Một sự vu khống Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam (Thụy Khuê)
Lời giới thiệu : Trong khi tìm hiểu về Tự Lực văn đoàn, chúng tôi đã đọc được một số thông tin về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam hoàn toàn vô căn cứ, trong đó có việc vu khống Nguyễn Tường Tam hâm mộ Hitler, không thể chấp nhận được.
Chúng tôi thấy cần phải đưa vụ việc này ra trước, mong sớm ngăn chặn được những tác hại của loại "thông tin" này. Trích đoạn dưới đây là một phần trong chương 14 của cuốn sách "Tự Lực văn đoàn, văn học và cách mạng" mà chúng tôi đang soạn.
TK
Thụy Khuê
-------------------------
Theo sự tìm kiếm của chúng tôi thì Tự Lực văn đoàn được thành lập từ trước khi có Phong Hóa số 14 (22/9/1932), nhưng tên và dấu ấn của văn đoàn chỉ được trình làng sau đó rất lâu, trên Phong Hóa số 56 (21/7/1933), trong khung quảng cáo Annam xuất bản cục (ở cuối trang 2) và trong bài Từ cao đến thấp của Tứ Ly (trang 5).
Bản tuyên ngôn của Tự Lực văn đoàn, xuất hiện trên Phong Hóa số 87 (2/3/1934), nhưng bản tuyên ngôn này, chỉ có ý nghĩa tượng trưng, bởi vì chẳng nhà văn nào sáng tác theo "tuyên ngôn" cả. Muốn hiểu công lao xây dựng văn học của Tự Lực văn đoàn thì chỉ có cách đọc Phong Hóa, Ngày Nay, chứ không thể làm khác.
Trong phần viết dưới đây, chúng tôi lưu ý độc giả đến cái dấu ấn của Tự Lực văn đoàn, bởi vì có thể cái dấu này đã gây hiểu lầm : có người cho rằng Nhất Linh hâm mộ Hitler.
Một trong những người tung tin đó là Tú Mỡ.
Việc này khá trầm trọng, không thể bỏ qua.
Tự Lực văn đoàn in dấu ấn ấy lần đầu tiên trên Phong Hóa số 56 (21/7/1933), nhưng không giải thích gì cả, và từ Phong Hóa số 89 (16/3/1934) trở đi, dấu ấn được in trên tựa báo Phong Hoá.
Dấu ấn Tự Lực Văn đoàn và Annam xuất bản cục, Phong Hóa số 56 (21/7/1933), trang 2.
Tựa báo Phong Hóa kể từ số 89 (16/3/1934)
Đến Phong Hoá số 87 (2/3/1934), trong mục Cuộc điểm báo và điểm sách mùa xuân của Nhất-Nhị-Linh (Nhất Linh và Khái Hưng), hai ông phản đối bìa cuốn sách Tuổi xuân với ngày xuân "dám" ghi bốn chữ : "Tiên phong văn đoàn", tức là "dám" bắt chước Tự Lực văn đoàn, nhân thể kể luôn "tội" cuốn Tân quốc dân :
"Nói đến Tiên phong văn đoàn lại nhớ đến cuốn Tân quốc dân. Ngoài bìa có đặt một cái dấu ấn na ná như cái dấu của Tự Lực văn đoàn : cũng chỉ có con chim và mấy ngấn nước. Chỉ khác có một tý là con chim ở cuốn Tân quốc dân, có lòi thêm cái đuôi. Chẳng trách thiên hạ vẫn thường nói, bắt chước lòi đuôi" 1 .
Nhờ câu này, ta mới biết : dấu ấn Tự Lực văn đoàn vẽ con chim và mấy ngấn nước.
Có người "nhìn ra" là chim ó (diều hâu) tuy hình này không xác định chim gì cả.
Có kẻ tưởng đó là dấu chữ thập có móc (croix gammée) hay chữ vạn của đảng Hiller, trong số đó có Phòng nhì Pháp, ý này giúp họ có thêm lý do hạ thấp giá trị Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Dấu ấn Tự Lực Văn Đoàn và Croix gammée Đức quốc xã
Nhưng tệ nhất là mấy lời Tú Mỡ viết về Nhất Linh trong bài Trong bếp núc của Tự Lực văn đoàn. Bài hồi ký này được rất nhiều sách in lại, hoặc trích dịch, vì hai lý do :
- Tú Mỡ là một trong những thành viên Tự Lực văn đoàn từ đầu.
