Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ có kết quả gì ? (Việt Hoàng)

 Dù các nền dân chủ trên thế giới đã suy thoái ít nhiều trong thời gian qua nhưng các chế độ độc tài còn khốn đốn hơn. Tại các quốc gia độc tài mọi thảo luận về dân chủ đều bị cấm đoán, người dân bị áp đặt một hệ tư tưởng chính trị duy nhất, tất cả những ai nghĩ khác nói khác đều bị trừng phạt thẳng tay.


Hội Nghị Thượng Đỉnh vì Dân Chủ (Summit For Democracy) theo sáng kiến của tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra trong hai ngày 9-10/12/2021 bằng hình thức trực tuyến. Có đại diện của 110 quốc gia và vùng lãnh thổ được mời tham gia hội nghị trong đó có Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc luôn xem như là một tỉnh của họ. Nga, Trung Quốc và Việt Nam không được mời.

Mục đích của hội nghị này là để bàn về cuộc khủng hoảng của các nền dân chủ trên khắp thế giới, trong đó có cả Mỹ. Nội dung cụ thể được bàn đến là:

-Bảo vệ tự do báo chí

-Chống tham nhũng

-Tăng cường sức mạnh cho các tổ chức xã hội dân sự

-Cảnh báo sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy...

Hai vấn đề lớn phủ bóng đen lên hội nghị đó là đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn khiến hội nghị không thể tổ chức trực tiếp. Việc này đã làm giảm đi sự trang trọng, đoàn kết, thân mật và gắn bó cần thiết giữa các quốc gia dân chủ. Vấn đề thứ hai là sự khủng hoảng của nền dân chủ Mỹ, quốc gia dân chủ hùng mạnh nhất thế giới đồng thời là nước chủ nhà đứng ra tổ chức hội nghị. Thời gian hai ngày cũng là quá ít cho một hội nghị lớn, có tầm quan trọng đặc biệt với hơn 100 quốc gia tham dự. Hội nghị kết thúc mà không đưa ra một kết luận nào. Cũng không có ai nhắc đến việc thành lập một “Mặt trận dân chủ thống nhất” như Joe Biden mong muốn.

Theo xếp hạng của Freedom House, Mỹ đã tụt xuống hạng thứ 61 trong hơn 100 quốc gia dân chủ được khảo sát. “Nền dân chủ Mỹ đang bị lâm nguy” là lời của tổng thống Joe Biden. Sự chia rẽ trong xã hội Mỹ cũng như giữa hai đảng Cộng hòa và Dân Chủ đã đến mức gay gắt chưa từng có mà đỉnh điểm của nó là cuộc tấn công vào tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1/2021.

td-1

Trước khi hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ khai mạc, Joe Biden đã có hai cuộc họp trực tuyến với Tập Cận Bình và Putin.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ khai mạc, Joe Biden đã có hai cuộc họp trực tuyến với Tập Cận Bình và Putin. Nội dung hai cuộc hội đàm đó không có gì mới. Điều đáng chú ý nhất đó là thái độ hòa dịu của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc. Biden đã nói với Tập Cận Bình rằng Mỹ chỉ cạnh tranh lành mạnh với Trung Quốc chứ không tìm kiếm chiến tranh. Biden cũng chỉ dọa sẽ trừng phạt kinh tế Nga nếu Putin tấn công Ukraine chứ không can thiệp quân sự...Có thể xem đây như là “thỏa hiệp hòa bình” của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc. Vị thế của Mỹ đã yếu đi nên Mỹ chọn rút lui và né tránh trách nhiệm chống lại các chế độ độc tài. Đừng quên đó là nghĩa vụ của các nước dân chủ mà đứng đầu là Mỹ. Việc Mỹ rút lui và bỏ rơi nhiều đồng minh trong thời gian qua tại Kurd, Syria và Afganistan cũng như việc rút lui khỏi các định chế quốc tế dưới thời Donald Trump đã làm yếu đi vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Dù vậy thì hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ có ý nghĩa quan trọng. Sự ưu việt của các thể chế dân chủ là chúng luôn có khả năng sửa chữa những sai lầm và yếu kém của mình. Việc thảo luận cởi mở về dân chủ bao gồm cả việc chỉ trích những khiếm khuyết của nó sẽ giúp các nước dân chủ ngày càng hoàn thiện hơn. Bản thân việc hội nghị được mở ra cũng đã có một ý nghĩa lớn. Dân chủ và nhân quyền là lẽ phải nên khi nó được đem ra thảo luận công khai thì tự nó đã có sức mạnh và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đừng quên rằng, từ trước đến nay các cuộc thảo luận về chính trị tại các nước dân chủ chỉ được đem ra thảo luận trong phạm vi hẹp, trong các trường đại học, viện nghiên cứu hay các câu lạc bộ trí thức...

