Ai xúi cài bài Cô gái vót chông vào cuộc thi hoa hậu quốc tế ? (Nhiều tác giả)
Sau vụ Tô Lâm, cư dân mạng tiếp tục nóng lên với hình ảnh cô hoa hậu Đỗ Thị Hà biểu diễn đàn T’rưng trước ban giám khảo chấm giải Miss World năm 2021 bản nhạc sắt máu "Cô gái vót chông", nhạc phẩm mà hơn 40 năm trước người dân miền Nam ngỡ ngàng khi biết được miền Bắc đánh thắng Mỹ không bằng súng đạn của Nga Tàu mà bằng những chiếc chông tre do chính những cô gái miền cao tự tay vót lấy.
Vụ Hoa hậu ‘diệt giặc Mỹ’ : Một chút cảm thông ?
Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), VOA, 04/12/2021
Chưa bao giờ một hoạt động văn hóa của đại diện
Việt Nam trên đấu trường quốc tế lại nhuốm màu sắc chính trị, gây
dư luận bất lợi từ ngay trong nước như cuộc thi hoa hậu quốc tế 2021,
khi Hoa hậu Đỗ Thị Hà trình diễn đàn T’rưng bản nhạc "Cô gái
vót chông".
Chê bai
Như thường lệ, một hoạt động văn hóa quan trọng của đại
diện Việt Nam ở nước ngoài, dù dở tới đâu thì báo
chí Việt Nam cũng khó dám cất lời, bởi nó luôn được chính
trị hóa.
Thế nhưng, với mạng xã hội, báo chí tự do
thì rất … tự do, đặc biệt khi vấn đề lại đụng
chạm tới một tình cảm lớn của người Việt.
Dù bản "Cô gái vót chông" chỉ được
trình diễn phần nhạc, người nước ngoài hầu như không biết tới lời của nó,
nhưng những người Việt biết bài hát thì rất đau một khi họ coi
trọng và nhìn thấy tầm quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ đang
ngày càng tốt đẹp.
Họ cho rằng lời của bài hát chỉ phù hợp
với cuộc chiến kiểu "đánh chí chết" một thời, với lời
ca nhuốm máu :
"Mỗi mũi chông nhọn hoắt căm thù
Xiên thây quân cướp nào vô đây …
Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp
beo…"
Đó là chưa nói tới điệu nhạc với tiết tấu nhanh rộn
ràng, vui tươi thể hiện tâm trạng thiếu nữ bước vào một cuộc chiến đầy
chết chóc nhưng như chuẩn bị cho ngày hội. Không ngạc nhiên với điều đó,
bởi một thời có nhiều bài hát mang âm hưởng lời ca tương tự, kiểu "có
những ngày vui sao, cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi
trống giục…".
Một khi, một chế độ xã hội cứ luôn thích
sống bằng "ăn mày dĩ vãng", những toan tính nước đôi,
hai mặt, thì vẫn không thoát khỏi thái độ đố kỵ, thù hận
dẫn tới vô ơn, dối trá. Thái độ đó khó hòa nhập đích
thực với thế giới văn minh hiện đại.
Vậy là hoa hậu bị "ném đá", không
chỉ mạng xã hội, mà cả các báo đài của Mỹ, nước chủ nhà cho
cuộc thi đồng thời là "nạn nhân" trong vụ điều tiếng
này.
Thanh minh
Báo chí Việt Nam vắng ngắt, không thể có được một
bài "bào chữa" giúp nàng hậu quá trẻ, hồn nhiên, với đầy
thử thách khó khăn, hầu như thụ động trong câu chuyện.
Cái dở là ở những bậc đàn anh, đàn
chị, thậm chí kể cả các "nhà chính trị" đứng
sau kiểm soát nội dung cho cuộc xuất ngoại quan trọng.
Tiếc rằng, lời bào chữa vụng về đồng thời càng lộ rõ tầm
văn hóa của vị Chủ tịch
Miss World Vietnam đã thành phản tác dụng.
Không những không nhận ra góc nhìn rất khác với mình của
thiên hạ, bà còn phản công bằng đánh giá thấp, sai phản ứng
từ dư luận với việc chọn bản nhạc này để trình diễn, khi
cho rằng họ đã "hiểu nhầm tiêu cực" rằng đó là "tiết
mục hát".
Họ không hề nhầm, nếu bà chỉ cần biết rằng,
ngay trong một bài
báo trước buổi trình diễn bản đàn của hoa hậu Việt Nam cả chục
ngày, một độc giả đã nhắc khéo trong phần phản hồi, rằng "Ban
giám khảo Miss World có biết nội dung bài hát không nhỉ ?".
Thà là thú nhận chân thành, là chỉ trong thời gian
ngắn tiếp xúc với đàn, nốt nhạc bẻ đôi không biết, buộc hoa hậu phải
chọn bản nhạc từng nổi tiếng, đã có người chơi, để mà bắt
chước, học theo kiểu "chuyền tay" thôi.
Cho nên, liệu có phải từ hậu quả của những phản ứng
trong công luận, cùng kiểu chống chế như vậy, mà đã dẫn tới
hệ quả bình chọn của khán giả cho Hoa hậu Việt Nam là 0%,
làm cho siêu mẫu - "cô giáo" của cô phải nháo nhào kêu gọi
cư dân mạng "ứng cứu", như một
tờ báo trong nước đưa tin ?
Cảm thông ?
Có lẽ không nhiều người để ý tới sự "tinh
tế" manh tính chính trị đối ngoại, dù có thể chỉ vô tình,
là ngoài bản nhạc "Cô gái vót chông", hoa hậu Việt Nam
còn trình diễn trang
phục Nhụy Kiều tướng quân – Bà Triệu. Nó nhắc nhở tới vị nữ anh
hùng chống giặc Đông Ngô – Trung Quốc xâm lược.
