Kinh tế Việt Nam 2021 và Covid-19 : Lạc quan, đau thương rồi hy vọng (Lê Quỳnh)

Dịch Covid-19 tác động đặc biệt nặng nề đến ngành vận tải và các ngành nhà hàng, khách sạn và du lịch do bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. 


Tính từ 27/4 đến 27/11/2021, đợt dịch Covid-19 đã khiến Việt Nam có thêm gần 1.175.000 ca nhiễm với 24.257 ca tử vong, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, an sinh xã hội.

Sau chiến dịch phủ vaccine và các điều chỉnh chính sách, nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong ba tháng cuối năm.

Nhưng liệu kinh tế Việt Nam đang trở lại mạnh mẽ với đà tăng trưởng bền vững hay không, là điều không ai dám đoán chắc.

Việt Nam đón chào năm 2021 với tin tăng trưởng GDP cả năm 2020 chỉ đạt 2,91%, thấp nhất trong một thập niên 2011-2020 chủ yếu do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Cụ thể, thống kê chính thức cho biết quý 1 năm 2020 GDP tăng 3,68% ; quý 2 tăng 0,39% ; quý 3 tăng 2,69% ; quý 4 tăng 4,48%.

Dù vậy, kết quả này khi đó vẫn đưa Việt Nam có mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Lạc quan mấy tháng đầu năm

Ngày 15/1, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98%. Kịch bản 2 là tăng trưởng 6,46%.

Đánh giá này tương đồng sự lạc quan khi đó của các tổ chức quốc tế. Cụ thể, cuối năm 2020, World Bank dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% GDP trong năm 2021. ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng năm 2021 là 6,1%. Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt mức 2,6% và được kỳ vọng sẽ đạt mức 8,1% trong năm 2021. Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 1,9% trong năm 2020 và 11,2% vào năm 2021.

Trong tháng Tư, Việt Nam chính thức có sự chuyển giao lãnh đạo sau kết quả của Đại hội Đảng XIII tháng Giêng. Sau 2 năm rưỡi kiêm chức vị trí Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng, người đã tái cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ lịch sử lần ba, đã chính thức chuyển giao chức Chủ tịch nước cho ông Nguyễn Xuân Phúc. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chính thức trở thành tân Thủ tướng Chính phủ ngày 5/4.

Phản ánh sự lạc quan đang tiếp tục, ADB , ngày 28/4 ra báo cáo dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi lên 6,7% trong năm nay bất chấp sự bùng phát trở lại gần đây của đại dịch Covid-19 ở các nước lân cận và tăng lên 7,0% vào năm 2022.

Cùng thời gian,  Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố kết quả đánh giá chỉ số môi trường kinh doanh (Business Climate Index - BCI) quý 1-2021, với 61% dự đoán kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý 2.

Delta đảo ngược tất cả

Nhưng biến thể Delta - biến chủng của virus SARS-CoV-2, được thế giới phát hiện lần đầu ở Ấn Độ tháng 12/2020 - chuẩn bị đảo ngược tình hình ở Việt Nam.

Ngày 30/4 Bộ Y tế công bố  chủng virus biến thể Ấn Độ (B.1.617.2) đã có mặt tại Việt Nam.

Biên niên sử Việt Nam xem đây là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, bắt đầu từ ngày 27/4/2021, tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội,…), các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,…) và lan ra các tỉnh trên toàn quốc.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 ban đầu  có vẻ được kiểm soát, khi tổng sản phẩm trong nước ( GDP) quý 2/2021 ước tính tăng 6,61%. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Con số GDP này  khi đó đã gây ngạc nhiên cho giới quan sát. Tuy vậy, khi đi vào chi tiết, có thể thấy diễn biến phức tạp.

Trong sáu tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 93.200, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể lên tới 70.200 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Mức xuất siêu của khu vực đầu tư nước ngoài  không đủ bù đắp phần nhập siêu 14,9 tỷ của khu vực trong nước. Vì vậy Việt Nam nhập siêu 1,5 tỷ USD trong 6 tháng năm 2021.

Tổn thương nặng nề

Đặc biệt, dịch Covid-19 hoành hành tại miền Đông, Tây Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến Việt Nam tổn thương nặng nề từ mùa hè 2021.

Từ tháng Bảy, bắt đầu có những tranh luận về biện pháp chống dịch và sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Chỉ hơn một tuần áp dụng quy định "3 tại chỗ",  nhiều doanh nghiệp đã than phiền sẽ "hụt hơi" nếu kéo dài. Ví dụ, doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ thì cứ 7 ngày phải xét nghiệm 1 lần, nhưng nếu doanh nghiệp có đơn hàng lớn và duy trì lượng công nhân nhiều để đảm bảo sản xuất, chi phí sẽ đội lên cao.