Hai vấn đề lớn và quan trọng vẫn chưa được đem ra mổ xẻ và thảo luận trong hội nghị lần này là mặt trái của toàn cầu hóa và chủ nghĩa phóng khoáng. Việc Mỹ và các nước dân chủ đã mải mê chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng và toàn cầu hóa mà bỏ qua các giá trị về dân chủ vì cho rằng chủ nghĩa cộng sản và độc tài trên thế giới đã kết thúc là một sai lầm lớn. Trung Quốc trỗi dậy và trở thành mối đe dọa cho hòa bình thế giới là một ví dụ. Chủ nghĩa phóng khoáng và phong trào toàn cầu hóa diễn ra mà không có sự chuẩn bị về tư tưởng và liên đới xã hội cũng làm cho hố ngăn cách giàu nghèo giữa các thành phần dân chúng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau ngày càng lớn.

Tình trạng bất bình đẳng gia tăng trên khắp thế giới làm cho các quốc gia suy yếu. Khi các quốc gia suy yếu thì chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy sẽ bùng phát làm cho nền dân chủ thế giới bị suy yếu. Đừng quên rằng các quốc gia là những đơn vị thực hiện dân chủ. Khi nền dân chủ của các quốc gia suy thoái thì nền dân chủ thế giới cũng sẽ bị suy thoái theo.

tru-2

Nền dân chủ Mỹ đã gặp khủng hoảng nghiêm trọng dưới 4 năm cầm quyền của Donald Trump mà đỉnh điểm là cuộc tấn công vào tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1/2021.

Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ cũng có tác dụng làm cô lập các nước độc tài và phi dân chủ đồng thời củng cố liên minh các nước dân chủ đã bị rạn nứt dưới thời Donald Trump. Trọng lượng nền kinh tế và uy tín của nước Mỹ đã giảm sút nên Mỹ cần có thái độ khiêm tốn hơn. Mỹ cần tham khảo, bàn bạc và chia sẻ trách nhiệm với các nước dân chủ đồng minh thay vì áp đặt mọi vấn đề như trước đây. Các nước dân chủ hàng đầu trong khối G7 như Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada cần có trách nhiệm hơn đối với nền dân chủ thế giới thay vì phó mặc tất cả cho Mỹ.

Dân chủ vẫn là một hình thức tổ chức xã hội ưu việt nhất hiện nay nhưng dân chủ cũng cần bảo vệ bằng cách thảo luận liên tục để nâng cao sự hiểu biết cho người dân trước sự dụ dỗ và thao túng của chủ nghĩa dân túy và dân tộc hẹp hòi. Dù các nền dân chủ trên thế giới đã suy thoái ít nhiều trong thời gian qua nhưng các chế độ độc tài còn khốn đốn hơn. Tại các quốc gia độc tài mọi thảo luận về dân chủ đều bị cấm đoán, người dân bị áp đặt một hệ tư tưởng chính trị duy nhất, tất cả những ai nghĩ khác nói khác đều bị trừng phạt thẳng tay.

Joe Biden và các quốc gia dân chủ đều ý thức được sự khủng hoảng của nền dân chủ thế giới nên cũng chỉ hy vọng các quốc gia tiếp tục thảo luận để cải thiện nền dân chủ của mỗi nước trước khi diễn ra một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào cuối năm 2022. Trong hội nghị lần tới các đại biểu sẽ gặp nhau trực tiếp để thảo luận sâu rộng hơn nữa về dân chủ, nhân quyền và những thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt.

Việt Hoàng

(21/12/2021)