"Anh San còn bẻ gậy chống trời nữa không ?" (Nhiều tác giả)
Câu chuyện về bạn có thể viết được một cuốn tiểu sử rất dày về đời tư, đời công và đời tù của một nhà tranh đấu. Nói như thế có nghĩa là bạn đã sống từng trải, đã là một ngôi sao trong nghề nghiệp của chính bạn, đã khôn khéo trong cách ứng xử với thế nhân.
Trần Danh San
Tưởng Năng Tiến, RFA,
11/02/2022
Nơi chương 33, trong cuốn Đèn Cù I (1) tôi đọc được câu : "Bị đánh đuổi sau Nhân văn – Giai phẩm, Nguyễn Mạnh Tường đói quá – có lần lả đi ở đường Trần Hưng Đạo…"
Bộ thiệt vậy sao ?
Thiệt chớ ! Chính người trong
cuộc cũng khẳng định vậy mà :
"Chúng tôi có một con chó do
bạn bè cho. Nó rất khôn và chúng tôi yêu nó lắm. Nhưng nó đã già và chúng tôi
không còn khả năng mua cho nó thịt và những thức ăn tăng sức, nó không còn sức
đứng lên trong chuồng, ngẩng đầu nhìn tất cả chúng tôi, với một ánh mắt tin yêu
của loài vật, chắc chắn với những dòng nước mắt và một nỗi buồn sâu thẳm vì đã
đến lúc phải rời chủ. Chúng tôi bật khóc khi nó nấc những hơi thở cuối
cùng…" (2).
Ủa ! Sao luật sư ở bên Tây về
(với hai cái bằng tiến sĩ lận) mà đói dữ vậy cà ?
Theo nhiều người thì vì
Nguyễn Mạnh Tường có "dây dưa" với nhóm Nhân Văn nên bị trừng
trị. Cũng không ít kẻ nghĩ rằng ông bị chế độ hiện hành "chôn
sống" vì đã trót dại lên tiếng (3) trong một phiên họp của Mặt Trận
Tổ Quốc, vào hôm 30 Tháng Mười, 1956.
Thực ra, số phận của Nguyễn
Mạnh Tường (nói riêng) và nhóm luật sư miền Bắc (nói chung) đã được
"an bài" trước đó :
"Ngày 17/11/1950, Hồ Chí
Minh ký Sắc lệnh số 158-SL, quyết định việc bổ sung cán bộ công nông vào ngạch
thẩm phán và thăng bổ các thẩm phán tòa án nhân dân huyện lên tòa án nhân dân
tỉnh… Từ đây, theo ông Vũ Đình Hòe : ‘các thẩm phán huyện, đa số là đảng viên cộng
sản, chỉ qua lớp chính trị và nghiệp vụ’. Quan điểm lựa chọn thẩm phán chủ yếu
‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư
pháp Việt Nam" (4).
Muốn biết cái nền tư
pháp công nông hóa của bác Hồ "ảnh hưởng lâu dài" ra
sao, xin xem qua dáng điệu và cử chỉ của một vị thầy cãi (được
"mời bào chữa" cho ông Hoàng Minh Chính) sau khi nhân vật này
bị bắt lại, vào năm 1996 :
"Hôm xử Chính tôi không ra đứng
ở cổng tòa mà đến Hồng Ngọc tối trước. Đang trò chuyện thì ông luật sư K. gia
đình mời bào chữa cho Chính đi vào. Một cái bóng lúp xúp. Cụp vai, cúi đầu thì
thào dăm ba câu, cái dáng sợ bị nghe trộm, nhòm trộm. Tuy nhớn nhác nhưng ông
trung thực, trước sau chỉ khe khẽ chối (nhưng lại gắt) : Tôi không cãi được… ý
gia đình như thế thì không cãi được đâu.
Hà, con gái cả Chính kêu lên : Thế
thì im hả bác ? Lúng túng giây lát ông luật sư lại gắt giọng nhưng vẫn thì thào
: Không cãi được mà. Tôi hỏi thế nghĩa là gia đình nhận tội thì cãi được ? Ông
nói : Đã nhận thì cần gì cãi. Rồi lúp xúp đi ra. Ông biết trong bóng tối quanh
đây đầy những con mắt lúc này đang theo đõi chặt. Rồi máy ghi âm. Có khi chụp ảnh
nữa. Qua tư thế ọp ẹp, ông cố để lộ rõ ông đầu hàng Nhà nước" (5).
Giới luật sư ở miền Nam thì
không thế : không "nhớn nhác", không "lúp xúp", không
"cụp vai", không "thì thào" gì sất. Đã thế, họ còn
nói rất to ("bằng loa phóng thanh") cho cả bàn dân thiên hạ
nghe luôn :
Sau sự kiện giới trí thức Tiệp Khắc
ban hành Hiến Chương 77 chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản Tiệp Khắc, tại Sài
Gòn, trong vòng đai lửa của chế độ mới, hai Luật sư Trần Danh San và Triệu Bá
Thiệp không thể im lặng. Cả hai đồng hoàn thành văn bản "Tuyên ngôn
Nhân quyền của những người Việt Nam khốn cùng".