- Tú Mỡ đã từng nhận là rất thân với "anh Tam", nên những điều Tú Mỡ "nhận định" về "anh Tam" sau đây, hoàn toàn tin được :
"Bị lôi cuốn vào guồng Việt Nam Quốc Dân Đảng, anh Tam muốn đóng vai lãnh tụ. Tôi thấy trước đây anh có đọc "Mein Kamf" của Hít-le và giờ đây anh muốn bắt chước Hít-le từ y phục, cử chỉ đến đầu óc quốc xã" 2
Ảnh hưởng tai hại của câu này rất rộng lớn, đặc biệt trong cuốn Đại Việt, indépendance et révolution au Việt Nam, L'échec de la troisième voie (1938/1955) - Đại Việt, cách mạng và độc lập ở Việt Nam, Sự thất bại của con đường thứ ba (1938/1955) của François Guillemot 3 trong đó, tác giả đã dùng "thông tin" của Phòng nhì Pháp, phối hợp với lời viết trên đây của Tú Mỡ, để "xác định" ba lần : Nguyễn Tường Tam là "người sùng bái chủ nghĩa Đức quốc xã" (fervent admirateur du nazisme) ! (ở các trang 68, 78 và 90) trong quyển sử của ông.
Về thông tin của Phòng nhì Pháp, François Guillemot dựa vào bản báo cáo đề ngày 29/1/1949, lưu trữ trong hồ sơ CAOM, GGI 65492 của Haut Commissaire de France en Indochine, Direction de la Police et de la Sureté fédérales, Secret, Les partis nationalistes vietnamiens (Cao Ủy Pháp ở Đông Dương, Nha Giám đốc Cảnh sát Công an trung ương, Mật, (hồ sơ về) Những đảng phái quốc gia Việt Nam). Bản báo cáo này có câu :
"Đảng Đại Việt gồm những phần tử thân VNQDĐ ngày trước và những thành viên hoạt động nhất là các Ô. Nguyễn Tường Tam, thời đó sùng bái chủ nghĩa Đức quốc xã, hiện lãnh đạo Việt Nam QDĐ hải ngoại ở Quảng Đông, Nguyễn Tường Long, người em vừa mới mất ở Quảng Đông, Nguyễn Gia Trí, họa sĩ..." 4
Những "thông tin" này, của Công an Pháp viết tháng giêng năm 1949, không cho thấy gì mới cả, trừ sự sai lầm : Nguyễn Tường Tam thời đó sùng bái chủ nghĩa Đức Quốc xã, thời đó là thời nào ?
Tuy nhiên, François Guillemot đã dựa vào những "thông tin" này để đưa ra nhận định sau đây về Nguyễn Tường Tam :
"Là nhà văn nổi tiếng và nhà bỉnh bút có tài, tuy nhiên nhân vật phức tạp này là người thất bại trong chính trị. Việc Công an truy lùng và trình bày ông, thời đó, như một người "sùng bài chủ nghĩa Đức quốc xã", có thể cho chúng ta chìa khóa để hiểu sự thất bại của nhà văn về mặt ý thức hệ. Dường như, đối với chúng ta, khúc ngoặt theo chủ nghĩa quốc gia xã hội năm 1940 của ông, sẽ như một vết sẹo trên hành trình chính trị của ông. Sự tham gia này lần theo thời gian trở thành cơn ác mộng khó xóa. Cái "lỗi lầm tuổi trẻ" này phát xuất, từ một trí thức không những sành sỏi mà còn thơ mộng và lý tưởng, sẽ là một gánh nặng" 5
Và trong chú thích số 40, ông còn đặt thêm câu hỏi : "Sự hòa nhập Đại Việt Dân Chính năm 1945 trong lòng Việt Nam Quốc Dân Đảng phải chăng có mục đích bí mật để sửa sai những bước đầu tai hại trong chính trị ?" 6
Như vậy, theo lập luận của François Guillemot, việc Nguyễn Tường Tam "sùng bái chủ nghĩa Đức quốc xã" đã dẫn đến sự thất bại chính trị của đảng ông. Việc "sùng bái" này, có lúc được xác định vào năm 1940, có lúc được coi là "lỗi lầm tuổi trẻ".
Chữ hay được người ta dùng nhất là "thời ấy" (à l'époque, cette époque). Vậy cái thời ấy là thời nào, ta cần phải xét lại cho rõ.
Việc mật thám Pháp không đọc Phong Hóa và Ngày Nay, còn hiểu được, nhưng tại sao sử gia François Guillemot không kiểm chứng lại ? Ông viết một cuốn sách lịch sử công phu, có giá trị về Đại Việt - Quốc Dân Đảng, mà cho rằng một trong những lãnh tụ của đảng này sùng bái chủ nghĩa Đức quốc xã, dẫn đến sự thất bại của đảng này, qua "thông tin" lười biếng của Phòng nhì Pháp và lời viết vu vơ của Tú Mỡ, mà không đọc trực tiếp Phong Hóa và Ngày Nay để xem thực hư thế nào.