Các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội có vẻ không còn nhiều hiệu quả. Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu giãn cách xã hội từ ngày 31/5 theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, rồi Chỉ thị 16 từ 9/7, kéo dài thời gian giãn cách đến ngày 1/8 rồi đến ngày 15/8 với biện pháp mạnh hơn (Chỉ thị 16+). Nhưng độ lây nhiễm vẫn tăng mỗi ngày lên mức kỷ lục.

Từ cuối tháng Tám, quân đội bắt đầu được chi viện vào Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam để giúp kiểm soát dịch. Số liệu cuối tháng Chín cho hay các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ, quân y đã chi viện tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh 135.000 cán bộ, chiến sĩ.

Sau này, hôm 12/10, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhớ lại : "Dù lúc đó thành phố có những lúc đưa ra chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày, huy động hết lực lượng nhưng trả kết quả chỉ vài chục ngàn mẫu. Quyết định giãn cách để xét nghiệm phát hiện ca nhiễm ngăn chặn kịp thời nhưng lúc đó "vũ khí chiến đấu" không phù hợp".

Đến cuối tháng 8, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ nói từ tháng 6 đến 8/2021, toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã có trên 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, và doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên đến gần 90%.

Quý III tăng trưởng âm

Ngày 22/9 Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)  cho rằng GDP Việt Nam 2021 sẽ chỉ tăng trưởng 3,8%, giảm mạnh so với mức 6,7% hay 5,8% dự báo trước đó.

Một tuần sau, Ngân hàng Thế giới (World Bank) duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 4,8% trong năm nay.

Ngày 29/9 Việt Nam công bố  tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nói : "Tăng trưởng âm một vài phần trăm là điều có thể, nhưng âm sâu tới 6,17% thì ít ai nghĩ đến".

Vào lúc này, ông Phạm Tấn Công , Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục.

Đề nghị mở cửa

Trong lúc vô vàn khó khăn, giới doanh nghiệp tăng kêu gọi Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế, công bố kịch bản, tiêu chí sống chung với Covid-19.

Một doanh nhân, Trần Bá Dương , Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco), cho rằng "sống chung với Covid" còn là cho phép các doanh nghiệp chủ động chống dịch và tự chịu trách nhiệm nếu để dịch lây lan ra cộng đồng.

Ngày 23/9, trong động thái quan trọng,  chính phủ Việt Nam ghi nhận việc "cần có biện pháp, bước đi phù hợp để "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh".

Họp trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  ngày 30/9, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN nhấn mạnh họ mong Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế, rằng khôg có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại sâu rộng và bền vững.

Từng bước mở cửa

Việt Nam, trong tháng 10 , tuyên bố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa nền kinh tế, tuy dự báo của chính phủ ngày 12/10 thừa nhận dự kiến tăng trưởng cả năm nay sẽ ở mức 3-3,5%.

World Bank, ngày 13/10, dự đoán GDP của Việt Nam năm nay ước tính tăng trưởng 2-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố hồi tháng 9.

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) , Hà Nội, tỏ ra bi quan hơn, cho rằng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 1,8% hoặc ở mức thấp, tăng trưởng đạt 0,2%.

Dẫu sao, việc nới lỏng giãn cách xã hội cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 10  ước tăng 6,9% so với tháng 9.

Một chi tiết mang tính biểu tượng được ghi nhận khi 200 nhà máy đã ký hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike  tại Việt Nam đã hoạt động trở lại sau nhiều tháng bị đình trệ.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10  là 8.233 doanh nghiệp, tiệm cận với con số 8.740 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 7/2021, thời điểm trước khi việc giãn cách xã hội được thực hiện trên diện rộng.

Báo cáo trước Quốc hội ngày 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói : "Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Dư nợ tín dụng 10 tháng tăng trên 8,7% ; tỷ giá, lãi suất ổn định, dự trữ ngoại hối được củng cố".

Lạc quan thận trọng

Đến cuối tháng 11, Việt Nam đã ở nhóm các quốc gia có độ phủ vaccine phòng Covid-19 đạt mức tương đối cao : 69%.

Cập nhật kinh tế của World Bank tháng 12  chỉ ra :

- Tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều ghi nhận tăng trưởng tháng thứ ba liên tiếp.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỷ USD, giúp thặng dư cán cân thương mại được duy trì tháng thứ hai liên tiếp, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký phục hồi sau khi giảm trong tháng 10.

- Lạm phát tăng nhẹ do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm trong nước đang phục hồi và chi phí logistics tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

- Chính phủ tiếp tục chính sách tài khóa thắt chặt và cân đối ngân sách tiếp tục có thêm một tháng thặng dư nhờ thu ngân sách tăng.