Dù là vô tình hay hữu ý, thì nhà tổ chức
phía Việt Nam cùng hoa hậu đã theo đúng hướng "đi
dây" của Đảng, Nhà nước giữa hai siêu cường số một thế giới.
Có điều, cũng như lối "đi dây" bao năm nay,
màn "song diễn" đó chẳng thể làm vừa lòng dân Việt,
bởi mấy lý do.
Cuộc thi diễn ra ngay trên đất Mỹ mà trình diễn
một bản nhạc hận thù với nước chủ nhà, dù là quá khứ.
Rồi còn có cả một khối đông đảo "bộ phận của Dân
tộc" đang ở đó, phần đông còn chưa
nguôi ngoai với mất mát từ cuộc chiến,
trong đó có cả người thân của họ từng là nạn nhân
của hầm chông bẫy đá.
Thử tưởng tượng, nếu cuộc thi lại ở Trung Quốc,
thì liệu có hay không màn diễn trang phục Bà Triệu như vậy
? Hay là một bản nhạc đại để như "Những đôi mắt mang hình
viên đạn", có lời ca "Đoàn quân vội đi… về biên
giới … Cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ… từng đôi
mắt đen xoe tròn… mang hình viên đạn… trút lên quân xâm lược
dã man" ?
Thêm nữa, bộ trang phục được đặt tên "cho
oai" như vậy thôi, còn trên thực tế thì chẳng mấy ai
nhìn ra tinh thần Bà Triệu xa xưa trong đó, thậm chí có thể bị làm
méo mó (cái thời buổi hoang sơ còn nghèo, giản dị, biết đâu
bà còn… ở trần
như phụ nữ Tây Nguyên thế kỷ trước) ;
nó chẳng có chút biểu cảm nào có thể so sánh được với
phần lời ghê gớm của bản nhạc được hoa hậu trình diễn.
Nước Mỹ ngày nay đang trợ giúp Việt Nam lớn
nhất về mọi mặt, đặc biệt trong việc đối phó với láng giềng
Trung Quốc tham tàn, ta không thể hạ ngang hàng được với chính kẻ thù truyền
kiếp ngàn năm đó.
Vậy thì làm sao có thể đặt đối sánh về tác động
chính trị - đối ngoại hai tiết mục đó được.
Nói cách khác, màn trình diễn trang phục, nếu
là có chủ ý chính trị kiểu "cân bằng" thì hầu
như không có tác dụng.
Cả hai ít nhiều đã làm nên bản song tấu
phảng phất u uẩn từ quá khứ.
Và, càng khó thêm sự cảm thông, bởi vị Chủ tịch
Miss World Vietnam lại cố đem cái lý vừa nêu trên để dẹp bớt
dư luận chỉ trích.
Thế nên, nếu quả thực có toan tính muốn "cân
bằng", thì không thể gắng cùng lúc làm vừa lòng một người bạn lớn nhất
cùng một kẻ thù nguy hiểm nhất theo lối đó.
Giá mà "cân bằng" màn trình diễn bộ trang
phục gợi nhớ quá khứ bi hùng bằng một bản nhạc hòa
bình đương đại thì hơn.
Cảm ơn
Nhưng suy cho cùng, có lẽ ta nên cảm ơn Hoa hậu
cùng nhà tổ chức Việt Nam ở mấy điều.
Trước hết, họ đã khuấy động không
khí tranh luận quanh một chủ đề chính trị quan trọng chỉ qua
một hoạt động văn hóa. Ngàn vạn khán giả được tự do thể hiện
chính kiến của mình.
Qua cuộc tranh luận, người ta thấy thêm thái độ chính
trị của dân chúng, liệu có gần với Đảng, Nhà nước đang
mỗi ngày quanh quẩn nỗi lo "các thế lực thù địch" được
Tây, Mỹ hỗ trợ, muốn lật đổ chính quyền. Liền với đó lại
có tình đồng chí anh em môi răng cật ruột với Đảng cộng sản Trung
Quốc nữa.
Cuối cùng là nhờ đó, hé chút gợi ý cho
câu trả lời thắc mắc của Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trước cuộc
thi ít ngày, là "gần đây tôi không thấy có bài hát nào
hay" :
Cứ mải say với thứ quá vãng cần khép lại,
thì làm sao có món "hay" cho thực tại.
Nguyễn Hữu Vinh (Ba
Sàm)
Nguồn : VOA, 04/12/2021
*******************
Thời buổi gì còn đi vót chông chống Mỹ ?
Diệp Chi, VNTB, 03/12/2021
Thật ngạo nghễ Việt Nam khi ngay tại San Juan – thủ phủ và đồng thời là thành phố lớn nhất Puerto Rico, Hoa Kỳ lại vang lên giai điệu réo rắt của "Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo…" từ một cô gái xinh đẹp đến từ Thanh Hóa, Việt Nam.
Xã hội phát triển, tình hình thực tế như vậy mà vẫn chọn
"Cô gái vót chông", xem ra, chẳng ổn trong tầm nhìn một tí nào…
Những ngày qua, bên cạnh những thông tin liên tục được cập
nhật về tình hình dịch bệnh Covid-19, thì câu chuyện về cô nàng hoa hậu đến từ
xứ Thanh Hóa, Đỗ Thị Hà, được không ít người quan tâm đến. Bàn luận sôi nổi
không chỉ trên mạng xã hội mà còn bên bàn ăn, bàn cà phê, đó là phần thi thể hiện
khả năng đánh đàn T’rưng với tác phẩm Cô gái vót chông (nhạc sĩ Hoàng
Hiệp) tại cuộc thi Miss World 2021 (Hoa hậu thế giới).