Bởi vì, dù chỉ đọc lướt qua, ta cũng có thể thấy những tranh hài hước hay những bài viết chống Hitler, có tựa đập vào mắt. Và "cái thời đó", thời mà phòng nhì Pháp cho rằng Nguyễn Tường Tam sùng bái Chủ nghĩa Đức quốc xã, là những thời sau đây :
1. Năm 1934, trên Phong Hóa số 104 (29/6/1934), trang 4, đăng bài : Hit-Le tướng công Y-Ta-li phó hội, của Lê Ta (Thế Lữ) chế giễu Hitler đi phó hội sang Ý gặp Mussolini, bài văn hài hước viết theo lối Đông chu liệt quốc và Tam quốc chí.
2. Trên Ngày Nay số 11 (7/5/1935) trang 3, đăng bức ảnh Trên sân khấu Âu Châu, giễu Tướng Hitler đóng tuồng, dưới đề : Ảnh chụp khí Hitler đang khoa đao và hò hét như một ông tướng Tầu.
Hitler, Ngày Nay số 11, 7/5/1935, trang 3
3. Ngày Nay số 32 (1/11/1936) có dịch một đoạn bài viết của Drieu de la Rochelle trong báo Marianne, giới thiệu một thứ trường dạy cầm đầu (Une école de chefs) trong "nước Đức mới" : Kể rằng "nước Đức mới" lập ra không biết bao nhiêu cơ quan huấn luyện thanh niên như : thanh niên đoàn Hitler (jeunesse de Hitler), Tự ý lao động (Volontaires du travail), Trại tập làm việc... để luyện cho thanh niên có thân thể cường tráng và có tinh thần kỷ luật.
Đó là bài duy nhất, không công kích Hitler, Ngày Nay in ra với dụng ý cổ động thanh niên nên rèn luyện thân thể, theo đúng "10 điều tâm niệm" của Hoàng Đạo, bắt đầu đăng trên Ngày Nay từ hai tháng trước, từ số 25 (3/9/1936).
4. Ngày Nay số 53 (4/4/1937) có tranh bìa ký Ritg TRAN AG (Nguyễn Gia Trí) chế giễu Hitler và thực dân : vẽ Hitler đem hoa đến cầu hôn cô Mỵ Nương Đông Dương của thực dân Pháp.
Bià Ngày Nay số 53 (4/4/1937) của Ritg (Nguyễn Gia Trí)
5. Ngày Nay số 108 (1/5/1938), trong mục Chính trị và đảng phái, Hoàng Đạo viết bài Chủ nghĩa Phát xít, phân tích cặn kẽ đường lối chính trị độc tài của Mussolini.
6. Ngày Nay số 109 (8/5/1938) vẫn trong mục Chính trị và đảng phái, Hoàng Đạo viết bài Chủ nghĩa quốc gia xã hội, phân tích và kết án không nhân nhượng chủ nghĩa Hitler và chính sách xâm lược của Đức quốc xã.
Hai bài chính luận này Hoàng Đạo, lý thuyết gia của Tự Lực Văn Đoàn, viết vào tháng 5/1938, là năm Nguyễn Tường Tam thành lập đảng Hưng Việt với Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí và Khái Hưng ; sau đổi thành Đại Việt Dân Chính.
Chủ trương của đảng này là tiếp tục tư tưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học và theo chủ nghĩa duy dân của Tôn Dật Tiên, không dính dáng đến chủ nghĩa Quốc gia xã hội của Hitler. Những điều này sau sẽ đăng công khai trên các báo : Ngày Nay kỷ nguyên mới, Việt Nam và Chính Nghĩa.
7. Ngày Nay số 154 (25/3/1939), trên trang nhất có tranh hài hước : Cuộc bảo hộ nước Tiệp Khắc trong trí tưởng tượng của người Annam, không ký tên, chế giễu việc Hitler xâm nhập Tiệp Khắc.
Ngày Nay số 154 (25/3/1939)
8. Ngày Nay số 167 (24/6/1939), trang 12, in bài Ông Hitler đã làm những người Anh thân Đức tỉnh ngộ, lược dịch một bài báo trên Paris Match, nói về tình trạng một số tờ báo Anh như tờ Times trước thân Đức, bây giờ đã đổi giọng chống Đức và một số chính khách Anh, như ông Montaga Norman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng hay Hầu tước Lothian, Đại sứ Anh ở Washington, cùng một số người tai mắt và quý tộc Anh, trước theo Đức, nay đã "tỉnh ngộ", có người đã phải xin lỗi.
