Khủng hoảng Ukraine : Putin đang sa vào bẫy của mình ? (Thu Hằng, Thanh Phương, Phan Minh, Trọng Nghĩa)

Hôm 24/01/2022, ngoại trưởng các nước Liên Âu họp tại Bruxelles. Chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt Nga nghiêm khắc, nếu Moskva cho quân xâm lược Ukraine là trọng tâm thảo luận. Các nước Châu Âu khẳng định Liên Âu và Hoa Kỳ đang hợp tác tốt chưa từng thấy, vấn đề an nin của Châu Âu không thể được giải quyết, nếu không có sự tham gia của Liên Âu.  


Hệ lụy xử lý khủng hoảng Ukraine đối với quan hệ Mỹ-Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 25/01/2022

Trung Quốc đang theo dõi cách Hoa Kỳ và các nước phương Tây xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga để có thể cập nhật chiến lược đối với Đài Loan và các tranh chấp trong vùng.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) của Trung Tâm Canergie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh được báo Pháp Le Figaro trích dẫn ngày 21/01/2022, Trung Quốc theo dõi sát diễn biến Ukraine "vì muốn học từ Nga một số chiến thuật có thể sử dụng sau này với Đài Loan". Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẽ dùng vũ lực để thống nhất, nếu cần thiết.

Trung Quốc muốn học Nga "đạt được nhượng bộ từ vị thế tương đối yếu"

Bốn chuyên gia về tình báo quân sự Châu Âu, được AFP đặt câu hỏi ngày 21/01, đều cho rằng "Nga không được lợi gì khi chiếm Ukraine" vì sẽ quá tốn kém về mọi mặt. Tuy nhiên, điện Kremlin vẫn có thể dùng pháo binh và không quân oanh kích từ xa để đạt được mục tiêu cuối cùng là đàm phán về tương lai an ninh Châu Âu và sâu xa hơn là không để "dân chủ" đến sát biên giới. Moskva "luôn đạt được những nhượng bộ từ vị thế tương đối yếu" và đây chính là nghệ thuật mà Bắc Kinh ngưỡng mộ, theo nhận định của nhà nghiên cứu Triệu Thông.

Sự tôn trọng, cũng như cam kết của Hoa Kỳ đối với Ukraine và các đồng minh Châu Âu, cũng đang được Nga trắc nghiệm. Dù hiện giờ Washington cho thấy sát cánh với Kiev nhưng chiến lược đối phó với Moskva lại hoàn toàn "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" với Liên Hiệp Châu Âu. Điểm này cũng sẽ được Bắc Kinh theo dõi sát sao để phân tích thái độ và mức độ hợp tác của Mỹ với đồng minh và đối tác Châu Á trong hàng loạt tranh chấp và bất đồng về chủ quyền (từ Biển Đông đến biển Hoa Đông), cũng như cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực. 

Nếu như tổng thống Joe Biden phải nhân nhượng hay phải lùi bước trước đồng nhiệm Putin ở Châu Âu, thì sẽ gây tác động như thế nào đến chiến lược của Mỹ ở Châu Á, cũng như đến các nước ở Đông Á và ASEAN đang bị Trung Quốc đe dọa ? Ngược lại, nếu căng thẳng leo thang, dẫn đến xung đột vũ trang, liệu Bắc Kinh có tận dụng thời cơ để thúc đẩy lợi ích chiến lược của họ vào lúc đối thủ số 1 còn đang bận đối đầu với Nga ? Đây là những câu hỏi được François Clémenceau nêu lên trên báo Pháp Le Journal du Dimanche hôm 22/01. 

Hiện tại, Mỹ vẫn trấn an các đồng minh và đối tác láng giềng với Trung Quốc. Chiến lược bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông tiếp tục được duy trì. Sự kiện gần đây nhất là hai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln dẫn đầu một đội tầu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông từ ngày 23/01 và diễn tập với lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở vùng biển phía đông Đài Loan. Cùng ngày, Trung Quốc cũng điều 39 chiến đấu cơ, số lượng kỷ lục từ tháng 10/2021 đến nay, xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan để cảnh cáo cả Mỹ và Đài Bắc. 