Sở dĩ gây ra tranh luận, phản đối có, ủng hộ có, trung dung
cũng có, là vì phần lời trong bài nhạc Cô gái vót chông có đoạn :
"Mỗi mũi chông nhọn hoắc căm thù
Xiên thây quân cướp nào vô đây
Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo
Em chưa ngừng tay vót chông rào buông rẫy
Nhưng mai đây giặc chạy rồi
Tre rừng ta làm nhà làm chòi cao
Ê chân ta đi chưa nghỉ, trời chưa xanh
Em còn vót chông nhiều làm cạm bẫy
Ê quân xâm lăng gian ác
bay muốn vào mũi chông sẵn sàng đây
Chờ bọn bay diệt bọn bay !"…
Bài nhạc này, nếu đặt trong hoàn cảnh trước năm 1975, có thể
nói, mang một âm hưởng vô cùng "khát máu". Có ý kiến cho rằng, với những
tội ác, mà theo sách giáo khoa lịch sử đã từng dạy cho học sinh, giặc Mỹ đem lại
cho đồng bào Việt Nam thì đây là chuyện bình thường. Cứ tạm cho là đúng đi, vậy
thì vì sao lại không có bài nhạc nào mang tính chất "khát máu" với
Trung Quốc ? Vì sao nhạc phẩm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa lại không có tính chất
"khát máu" như Cô gái vót chông ?
Thôi thì đó là câu chuyện của quá khứ. Hiện tại là năm 2021,
hoa hậu đại diện Việt Nam đi thi ở nước ngoài, liệu Cô gái vót chông đặt trong
hoàn cảnh, trong thời gian này, có phù hợp ?
Theo thông tin từ trang web của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự
quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thì từ những năm 1995 Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở thành
đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.
Hoa Kỳ – Việt Nam có mối quan hệ hợp tác ngày càng tích cực
và toàn diện, và đã phát triển thành quan hệ đối tác vững chắc trên các lĩnh vực
chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc
lập, góp phần đảm bảo an ninh quốc tế ; tham gia các quan hệ thương mại hai bên
cùng có lợi ; và tôn trọng nhân quyền và pháp quyền.
Mối quan hệ song phương được định hướng bởi Quan hệ Đối tác
toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam ký kết năm 2013 – đây là một khuôn khổ tổng thể nhằm
thúc đẩy mối quan hệ song phương ; và các Tuyên bố chung do lãnh đạo hai nước
ban hành vào các năm 2015, 2016, và tháng 5 và tháng 11 năm 2017.
Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ đã kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại
giao giữa hai nước, tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác.
Bên cạnh đó, trong suốt thời gian gần đây, nhằm mục đích
cùng chung tay với Việt Nam chiến thắng Covid-19, Hoa Kỳ liên tục viện trợ
vaccine hữu hiệu, thùng bảo quản vaccine cho Việt Nam với con số tính đến ngày
27/11/2021, theo trang fanpage U.S. Consulate General – Ho Chi Minh City là
+20,5 triệu liều (cách xa so với Trung Quốc).
Cũng nói thêm về Trung Quốc viện trợ vắc-xin cho Việt Nam,
theo thông tin ghi nhận từ báo chí trên mạng Internet, dừng lại ở tháng 9/2021.
Trang thông tin của Bộ y tế cũng viết : "Ủy viên Quốc vụ,
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công bố Trung Quốc sẽ viện trợ thêm
3 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam trong năm nay, nâng tổng số vắc-xin viện trợ
của Trung Quốc lên 5,7 triệu liều ; một số địa phương của Trung Quốc cũng viện
trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế cho các địa phương Việt Nam. Phó Thủ tướng
Thường trực Phạm Bình Minh bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc".
Một điều dễ dàng nhận thấy, Cô gái vót chông được
đem đi trình diễn trước công chúng quốc tế là một điều hoàn toàn không phù hợp.
Trả lời báo chí, giải thích cho vấn đề này, bà Phạm Kim Dung
– Chủ tịch Miss World Vietnam cho biết : "Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã luyện tập
đánh đàn T’rưng từ nhiều tháng trước đó với mong muốn mang đến một màn trình diễn
chỉn chu tại cuộc thi Miss World 2021. Ban đầu đại diện Việt Nam và ê-kíp đã chọn
lựa ca khúc "Despacito" – giai điệu đặc trưng trên mảnh đất Puerto
Rico để trình diễn.
Tuy nhiên, vì không phù hợp với tính chất của đàn T’rưng nên
Hoa hậu Đỗ Thị Hà và cô giáo hướng dẫn âm nhạc đã quyết định thay đổi sang một
bản nhạc quen thuộc, mang âm hưởng núi rừng, hợp âm cơ bản và phù hợp với những
người mới chơi đàn T’rưng, đó là bài Cô gái vót chông.
Đây chỉ là giai điệu trên đàn T’rưng, không có lời bài hát. Tuy
nhiên, gần đây trên mạng xã hội lại xuất hiện những thông tin hiểu nhầm tiêu cực
về màn trình diễn của Hoa hậu Đỗ Thị Hà là tiết mục hát tại cuộc thi Miss
World.
Chúng tôi hy vọng các khán giả hãy hiểu rõ vấn đề, có góc
nhìn tích cực về đại diện Việt Nam và tiếp tục ủng hộ Hoa hậu Đỗ Thị Hà trong
những phần thi quan trọng tại Miss World 2021 sắp tới".
À, nói theo dân giã, thì đây chỉ là ‘cách làm màu’, chứ thiệt
ra chẳng tài cán chi hết trong chuyện âm nhạc, nên trách móc làm gì với một cô
gái ‘múa rìu qua mắt thợ’.
"Lý giải của bà Dung là hoàn toàn không hợp lý. Vì sao
? Vì cô hoa hậu phải tốn một khoảng thời gian để học chơi đàn T’rưng để ‘diễn’,
chứ không phải là của thú đam mê nhạc cụ này.
