Việt Nam điều chỉnh chống dịch để giữ sức hút đầu tư nước ngoài
Nhiều nhà máy, xưởng sản xuất tại các khu công nghiệp ở miền nam Việt Nam đang đối mặt với một nghịch lý : được mở cửa sản xuất trở lại nhưng lại thiếu nhân lực. Nếu không có biện pháp phòng chống dịch nhất quán, thông suốt từ trung ương đến địa phương để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất trở lại, “sức hấp dẫn” của Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng trong bối cảnh Việt Nam cố gắng trở thành “điểm đến” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.
Ba tháng chống dịch nghiêm ngặt của Việt Nam đã khiến hầu hết hoạt động sản xuất bị đình trệ, đơn hàng không được đáp ứng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã phải chuyển một phần sản xuất sang nước thứ ba. Theo khuyến nghị của giới doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, cũng như của các doanh nghiệp trong nước, chính phủ Việt Nam đã chuyển từ chính sách “Zero Covid” sang “sống chung” với virus corona.
Tuy nhiên, sau ba tuần mở cửa sản xuất, nhiều nhà máy vẫn phải hoạt động cầm chừng : Gần 18% trên khoảng 22.000 doanh nghiệp, được Tổng cục Thống kê khảo sát, cho biết thiếu lao động, riêng ở vùng Đông Nam Bộ là 30,6% và chủ yếu trong các ngành sản xuất da giầy, may mặc, thiết bị điện và điện tử, máy tính. Trang VnExpress ngày 23/10 nêu lên lý do chính là do “khó đưa lao động trở lại”, “các địa phương vẫn chưa thống nhất việc đi lại, công nhân chưa tiêm đủ liều vac-xin”.
Hai bất cập này đã được ông Jean-Jacques Bouflet, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và bà Delphine Rousselet, giám đốc điều hành EuroCham, nhấn mạnh trong buổi trả lời phỏng vấn với RFI Tiếng Việt ngày 06/10. Hai nhà lãnh đạo này nhận thấy những dấu hiệu tích cực về thay đổi chiến lược chống dịch từ chính phủ Việt Nam kể từ giữa tháng 09, khi giới doanh nghiệp nước ngoài gửi đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” và đặc biệt là kể từ cuộc họp với thủ tướng chính phủ.
*****
RFI : Thưa bà Delphine Rousselet, bà là giám đốc điều hành của EuroCham. Sau cuộc họp với đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài vào giữa tháng 09/2021, chính phủ Việt Nam đã thay đổi cách chống dịch, từ “Zero Covid” sang “sống chung” với virus corona. EuroCham, cùng với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC), đóng vai trò như thế nào trong quyết định này ?
Delphine Rousselet : Có, tôi nghĩ dĩ nhiên là tất cả chúng tôi đóng một vai trò quan trọng bởi vì EuroCham đại diện cho hơn 1.000 công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, còn các đồng nghiệp khác như AmCham và KoCham, cũng đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, kể cả những công ty không sản xuất. Điều này có nghĩa là liên quan đến rất nhiều việc làm ở Việt Nam.
Tiếng nói của chúng tôi cũng đã được lắng nghe. Chúng tôi thường cùng nhau phối hợp hành động để tiếng nói có trọng lượng hơn vì thực ra các doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt với những khó khăn như các doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc, Anh hay Canada. Ngoài phản ánh những khó khăn lên chính phủ Việt Nam, chúng tôi còn mang những kinh nghiệm chống dịch ở nhiều nước để đóng góp cho phía Việt Nam, ví dụ cách đây 4 tháng, tình hình là như thế này, giờ là thế này. Biện pháp hữu hiệu trên khắp thế giới có lẽ là tiêm chủng chứ không phải “3 tại chỗ”. Biện pháp “ăn-ngủ-làm việc tại chỗ” này không thể áp dụng được lâu dài, mà chỉ có thể duy trì được vài tuần vì quá khó khăn.
Vì thế chúng tôi đã hành động ở nhiều cấp độ khác nhau. Trước tiên là thông qua tiếng nói của đông đảo doanh nghiệp thành viên các phòng thương mại. Tiếp theo là gửi đến chính phủ các chiến lược chống dịch của mỗi nước, trong đó có các nước châu Âu, mà có thể áp dụng được ở Việt Nam. Một hành động khác mà chúng tôi tiến hành, đó là đồng loạt phản ánh lên các chính phủ châu Âu nhằm có thể cung cấp tối đa vac-xin cho Việt Nam. Vì thế đã có rất nhiều đợt viện trợ vac-xin cho Việt Nam nhờ một phần vào những thông tin mà chúng tôi chuyển từ Việt Nam đến Liên Hiệp Châu Âu.
RFI : Đợt dịch thứ tư tại Việt Nam gây hậu quả như thế nào cho các doanh nghiệp châu Âu ?
D. Rousselet : Chúng tôi đã công bố trên trang web EuroCham, cũng như trên nhiều bài báo, số liệu thăm dò các thành viên, theo đó hơn 20% doanh nghiệp đã phải dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam. Vì thế phải khẩn trương hành động vì sự dịch chuyển này mới bắt đầu nhưng có thể sẽ trầm trọng hơn trong tương lai.
Nhưng từ vài ngày nay, tình hình đã thay đổi, nhân viên đã có thể đến văn phòng, biện pháp phong tỏa đã được dỡ, các rào chắn đã được tháo, đi lại dễ dàng hơn. Và nhiều tỉnh miền nam đã cho chúng tôi biết là công nhân có thể di chuyển liên tỉnh để đến nhà máy, trong khi vài tuần trước đây là điều không tưởng.