Nga, Trung Quốc "bắt tay" gây sức ép đối với Mỹ ?

Thêm một yếu tố khác liên quan đến sự can thiệp của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine, bị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên coi là tin đồn vô căn cứ và bác bỏ hôm 25/01, đó là nhiều nguồn tin chính trị và ngoại giao ở Paris, Kiev, Bruxelles và Washington úp mở rằng việc Nga chưa động thủ ngay là để tránh kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. Bắc Kinh không muốn lại bị Moskva chiếm "ánh hào quang", như từng xảy ra năm 2008 khi Nga tấn công Georgia (Gruzia) đúng lúc Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè. 

Trong lúc biên giới Ukraine căng thẳng, Iran, Nga và Trung Quốc tập trận chung ở Ấn Độ Dương. Rõ ràng sự kiện này đã được tính toán kỹ để gây sức ép trong bối cảnh phương Tây lục đục, chính sách đối nội của tổng thống Mỹ bị rơi vào ngõ cụt. Nhiều dự án cải cách quan trọng của ông Biden bị bác, ngay cả trong nội bộ đảng Dân Chủ, điểm tín nhiệm của ông sụt giảm trong khi kỳ bầu cử Nghị Viện giữa kỳ đang đến gần (ngày 08/11). Ông Biden chỉ còn mặt trận ngoại giao để lấy lại uy tín. Thế nhưng cả hai đối thủ Trung Quốc và Nga sẽ không để ông dễ dàng hành động. 

Thu Hằng

********************

Ukraine : Tổng thống Mỹ gia tăng áp lực với Nga

Thanh Phương, RFI, 25/01/2022

Hôm 24/01/2022, Lầu Năm Góc thông báo đang nghiên cứu khả năng triển khai hàng ngàn quân để tăng viện cho lực lượng của khối NATO ở Châu Âu. Trước mắt, Hoa Kỳ đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động để có thể được gởi sang Châu Âu bất cứ lúc nào.

 

Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ, John Kirby trong cuộc họp báo ngày 24/01/2022, tại Lầu Năm Góc, Washington. AP - Manuel Balce Ceneta

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

"Để giải quyết khủng hoảng, ông yêu cầu Nga phải chọn hoặc là đi theo con đường ngoại giao, hoặc phải trả cái giá rất cao. Kể từ khi điện Kremlin gởi hàng chục ngàn binh lính đến vùng biên giới với Ukraine, tổng thống Joe Biden vẫn nhấn mạnh đến những hậu quả kinh tế và những biện pháp trừng phạt nặng nề chưa từng có mà Nga sẽ phải gánh chịu.

Nhưng thời gian trôi qua, chính quyền Mỹ nay cảnh cáo Moskva về những hậu quả quân sự. Họ dự trừ tăng cường khả năng phòng thủ của các quốc gia thành viên viên khối NATO. Nhà Trắng đang nghiên cứu việc triển khai hàng ngàn quân đến các nước này. 

8.500 binh lính ở Hoa Kỳ đang được đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng được gởi đến các quốc gia có liên quan, như Ba Lan và các nước vùng Baltic. Lầu Năm Góc lưu ý đây là lực lượng tăng viện cho lực lượng phản ứng nhanh của NATO ở Châu Âu, hiện có 40.000 quân.

Mặt khác, các thông cáo của khối NATO từ mấy ngày qua nêu bật việc cung cấp thiết bi quân sự, ban đầu chỉ được nêu lên qua con số hàng trăm triệu đôla, nhưng nay đã được nêu cụ thể hơn. Qua các hình ảnh, người ta biết rõ hơn về các thiết bị này. Đó là các tên lửa diệt tăng và súng phòng không, vốn đã là cơn ác mộng đối với quân Nga ở Afghanistan trước đây".

