Mỗi ngày được sống là một ngày để tạ ơn (Chu Văn)

"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Có thêm một ngày nữa để yêu thương"

Kahlil Gibran 


Cuộc thảm sát xảy ra ở Mỹ hôm thứ Ba 30 tháng Mười Một vừa qua lẽ ra đã tạo ra một chấn động mạnh, nhưng chẳng làm tôi ngạc nhiên chút nào : một học sinh 15 tuổi của một trường trung học thuộc Tiểu bang Michigan đã xách súng đến trường hạ sát 4 em và làm bị thương 7 người khác. Khẩu súng được hung thủ sử dụng chỉ được người cha mua cách đó 4 ngày để tặng cho cậu như một món quà Giáng Sinh. Riêng người mẹ, trong một lá thư gởi cho Tổng thống Donald Trump lúc ông còn tại nhiệm, đã bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với ông vì đã "cho phép bà được quyền mang súng" (1).

taon1

Hoa tưởng niệm cuộc thảm sát tại trường trung học Oxford High School, bang Michigan

Bất cứ một cuộc thảm sát nào cũng tạo ra một nỗi đau tột cùng cho người thân của các nạn nhân. Tôi chia sẻ nỗi đau ấy. Nhưng tôi không ngạc nhiên chút nào khi cuộc thảm sát như thế xảy ra ở Mỹ, bởi lẽ đó là "chuyện thường ngày ở huyện". Cứ năm ba bữa nửa tháng lại xảy ra một vụ. Tôi không ngạc nhiên về chuyện đã xảy ra và tôi tin rằng nó cũng sẽ xảy ra dài dài.

Từ vài năm nay, Úc Đại Lợi đã du nhập ngày "Thứ Sáu Đen" (Black Friday) của Mỹ vào các cửa hàng buôn bán. Ở Mỹ, cứ sau ngày "Tạ Ơn" là đến ngày "Thứ Sáu Đen". Thành ra, có một số bạn bè ở Mỹ hỏi tôi : Ở Úc có ngày "Tạ Ơn" không mà lại có ngày "Thứ Sáu Đen" ?

Quả tình, Úc không bao giờ có ngày "Tạ Ơn" và có lẽ sẽ chẳng bao cần một ngày như thế. Nhưng với riêng tôi, mỗi ngày được sống ở Úc là một ngày để tạ ơn. Tạ ơn bởi vì ở đất nước này, mạng sống con người được đặt lên trên mọi thứ quyền khác. Tạ ơn bởi vì ở Úc không có văn hóa súng đạn. Ra đường không phải nhìn trước ngó sau xem có ai mang súng định bắn loạn xà ngầu không. Đến phố chợ, vào nơi thờ phượng, đi xem đấu thể thao, vào nhà hàng, chạy bộ ngoài đường và nhứt là đưa con đến trường học... không cần phải lận lưng một khẩu súng và cũng chẳng phải canh cánh lo sợ bị lạc đạn chết oan như trong thời chiến tranh !

Hẳn phải có một giây thần kinh sắt thép thì may ra mới sống ở Mỹ mà không sợ bị chết oan vì súng đạn. Mới đây một bài phân tách của Đài CNN về văn hóa súng đạn tại Hoa Kỳ (2) đã khiến tôi phải run sợ nếu tôi phải sống ở Mỹ. Theo đài CNN, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhứt trên thế giới có số súng đạn được người dân sở hữu nhiều hơn dân số. Theo một cuộc khảo sát do tổ chức Small Arms Survey có trụ sở tại Thụy Sĩ thực hiện, cứ mỗi 100 người Mỹ thì có đến 120 khẩu súng. Đứng thứ nhì về tỷ lệ sở hữu súng là đảo Falklands của Vương quốc Anh. Nhưng tại đảo này, trong 100 người cũng chỉ có 62 khẩu súng. Thua xa Mỹ. Các nhà nghiên cứu của tổ chức Small Arms Survey cũng ước tính rằng hiện trên toàn quốc Hoa Kỳ có gần 400 triệu khẩu súng, nghĩa là chiếm 46 phần trăm tổng số súng mà dân chúng trên khắp thế giới đang có trong tay. Một cuộc thăm dò do hãng Gallup thực hiện hồi năm 2020 cũng cho thấy : khoảng 44 phần trăm người Mỹ trưởng thành sống trong một gia đình có một khẩu súng và khoảng một phần ba có riêng trong tay một khẩu súng !

