Nạn trẻ bị bạo hành ở Việt Nam : vì đâu nên nỗi ? (Thanh Trúc)

"Tại vì mình có Hội Bảo Vệ Trẻ Em, Hội Phụ Nữ này... Về mặt nhân sự thì mình không thiếu bởi vì những nhóm ấy rất đông, nhưng mà họ làm cái gì thì đấy là chuyện khác. Họ được đào tạo ở đâu, được đào tạo cái gì để mà thực hành công việc của họ, đấy cũng la chuyện khác".



Tệ nạn trẻ em bị bạo hành ở Việt Nam có xu hướng tăng cao, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19, và con số 2.000 trẻ bị đối xử bằng bạo lực trong năm 2021 chỉ là một phần rất nhỏ bị phát hiện mà thôi.

Đó là nhận định của bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo Vệ Trẻ Em thuộc UNICEF - Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc, tại buổi tọa đàm về ‘Bạo Hành Trẻ Em : Vấn nạn nóng cần chung tay xóa bỏ’, diễn ra chiều 21/1 vừa qua.

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm đã nêu nghi vấn tại sao những hành động bạo hành thiếu nhi, hoặc bạo lực đối với trẻ trong gia đình khi phát hiện đã quá muộn.

Quá muộn có nghĩa là khi mức độ thương tổn nơi trẻ đã trầm trọng, là vì người lớn không lên tiếng sớm. Đây là lý giải và cũng là cách đặt vấn đề của Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ở Việt Nam.

Theo ý kiến của Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đã cho phép RFA trích dẫn lại, thì nguyên nhân là vì bố hoặc mẹ ruột của trẻ ‘dung túng’ cho hành vi bạo hành con trẻ.

Hai vụ gây chấn động dư luận gần đây là vụ một em gái 8 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh bị mẹ kế đánh chết, và một trẻ 3 tuổi ở Hà Nội bị nghi người tình của mẹ găm đinh vào hộp sọ của em. Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, cha mẹ hoặc người thứ ba hoàn toàn không nắm được kiến thức về luật pháp, trong lúc bố mẹ phải có trách nhiệm bảo vệ con cái, và rằng bạo hành trẻ em là hành động phạm pháp.

Trong một vụ bạo hành thì cha hay mẹ là những người trực tiếp đánh đập, hành hung, làm trẻ bị thương tích ; người thứ ba là người phối ngẫu hay đôi khi có thể là người ngoài biết chuyện…Nhưng do không hiểu biết luật pháp nên không coi người bạo hành trẻ em là tội phạm. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng giải thích

"Nhiều người có thể sống trong mối quan hệ không cân bằng về quyền lực. Họ sợ người thứ ba sẽ bỏ đi, sợ mối quan hệ của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu lên tiếng phản đối hành vi bạo hành. Cũng có thể, họ quá bận rộn với công việc mưu sinh của mình mà không chú ý đến những thay đổi của con, những tổn thương của con mà chỉ nghĩ đơn giản rằng trẻ con có thể nghịch ngã chứ không đặt ra nghi ngờ"

"Tôi cũng nghĩ rằng rất nhiều người thiếu kỹ năng thương thuyết với người thứ ba nên dẫn đến những câu chuyện đau lòng như vừa rồi".

Trao đổi với RFA, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Coins4Change chuyên hoạt động trong lãnh vực bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, bà Tăng Thị Duyên Hồng, nói rằng bạo hành trẻ em là vấn nạn chung của con người mọi nơi và mọi lúc. Riêng tại Việt Nam, bà nói bà hoàn toàn đồng ý với chuyên gia UNICEF rằng con số 2.000 trẻ bị bạo hành năm 2021 chỉ là phần nhỏ : 

"Đúng là bạo hành, bạo lực trẻ em có nhiều hình thức, Việt Nam căn bản là chưa thống kê được thôi chứ không chỉ có nhiêu đó. Ví dụ ngay chỗ tôi ở đây cũng thế. Đánh con mà cả bố cả mẹ hùa vào đánh chứ không phải một mình bố đánh hay một mình mẹ đánh, và mọi người coi chuyện đấy là bình thường".

"Cái đấy là bạo lực cơ thể, rồi bạo hành về tinh thần ; bố mẹ đánh nhau trước mặt con cũng là một dạng bạo hành. Giống như con gái tôi hôm qua có bạn gọi điện vào, bé chỉ mới học Lớp 5 thôi, nói rằng muốn bỏ nhà ra đi, ba nó uống rượu say rồi lấy cái chai lọ gì trong nhà đánh mẹ nó mà nó đứng bên cạnh. Việc để con chứng kiến những cảnh đó, hay cảnh ba mẹ chửi rủa nhau, cũng là một dạng bạo hành trẻ con"

Do vậy không chỉ bản thân mình bị đánh đập mà những hành vi bạo lực giữa cha mẹ theo tâm lý học sẽ hình thành tính cách, cái nhìn, niềm tin và quan điểm tiêu cực của con trẻ đối với gia đình, hôn nhân, quan hệ giữa người nam với người nữ và những hệ lụy khác : 

"Mà ở Việt Nam thì tất cả những cái ấy là ‘chuyện thường ngày ở huyện’. Người ta không coi đứa trẻ như một con người cần được tôn trọng và được đối xử công bằng, kiểu như trẻ con thì biết gì đâu, trẻ con thì đòi hỏi cái gì, ba mẹ nuôi cho là phải biết trả ơn. Ngay cả việc bắt trả ơn, sau này phải nuôi lại ba mẹ, cũng là một cách bạo hành rồi"

"Rất là nhiều vấn đề, nếu muốn nói về trẻ em và quyền trẻ em trên nhiều phương diện khác nhau, đặc biệt về tâm lý, thì Việt Nam còn nhiều thứ để nói".