Hai anh và nhóm trí thức bất khuất
gồm hơn mười luật sư, giáo sư, kỹ sư trước 1975 hành nghề tại Huế và Sài Gòn đã
hẹn nhau chia làm hai ngã tiến theo hai đường tập trung trước Nhà Thờ Ðức Bà
vào chiều ngày 23 tháng 4, 1977. Trần Danh San dùng cái loa phóng thanh qua một
máy ghi âm nhỏ đọc lên bản ‘Tuyên ngôn Nhân quyền của những người Việt Nam khốn
cùng’ đến cùng đồng bào Sài Gòn, cũng của miền Nam lẫn miền Bắc đang mong chờ lần
phục sinh từ bãi lầy cộng sản…
Trong trại giam Phan Đăng Lưu anh
nhận đòn tứ trụ với sức chịu đựng tưởng chừng như không thực : Với thân hình
cao không quá "một thước-sáu" nhận đòn đánh hội đồng từ bốn tên lực
lưỡng chuyên nghiệp tra khảo người.
Sau những trận đòn chạm tới điểm
chết, sau những tháng kiên giam nơi hầm tối của anh, viên cán bộ trưởng trại
Phan Đăng Lưu có câu hỏi : Anh có ngừng chống đối không ? Trần Danh San trả lời
chắc chắn : Chống đối là điều tất nhiên ! Câu trả lời được nhiều bạn tù nơi
Phan Đăng Lưu năm ấy hiện nay đang cư trú tại vùng Nam Cali nghe rõ (6).
Chưa hết đâu !
Sau đó, khi ở A-20 – nơi còn
được A-20 Nguyễn Chí Thiệp mệnh danh là Trại
Kiên Giam – Trần Danh San còn tham gia vào việc làm báo chui
(underground press) nữa kìa :
Anh đã chấp nhận đánh đu với tử
thần để vừa cung cấp cho mọi người những thông tin cập nhật, những bài viết
giúp họ mở mang kiến thức, kiên định lập trường, vừa giữ vai trò điều hợp một số
hoạt động đấu tranh ở trong trại.
Sau khi Vũ Văn Ánh bị cùm trong xà
lim rồi bị tuyên phạt ‘biệt giam vô thời hạn’, tôi được chỉ định làm ‘thư ký
tòa soạn’ cho tờ báo. Nhiệm vụ của tôi là tuyển chọn bài, sửa chữa chút đỉnh
chính tả, văn phạm rồi giao cho Hải Bầu, Ngọc Đen lên khuôn ; sau đó tôi kiểm
soát lại lần cuối và phát hành. Trần Danh San kín đáo giao cho tôi một bài viết
rất hay : Vì Sao Chúng Ta Tranh Đấu. Tôi đã giao cho Hải Bầu, Ngọc Đen đăng
trong Hợp Đoàn số 4. Bài viết được nhiều anh em tù, đặc biệt là những anh em tù
chính trị có án, ưa thích (7).
Đến tờ Hợp Đoàn số 5 thì
cả đám lần lượt… vô cùm. Riêng Vũ Ánh, Trần Danh San, Nguyễn Chí
Thiệp thì bị cùm hơi lâu khiến A-20 Nguyễn
Thanh Khiết đâm ra sốt ruột và xót ruột :
Sáu năm biệt giam
ba muỗng nước, ba muỗng cơm
chưa lần lung lay ý chí
một đời anh - một đời sĩ khí
bước thấp, bước cao cắn nhục
mà đi
ngọn bút hiên ngang
thay làn tên mũi đạn
giữa trại thù nét mực chưa
phai
Dù thế, dù "sáu năm biệt
giam/ba muỗng nước/ba muỗng cơm" nhưng Trần Danh San vẫn không hề nao
núng :
"Tôi nhớ trại trưởng phân trại
E của A-20, Lê Đồng Vũ mà chúng ta gọi là Tư Nhừ vì hắn mang lon thiếu tá công
an, giọng lúc nào cũng nhừa nhựa như thằng say rượu, không biết nó sẽ rút cây
K-54 ra bắn mình lúc nào, hỏi khích… : ‘Thế nào, anh San còn bẻ gậy chống trời
nữa không’. Trần Danh San đáp tỉnh bơ : ‘Tất nhiên, cán bộ’. Câu chuyện về
bạn có thể viết được một cuốn tiểu sử rất dày về đời tư, đời công
và đời tù của một nhà tranh đấu" (8).
Sao Trần Danh San lại có thể
sống quyết liệt và ngang tàng đến thế ?
Câu trả lời có thể tìm được
qua câu tâm sự của
chính ông với một người bạn đồng tù : "Phải cho thế
hệ sau biết để các em, các cháu có thêm nghị lực, dũng khí đi tiếp con đường
chúng ta đi".
Với ít nhiều chủ quan, tôi
tin rằng không ít quí vị luật sư của thế hệ đến sau (Đặng Đình
Bách, Nguyễn Văn Ðài, Lê Công Ðịnh, Võ An Đôn, Lê Trần Luật, Lê Thị Công
Nhân, Lê Quốc Quân, Nguyễn Bắc Truyển…) đều đã được thừa hưởng cái
"dũng khí" từ những người đi trước như Nguyễn Mạnh Tường,
Trần Danh San...