Dân chúng có súng trong tay một cách dễ dàng không phải là đặc quyền của người Mỹ. Do những cuộc xung đột võ trang trong quá khứ hoặc do luật lệ lỏng lẻo, dân chúng tại một số quốc gia cũng chiếm hữu nhiều súng đạn. Nhưng Hoa Kỳ là một trong rất ít quốc gia trong đó mang súng được nhìn nhận như một quyền hiến định.

Có cầu thì đương nhiên phải có cung. Dân được quyền mang súng và ngày càng có nhiều người mang súng thì kỹ nghệ súng phải ăn nên làm ra thôi. Và dĩ nhiên, càng có nhiều cuộc thảm sát, thì người dân lại càng đổ xô đi mua súng và như một hệ lụy không tránh khỏi : việc giết người hàng loạt cũng càng xảy ra nhiều hơn.

Tính từ năm 1998 đến năm 2019, một nửa trong số các quốc gia phát triển có ít nhứt một vụ bắn giết tập thể. Nhưng trong 22 năm vừa qua, không có nước nào trong số các nước phát triển có quá 8 vụ bắn giết hàng loạt. Trong khi đó tại Hoa Kỳ, trong cùng thời kỳ, đã có hơn 800 vụ, với gần 2000 người bị bắn chết hay bị thương.

Bắn giết người hàng loạt xảy ra như cơm bữa là một "hiện tượng chỉ có tại Mỹ". Trong năm 2019, trung bình trong 100.000 có khoảng 4 cái chết liên quan đến bạo động bằng súng đạn. Tỷ lệ này cao gấp 18 lần so với các nước phát triển khác, cao hơn 22 lần so với các nước Liên Âu và cao hơn 23 lần so với Úc Đại Lợi. Dường như người Mỹ không muốn nhìn nhận thực tế ấy. Theo một cuộc khảo sát của hãng thăm dò Pew hồi tháng Tư vừa qua, có đến một phần ba những người Mỹ trưởng thành tin rằng tội phạm sẽ giảm nếu có nhiều người sở hữu súng hơn. 

Chỉ vài ngày trước khi xảy ra cuộc thảm sát tại trường trung học ở Tiểu bang Michigan mà hung thủ là một thiếu niên 15 tuổi đã diễn ra 2 phiên tòa được cả thế giới theo dõi. Một xử vụ một thiếu niên 17 tuổi từ tiểu bang của mình xách súng sang một tiểu bang khác để gọi là bảo vệ các cơ sở kinh doanh khỏi sự đập phá và hôi của của một đám đông bạo loạn. Trong lúc xô xát, người thiếu niên đã lần lượt bắn hạ 2 người và làm bị thương một người. Ra tòa cậu được trắng án vì cậu được cho là chỉ hành động để tự vệ. Trong một phiên tòa khác, hai cha con một người Mỹ trắng và một người hàng xóm đã bị kết án vì xách súng rượt theo săn đuổi và hạ sát một thanh niên da đen đang chạy bộ trong khu vực của họ. Trong cả hai trường hợp, các luật sư của các bị can đều nại đến quyền tự vệ của họ.

Tôi không phải là luật sư. Tôi cũng dốt đặc về luật pháp và tố tụng. Nhưng với cái nhìn của một người dân đang sống trong một đất nước không có văn hóa súng đạn và nhứt là súng đạn được kiểm soát một cách gắt gao, tôi tin rằng chính điều được gọi là quyền được mang súng là nguyên nhân dẫn đến mọi cuộc bắn giết tại Mỹ. Một bản báo cáo được Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho công bố hồi năm 2019 khẳng định rằng luật cho phép mang súng khuyến khích người dân sử dụng bạo lực để đối phó với một số tình huống mà lẽ ra họ chỉ nên sử dụng nó khi không còn phương tiện nào khác.

Nhiều nước trên thế giới mà Úc Đại Lợi là một điển hình đã có thể kiểm soát được nạn bạo động bằng súng đạn. Vậy mà, mặc dù đã có hàng ngàn người chết vì súng đạn và chuyện giết người hàng loạt vì súng đạn, nói như cựu Tổng thống Barack Obama, "xảy ra như một thói quen", hiện chỉ có khoảng một nửa người Mỹ trưởng thành ủng hộ việc kiểm soát luật cho phép mang súng và cho tới nay, việc cải tổ chính trị ở Quốc hội vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Tôi không ngạc nhiên tại sao chu kỳ chết chóc vì súng đạn trong một xã hội văn minh nhứt hành tinh lại cứ vẫn tiếp diễn.