Ban đại diện Việt Nam cũng như cô giáo hướng dẫn phải biết
bài nào phù hợp với đàn T’rưng mà chỉ cho cô hoa hậu này từ sớm, chứ ai đời lại
đổ thừa như vậy được. Nếu không có bài phù hợp, vì sao cô hoa hậu vẫn khăng
khăng chọn đàn T’rưng trong khi đó Việt Nam có không ít dụng cụ âm nhạc ?
Thôi thì cứ cho rằng cô nghe cô thích đi, vậy tại sao cô lại
đồng ý chọn Cô gái vót chông ? Cô hoàn toàn có thể đưa ra ý kiến cá nhân,
góp ý với ban tổ chức mà. Không lẽ ban tổ chức và cô giáo lại "bá đạo"
không cho cô tự do ngôn luận ?" – một người dân thắc mắc.
"Có thể cô vào vòng trong nhưng không đồng nghĩa với việc
quyết định của ban tổ chức là chính xác. Đơn giản, cô chỉ trình bày gõ chứ
không có hát. Người ta nghe là nghe giai điệu. Thế nhưng không phải tất cả mọi
người đều không nghe, không đọc được lời bài hát. Người ta có thể không nói ra
nhưng việc đại diện Việt Nam mà như vậy sẽ làm cho Việt Nam xấu xí, nhỏ mọn trước
mắt quốc tế" – một ý kiến khác.
Tựu trung lại, nếu như cô hoa hậu chỉ đơn thuần là đem âm nhạc
của Việt Nam ra thế giới, thế thì câu chuyện Cô gái vót chông, lỗi hoàn
toàn thuộc về Ban tổ chức Miss World Vietnam ? Xã hội phát triển, tình hình thực
tế như vậy mà vẫn chọn Cô gái vót chông, xem ra, chẳng ổn trong tầm nhìn một
tí nào…
Diệp Chi
Nguồn : VNTB,
03/12/2021
*******************
Những kẻ ‘núp váy’ hoa hậu, đánh lén, ‘rắc’ hận thù
trong cuộc thi sắc đẹp
Trần Đông A, VOA, 03/12/2021
Thử tưởng tượng, một hoa hậu hoàn vũ nào đấy
trình diễn bài "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" – bài
hát diệt lính Trung Quốc nổi tiếng thời Chiến tranh Biên giới
1979 – ngay giữa lòng Hà Nội thì Công an Văn hóa (CAVH)
có cho "cắt cầu giao" ngay lập tức không ? Từ nay,
sau scandal đầy tai tiếng, cái đẹp uyên nguyên của Đỗ Thị Hà đã bị chính
chế độ toàn trị nhục mạ.
RẮC ‘hoa hậu Việt Nam’ trên Google sáng 30/11, cho
111 triệu kết quả trong 0,59 giây. Một siêu kỷ lục truyền thông ! RẮC
tiếp trên Wiki, nổi bật 3/7 cụm từ :‘Thi hoa
hậu bị biến tướng’, ‘dàn xếp kết quả’, ‘thành tích theo khu vực’… Trúng
phắp rồi. Năm 2020, Đỗ Thị Hà, đến từ Thanh Hóa. Trước đó,
năm 2018, Trần Tiểu Vy, đến từ Quảng Nam. Đừng ai nghĩ tới các
quê hương của "nhị vị" Thủ tướng Phạm Minh
Chính và Nguyễn Xuân Phúc nhé, tuy cùng Thanh Hóa và Quảng Nam cả !
Nhưng đấy chỉ là thuyết âm mưu của "các thế lực
thù địch" ! Lướt qua tiểu mục ‘Các vụ scandal
và tai tiếng liên quan đến những cuộc thi’, chúng ta bái phục các
nhà tổ chức, những kẻ "núp váy" "quấy rối
chuyên nghiệp" các hoa hậu (professional harassment of beauties),
chuyên đánh lén.
Cũng đừng đổ tội cho trình độ văn hóa của
các nàng. Người ta "chính trị hoá" lọc lõi, thay bài dự thi
vào phút chót thì đúng là "bó tay chấm com" ! Màn
chơi đàn T'rưng của hoa hậu Đỗ Thị Hà vừa lọt vào vòng
bán kết phần "Tài năng của Miss World 2021", cùng với 26
thí sinh các nước khác. Điều đáng "khâm phục" là cô hoa
hậu đăng quang năm ngoái trình diễn tiết mục "chống Mỹ", "diệt
Mỹ" ngay ở Puerto Rico, đảo lớn nhất trong các lãnh thổ hải
ngoại Hoa Kỳ, trong khi Tòa đại sứ nước này vừa thông
báo đã hỗ trợ Việt Nam hơn 20 triệu vắc-xin để chống đại
dịch Covid-19. "Ý thức giác ngộ cách mạng" của đoàn đi
thi được giải thích, ban đầu đã chọn ca khúc Despacito,
giai điệu đặc trưng của Puerto Rico để diễn. Nhưng
phút chót, "cô giáo hướng dẫn" muốn có bản nhạc
phù hợp hơn, nên đã chọn bài "Cô gái vót
chông".