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 15/02/2022
(tuongnangtien's blog)
(1) Trần Đĩnh, Đèn Cù,
Nhà xuất bản Người Việt Books 2014
(2) Nguyễn Mạnh Tường, Un
Excommunié – Hanoi, 1954 -1991 : Procès d’un intellectuel. Dịch giả Nguyễn Quốc
Vĩ – Kẻ bị mất phép thông công -
Hà Nội, 1954-1991 : Bản án cho một trí thức
(3) "Qua những
sai lầm trong cải cách ruộng đất – Xây dựng quan điểm lãnh đạo "
(4) Huy Đức, Bên Thắng Cuộc , tập II, OsinBook, USA : 2012
(5) Trần Đĩnh, s.đ.d.,
tập II, chương
27
(6) Phan Nhật Nam. "Trần
Danh San, Tiếng Hò Khoan Đã Tắt"
(7) Phạm Đức Nhì, "Nén
Nhang Cho Một Anh Hùng"
(8) Vũ Ánh, "Bài
Điếu Văn Cho Trần Danh San Một A-20 Vừa Ra Đi Vĩnh Viễn"
************************
Trần Danh San, Tiếng hò khoan
đã tắt
Phan Nhật Nam, Diễn Đàn Thế
Kỷ, 13/11/2013
Ngày 11 tháng 11 năm 1960, ngày lực
lượng Nhảy Dù thực hiện cuộc binh biến báo hiệu cơn sóng gió của chiến cuộc
và chính cuộc Miền Nam. Cũng là ngày gã thiếu niên 17 tuổi hiểu rõ Nỗi Đau và Sự Chết
có thật dâng lên ngập ngập trong thân, trong lòng. Cảm giác, phản ứng nôn
nao sinh tâm lý làm nghẹn đường thở, rì rầm âm động nơi trái tim với câu hỏi
: Mẹ bây giờ ở đâu ? Mẹ sống, chết ra làm sao ? Em
đang nơi nào ? Làm sao để sống ?
Ngày 11 tháng 11 năm nay, 2013, Lễ Cựu
Chiến Binh ở Mỹ, người lính không vũ khí nặng lòng, mệt nhọc, buông
xuôi... Chứng kiến Người Bạn ra đi sau những ngày, giờ chạm dần vào cánh cửa
vô hình hiển hiện của Sự Chết. Trần Danh San ra đi thanh thản sau khi đã sống
đủ một đời kiệt liệt.
Hai luật sư Trần Danh San (trái) và Triệu Bá Thiệp đang chào mừng thân hữu cựu tù Phan Ðăng Lưu trong buổi kỷ niệm ngày ra "Tuyên ngôn Nhân quyền của những người Việt Nam khốn cùng". (Hình : Nguyên Huy/Người Việt)
Tôi với anh không phải là bạn đồng
trang lứa. Anh lớn tuổi thuộc lớp niên trưởng nếu ở trong quân ngũ, của
sinh hoạt văn hóa, chính trị, xã hội Sài Gòn, Miền Nam trước 1975. Anh là luật
sư Tòa Thượng Thẫm Huế, con rể cụ Vũ Đăng Dung, Thủ lãnh
Luật sư Đoàn Sài Gòn, giai cấp xã hội với chuyên môn nghề nghiệp thuộc
thành phần lãnh đạo ở miền Nam, cũng là của hệ thống cầm quyền
thuộc các chế độ dân chủ pháp trị trên toàn thế giới.
Tôi chỉ là sĩ quan cấp úy của một binh chủng thuần thành tác chiến. Nhưng
chúng tôi đã nên thân thiết qua một liên hệ bằng hữu chặt chẽ. Bởi
cả hai cùng chung trận tuyến quyết liệt không chấp nhận người, chủ nghĩa,
chế độ cộng sản. Cho dẫu hơn ai hết, tôi và anh đồng hiểu rõ chỉ là
hai cá nhân hạn chế bởi những điều kiện khách quan lẫn chủ quan, vật
chất và tinh thần cần thiết cho cuộc chiến đấu không khoan nhượng và không cân
sức nầy. Cuộc chiến đã bị thất bại cụ thể với ngày 30 tháng 4
năm 1975. Nhưng chúng tôi không hề thất vọng và tiếp tục phần đương cự trong
những hoàn cảnh, điều kiện riêng.
Tôi không hề ngoa ngôn, xưng
tụng vô cớ. Xin minh chứng sức mạnh tinh thần, bản lãnh kiên cường của một Con
Người – Điển hình của Kẻ Sĩ Việt Nam
Năm 1977, Sài Gòn, miền Nam đang
trong gọng kìm gay gắt của chế độ cộng sản theo khuôn mẫu trại lính của
Liên Xô thời Stalin. Đúng ra là hình thái trại tập trung khổng lồ nối dài
từ miền Bắc theo khuôn mẫu xã hội xã hội chủ nghĩa của tổng bí
thư Lê Duẩn. Trại tập trung bao gồm toàn bộ quân dân cán chính
Việt Nam Cộng Hòa và gia đình, cùng tất cả thị dân miền Nam. Khối
đông người được nói rõ ra là bị xếp vào hạng thứ 14 của 15 giai cấp
xã hội theo cách đánh giá từ Bộ chính trị đảng cộng sản Hà Nội.
Hạng thứ 15 là thành phần tội phạm hình sự gia trọng bị chung
thân khổ sai, hoặc chờ thi hành án tử hình của một loại tòa án
nhân dân do những cán bộ cộng sản từ bưng biền miền Nam, từ miền
Bắc vào ngồi ghế chánh án.