Từ góc độ và khía cạnh pháp luật, Cục trưởng Cục Bảo Vệ Trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, cho rằng một số người dù có nhận thức bạo hành trẻ em là phạm pháp, song vì không có niềm tin, không biết đường tố cáo, cũng không dám chắc bản thân người tố cáo hành vi bạo hành trẻ con có được an toàn hay không.

Tuy nhiên với quy định pháp lý, ông nhấn mạnh, với các dịch vụ như tổng đài 111, trách nhiệm xử lý của cơ quan công an hiện nay… người dân cần có niềm tin rằng người tố cáo sẽ được bảo vệ và bảo mật thông tin.

Cục trưởng Cục Bảo Vệ Trẻ Em Đặng Hoa Nam còn ‘kêu gọi người dân lên tiếng từ những hành vi bạo lực đầu tiên, từ những tiếng kêu, tiếng khóc có thể nghi ngờ, để chúng ta có trách nhiệm tố cáo lên cơ quan chức năng và gọi điện ngay lên cho 111’.

Ông Đặng Hoa Nam cũng dẫn quy định của Luật Trẻ em, Nghị định 56 và gần đây là Nghị định 130 về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, qua đó hành vi xâm hại mà không tố cáo, không tố giác cũng bị trách nhiệm hành chính, xử phạt tối đa 15 triệu đồng.

Suy ra thì mọi qui định đều có trên giấy tờ nhưng lại khá là xa rời thực tế, lời bà Tăng Thị Duyên Hồng :

"Như xóm nhà tôi mới có đường dây 111. Hôm trước nhà hàng xóm đánh con thì tôi gọi thử. Chờ mãi mà không thấy ai đến. Nếu mà có người đến thì người ta không chỉ can thiệp mà người ta có quyền xử lý ba mẹ đó hẳn hoi".

Đây không phải chuyện thiếu nhân lực như buổi tọa đàm Bạo Hành Trẻ Em vạch ra :

"Tại vì mình có Hội Bảo Vệ Trẻ Em, Hội Phụ Nữ này... Về mặt nhân sự thì mình không thiếu bởi vì những nhóm ấy rất đông, nhưng mà họ làm cái gì thì đấy là chuyện khác. Họ được đào tạo ở đâu, được đào tạo cái gì để mà thực hành công việc của họ, đấy cũng la chuyện khác".

Vậy thì chính yếu để giảm thiều bạo hành gia đình phải là vấn đề thượng tôn pháp luật : 

"Nếu thật sự là một social worker, cán sự xã hộ như bên Mỹ, nếu mình có bằng social work và có quyền quản lý một số hộ có vấn đề bạo hành hay tâm lý chẳng hạn, thì mình có quyền ký giấy tước quyền nuôi con của người ta.

Ở Việt Nam nếu có thì hòa giải là chính và cái đấy chả giải quyết được gì. Thành ra không phải là thiếu chuyên môn mà thiếu thượng tôn pháp luật, thiếu hẳn mục đích, tầm nhìn của toàn bộ hoạt động đấy. Đầu tiên phải là thượng tôn pháp luật".

Giáo dục tuyên truyền là phương cách quan trọng không kém để có thể giảm thiểu nạn bạo hành trẻ em là khẳng định của bà Đỗ Thị Trang, chuyên viên giám sát và đào tạo nâng cao năng lực, Trung Tâm Phụ Nữ và Phát Triển, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, hiện quản lý mô hình Tham vấn Học đường tại một số trường học ở Hà Nội :

"Như là 10 trường Trung học thì họ cũng đưa ra rất nhiều thứ, các chương trình tập huấn hay các chương trình truyền thông. Những chương trình như vậy làm từ các nguồn cộng đồng. Nhưng cái đang thiếu là kinh phí để vận hành tại một chương trình lớn thì thật sự là rất khó. Phải có một chuỗi liên kết của nhiều trường, ở đấy học sinh có thể nói lên tiếng nói của mình về bạo hành gia đình, đưa ra rất nhiều thông điệp hay. Còn bản chất thì không có nguồn ngân sách để tiến hành các hoạt động đấy".

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê và UNICEF năm 2021 cho thấy tỷ lệ bạo lực không chỉ phổ biến mà còn trên đà tăng cao với 70,5% trẻ em trong độ tuổi 1-14 được báo cáo từng phải chịu đựng một số hình thái bạo lực, bạo hành mà cha hay mẹ hay người chăm sóc các em là thủ phạm.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 25/01/2022