Hôm nay, điện Kremlin đã chỉ trích việc Mỹ đặt hàng ngàn quân trong tình trạng báo động, xem đây là một hành động khiến cho căng thẳng leo thang

Về phần NATO, hôm qua tổ chức này thông báo cũng đang đặt lực lượng của họ trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến, đồng thời gởi các chiến hạm và chiến đấu cơ đến để tăng cường khả năng phòng thủ của khối này Đông Âu.

Cũng hôm qua, lãnh đạo của Hoa Kỳ và nhiều nước Châu Âu trong một cuộc họp qua video đã bày tỏ sự ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và cảnh báo là Nga sẽ gánh chịu những hậu quả "rất nặng nề", nếu xâm lược nước láng giềng.

Thanh Phương

********************

Khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu ảnh hưởng đến đồng rúp của Nga

Phan Minh, RFI, 25/01/2022

Căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine đang bắt đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với khả năng tài chính Nga. Tỷ giá hối đoái của đồng rúp của Nga bị tác động mạnh. Ổn định cho đến tháng 12/2021, đồng rúp bắt đầu giảm nhẹ vào tháng Giêng. Nhưng hôm qua 24/01/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải can thiệp để ngăn chặn nguy cơ tụt giảm mạnh.

 


Một đồng rúp đặt bên cạnh biểu tượng tiền tệ của Nga. Ảnh chụp tại Moskva, Nga, ngày 13/08/2021.  AFP – Kirill Kudryavtsev

Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri tường trình :

Thông cáo được đưa ra vào giữa trưa, kể từ 3 giờ chiều, Ngân hàng Trung ương sẽ ngừng mua ngoại tệ trên thị trường trong nước, tỷ giá hối đoái lúc đó là gần 90 rúp đổi được một euro, giá trị đồng rúp xuống tới mức thấp nhất trong 14 tháng qua. Chỉ số chính của sàn chứng khoán Moskva cũng giảm 10%, thậm chí ngay cả cổ phiếu của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom cũng mất giá.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov thản nhiên phản ứng : Thật sai lầm khi nói về các thị trường Nga như thể chúng ở bên ngoài các thị trường quốc tế. Tất cả các thị trường đều đang ở trong giai đoạn hết sức bi quan, nhưng sau những giai đoạn sụt giảm này thường sẽ là giai đoạn tăng trưởng. Những đối thủ của chúng ta ngừng các hành động khiêu khích cuồng loạn sớm chừng nào thì tâm trạng bi quan này sẽ chấm dứt sớm chừng ấy".

Các chuyên gia cho biết trong trường hợp leo thang quân sự, trung bình đồng rúp có thể mất giá thêm 20%. Nga có dự trữ tài chính lớn để chống chọi với cú sốc, nhưng sự mất giá của đồng tiền quốc gia đang đè nặng lên sức mua vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lạm phát hiện ở mức 8% tính theo tỷ lệ cả năm.

Còn tại Hoa Kỳ, đồng đô la đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hai tuần do rủi ro địa chính trị gia tăng liên quan đến vấn đề Ukraine.

Phan Minh

*********************

Liên Hiệp Châu Âu không hồi hương nhân viên sứ quán tại Ukraine

Thu Hằng, RFI, 25/01/2022

Trái với quyết định của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu sẽ không hồi hương nhân viên sứ quán tại Ukraine. Trong cuộc họp ngày 24/01/2022 tại Bruxelles với người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, 27 ngoại trưởng Liên Âu đưa ra đánh giá tình hình không đến mức đáng báo động như Hoa Kỳ, NATO và Anh Quốc cảnh báo. 

 


Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell (ngồi), trong cuộc họp với các ngoại trưởng EU bàn về khủng hoảng Ukraine tại Bruxelles, Bỉ, ngày 24/01/2022.  AP - Virginia Mayo

Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles : 

"Theo ông Josep Borrell, người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu, không có chuyện bất đồng quan điểm với Hoa Kỳ nhưng cũng không có lý do nào để hồi hương nhân viên không thiết yếu khỏi Ukraine.