Tờ Tiền Phong trong nước lập tức lên giọng tụng ca
: "Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như tiết mục độc đáo
của mình, Đỗ Thị Hà đã xuất sắc ghi danh tại vòng bán kết của
phần thi tài năng". "Chúc nàng hậu của chúng ta thêm tự tin
và thành công hơn nữa trên đấu trường sắc đẹp quốc tế !" là thông điệp được đăng
tải trên nhóm sinh viên "bò đỏ" AK47 từ Trường Đại
học Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, không phải nhóm nào cũng hừng hực
khí thế "chống Mỹ" như mấy
nhóm "bò đỏ" ấy. Bày tỏ trên diễn đàn "Ta
tự hỏi mình", Nhím Xinh đặt câu hỏi : "Thời nào rồi mà vẫn
cứ lải nhải mấy cái bài hát gieo hận thù như vậy ? Văn hóa tối
thiểu của một Hoa hậu Việt Nam để đâu mà kém cỏi đến mức ấy
? Nếu cuộc thi này tổ chức ở Trung Quốc thì liệu cô ta
có dám chơi bài ‘Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới’ không
nhỉ ?" Bạn Ha Ngo cho rằng : "Tụi nó (công an văn
hóa) duyệt hết r ồi đó, chứ không phải khơi khơi thích
gì làm nấy đâu ? Còn em này mà sang Bắc Kinh thì nó sẽ hát
vang bài : ‘Việt
Nam – Trung Hoa, núi liền núi sông liền sông’ cho bàn dân thiên
hạ nghe".
Còn giờ này nếu trên đất Mỹ thì vẫn cứ phải
tuân theo lời Đảng, Bác :"Mỗi mũi chông nhọn hoắt căm thù. Xiên thây
quân cướp nào vô đây. Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp
beo…". Quả thật là thiên tài ! Quả thật là siêu bịp
! Những kẻ giải thích vì sao phải "thay tiết mục vào phút
cuối" cứ làm như cả thế giới này sống trong
mù loà, không biết ở Việt Nam hiện nay, giữa Bộ Công an,
Ban Văn hóa Tư tưởng và Bộ Thông tin đang "toa rập" với
nhau để kiểm tra từ hơi thở, nhiệt độ cơ thể đến
mọi suy nghĩ của dân chúng… Trong đoàn đưa "các
nàng tiên" đi thi, không thể không có vài ba chú nhạc công
là công an văn hóa trá hình. Để đánh tráo bài hát,
thay đổi tiết mục vào phút chót là chuyện dễ như trở bàn
tay. Phải "chống Mỹ", "diệt Mỹ" triệt để,
mọi nơi mọi lúc ! Đến Thủ tướng trước khi tiếp Phó Tổng thống Mỹ mà còn
phải thề thốt với sứ thần Trung Quốc là "không đi với
Mỹ để chống Trung Quố c". Chủ tịch nước, bay thoát xa
Trung Quốc hàng vạn cây số rồi, vẫn phải lên tiếng chửi Mỹ từ ngoài
ngõ, phê phán chính quyền Biden cấm vận Cuba, trước
khi Chủ tịch nhập cảnh vào New York "chìa rá" xin vắc-xin.
Thậm chí ngay đến cả cái "Fact
Sheet", tức là "Chương trình thúc đẩy quan hệ đối tác
toàn diện Việt – Mỹ", một sản phẩm tuyệt vời giữa Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam và cũng là thành
tựu đầy hứa hẹn giữa hai chính phủ, như một kết quả nổi bật nhất
từ chuyến thăm chính thức của bà Kamala Harris tại Hà Nội, chưa
hiểu bằng cách mà nào cũng đã bị dỡ khỏi các trang mạng
trong nước. Toàn văn chiến lược ấy còn có thể tìm thấy
trên BBC và bản gốc vẫn được lưu giữ trên VOA. Nhưng tuyệt
nhiên không một tờ báo nào trong nước được phép đăng
toàn văn khi bà Harris kết thúc chuyến công du. Về sau lại càng không
! Ở một đất nước mà xã hội dân sự và những
ai đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền bị lãnh đạo quốc
gia coi là "cặn bã trong xã hội", thì mọi biểu hiện
về sự tiến triển, thậm chí những phút "thăng
hoa" trong quan hệ Mỹ – Việt đều bị liệt
vào "danh sách đen" cần xóa dấu vết càng sớm càng tốt
!
Nhà thần học Evdokimov từng viết : "Không chỉ mình
Thiên Chúa mặc lấy vẻ đẹp, ác thần cũng bắt chước Ngài, làm cho
cái đẹp trở thành hàm hồ". Trong thi phú, kể từ thời
thi sĩ người Anh Milton ("Thiên đường đã mất"),
quỷ thần mang vẻ đẹp của kẻ bị đầy ải. Vẻ đẹp
không còn là thuộc tính độc hữu của cái thiện nữa. Một chỉ dấu
cho thấy sự hàm hồ của vẻ đẹp, đó là : song song
với việc tôn vinh nó, văn hóa cận đại cũng khước từ nó. Thậm
chí còn nhục mạ vẻ đẹp, đến độ có thể nói "Cái đẹp đã chết",
giống như "Thiên Chúa đã chết". Thi sĩ Pháp
Rimbaud gọi cái đẹp là "một đống gan ruột
!" Trong hội họa, ông vẽ con chim kinh dị tìm tòi trên
thân xác phụ nữ như trên một thi thể bốc mùi. Ở những
bức tranh trừu tượng, họa sĩ vẽ những
phụ nữ nổi tiếng giống như "thây ma của cái đẹp".
Như đã thấy, Đảng không bỏ qua thi sắc đẹp để gieo
rắc tiếp hận thù. Sau scandal đầy tai tiếng này, không chỉ vẻ đẹp
dục tình (eros) trong các cuộc thi hoa hậu, mà đến cả cái đẹp
uyên nguyên của Đỗ Thị Hà cũng đã bị chế độ toàn
trị đánh lén và nhục mạ, mất hết mọi giá trị thẫm mỹ.
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 03/12/2021
*********************
‘Cô gái vót chông’ không chỉ là hoa hậu và ‘chông’ !