Với việc biến thể mới Omicron đang bắt đầu đe dọa thế giới, Việt Nam lo ngại nền kinh tế đang bước đầu hồi phục lại sẽ chịu nhiều rủi ro.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - nói vào ngày 6/12 : "Ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ước đạt 2-2,5%".

Trong dự báo mới nhất tháng 12, ADB tiếp tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam từ 3,8% còn 2% trong năm 2021.

Ngành nào khó khăn vì Covid-19 ?

Dịch Covid-19 tác động đặc biệt nặng nề đến ngành vận tải và các ngành nhà hàng, khách sạn và du lịch do bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.

Du lịch Việt Nam chao đảo vì dịch từ hai năm qua. Tính chung cả năm 2020 và 11 tháng năm 2021, Việt Nam chỉ đón 7,6 triệu lượt khách quốc tế, so với 18 triệu lượt khách của năm 2019.

Con số nhập cảnh hai năm qua chủ yếu chỉ là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam, du học sinh và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Lửa Việt Tours, chia sẻ với BBC đầu tháng 12 :

"Thật lòng mà nói, tình hình chưa có gì là khả quan vì các hoạt động kinh tế nói chung và du lịch nói riêng phải đồng bộ".

Bắt đầu từ tháng 11/2021, Việt Nam cho phép thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, với 5 địa phương đón khách du lịch quốc tế gồm :Thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Câu hỏi lớn là liệu Việt Nam có thể mở lại các đường bay thương mại thường lệ quốc tế, gỡ rào cản, trình tự thủ tục.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch, nói : "Nếu hàng không cứ bay thuê chuyến thì đừng bàn chuyện mở cửa du lịch. Hai ngành như anh em sinh đôi. Mở du lịch không được lo sợ vấn đề mở cửa hàng không, mở lại đường bay thương mại. Nếu còn sợ hãi thì khỏi phải bàn".

Với các hãng hàng không, Covid-19 đã làm họ rơi vào tình trạng "chỉ mành treo chuông".

Vào tháng Bảy, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines  đã nhận được khoản hỗ trợ của Chính phủ trị giá 4.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn trong cả gói 12.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trong kế hoạch tái cơ cấu, trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ bán 29 tàu bay.

Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines  - nói : "Tháng 12, Vietnam Airlines đưa ra phương án bán 9 máy bay A321, 6 máy bay ATR-72, cuối tháng sẽ rõ kết quả. Từ năm 2022 đến cuối 2023, 12 chiếc A321 sẽ tiếp tục được bán thêm".

Vietnam Airlines cũng dự kiến  sẽ có phương án chuyển nhượng vốn một số công ty con để có nguồn trả nợ. Theo đó, họ sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư tại nhóm doanh nghiệp đa ngành nghề, ít liên quan trực tiếp đến vận tải hàng không, gồm dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng - MASCO, dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài - NASCO, xuất nhập khẩu hàng không - AIRIMEX, dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn - SPT, cung ứng, xuất nhập khẩu lao động hàng không - ALSIMEXCO, nhựa cao cấp hàng không - APLACO.

Chính phủ Việt Nam đã đồng ý giảm 50% thuế lệ phí trước bạ  trong thời gian 6 tháng đối với xe lắp ráp trong nước.

Từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, Nghị định 103/NĐ-CP  cho phép mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50%, tương ứng với mức giảm từ hơn 15 triệu đến trên 298 triệu đồng.

Đây là lần thứ hai trong 2 năm qua, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn và kích thích tiêu dùng.

Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021  cho ta biết những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, trong nhóm các công ty lớn nhất tại Việt Nam, là Vận tải - Logistics, Khoáng sản - Xăng dầu, Cơ khí và Thực phẩm - Đồ uống.

Cũng cần lưu ý rằng thị trường lao động  đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19.

Tổng cục Thống kê  cho biết trong quý III/2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, người lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng về thu nhập nặng nhất, với mức thu nhập bình quân đạt 6,2 triệu đồng/tháng, giảm 13,5% so với quý trước.

Ngành nào trụ vững trong đại dịch ?

Trong hai năm 2020 và 2021, bất chấp dịch Covid-19, ngành ngân hàng ở Việt Nam vẫn ăn nên làm ra.

Một bài báo đầu tháng Giêng 2021  tường thuật : "VietinBank cho biết lợi nhuận riêng lẻ tăng 40% so với năm 2019. Lợi nhuận Vietcombank đi ngang nhưng cũng tầm 1 tỷ USD. Ở nhóm tầm trung, lãi TPBank năm nay có thể tăng 11%, ACB và VIB đều hoàn thành mục tiêu từ những tháng trước. Trong nhóm dưới, MSB dự kiến lợi nhuận cả năm tăng hơn 90%".

Cuối năm nay , tương tự, tin tức cho thấy các ngân hàng ở Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), tính đến hết tháng 10/2021, lãi trước thuế của MSB đạt hơn 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm.