Ông phát biểu : "Chúng tôi biết rõ những mối đe dọa đó như thế nào, cấp độ của những mối đe dọa đó và chúng tôi biết phải đối phó ra sao. Thế nhưng cũng phải tránh đưa ra những phản ứng kiểu báo động. Cần phải bình tĩnh, làm những việc cần làm, đồng thời phải tránh nôn nóng".

Hôm thứ Hai 24/01, rõ ràng các nước Châu Âu đã tìm cách giảm căng thẳng, có thể đó là một cách để tước cái cớ xâm chiếm của Nga và Moskva phải tôn trọng kiến trúc an ninh Châu Âu, theo ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn. 

Ông nhận định : "Chúng ta đang theo hướng kịch bản tránh chiến tranh. Đó là vai trò của các ngoại trưởng. Bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân để họ không qua đời, còn chúng tôi ở đây là để làm mọi cách để chiến tranh không nổ ra". 

Đối với Liên Hiệp Châu Âu, các biện pháp trừng phạt đã sẵn sàng nếu như Nga tấn công nhưng hiện không được công bố để duy trì tác dụng răn đe".

Macron sẽ hội đàm với với Putin 

Tổng thống Pháp cho rằng "vẫn có chỗ cho ngoại giao" thay vì gia tăng quân ở biên giới. Do đó, ông Macron sẽ sớm hội đàm với đồng nhiệm Nga Putin và đề xuất "một con đường giảm căng thẳng" trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo điện Elysée ngày 24/01, đại sứ Pierre Vimont (một chức vụ chỉ dành riêng cho một vài nhà ngoại giao Pháp), đại diện đặc biệt của ông Macron về Nga, đến Moskva ngày hôm nay 25/01 để chuẩn bị cho cuộc họp, dự kiến diễn ra "trong những ngày tới". 

Thu Hằng

*******************

Căng thẳng Nga-Ukraine : Washington rút bớt các nhà ngoại giao Mỹ tại Kiev

Phan Minh, RFI, 24/01/2022

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga và Ukraine, hôm 23/01/2022, bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhà ngoại giao của mình rời khỏi Kiev. 

Ảnh minh họa chụp ngày 08/06/2017 : Trước cửa đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Ukraine.  AFP – Sergei Supinsky

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình : 

Phương án này dường như đã được tính đến từ mấy ngày qua. Cuối cùng, hôm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra lệnh sơ tán gia đình các nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi Kiev. Các nhân viên không thiết yếu cũng được yêu cầu rời đi. Bộ ngoại giao Mỹ giải thích : "Tình hình rất biến động và có thể xấu đi rất nhanh.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xâm lược của Nga ngày càng gia tăng.

Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ một lần nữa cảnh báo Moskva về mọi hành động xâm lược Ukraine, rằng Nga sẽ phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ.

Tuy nhiên cho đến nay, Washington vẫn luôn loại trừ khả năng điều động binh lính, báo New York Times thì đưa tin Joe Biden có thể sẽ thay đổi ý định.

Tờ nhật báo giải thích rằng cuối tuần qua, tổng thống đã gặp những cộng sự của mình để nghiên cứu tất cả các phương án. Và khả năng điều động binh lính dường như không hoàn toàn bị loại bỏ. Hoa Kỳ có thể sẽ huy động từ 1000 đến 5000 binh sĩ để củng cố sự hiện diện ở các nước Đông Âu. Lực lượng tăng viện này có thể sẽ nhân tăng lên gấp 10 nếu Vladimir Putin quyết định xâm lược Ukraine.

Về phần mình, lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu (EU) Josep Borrell hôm nay tuyên bố chưa có lý do gì để "trầm trọng hóa" tình hình giữa Nga và Ukraine và đang chờ giải thích của Hoa Kỳ về việc rút bớt các nhà ngoại giao tại Ukraine.