Trân Văn, VOA, 03/12/2021
Sự kiện cô Đỗ Thị Hà – Hoa hậu
Việt Nam 2020 – biểu diễn nhạc phẩm"Cô gái vót
chông" trên đàn T’rưng tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới
2021 đang diễn ra ở Puerto Rico đã trở thành một
trong những chủ đề nóng của tuần này. Có một điểm đáng
chú ý là đa số người sử dụng mạng xã hội không chỉ trích
Hà vì gần như ai cũng biết, ở quốc gia xã hội chủ
nghĩa như Việt Nam, Đỗ Thị Hà không thể tự chọn
nhạc phẩm như "Cô gái vót chông".
Đó cũng là lý do Trần Quốc Quân bình về chính – tà,
quân tử - tiểu nhân, văn minh – man rợ (1) :Trong phần thi
tài năng, Hoa hậu Đỗ Thị Hà đại diện Việt Nam dự thi
Hoa hậu Thế giới đang diễn ra tại đảo Puerto Rico, lãnh thổ hải
ngoại thuộc Mỹ đã chơi đàn T'rưng bản nhạc "Cô gái
vót chông" được sáng tác từ thời Việt Nam "chống Đế quốc
Mỹ xâm lược". Tuy Hoa hậu Việt Nam chỉ biểu diễn nhạc cụ nhưng
bản gốc bài hát tuyền những lời "hờn căm", "đanh
thép" như :
"...Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù,
Xiên thây quân cướp nào vô đây,
Xiên thây quân cướp nào vô đây,
Còn giặc Mỹ cọp beo… khi còn giặc Mỹ cọp beo,
Em chưa ngừng tay vót chông và bủa vây,
...Ê quân xâm lăng gian ác bay muốn vào
Mũi chông sẵn sàng đây chờ bọn bay, diệt bọn
bay…".
Với việc trình diễn bản nhạc "hào
hùng" này, Hoa hậu Việt Nam đã lọt vào bán kết phần thi tài
năng cùng Hoa hậu 26 nước khác. Tôi dẫn bản nhạc này trong bài viết hoàn toàn
không có ý khen chê cô Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã chọn "Cô gái
vót chông" trong phần thi tài năng mà tôi chỉ bày tỏ quan điểm
:
Một là, nước Mỹ bao dung, vị tha, chả đếm xỉa
gì đến nội dung bài hát "khát máu" trong quá khứ chiến
tranh. Không một tờ báo nào, tổ chức nào, cá nhân nào của nước Mỹ lên
tiếng về việc này. Quyền tự do cá nhân được tôn trọng tuyệt đối
trên đất Mỹ, tất nhiên trong khuôn khổ pháp luật.
Hai là, nếu cuộc thi Hoa hậu Thế giới tổ chức ở Trung
Quốc, thay vì chọn bản nhạc "Cô gái vót chông", Hoa hậu
Việt Nam lại chọn bản nhạc "Chiến đấu vì độc lập tự do" được
phát sóng ngày 20/2/1979, bốn ngày sau khi Trung Quốc phát động chiến
tranh xâm lược Việt Nam để thể hiện trên cây đàn T'rưng ở phần
thi tài năng, trong đó có những lời cũng "hào
hùng" không kém :
"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới.
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng
dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu
đã đổ, trên khắp dải biên cương..." thì dư luận, báo
chí nước chủ nhà Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt
như thế nào và sự can thiệp trắng trợn của nước chủ nhà vào
việc trao giải ra sao ? Tôi không cần viết trắng ra hậu quả thì ai
cũng biết.
Ba là, nếu cuộc thi Hoa hậu thế giới diễn ra ở Trung
Quốc, các nhà quản lý văn hóa Việt Nam có dám duyệt bản nhạc
không lời "Chiến đấu vì độc lập tự do" cho
Hoa hậu nước ta biểu diễn trong phần thi tài năng không ?
Qua việc nho nhỏ này mới thấy : Đâu chính đâu tà,
đâu quân tử đâu tiểu nhân, đâu văn minh đâu man rợ, nhỉ.
Từ sự kiện Đỗ Thị Hà biểu diễn "Cô gái
vót chông", nếu Trần Quốc Quân đem Mỹ so với Trung Quốc
thì Nguyễn Tuấn đem Mỹ so với Việt Nam (2) :Phải tìm hiểu một lúc
tôi mới biết tại sao người ta bàn tán việc cô hoa hậu đánh đàn
T'rưng bài "Cô gái vót chông" ở Mỹ trong lúc
Mỹ tài trợ cho Việt Nam hơn 25 triều liều vaccine.
Các bạn có thể nghĩ ra một chữ tiếng
Anh để mô tả hành vi của cô ấy ? Tôi nghĩ chữ 'tasteless'
có lẽ thích hợp nhứt. Tasteless có nghĩa là vô vị nhưng tôi
nghĩ, hiểu theo nghĩa "nhạt nhẽo" thì đúng với văn cảnh
hơn. Một danh từ khác liên quan với tasteless là vulgar, có thể hiểu
là vụng về. Hành vi của cô ĐỗThị Hà có thể xem
là nhạt nhẽo và vụng về về văn hóa.
Dĩ nhiên, nhạt nhẽo và vụng về ở đây không phải
là cách cô ấy chơi đàn, có người khen là cô ấy đã luyện
tập khá lâu. Nói cách khác, cô ấy chơi đàn chỉ là một
cách trình diễn thôi, chớ không phải thực tài hay sở trường của
cô ấy. Điều đáng nói là người ta chọn một bài ca man rợ thời
chống Mỹ chomột màn trình diễn mang tính văn hóa ! Lựa chọn đó, ngay
cả những người chỉ đạo cho cô ấy diễn cũng không thấy thoải mái
khi giải thích trong lúc Mỹ là nước tài trợ nhiều vaccine nhứt
cho Việt Nam.