Sau sự kiện giới trí thức Tiệp
Khắc ban hành Hiến Chương 77 chống lại nhà cầm quyền cộng sản Tiệp Khắc, tại
Sài Gòn, trong vòng đai lửa của chế độ mới, hai Luật sư Trần
Danh San và Triệu Bá Thiệp không thể im lặng. Cả hai đồng hoàn thành
văn bản "Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Việt Nam Khốn
Cùng". Hai anh và nhóm trí thức bất khuất gồm hơn mười luật sư,
giáo sư, kỹ sư trước 1975 hành nghề tại Huế và Sài Gòn đã hẹn
nhau chia làm hai ngã tiến theo hai đường tập trung trước Nhà Thờ Ðức Bà
vào chiều ngày 23 Tháng 4, 1977. Trần Danh San dùng cái loa phóng thanh qua một
máy ghi âm nhỏ đọc lên bản ‘Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Người Việt Nam
Khốn Cùng’ đến cùng đồng bào Sài Gòn, cũng của miền Nam lẫn miền Bắc đang mong
chờ lần phục sinh từ bãi lầy cộng sản. Anh cố đọc lần thứ hai,
nhưng mới được một nửa thì công an ập tới. Hai Luật sư San và Thiệp
không bị bắt riêng rẽ, hai anh có những người bạn chiến đấu cùng chịu
chung cảnh ngộ gồm các Luật sư, Giáo sư Vũ Đăng Dung, Nguyễn Hữu
Giao, Nguyễn Quý Anh, Vũ Hùng Cương, Trần Nhật Tân, Phạm Biểu Tâm, Huỳnh Thành
Vị, Nguyễn Hữu Doãn, Hà Quốc Trung và Kiến trúc sư Nguyễn Văn Điệp. Nhóm
trí thức bị giam giữ nhiều năm tại các nhà giam khắc nghiệt nhất của
miền Nam. Trại Phan Đăng Lưu, Sài Gòn ; Trại A20, Xuân Phước, Phú Khánh.
Trong tù, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Điệp, Giáo sư Hà Quốc Trung đồng tự sát
; Luật sư niên trưởng Vũ Đăng Dung, nhạc phụ của Trần Danh San lúc ấy
đã qua tuổi 60.
Cần phải nhắc lại những chi tiết.
Chưa tới ba-mươi tuổi, Trần Danh San đã là một trong những luật sư trẻ đã
tham gia chương trình thử nghiệm đầu tiên thành lập chính quyền dân sự tại
tỉnh Quảng Nam do ông Nguyễn Hữu Chi vừa học ở Mỹ về được cử nhiệm
làm tỉnh trưởng năm 1966. Nhưng cuối cùng chương trình này cũng không thành
công vì sức ép của chính quyền quân sự vào thời điểm ấy. Anh trở lại
nghề luật nhưng mang theo một kiến thức, kinh nghiệm sâu xa về nền
chính trị rối ren tại Việt Nam Cộng Hòa, sự hiểu biết tường tận về những
nguyên nhân gây nên tranh chấp trong hàng ngũ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa
và quân đội. Cuộc di tản, rút khỏi miền Trung, sụp vỡ Sài Gòn tháng 3,
tháng 4 năm 1975 với những chi tiết và diễn biến cho tới những ngày cuối đời,
trên giường bệnh, cận tử sinh vẫn là một ám ảnh gây nên mối phẫn hận.
Mối phẫn hận tăng thêm cường độ và
tính cách mới sau 1975 khiến anh và những người bạn chiến đấu không thể im
lặng trước tình cảnh khốn cùng của cả dân tộc. Trần Danh San lên tiếng nói
và trả giá cho quyết định của mình với ý thức không lay chuyển. Trong trại
giam Phan Đăng Lưu anh nhận đòn tứ trụ với sức chịu đựng tưởng chừng
như không thực : Với thân hình cao không quá "một thước-sáu" nhận
đòn đánh hội đồng từ bốn tên lực lưỡng chuyên nghiệp tra khảo người. Sau
những trận đòn chạm tới điểm chết, sau những tháng kiên giam nơi hầm tối của
anh, viên cán bộ trưởng trại Phan Đăng Lưu có câu hỏi : Anh có ngừng
chống đối không ? Trần Danh San trả lời chắc chắn : Chống đối là điều tất
nhiên ! Câu trả lời được nhiều bạn tù nơi Phan Đăng Lưu năm ấy
hiện nay đang cư trú tại vùng Nam Cali nghe rõ.
Chuyển trại từ Phan Đăng Lưu
ra A-20, Xuân Phước, Người tù-Kẻ sĩ Trần Danh San vào ngay "Chuồng cọp
số 5", tức khu biệt giam phân trại E của A-20. Tại đây, Trần Danh
San, Vũ Ánh, Thượng tọa Thiện Minh, Võ sư Nguyễn Sáng... đã bị cùm
liên tiếp trong nhiều năm. Không phải bị cùm thường mà "cùm
Omega" bằng sắt với số vòng cùm nhỏ nhất phải dùng búa mới đóng
vào được cổ chân người tù. Vũ Ánh đã nghe thấy tiếng búa của cai ngục đóng
vòng cùm số 16 vào chân Trần Danh San đáng lẽ phải mang vòng cùm số 18.
Trần Danh San đã không một tiếng kêu. Anh cũng không hề yêu cầu đổi vòng
cùm.