Hoa Kỳ là một quốc gia đang bị chia rẽ trầm trọng. Dù có là "thày cãi" dẻo mép cỡ nào cũng không thể chối cãi được thực tế ấy. Đố kỵ, thù hận là điều dễ thấy nhứt. Nhưng trước tình trạng máu đổ thịt rơi xảy ra như một "thông lệ" trong xã hội mà Quốc hội vẫn cù cưa né tránh, nếu không muốn nói là còn khuyến khích cả việc mang súng và một nửa dân số Mỹ vẫn tranh đấu cho quyền được tự do mang súng... tôi cho rằng vô cảm và dửng dưng mới là điều đáng sợ nhứt trong xã hội Mỹ hiện nay. Mạng người bị xem rẻ như bèo. Ai cũng nghĩ đến quyền và tự do của mình, ngay cả khi quyền và tự do ấy có dẫn đến chết chóc cho người khác.

Vô cảm và dửng dưng là tột cùng của tình trạng xuống cấp về đạo đức. Không ở đâu điều đó rõ ràng như trong xã hội "xã hội chủ nghĩa" Việt Nam hiện nay. "Đâu đâu và ngày nào cũng có tin tức về nạn bạo lực. Từ các vụ hành hung gây tổn thương về sức khỏe và tinh thần cho người dân đến các vụ giết người hàng loạt. Cha mẹ đánh con, cô giáo bạo hành trẻ, trò đánh trò, trò đánh thầy, thầy đánh trò... Công an đánh dân, dân đánh công an, dân đánh dân"(3). Thật ra bạo lực chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm là sự vô cảm và dửng dưng.

Gần đây, trên các mạng xã hội của người Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại, chuyện ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, ăn miếng thịt bò bít tết có dát vàng được người đầu bếp có biệt danh là "Thánh rắc muối" ở bên Anh đút tận miệng, hầu như ngày nào cũng được mang ra bàn tán. Trong câu chuyện, tôi chỉ chú ý mỗi một điều : trước khi thưởng thức miếng thịt bò trị giá gần cả 2 ngàn Mỹ Kim, ông Lâm đã cùng với đoàn tùy tùng hành hương đến mộ của ông tổ chủ nghĩa Mác xít. Chắc chắn khi đứng trước mộ Các Mác, ông Lâm và đoàn tùy tùng đã lặng yên suy gẫm về những lời vàng ngọc của ông Các Mác.

Trong chương trình triết học, tôi có học qua về chủ nghĩa Mác xít. Nhưng chủ nghĩa ấy quá cao siêu, mà đầu óc của tôi thì tối tăm, cho nên tôi thấy mình chẳng thấm nhuần được bao nhiêu. Nhưng nếu còn có một chút gì để nhớ về ông thánh tổ của chủ nghĩa này, thì đó là lời dạy của ông : "chỉ có thú vật mới quay mặt làm ngơ trước nổi khổ của người đồng loại để chăm sóc cho bộ da riêng của mình". Phải vô cảm và dửng dưng như súc vật thì may ra mới có thể ung dung ngồi thưởng thức miếng thịt bò dát vàng vào giữa lúc người dân trong nước đang quằn quại trong đói khát, dịch bệnh và vô số nỗi đau khác. Và dĩ nhiên cũng phải vô cảm và dửng dưng như súc vật mới có thể đứng nhìn cảnh máu đổ thịt rơi vì súng đạn xảy ra như cơm bữa mà vẫn xem súng đạn như thần hộ mạng !

Úc Đại Lợi không phải là thiên đường. Nhưng ít ra ở đây, sự vắng bóng của súng đạn trong xã hội mang lại cho tôi cảm giác an toàn và nhứt là không phải nhìn người khác bằng ánh mắt của hận thù, đố kỵ hay vô cảm và dửng trước nỗi khổ của người đồng loại.

Úc Đại Lợi không có ngày Tạ Ơn. Nhưng tôi vẫn thấy phải lấy lời của thi sĩ Kahlil Gibran (1883-1931) để tâm niệm :

"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Có thêm một ngày nữa để yêu thương". 

Chu Văn

(06/12/2021)

Chú thích :

1. Alleged school shooter’s parents charged with involuntary manslaughter, New.com.au, 4/12/2021

2. How US gun culture stacks up with the world, edition, cnn.com/2021/11/26

3.Việt Hoàng, Vì sao đạo đức xã hội ngày càng băng hoại ?, thongluan-rdp, 23/11/2021