Có lẽ những người đằng sau cô ấy nghĩ rằng đó chỉ là màn
chơi đàn (vì cô ấy không ca hát gì cả) nên khán giả Mỹ chắc
chẳng ai biết hay để ý. Hi vọng họ không nghĩ vậy. Nếu họ nghĩ vậy
là họ xem thường người Mỹ quá. Họ tưởng rằng ở Mỹ không
có người biết nói tiếng Việt ? Họ có nghĩ đến cộng đồng
hai triệu người Việt ở Mỹ đóng thuế để chánh phủ Mĩ có tiền đem
tặng vaccine cho Việt Nam, để rồi bị cho "thưởng thức" một
bài ca... chửi Mỹ. Đó là tasteless vậy.
Mà, cô ấy không phải là người đầu
tiên đem một tác phẩm văn nghệ để chửi Mỹ. Trước cô ấy
có ông Phạm Quang Nghị (lúc đó là một ứng viên
sáng giá cho chức Tổng bí thư) cũng từng có hành vi như thế với ông
John McCain. Trong một lần viếng thăm chánh thức Mĩ, ông Nghị tặng
cho ông McCain bức hình chụp tấm bia ghi lại sự kiện máy bay ông
McCain bị bắn rơi và ông bị bắt sống tại hồ Trúc Bạch. Điều đáng
kinh ngạc là trong tấm bia/hình đó có câu :
"Ngày 26-10-1967 tại hồ Trúc Bạch, quân và dân Thủ đô
Hà Nội bắt sống tên John Sney Ma Can, thiếu tá không quân Mỹ lái chiếc má bị
bawsb rơi tại nhà máy điện Yên Phủ […]".
Bỏ qua những cái sai hiển nhiên về tên ông
McCain và sai quân chủng, tấm bia đó dùng chữ "TÊN"
! Đó là một cách dùng chữ miệt thị. Thật không hiểu
sao ông ấy lại đi tặng một bức hình như thế ! Khi nhận
tấm hình, ông McCain nói : "Tôi cảm thấy không thể hài lòng
(người phiên dịch đã dùng một từ khá mạnh là "bị xúc
phạm"). Ngài có biết không, tôi là thiếu tá hải quân chứ không
phải là thiếu tá không quân. Tôi thuộc lực lượng không quân của hải
quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng".
Nên nhớ rằng ông John McCain là một
tù binh ở Hà Nội nhưng ông cũng là người tích cực
vận động Chánh phủ Clinton bình thường hóa quan hệ ngoại giao với
Việt Nam. Có thể nói ông McCain là một người bạn của Việt
Nam. Thế nhưng Việt Nam lại đối xử với một người bạn bằng bức
hình sỉ nhục như thế ! Hành vi tasteless của
cô Hà và những người dàn dựng cho cô ấy chửi Mỹ chỉ là một
hình thức của lịch sử lặp lại. Người Mỹ có câu "With
friends like you, who needs enemies" (với bạn bè như anh, ai cần
kẻ thù).
***
Bên cạnh rất nhiều những ý kiến tương tự như nhận định
của những Trần Quốc Quân, Nguyễn Tuấn trên mạng xã hội, còn có một số người
cố gắng lý giải tại sao lại thế. Theo Tuấn Khanh, sự kiện tréo
ngoe này là ví dụ minh họa rõ nét nhất cho mối quan hệ vật
vã của chính quyền Việt Nam với Mỹ :Thích nhích lại gần Mỹ nhưng
miệng luôn hô hào chống Mỹ và tận dụng mọi cơ hội để phủ nhận
nước Mỹ. Vừa chạy tới với Mỹ, ngợi ca sự phát triển quan hệ ngoại
giao giữa hai bên, vừa chửi bới chống Mỹ ở trong nước (3).
Vương Liễu Hằng thì cho rằng : Nếunhìn tổng thể, ta sẽ thấy đang
tồn tại kiểu "cư xử vót chông", ngây ngô, kệch cỡm
và đầy tính hình thức.Chẳng hạn người đứng đầu Thành phố Hồ Chí
Minh đã khiến dân chúng hết hồn khi kêu gọi thi đua kéo giảm F0
lúc dịch đang lan rộng. Ví dụ khi dây đang giăng khắp chốn, bộ đội
và đoàn viên vẫn rần rần kéo nhau vào các khu lao động để rủ thiếu
nhi rước đèn mừng Trung Thu. Mới đây, khitổ chức tưởng niệm những
người mất vì Covid-19 vẫn ráng phân định "đồng bào
và chiến sĩ", "hi sinh và tử vong", vô hình
chung khiến người "tử vong" thấy tủi.Khi nào căn bệnh
thành tích và những hô hào giả tạo còn ngự trị thì chúng
ta sẽ vẫn còn thấy nhannhản kiểu " cư xử vót chông",
không việc gì phải ngạc nhiên hay đặt vấn đề về não trạng (4).
Trân Văn
Nguồn : VOA,
03/12/2021
Chú thích
(1) https://facebook.com/story.php?story_fbid=679176283047666&id=100028659014107
(2) https://facebook.com/story.php?story_fbid=1369516860162294&id=100013119784675
(3) https://nhacsituankhanh.com/2021/12/02/co-gai-vot-chong-hay-la-hoi-chung-kho-dam-viet-my/
(4) https://www.facebook.com/lieuhang.vuong.9/posts/620661185641788
********************
Đem chông đi cắm xứ người
Cánh Cò, RFA, 01/12/2021
Sau vụ Tô Lâm, cư dân mạng tiếp tục nóng lên với hình ảnh cô
hoa hậu Đỗ Thị Hà biểu diễn đàn T’rưng trước ban giám khảo chấm giải Miss World
năm 2021 bản nhạc sắt máu "Cô gái vót chông", nhạc phẩm mà hơn 40 năm
trước người dân miền Nam ngỡ ngàng khi biết được miền Bắc đánh thắng Mỹ không bằng
súng đạn của Nga Tàu mà bằng những chiếc chông tre do chính những cô gái miền
cao tự tay vót lấy.