Ở A-20, San thường nói với
Vũ Ánh, chung một đội tù sau khi ra khỏi hầm kiên giam : "Đừng bao
giờ để cho cái đầu bị tê liệt vì cái bụng và cứ coi mình là
một xác chết chưa chôn thì không còn sợ hãi gì cả". Anh
giữ vững nguyên tắc nầy cho đến ngày hôm nay trên giường bệnh lúc chạm
biên giới tử/sinh. Nguyên tắc bức thoát khỏi những ràng buộc của vật chất, thân
xác. Anh thường hoạt kê hóa câu hát "... Khoan khoan
hò ơi... Thuyền... đã đến bến rồi..". để chỉ một sự đã
rồi của tất cả các tình huống.
Vâng, thưa Anh, Luật sư Trần
Danh San, Anh đã đến bến từ một thuở rất lâu. Anh đến trước mọi người
trong những lúc khắc nghiệt nhất. Anh đến và đi như một thản nhiên.
Để nhớ ngày 11 tháng
11, 2013, với Trần Danh San
Phan Nhật Nam
Nguồn : Diễn Đàn Thế Kỷ,
13/11/2013
*******************
Nén nhang cho một anh hùng
A20 Phạm Đức Nhì, Trại Trừng
Giới, 18/11/2013
(Luật sư Trần Danh San, người
đọc Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng tại Vương Cung
Thánh Đường năm 1977, đã ra đi.)
Hai luật sư Trần Danh San (1) và Triệu Bá Thiệp (2) đồng soạn thảo bản "Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng"
Giữa Trần Danh
San và Vũ Văn Ánh, do vị trí chỗ nằm ở nhà 3 lúc mới đến phân trại E,
A20 Xuân Phước, tôi gần và thân Vũ Văn Ánh hơn. Với Vũ Văn Ánh, tôi có thể đặt
câu hỏi trực tiếp về những điều mình muốn biết và được anh trả lời đầy đủ, cặn
kẽ. Với Trần Danh San, tôi phải rình những lúc anh trò chuyện với mọi
người để len lén đến ngồi nghe ké. Nguyễn Hữu Hồng, một sĩ quan trẻ và
cũng hay ngồi nghe ké như tôi, có lần phát biểu: "Tay này đúng là trên
thông thiên văn, dưới thông địa lý, cái con mẹ gì hắn cũng biết. Đáng nể thật".
Nhờ những lần nghe ké như vậy sự hiểu biết của tôi được mở mang rất nhiều.
Nhưng điều làm tôi khoái Trần
Danh San là lý do anh bước vào tù. Lúc ấy, ngoài những sĩ quan trình diện
cải tạo như tôi, còn rất nhiều người khác bị bắt vì đã lãnh đạo hoặc tham gia
các tổ chức chống lại bạo quyền cộng sản. Bấy giờ họ đã vào tù. Nhưng trước đó,
khi nhập cuộc với hoài bão đòi lại quê hương, đất nước, giành lại tự do cho dân
tộc, ai chẳng ít nhiều hy vọng, ước mơ có ngày công thành danh toại.
"Ai đã từng chiến đấu, đã hy sinh
Mà chẳng có vì một chút mình trong đó".
Việc Kinh Kha nhận lời Thái Tử
Đan đi ám sát Tần Thủy Hoàng "diệt hôn quân, trừ bạo chúa cứu muôn triệu
dân lành" rõ ràng là một hành vi anh hùng, vì đại nghĩa. Chuyến đi qua
sông Dịch của ông lành ít dữ nhiều; canh bạc 8, 9 phần thua, chỉ có 1, 2 phần
thắng. Nhưng 1, 2 phần ấy vẫn là có hy vọng: hy vọng giết được Tần Thủy Hoàng để
thỏa mãn mộng công hầu khanh tuớng.
Trần Danh San thì khác. Sau
khi cùng luật sư Triệu Bá Thiệp soạn thảo bản "Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho
Những Người Việt Nam Khốn Cùng", cả hai đã hẹn nhau đem loa phóng thanh đến
Vương Cung Thánh Đường trịnh trọng tuyên bố trước bàng dân thiên hạ rồi tươi cười
bước lên xe công an, đến số 4 Phan Đăng Lưu… ngồi tù. Kinh Kha còn có 1, 2 phần
hy vọng chứ Trần Danh San thì chuyện vào tù là chắc như đinh đóng cột; 10 phần
thì vào tù hết cả 11. Kinh Kha và Trần Danh San đều đáng gọi là anh hung ; tuy
cái giá mà Trần Danh San phải trả để được gọi là anh hùng nhẹ hơn, nhưng cái
anh hùng của Trần Danh San lãng mạn hơn, đẹp hơn, nhân bản hơn và dễ thương hơn
nhiều.
Có nhiều người ở ngoài đời thường,
ở ngoài xã hội thì ra vẻ rất anh hùng, nhưng bước vào nhà tù cộng sản (dù chưa
khắc nghiệt, hắc ám như A20) đã phải giơ tay phân bua với cai tù, với bè bạn là
"Tôi, Nguyễn Văn A ngày xưa đã chết, bây giờ là một con người mới…",
hoặc luồn lọt, làm ăng ten, chỉ điểm cho bọn cai tù đến độ đồng đội, đồng nghiệp
của họ đã phải thốt lên "Phạm Văn B đã chết". Trần Danh
San không chết dễ dàng như vậy. Giữa không khí ngột ngạt của một nhà tù hắc
ắm, khắc nghiệt như A20, anh đã cùng Vũ Văn Ánh, Nguyễn Chí Thiệp khởi
xướng tờ báo Hợp Đoàn. Anh đã chấp nhận đánh đu với tử thần để vừa cung cấp cho
mọi người những thông tin cập nhật, những bài viết giúp họ mở mang kiến thức,
kiên định lập trường, vừa giữ vai trò điều hợp một số hoạt động đấu tranh ở
trong trại.