9. Ngày Nay số 201 (2/3/1940) có bài thơ trào phúng Diêm vương kén tướng của Tú Mỡ, ví Hitler như Diêm vương, sai hung thần, ác tướng đem quân lên chinh phục cõi trần :
"Đem võ lực ra oai tác ác,
Cử binh đi cướp nước tranh quyền.
Hoàn cầu đang hưởng bình yên.
Bỗng đâu binh lửa dấy lên đùng đùng".
Bài thơ Diêm vương kén tướng của Tú Mỡ, Ngày Nay số 201 (2/3/ 1940)
Tú Mỡ cộng tác liên tục với Phong Hóa và Ngày Nay từ những ngày đầu. Nhưng dường như ông không đọc các bài viết và tranh chống Hitler trên hai tờ báo này. Ngày 12 tháng 8 năm 1968 ông "nhớ" và viết rằng Nguyễn Tường Tam sùng bái Hiler ! 7
Nếu quả thật "Nguyễn Tường Tam sùng bái Hitler" như lời Tú Mỡ, và có ngõ quặt theo Hitler từ năm 1940, theo phòng nhì Pháp, thì liệu ông Tam có để cho báo Ngày Nay đăng bài thơ Diêm Vương kén tướng, của Tú Mỡ, tháng 3 năm 1940 ? Bởi vì kỷ luật đảng rất nghiêm : Hai báo Việt Nam và Chính Nghiã thường bị đảng công khai kiểm duyệt (với dấu ấn) hàng cột, hàng trang, vì viết không đúng đường lối (của đảng) là thường.
Có lẽ vì quá ngây thơ, thấy Nhất Linh đọc Mein Kamf, nên Tú Mỡ vội gán cho bạn nhãn hiệu Hitler. Một sự ngây thơ vô cùng tai hại, bởi vì Tú Mỡ đã từng nói : "Anh Tam là người đã tạo ra Tú Mỡ vậy" 8 , cho nên bài hồi ký Trong bếp núc của Tự Lực văn đoàn, có những giai thoại vui, nhưng cũng có nhiều sai lầm, được người ta tin và trích dẫn, trong đó có nhà nghiên cứu François Guillemot, đã đưa việc bôi nhọ Nhất Linh vào trong cuốn sử có giá trị mà ông đã bỏ công nhiều năm nghiên cứu về Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Sự vu khống Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sùng bái chủ nghĩa Đức quốc xã là một vết nhơ, không những cho Nhất Linh và Tự Lực văn đoàn mà còn cho cả các phong trào cách mạng dân tộc nữa.
Tháng 9/2020
Thụy Khuê
Nguồn : © 2020 Thụy Khuê (22/01/2022)
Chú thích :
1. Cuộc điểm báo và điểm sách mùa xuân, của Nhất-Nhị-Linh (Phong Hóa số 87 (2/3/34).
2. Tú Mỡ, Trong bếp núc của Tự Lực văn đoàn, Hồi ký của Tú Mỡ, Tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 5-6 năm 1988 và số 1 năm 1989.
3. Nhà xuất bản Les Indes savantes, Paris, 2012.
4. "Le Đại Việt était composé d'anciens sympathisants VNQDĐ et ses membres les plus agissants furent MM. Nguyễn Tường Tam, à l'époque fervent admirateur du nazisme et actuellement chef du VNQDĐ d'outre-mer à Canton, Nguyễn Tường Long, frère du précédent et récemment décédé à Canton, Nguyễn Gia Trí, artiste peintre... " (sđd trang 68).
5. "Ce personnage complexe, écrivain renommé et chroniqueur de talent, a cependant un raté dans sa vie politique. La Sureté qui le présentait à cette époque comme "un fervent admirateur du nazisme", nous donne peut être la clé de l'échec de l'écrivain sur le plan idéologique. Il nous semble que le virage national-socialiste qu'il prit en 1940 resta comme une cicatrice sur son parcours politique. Cet engagement était devenu au fil du temps comme un mauvais rêve difficile à effacer. Cette "erreur de jeunesse" émanant pourtant d'un intellectuel averti, mais aussi romantique et idéaliste, pesa sans doute d'un lourd fardeau" (sđd, trang 90).
6. "La dissolution du ĐVDC en 1945, au sein du QDĐ a-t-elle pour objet secret, la correction d'un début en politique plutôt compromettant ?" (sđd, trang 90).
7. Trong tập hồi ký Trong bếp núc của Tự Lực văn đoàn, in lại trên Tạp Chí Văn Học, Hà Nội, số 5-6 năm 1988 và số 1 năm 1989.
8. Cuộc Phỏng vấn các nhà văn, của Lê Thanh, Nhà xuất bản Đổi Mới, Hà Nội, 1943, trang 134-144.