Phan Minh

**********************

Ngoại trưởng Liên Âu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt Nga nếu xâm lược Ukraine

Trọng Nghĩa, RFI, 24/01/2022

Hôm 24/01/2022, ngoại trưởng các nước Liên Âu họp tại Bruxelles. Chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt Nga nghiêm khắc, nếu Moskva cho quân xâm lược Ukraine là trọng tâm thảo luận. Các nước Châu Âu khẳng định Liên Âu và Hoa Kỳ đang hợp tác tốt chưa từng thấy, vấn đề an ninh của Châu Âu không thể được giải quyết, nếu không có sự tham gia của Liên Âu. 

Hình ảnh cuộc họp ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu ngày 24/01/2022 tại Bruxelles (Bỉ). John Thys AFP

Riêng về các biện pháp trừng phạt, thông tín viên Pierre Bénazet từ Bruxelles khẳng định hiện tại tất cả đều trong vòng bí mật : 

"Chúng tôi sẽ không công bố danh mục các trừng phạt", một nhà ngoại giao Châu Âu khẳng định như trên. Các trừng phạt chống lại Nga là chủ đề trung tâm của cuộc họp, nhưng đối với các nước Châu Âu, nội dung cụ thể của chuyện này không thể được tiết lộ, nhằm tránh để bị lộ hỏa lực, tránh để Nga có được các thông tin cụ thể.

Ví dụ như về khả năng ngăn chặn không cho Nga tiếp tục tham gia mã định danh ngân hàng Swift, công cụ cho phép các ngân hàng lưu thông tiền tệ, lập trường chung của Liên Âu là sẵn sàng, nhưng tương tự như phần còn lại của các biện pháp trừng phạt mà Liên Âu dự kiến, thông tin duy nhất mà các nước Châu Âu đưa ra là : Nga sẽ phải trả giá đắt cho mọi hành động can thiệp quân sự vào Ukraine.

27 quốc gia khắng định là mức độ thống nhất mà các nước đạt được trong vấn đề này là cao, nhưng cũng phải nhấn mạnh là các tuyên bố thân Nga của tư lệnh Hải Quân Đức khiến các nước Châu Âu khác bối rối. Giờ đây, các nước Châu Âu muốn chính phủ Đức làm chủ trở lại tình hình và thống nhất hành động với các đối tác Liên Âu. Sự thống nhất của Liên Âu là phương tiện duy nhất để thuyết phục Nga rằng Liên Âu là một đối tác nghiêm túc, và điện Krelin không thể tính đến việc chỉ thảo luận riêng với Hoa Kỳ".

Pháp kêu gọi Liên Âu "đối thoại trực tiếp" với Nga

Trong lúc các nước Châu Âu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt, Pháp tiếp tục vận động khối 27 nước "đối thoại trực tiếp" với Moskva về kiến trúc an ninh tại Châu Âu. Trên đây là thông điệp của quốc vụ khanh phụ tránh các sự vụ Châu Âu Clément Beaune trong một cuộc họp báo hôm qua. Theo ông Beaune, Liên Âu phải có "các cuộc đối thoại thường xuyên, có tổ chức, và cứng rắn" với điện Krelin. Quốc vụ khanh phụ tránh các sự vụ Châu Âu Pháp cũng nhấn mạnh đến nguy cơ các nước Châu Âu "bị chia rẽ", và điều này sẽ là "món quà tốt nhất" cho nước Nga.

Hôm thứ Tư 19/01, tại Nghị Viện Châu Âu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Liên Âu đối với Nga về "một trận tự an ninh mới tại Châu Âu". Tổng thống Pháp nhấn mạnh là các nước Châu Âu phải tìm ra một lập trường chung trong vấn đề này trước khi chia sẻ với các thành viên NATO khác, rồi để xuất để thương lượng với Nga.

Trọng Nghĩa