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Viet Capital Bank đạt 385 tỷ đồng, tăng gấp gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2020 và vượt 32,7% so với kế hoạch năm, ở mức 290 tỷ đồng.

Tại Saigonbank, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng 9 tháng đạt 194 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi kế hoạch cả năm là 135 tỷ đồng.

Vào thời điểm giữa tháng 12 này, đã có tới 6 ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng sau 9 tháng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 3 ngân hàng.

Đó là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đứng đầu với 19.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 17.098 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với 13.911 tỷ đồng.

Ngoài ra Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) có lợi nhuận trước thuế 11.885 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 11.736 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 10.733 tỷ đồng.

Một chi tiết có thể gây ngạc nhiên là nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến  nói : "Tính đến hết tháng 11, sản lượng lúa vẫn đạt 41,2 triệu tấn và dự kiến hết năm nay sẽ đạt 43,3 triệu tấn. Như vậy riêng lĩnh vực lúa gạo không những đạt mà còn vượt chỉ tiêu đặt ra…".

"Về xuất khẩu nông lâm thủy sản, hết tháng 11, đã đạt 43,48 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 46 đến 47 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao là 42 tỷ USD".

Bất động sản là lĩnh vực kinh doanh ổn định giữa dịch Covid-19.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới đạt 5.4000 doanh nghiệp, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Bản tin cuối tháng 11  cho biết : "Kết thúc quý III, các doanh nghiệp địa ốc dẫn đầu thị trường lần lượt thông báo kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng tốt, lợi nhuận tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2020. Đơn cử như Công ty Cổ phần Vinhomes có mức lợi nhuận ròng tăng tới 82% so với cùng kỳ năm trước, hay Tập đoàn Novaland - một doanh nghiệp địa ốc lớn tại miền Nam và miền Trung, cũng ghi nhận doanh thu hợp nhất quý III tăng gần 159% so với cùng kỳ năm trước".

Dù vậy, gần đây Hội Môi giới bất động sản Việt Nam , Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh chính sách vĩ mô để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Họ đề xuất bổ sung nhóm ngành bất động sản vào nhóm đối tượng được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội ; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 ; cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại đến hết năm 2021...

Các kiến nghị chính sách

Chính phủ Việt Nam sẽ trình ra Quốc hội một gói hỗ trợ  về tài khóa, tiền tệ tại kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12, đầu tháng 1/2022.

Bình luận về việc này,  ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói : "Nếu không hỗ trợ đủ mạnh thì doanh nghiệp khỏe cũng rơi vào khó khăn và rời khỏi thị trường. Hiện nay, mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rời thị trường. Chúng ta phải làm sao hỗ trợ lục lượng chủ công này".

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương  tháng 12 đề ra 6 kiến nghị chính sách :

- Ưu tiên tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine.

- Sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19.

- Vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực (đặc biệt cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc, diễn biến dịch Covid-19, ứng xử với dòng vốn FDI, kịch bản thương mại với Hoa Kỳ, kịch bản mở rộng CPTPP và kịch bản phê chuẩn RCEP, rủi ro khủng hoảng nợ toàn cầu, v.v.).

- Đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch cũng như khả năng đáp ứng các FTA quan trọng (như CPTPP, EVFTA, RCEP).

- Nghiên cứu, khuyến khích các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước (kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn, v.v.) để tạo thêm không gian kinh tế trong nước.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành ; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Để hỗ trợ hồi phục kinh tế, World Bank gợi ý :

- Thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn, giảm thuế suất) đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung : (i) Chi phí vốn ; (ii) Chi phí lao động ; và / hoặc (iii) Chi phí lãi vay.

- Tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ.

Còn nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội  đề xuất :

- Tổ chức lao động an toàn : Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, cần thống nhất quy chế phản ứng nhanh trong tình hình Covid-19 giúp doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục, từng bước phục hồi dần hoạt động hiệu suất thông thường.

- Tăng cường chính sách an ninh việc làm : cung cấp động lực cho người sử dụng lao động để giữ chân người lao động ngay cả khi doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm hoạt động.

- Chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần của Nghị quyết 68.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung cầu lao động : khi dịch bệnh được kiểm soát qua miễn dịch cộng đồng, hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin và các chiến lược kết nối thông tin lao động - việc làm liên tỉnh thành cần phải được thiết lập để sẵn sàng để nhanh chóng phân bổ nguồn lao động, hỗ trợ, thúc đẩy sự phục hồi của thị trường, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành cơ chế mới cho phép người lao động trực tiếp đăng ký các khóa đào tạo, đào tạo lại để nâng cao kỹ năng trình độ sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp mà không cần qua doanh nghiệp.

- Chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động như đã nêu ở trên, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn.

Lê Quỳnh

Nguồn : BBC, 17/12/2021