Báo chí loan tin "Sáng 27/11 (giờ Việt Nam),
Hoa hậu Đỗ Thị Hà bất ngờ cho biết cô được các giám khảo đánh giá tốt trong phần
thi tài năng, khiến người hâm mộ hào hứng chờ đợi tin vui hơn nữa trong những
ngày sắp tới. Đại diện Việt Nam hiện đã xuất sắc lọt vào top 27 trong phần thi
Người đẹp Tài năng. Cô gái sinh năm 2001, quê Thanh Hóa hiện đang ở San Juan-
Puerto Rico, sẽ tiếp tục bước vào vòng bán kết để chọn ra top 5 chung cuộc".
Tưởng cô thi ở Bắc Kinh, cho tới khi đọc báo mới biết là cô
đang tham dự cuộc thi "lớn lao" này ở vùng đất thuộc chủ quyền của Mỹ, Puerto
Rico, nơi mà người dân sinh ra tại đây đều được công nhận là công dân Hoa Kỳ hợp
pháp. Mặc dù người Puerto Rico không được tham gia bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ tại
quê nhà nhưng họ vẫn có quyền bầu cử hay tham gia tranh cử tại bất cứ tiểu bang
nào của Hoa Kỳ mà họ đến cư ngụ.
Tóm lại, San Juan- Puerto Rico là đất của Mỹ chứ không phải
là đất của Trung quốc, do đó bản nhạc mà cô Đỗ Thị Hà tuy đàn bằng cây đàn
T’rung, không có lời nhạc trước mặt ban giám khảo có thể không ai từng nghe lời
lẽ sắt máu của bản nhạc gốc do ông nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác nhưng có người
biết, và những cái biết ấy sẽ lan tỏa trong hệ thống chính trị của Mỹ.
Trước mắt, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội biết, Lãnh sự của họ tại
Sài Gòn biết, vậy là Bộ Ngoại giao Hoa kỳ biết và khả năng Nhà trắng cũng biết
là rất dễ hiểu.
Những tiếng đàn T’rưng ấy với âm hưởng "vót chông tiêu
diệt giặc Mỹ" ấy trong hoàn cảnh hiện nay thật không hay ho gì, nó biểu hiện
thái độ của một tập thể ăn mày dĩ vãng đến độ gần như mù lòa. Nó cho thấy tầm
nhận thức của guồng máy là đà dưới lề đường xã hội. Nó phản ánh chính xác lề
thói bôi tro trát trấu lên mặt mà không biết ngượng và trên hết nó vỗ ngực tự
nhận mình là Chí phèo, chỉ biết chửi cả làng Vũ Đại như Đỗ Thị Hà hồn nhiên chửi
cả nước Mỹ, trong đó có những công dân è cổ ra đóng thuế để mua vaccine cho
Thanh Hóa, nơi cô ấy được sinh ra, lớn lên trong cái nôi đầy chông của cách mạng.
Cũng theo báo chí, "ngày 27/11/2021, Lãnh sự quán
Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo thêm 2.075.580 liều vắc xin Covid-19 của
Hãng Pfizer-BioNTech vừa được chuyển giao thành công đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, lô vắc xin mới nhất này đã nâng tổng số vắc xin Covid-19 mà Mỹ trao tặng
Việt Nam thông qua cơ chế COVAX lên hơn 20,5 triệu liều".
Mỹ thật là dại, nếu không dại thì làm sao lại bị chông đâm
cho tới giờ vẫn còn bị đâm ? Không dại thì tại sao lại mang thuốc tiêm phòng
hàng triệu liều cho một đất nước sẵn sàng bôi xấu mình trước cả thế giới ?
Không dại mà lại tay bắt mặt mừng hết ông này tới bà kia sang Mỹ ăn mày đủ kiểu
lại không một câu hỏi nào nhắc chuyện quá khứ lại toàn nói chuyện tương lai ?
Nhiều người bảo Mỹ không dại đâu, chẳng qua giả dạng cho Hà
Nội qua khỏi cửa ải Bắc Kinh đang ngày đêm thò lỏ cặp mắt cú vọ xem hoạt động của
hai nước tiến tới đâu rồi, màn trình diễn này là cách hạ nhiệt những con cờ thầm
lặng đang ngày đêm trông mong hai nước lìa nhau để môi không hở và răng ngày
càng sắc bén.
Nhưng đem chông qua tới Mỹ cắm trước sân khấu thế giới là một
thái độ chứ không phải là một màn kịch diễn tồi. Thái độ ấy nói lên tâm trạng của
một phe phái đang hiện hữu trong lòng của Đảng, đang ngày đêm tìm mọi cách tạo
cú hích đau nhất, bén nhất cho mối bang giao mà Bắc Kinh không bao giờ muốn thấy.
Đem chông đi cắm xứ người tưởng rằng phá hoại được ý muốn
"khép lại quá khứ, hướng đến tương lai" của hai nước nhưng nhờ mạng
xã hội, cả nước biết được mối dã tâm ấy đang nằm yên trong Bộ chính trị chờ chực
cơ hội để làm cuộc "chông biến" và dã tâm ấy hôm nay đã lộ ra.
Ông Trọng nếu là người chủ động cho phép thì phải trả giá
trước lịch sử, bằng không tên Trọng Thủy ngày nào đang kè kè bên ông để phá hoại
chiếc nỏ thần mang tên "White House" bằng những cây chông mà ngày xưa
cả miền Bắc cùng nhau vót lấy để tiêu diệt bọn Mỹ cọp beo, trong đó có cả dòng
họ của cô hoa hậu Thanh Hóa.
Đơn giản, không ai dám làm điều này ngoại trừ được phép từ
Ban tuyên giáo Trung ương.
Cánh Cò
Nguồn : RFA,
01/12/2021 (canhco's blog)