Sau khi Vũ Văn Ánh bị
cùm trong xà lim rồi bị tuyên phạt "biệt giam vô thời hạn", tôi được
chỉ định làm "thư ký tòa soạn" cho tờ báo. Nhiệm vụ của tôi là tuyển
chọn bài, sửa chữa chút đỉnh chính tả, văn phạm rồi giao cho Hải Bầu, Ngọc
Đen lên khuôn; sau đó tôi kiểm soát lại lần cuối và phát hành. Trần
Danh San kín đáo giao cho tôi một bài viết rất hay : "Vì Sao Chúng Ta
Tranh Đấu". Tôi đã giao cho Hải Bầu, Ngọc Đen đăng trong Hợp Đoàn số 4. Bài
viết được nhiều anh em tù, đặc biệt là những anh em tù chính trị có án, ưa
thích.
Tết Nhâm Tuất 1982, tôi đã nghe lời
3 thằng điên : Vũ Mạnh Dũng, Hải Bầu, Ngọc Đen chơi 5 buổi văn nghệ
chống bạo quyền cộng sản, sau này được anh em gọi là "Những Tiếng Hát Bừng
Sáng A20". Ngay khi buổi chơi đầu tiên ở nhà 3 kết thúc, anh San đã chờ mọi
người giải tán hết, đến trước mặt tôi nói "Anh Nhì ! Tôi xin phép anh được
dành trọn một chương trong quyển sách mới của tôi viết về những gì các anh đã
làm ngày hôm nay". Rồi rất tình cảm, anh nhỏ nhẹ nói tiếp "Phải cho
thế hệ sau biết để các em, các cháu có thêm nghị lực, dũng khí đi tiếp con đường
chúng ta đi". Lời khích lệ của anh đã cho chúng tôi thêm can đảm để chơi 4
buổi văn nghệ kế tiếp. Năm 2011, gặp lại anh ở Cali, tôi vừa cười vừa nói
"Anh San ! Anh còn thiếu bọn tôi một món nợ đó nghe !". Anh vỗ vai
tôi cười cười nói lảng sang chuyện khác.
Nói đòi nợ là nói vui với anh vậy
thôi. Cũng từng chơi cái trò viết lách, lẽ nào tôi không biết văn chương thì phải
có dịp thuận tiện, phải có hứng mới viết được. Anh chẳng phải nợ nần gì với bọn
tôi cả. Với "Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn
Cùng", với tờ báo Hợp Đoàn ở A20 Xuân Phước, với "Vì Sao Chúng Ta
Tranh Đấu", với giọng nói sang sảng, lối kể chuyện gọn gàng, mạch lạc, nụ
cười tươi, và với thái độ khiêm tốn, nhã nhặn, vui vẻ với mọi người của anh,
chúng tôi, những người tù A20 Xuân Phước, và cả lớp trẻ sau này ở trong nước và
hải ngoại, đều thiếu anh một món nợ. Món nợ ấy chỉ có thể trả bằng việc tiếp tục
con đường của anh, dấn thân đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho dân tộc
Việt Nam.
Có lẽ tôi sẽ không có mặt ở Cali
để đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Xin mượn mấy lời chân tình, xem như một
nén nhang, để vĩnh biệt một người bạn, một người anh, một anh hùng với tất cả
những ý nghĩa cao đẹp của nó.
Galveston ngày 13 tháng 11 năm
2013
A20 Phạm Đức Nhì
Nguồn : Trại Trừng Giới,
18/11/2013
**************************
Bài điếu văn cho Trần Danh San
một A-20 vừa ra đi vĩnh viễn !
A20 Vũ Ánh, Trại Trừng
Giới, 13/01/2013
San thân,
Dù đã đoán trước được ngày giờ
này đến với bạn sẽ không xa cái ngày ở tôi và Vũ Hùng Cương đến thăm
và ở lại tán gẫu với bạn cả buổi sáng tại bệnh viện. Buổi sáng hôm đó, tôi đã
nghe bạn nói với người bác sĩ điều trị : "Dù muốn dù không tôi
cũng sẽ ra đi, đừng lo lắng thái quá cho tôi". Trần Danh
San là như thế ! Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng không phải chỉ ở vào thời
điểm bạn đã nằm trên giường bệnh vì ung thư phổi mà ngay từ thời gian luôn luôn
chúng ta phải đối mặt trực diện với kẻ thù từ những năm đầu của biến cố
30/4/1975. Tôi nhớ cái ngày chúng tháo cùm mở cửa xà lim để chuyển chúng ta vào
khu chuồng cọp "sang trọng" hơn ở trại B, đôi cổ chân của bạn sưng
lên như chân voi, cái dấu cùm 16 lún xuống thành hai cái vòng. Chúng ta đã kiệt
sức và phải bám vào nhau để lết ra gốc hàng dừa phía sau khu biệt giam chờ lên
xe để chuyển trại. (Khu biệt giam hay khu chuồng cọp phân trại B của A-20 Xuân
Phước sang trọng hơn chỉ là mới hơn rộng hơn về bệ nằm nhưng chế độ ăn uống thì
tệ hại hơn, nước uống được cấp phát dồi dào hơn nhưng nước muối mặn hơn nên dễ
bị phù hơn. Tôi và Trần Danh San bị phù rất nặng đến mức cứ ngủ thiếp đi khi
đang nói chuyện. Nếu ở ngoài các bạn bè tâm phục không liều chết tổ chức cho một
người liều chết leo qua bức tường cao 4 thước có kẽm gai trước họng thượng liên
của vọng gác tiếp tế thuốc vitamin B-1 cho chúng ta, chắc chúng ta cũng không
thể sống nổi).