Tóm lại, tất cả chúng tôi đều tin tưởng. Chúng tôi thấy tình hình đang đi đúng hướng, dù còn cần nhiều ngày, hoặc vài tuần trước khi ổn định hẳn vì chính quyền một số tỉnh vẫn lưỡng lự để các nhà máy mở cửa trở lại. Nhiều biện pháp hạn chế vẫn được áp dụng nên hiện giờ nhiều nhà máy vẫn chưa hoạt động được hết công suất. Nhưng chúng tôi hy vọng là tình hình sẽ sớm được giải quyết.
RFI : Thời gian gần đây, truyền thông tại Việt Nam liên tục có những bài viết, như để trấn an công luận, là doanh nghiệp nước ngoài không rời Việt Nam. Bà nhận thấy thế nào ?
D. Rousselet : Dĩ nhiên đó là một rủi ro rất lớn cho chính phủ, cho nền kinh tế vì nếu các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Việt Nam, việc này đồng nghĩa với chuyện mất rất nhiều việc làm.
Tôi không nghĩ hiện giờ có rất nhiều nhà đầu tư lớn rời Việt Nam, tôi chưa nghe thấy tin này. Ngược lại, chắc chắn là có nhiều nguồn đầu tư đã bị thu hẹp hoặc bị chựng lại. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu những nguồn đầu tư đang để treo hay tạm ngừng liệu có được triển khai ở Việt Nam hay sẽ bị chuyển sang một nước khác. Hiện giờ tôi chưa có câu trả lời.
Hiệp định EVFTA và một năm Covid
Hiệp định Thương mại Tự do Liên Hiệp Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. EVFTA đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam. Hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu giữa hai bên cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhờ EVFTA. Tuy nhiên, EVFTA có hiệu lực vào lúc châu Âu bị khủng hoảng dịch tễ và giờ là Việt Nam.
RFI : Thưa ông Jean-Jacques Bouflet, ông là phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, xin ông cho biết tình hình dịch bệnh hiện nay có gây chậm trễ cho các dự án đầu tư từ cả hai phía Việt Nam và châu Âu không ?
Jean-Jacques Bouflet : Trước tiên, đầu tư, theo định nghĩa là dài hạn. Nhiều thành viên EuroCham là những công ty nước ngoài, như Đức, Pháp, Ý cũng đã chuẩn bị để hoạt động ở Việt Nam. Vì thế họ biết Việt Nam, hiểu rằng những biện pháp chống dịch này chỉ là tạm thời, dù rất khắt khe, và mọi chỉ số đều tốt cho năm 2022.
Năm 2021 có khả năng khó khăn. Đối với năm 2022, tình hình được cho là khả quan và chắc sẽ không làm hỏng đầu tư, dù lượng đầu tư vào Việt Nam bị giảm. Có thể thấy rõ là vốn đầu tư trực tiếp đã giảm 15% so với năm 2019, có nghĩa là năm trước Covid và dù đã được dần dần vực dậy trong năm 2021 so với năm 2020. Có một chút tiềm năng cho tăng trưởng nhưng các chỉ số hiện chỉ dự báo từ 2 đến 3 điểm trong khi trước đó là 6 điểm.
Chị nhắc đến hiệp định thương mại có hiệu lực từ tháng 08/2020 nhưng hiệp định bảo hộ đầu tư lại chưa có hiệu lực vì còn phải chờ hai lần phê chuẩn, từ phía Liên Hiệp Châu Âu và từ phía mỗi nước thành viên. Quá trình này còn chưa hoàn thành, các nước thành viên còn chưa phê chuẩn. Vì thế thỏa thuận bảo hộ đầu tư vẫn chưa có hiệu lực và chưa mang lại những hiệu quả tích cực như chúng tôi mong muốn.
RFI : Nhìn chung, các doanh nghiệp châu Âu có hài lòng về những cải thiện, những cải cách được Việt Nam tiến hành từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực không ? Tương lai đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu như thế nào ?
J. J. Bouflet : Loạt biện pháp cải cách được tiến hành từ nhiều năm qua và được tăng cường theo hướng đơn giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là châu Âu. Tôi phải nói là việc thủ tướng Việt Nam đã trao đổi với EuroCham suốt 4 tiếng để lắng nghe chúng tôi, cố hiểu những vấn đề của chúng tôi chứng minh rõ rằng chính quyền Việt Nam muốn thực sự khẩn trương.
Nhưng ngoài những tuyên bố, chúng tôi hy vọng những phát biểu đó sẽ được thực hiện dù tình hình Covid hiện nay và những biện pháp nghiêm ngặt được ban hành. Chúng tôi hiểu nguyện vọng của chính phủ về mặt y tế nhưng những biện pháp đó tác động rất nặng nề cho nền kinh tế.
Dù sao cũng cần thấy rằng ý muốn cởi mở của chính phủ là sự khích lệ cho đầu tư nước ngoài nói chung, tạo điều kiện cho hoạt động bền vững. Chúng tôi rất vui. Đó là một lý do để EuroCham hợp tác tích cực với chính quyền Việt Nam. Tất cả mọi người đều trông đợi là đầu tư và hoạt động khởi sắc mạnh ngay từ năm 2022, dĩ nhiên trừ phi tình hình dịch bất ngờ xấu đi.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Jean-Jacques Bouflet, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và bà Delphine Rousselet, giám đốc điều hành EuroCham.
Nguồn tin RFI Tiếng Việt