằng: Hành tinh này không cần thêm những người thành công. Hành tinh này cực kỳ cần thêm những người kiến tạo hòa bình, những người biết hàn gắn, những người bảo tồn, những người kể chuyện, và những người biết yêu thương mọi loài.

Trong xã hội mông muội đó, con cái không có gì khác hơn là làm đẹp bằng mọi giá và học các nghệ thuật làm đẹp cũng như nghệ thuật quyến rũ con đực, thậm chí cả kỹ thuật giường chiếu. Con cái làm mọi thứ để thỏa mãn, hầu hạ hay chinh phục con đực. Việc kết hôn, do đó, không dựa trên tình yêu chân thật mà dựa vào sự trao đổi thân xác và bạc tiền, là sự lựa chọn "môn đăng hộ đối" hay là lựa chọn phối ngẫu để duy trì nòi giống. "Cưới vợ xem tông, lấy chồng chọn giống" dựa trên khả năng sức vóc để kiếm ăn và bảo vệ vợ con của con đực, và dựa trên đặc điểm mắn đẻ của cơ thể con cái như ngực nở, eo thon, mông to và xương chậu rộng. Hôn nhân thiếu vắng đi tình yêu chân thật đã làm khổ cả con cái lẫn con đực, rồi cả con cái của họ. Từ đó, người ta lại cho rằng "hôn nhân là mồ chôn của tình yêu" mà không hiểu được rằng thứ "tình yêu" ban đầu đặt nền móng cho cuộc hôn nhân đó vốn đã không thực sự là tình yêu rồi. Thứ na ná tình yêu thì có hàng trăm hàng ngàn, nhưng tình yêu thì chỉ có một. Tình yêu là thứ rất hiếm hoi ở những xã hội còn mông muội!

Cũng như tất yếu, việc bán 'vốn tự có' hay ‘bán trôn nuôi miệng’ cũng vì thế mà lên ngôi, trở nên phổ biến hơn. Vì thế, sự giàu sang và vật chất luôn được con người trong xã hội đó thèm khát và tôn thờ. Thành công trở thành một thứ đạo đức xã hội. Kẻ thành công thì vẻ vang vì được xã hội xem trọng, kính nể. Người không thành công thì tự ti, sợ hãi và cô đơn vì bị xã hội đó khinh rẻ, xem thường.

Càng cô đơn, càng sợ hãi thì càng thèm khát quyền lực và giàu sang vật chất. Càng thèm khát quyền lực, vật chất và bạc tiền thì càng tranh giành, cướp đoạt và triệt hạ lẫn nhau, lừa lọc nhau, bóc lột nhau để nhanh giàu, nhanh thành công, để được thiên hạ xem trọng, nể sợ. Từ việc cạnh tranh, cướp đoạt, lừa lọc, bóc lột nhau làm con người càng mất niềm tin vào giống loài và cuộc sống hơn, càng tự ti hơn, càng sợ hãi hơn, càng cô đơn hơn. Càng cô đơn, càng sợ hãi thì càng thèm khát quyền lực và giàu sang vật chất hơn nữa... Cứ như vậy, cái vòng tròn luẩn quẩn cứ như vòng kim cô xiết chặt lấy đời sống con người, bóp nghẹt thân phận con người. Con người dần dần trở nên nông cạn, vô cảm, tàn nhẫn và mọi rợ hóa. Tình yêu, lòng yêu thương, lòng bi mẫn là thứ rất hiếm hoi ở trong những xã hội rừng rú và mông muội.