Những cựu tù nhân trại A-20 ở Mỹ : Vũ Ánh (trái, đứng) Trần Danh San (giữa, ngồi xe lăn) và Vũ Hùng Cương (giữa, đứng)
Tôi nhớ trại trưởng phân trại E của
A-20, Lê Đồng Vũ mà chúng ta gọi là Tư Nhừ vì hắn mang lon thiếu tá công an, giọng
lúc nào cũng nhừa nhựa như thằng say rượu, không biết nó sẽ rút cây K-54 ra bắn
mình lúc nào, hỏi khích bạn : "Thế nào, anh San còn bẻ gậy chống
trời nữa không". Trần Danh San đáp tỉnh bơ : "Tất
nhiên, cán bộ". Bẻ gậy chống trời là từ ngữ đầy tính tự kiêu nhằm
diễu cợt cái thế yếu của những người thua trận như chúng tôi và cái thế
"trời" của những kẻ chiến thắng. Tư Nhừ hay Lê Văn "Nhừ" trả
đũa một cách mỉa mai : "Hai anh trông còn khỏe lắm. Vào trong B tiếp
tục tẩm bổ bằng muối và nghỉ mát để có sức bẻ gậy chống trời !". Chữ
"trời" hắn kéo dài ra mang hơi hám của một lưỡi dao có thể cắt đứt động
mạch chủ của chúng ta bất cứ lúc nào.
Bạn ạ, trưa Thứ Hai vừa rồi, Tăng
Ngọc Hiếu từ Minnesota gọi điện thoại cho tôi báo tin bạn không còn ở với
bọn tôi trên dương thế nữa. Tôi đã biết tin này trước anh Hiếu, nhưng cũng rất
xúc động vì giọng nói như khóc của anh, một người bạn tù lúc nào cũng thuần hậu
và quảng đại với tất cả các anh em. Bạn có biết Hiếu nói với tôi những lời như
thế nào không ? Anh ấy nói : "Ông ơi thằng San nó là một tay chơi
trong tranh đấu. Hình ảnh của nó rất lớn mà chính nó không bao giờ chú ý đến". Chữ
nghĩa tay chơi trong tranh đấu kể ra thì cũng khó diễn đạt. Không biết riêng bạn
thì bạn nghĩ như thế nào và cũng chẳng đứa nào trong chúng tôi nhớ ra để hỏi bạn
khi còn trên trần thế, nhưng cá nhân, tôi nghĩ một "tay chơi trong tranh đấu"
phải là một người đầy bản lãnh, đông bạn bè tâm phục chung quanh, biết nhận lầm
lỗi để sửa chữa, biết thỏa hiệp để lùi một tiến hai, biết tổ chức và duy
trì tổ chức có kỷ luật, thẳng tay loại bỏ những thành viên vô kỷ luật trong tổ
chức và có đủ khả năng thương thuyết nói chuyện với những nhóm khác quan điểm để
làm việc chung. Tăng Ngọc Hiếu, Vũ Hùng Cương cùng nhiều anh em khi
nghe tin bạn vĩnh viễn ra đi đã gọi cho tôi và cho rằng bạn là người có đủ những
đức tính này, là người đi tiên phong và can đảm nêu vấn đề nhân quyền ra trước
bọn người đang điên cuồng vì chiến thắng, sẵn sàng bắn giết bất cứ ai đi ngược
lại suy nghĩ của họ chứ không phải trước một chính quyền chuyên chính đã bớt
chuyên chính hơn như chính quyền Việt Nam ngày nay sau khi Hà Nội đã nhận những
cái tát đích đáng của dư luận thế giới bên ngoài.
Nhưng bọn tôi vẫn nghĩ rằng cái
buổi sáng ở bệnh viện Garden Grove cũng là buổi không hẹn trước mà nên. Hôm ấy
tôi thấy bạn tỉnh táo lắm, đi lại được, đã ngồi dậy được, bộ nhớ của bạn
"on" trở lại. Bạn nói đủ thứ chuyện quá khứ, hiện tại và cả dự phóng
về tương lai. Bạn nhớ tên từng khuôn mặt, tính tình của nhóm anh em tương đối
hiểu nhau ở trại A-20, từ Tăng Ngọc Hiếu, Hiếu "đầu bạc", Ngọc
"đen", Nhì "chính huấn", Hải "bầu", Hải
"cà", Ngô Quốc Việt "pilot", Phụ "dù", Hai, Mỹ,
Tường "dù", Sơn Hồng Đức, Trần Vinh, Cái Trọng Ty, Vũ Long Sơn Hải,
Mai Đức Phi cho tới Vũ Hùng Cương, Lương Văn Ngọ, Bùi Đạt Trung tức Trung
"điên" (San còn phán : Lão ấy chả điên chút nào), Vũ Đức
Nghiêm, Khuất Duy Trác, Võ sư chưởng môn Vovinam Lê Sáng,
ông Châu Sáng Thế (Hồi giáo), các linh mục Nguyễn Văn Vàng, Phan
Văn Trọng, Nguyễn Luân, Thượng tọa Thích Huệ Đăng, Quách Văn Trung, Trần Công
Linh (Biệt Động Quân), Tài "sún", Nhan Hữu Hậu (tùy
viên của nhiều đời thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa), Trịnh Tùng, Tư
"rè" Nguyễn Ngọc Tiên, Lê Thái Chân, Tống Phước Hiến, Lê Quang Minh,
Khúc Thừa Văn (cựu dân biểu Việt Nam Cộng Hòa), cụ Nguyễn Duy
Giá (cựu Tổng Đốc), ông Võ Văn Hải (chánh văn phòng của Tổng thống
Diệm), Trần Quí Phong, Nguyễn Chí Thiệp, Phạm Trần Anh và còn rất nhiều
người khác. Không hỏi thì thôi nhưng nếu hỏi đến một anh em nào, bạn nói ra
vanh vách.