Nếu trả lại giá trị đúng của vật chất: áo quần và giày dép được mặc chỉ để bảo vệ thân thể khỏi nóng lạnh, rét mướt. Thức ăn chỉ để nuôi sống cơ thể - "ăn để sống chứ không phải sống chỉ để ăn." Nhà cửa chỉ để che mưa nắng, bảo vệ cơ thể con người khỏi phong ba bão táp của thiên nhiên, khỏi đe dọa của thú dữ. Xe cộ chỉ là phương tiện đi lại để giúp con người di chuyển cho nhanh chóng và tiện lợi, đảm bảo an toàn cho cơ thể. Tức là tất cả chỉ là phương tiện phục vụ cuộc sống. Nếu vật chất được đặt lại đúng vị trí, đúng giá trị vốn có như vậy thì lúc đó thế giới sẽ khác, sẽ bớt tranh giành, sẽ không còn chiến tranh, không còn bóc lột... Người với người sẽ sống hòa ái với nhau. Thế giới thực sự sẽ thanh bình. Thanh bình đúng nghĩa!

Sở dĩ, thế giới trở nên đảo điên vì đồ vật thì được yêu thương còn con người thì bị lợi dụng một cách tàn nhẫn! Vì vậy, lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng và nay là lãnh tụ Phật giáo cả thế giới, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14, mới nói rằng: Hành tinh này không cần thêm những người thành công. Hành tinh này cực kỳ cần thêm những người kiến tạo hòa bình, những người biết hàn gắn, những người bảo tồn, những người kể chuyện, và những người biết yêu thương mọi loài.

Nhưng ai sẽ trả lại những giá trị đúng đó cho đồ vật? Đó chính là mỗi con người chúng ta. Những người nhận thức được bản chất của sự vật, bản chất của con người, và bản chất của xã hội loài người. Người ta thường sợ hãi những gì người ta không biết hoặc không hiểu. Nếu đủ can đảm đối diện với nỗi cô đơn, đối diện với nỗi sợ hãi trong mình rồi từ đó hiểu được nó, sẽ xóa đi được cô đơn và sợ hãi thì lúc đó, mọi thứ sẽ trở về đúng trật tự của nó, đúng vị trí của nó. Tình yêu chân thực vì thế mà sẽ được khởi phát và bừng sáng. Không thể có ánh sáng tình yêu ở những con người mông muội, cũng giống như không thể có ánh sáng ở những nơi tối tăm. Không phải áo quần, không phải xe cộ, không phải nhà cửa, không phải danh tiếng, TÌNH YÊU là thứ duy nhất làm con người không còn là "con" nữa!

Tình Yêu, hay Tự Do, hay Hạnh Phúc, hay Sáng Tạo, hay Dân Chủ... hay bất cứ tên gọi nào mà bạn muốn (chỉ là ngôn từ thôi) sẽ bắt đầu khi con người hiểu được bản chất của chính mình và sự vật. Chỉ khi con người tự vượt qua sự ngu dốt của chính mình, tự siêu việt chính mình thì Tự Do và Hạnh Phúc thật sự mới mỉm cười với họ. Cũng như vậy, khi bóng tối tan biến thì cũng là lúc ánh sáng được soi rọi. Dân chủ đa nguyên cũng từ đó mà bắt đầu thôi. Cho nên dân chủ đa nguyên chắc chắn không bao giờ có bạo lực, một thứ bản năng mông muội, đi kèm. Dân chủ đa nguyên chính là tình yêu ở trong bạn. Nó bắt đầu từ chính trong tim bạn!

"Một niềm tin mai đây chiến thắng tìm vào đôi lòng giữa phút tương phùng." Lúc mà tình yêu ĐÚNG NGHĨA đối với chính mình, đối với gia đình mình, với tất cả mọi người xung quanh mình, và với hành tinh này được thắp sáng ở trong tim bạn, đó là lúc mà những trái tim của chúng ta sẽ "tương phùng" với nhau giữa loạn lạc này. Để từ đó, chúng có thể chiến thắng cái ngu dốt, cái tham lam, bạo quyền và độc tài, xây dựng nên một xã hội dân chủ đa nguyên đúng nghĩa. Đó chắc chắn là một xã hội tràn ngập tình người, bình an và hạnh phúc!

Trương Sỏi

(14/2/2022)