San thân,
Tôi đã đến thăm nhiều đồng đội của
chúng ta lần cuối cùng trước khi họ trở thành người thiên cổ. Cuộc viếng thăm
nào trong hoàn cảnh ấy cũng buồn và có những giọt lệ của tuổi già. Chẳng hạn
như lần tôi và Cương thăm bạn ở khu săn sóc đặc biệt trong khi bạn chờ đợi kết
quả thử nghiệm cuối cùng ở một dưỡng đường trên đường College. Lần ấy, chỉ có bạn
là vui, chiếc máy cassette trong bạn hoạt động với công xuất tối đa, nhưng
chúng tôi thì gần như cạn công xuất. Tuy nhiên, khi tình trạng của bạn được
chính thức coi như hết thuốc chữa và được chuyển về bệnh viện Garden Grove, cuộc
họp mặt tay ba giữa Cương, tôi và bạn trở thành cuộc gặp mặt nhau lần cuối
cùng. Bạn nhắc tới Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền một tác phẩm tiên phong soạn chung
với đồng nghiệp và cũng là bạn thân của mình là luật sư Triệu Bá Thiệp mang ra
đọc trước nhà thờ Đức Bà ngày 23/4/1977 và bản tuyên ngôn này đã được bạn viết
lại trong số báo Hợp Đoàn đầu tiên chúng ta phổ biến ngầm trong trại cải tạo
A-20 Xuân Phước. Trong cuộc gặp ấy, tôi nhắc với bạn rằng không ai tránh được
những yếu điểm của bản thân và bạn cũng vậy. Nhưng chung cuộc thì bạn cũng đã
là người làm toàn vẹn nhất nghĩa vụ đối với vùng đất mà chúng ta lớn lên, học
hành, làm việc và chiến đấu. Những việc làm của bạn, của tôi và những anh em
khác không mang lại sự thành công như chúng ta mong muốn, nhưng ít ra cũng từ
những việc làm đó, chúng ta đã khẳng định được nhân cách của mình, đứng thẳng
lưng để đối đầu trực tiếp với cường quyền. Và nhất là về một mặt nào đó, bạn đã
là người đi tiên phong một cách can đảm và không tính toán thiệt hơn cho cá
nhân mình, gia đình mình trong việc đòi hỏi quyền thiêng liêng của con người phải
được tôn trọng chỉ 2 năm sau khi những người thắng trận điều hành đất nước bằng
một chính sách hẹp hòi, kỳ thị và rừng rú, chà đạp lên quyền sống của mọi người.
San thân,
Câu chuyện về bạn có thể viết được
một cuốn tiểu sử rất dày về đời tư, đời công và đời tù của một nhà tranh đấu.
Nói như thế có nghĩa là bạn đã sống từng trải, đã là một ngôi sao trong nghề
nghiệp của chính bạn, đã khôn khéo trong cách ứng xử với thế nhân, đã có một
vài thiếu sót trong nghĩa vụ đối với gia đình nhưng trong đời công bạn đã làm
việc và chiến đấu không biết mệt mỏi góp phần mưu cầu kiến tạo một xã hội dân sự
tốt đẹp, trọng pháp và quyền con người được tôn trọng.
Mong bạn về cõi bình yên và sống ở
một thế giới khác thênh thang hơn, không còn chiến tranh và cũng chẳng làm gì
còn thù hận. Bạn xứng đáng được hưởng một "cõi" như thế. Cái phúc phần
đáng nói nhất bạn để lại cho trần thế này là tiếng nói tha thiết nhất của một
người yêu nước và yêu con người qua bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1977 mà bạn và luật
sư Triệu Bá Thiệp là đồng tác giả mà kết quả của việc phổ biến nó khiến bạn phải
trả cái giá của tù đầy lâu dài. Bạn cứ yên tâm rằng vắng bóng bạn, chúng tôi vẫn
còn mãi mãi nhớ đến San "lùn" của A-20 Xuân Phước ngày nào
và tôi sẽ nói với những đứa con đã trưởng thành và làm nên của bạn rằng bố San
là người hùng của chúng tôi và cũng là người hùng của chính các cháu đó.
A20 Vũ Ánh
(từ A20 Bùi Đạt Trung)
Nguồn : Trại Trừng Giới,
13/11/2013