Evergrande, vòng xoáy Trung Quốc và thông điệp cho Việt Nam (Quốc Bảo )
Evergrande có thể tạo ra một cú sốc toàn cầu? Không, vì số nợ quá nhỏ. Nhưng với các nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật và các quỹ đầu tư khác, họ sẽ bị mất tiền thông qua quá trình cho chính các ngân hàng Trung Quốc vay, và các ngân hàng này cấp vốn cho Evergrande. Còn ai dám làm ăn với Trung Quốc nữa?
Quy mô nợ, tích sản, lãi suất trái phiếu, giá trị cổ phiếu, các chỉ số tài chính và hiệu quả kinh doanh của Evergrande là những dữ kiện vô tri nếu chúng ta không gắn chính trị vào với nó. Sự sụp đổ của Evergrande cần được nhìn thấu đáo ở 2 phương diện: Mô hình phát triển kinh doanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hệ luỵ với doanh nghiệp, chính quyền và xã hội Trung Quốc. Evergrande đã nhắn nhủ thông điệp gì cho Việt Nam?
Điều gì đang diễn ra
Một tổ hợp đa ngành với tỉ trọng về bất động sản, xây dựng thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản. Evergrande có tổng tài sản khoảng 355 tỉ, đang bị toàn cầu đánh giá có thể vỡ nợ với khối nợ hơn 300 tỉ USD. Trước mắt là chưa thanh toán được khoản lãi 83.5 triệu USD vào kì hạn cuối tháng 9/2021. Điều gì bình thường và bất bình thường cần được nhìn nhận?
Điều bình thường rất dễ chấp nhận: Bất kỳ công ty nào cũng có thể bị phá sản khi mất khả năng thanh toán các khoản nợ và tích sản cũng không đủ cả giá trị lẫn niềm tin của cả cổ đông lẫn bên cho vay để thanh toán hoặc vay bù đắp. Evergrande kinh doanh không hiệu quả với tổ hợp gồm cả kinh doanh bóng đá, nông nghiệp, nước giải khát, bất động sản, xây dựng và mới đây là xe điện. Đó là những gì họ đang trải qua. Chúng ta cần quan sát về sự bất bình thường, và điều bất bình thường đó, có thể lại rất bình thường trong mô hình phát triển chung của Trung Quốc trên hai phương diện: Evergrande rất lớn nhưng lại là người khổng lồ chân đất sét, và nếu người khổng lồ sụp đổ, hệ lụy nào sẽ diễn ra.
Đó là một hành trình thần kỳ và rất hợp thời: Năm 1996, tại Thâm Quyến, doanh nhân Hứa Gia Ấn gần 40 tuổi khởi nghiệp với ngành bất động sản. Vài năm sau đó, Trung Quốc bùng lên làn sóng đô thị hóa. Tư bản được tích luỹ hơn hai thập kỉ trước đó cho phép chính quyền Bắc Kinh tự tin quy hoạch những bộ mặt đô thị mới với tầng lớp dân cư trung lưu kèm theo các điều kiện sống khá giả hơn, với nhiều dịch vụ và tiện nghi hơn, cư trú trong những khu đô thị mới hơn, tập trung nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.
Đi tắt đón đầu. Evergrande bật dậy đón làn sóng ấy. Họ ‘lấy được đất’ và dùng đất thế chấp, đất sinh ra tiền, bán các khoản nợ cũng sinh ra tiền và tiền sinh ra tiếp tài sản đầu tư khác. Cứ thế, vòng quay tiến lên không ngừng và ngành nghề mới cũng được triển khai không ngừng. 20 năm sau, Evrgrande có doanh số nhà đất lớn nhất Trung Quốc (hơn 30% doanh số hiện tại đến từ Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Tứ Xuyên) và ông Ấn trở thành một trong những người giàu nhất đất nước với tổng tài sản hơn 30 tỉ USD. Evergrande sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 234 thành phố, dự kiến xây dựng khoảng 1,4 triệu bất động sản riêng lẻ thông qua hơn 200 công ty con ở nước ngoài và 2.000 công ty thành viên trong nước, bao phủ 231 triệu m2 đất (tài sản Evergrande chiếm 2% GDP của Trung Quốc theo số liệu công khai).
Nhiều nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc sẽ mất hết tiền khi Evergrande phá sản.
Giấc mơ sinh ra tiếp những giấc mơ: Giá nhà tiếp tục tăng, tiền vay được bơm vào dễ dàng, tín dụng từ các ngân hàng, quỹ đầu tư cho đến người dân trở nên dễ dàng hơn vì niềm tin vào tài sản khổng lồ của Evergrande hiện ra trước mắt. Niềm tin ấy hẳn phải có sự ‘bảo trợ’ của chính quyền Bắc Kinh. Ông Ấn nói mình đã mang ơn Đảng và nhà nước. Đế chế của ông trương nở và khoản nợ phình to theo. Nhưng trước tiên, hãy nhìn qua vài số liệu tài chính cơ bản để nhận định tiếp về Evergrande.
(Trích Báo cáo tài chính 2020 từ Wall Street Journal. Đơn vị tiền tệ đối chiếu là HKD, tỉ giá quy đổi ra USD là 0.13 - Các con số có thể sai số nhỏ, tính theo tỉ giá USD và được làm tròn với mục đích giản tiện cho người theo dõi):
- Nợ dài hạn: 60 tỉ.
- Nợ ngắn hạn: 52 tỉ.
- Nợ thuế: 6.8 tỉ.
- Các khoản nợ khác: 182 tỉ. Các khoản nợ này có thể là các hợp đồng còn phải thanh toán cho nhà cung cấp, lãi trả chậm, hoặc khách hàng trả trước tiền mua bất động sản.
- Vốn chủ sở hữu (thông qua giá trị cổ phiếu, tiền lãi, các khoản dự trữ) khoảng 54 tỉ.
- Hàng tồn kho (bao gồm công trình xây dựng dở dang) khoảng 206 tỉ (58% tổng tài sản).
- Chỉ số nợ/tổng tài sản là : 0.85.
- Số tài sản khác trong bảng cân đối kế toán khoảng 243 tỉ. Có thể đây là các tài sản luỹ kế từ các hoạt động đầu tư.
- Doanh thu 2020 khoảng 75 tỉ, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Thu nhập ròng 1,2 tỉ, giảm 53% so với 2019 do chi phí lãi vay tăng cao.
- Năm 2020, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thuần là 12,7 tỉ (nhưng trong đó có các khoản phải trả 22.6 tỉ).
- Hoạt động đầu tư của Evergrande 2020 là âm 5,9 tỉ, thấp hơn 2019 và gần bằng 2018. Năm 2016, con số này là 16,7 tỉ, cao nhất trong 5 năm. Công ty đã đầu tư liên tục khoảng 35 tỉ vào các hoạt động mua bán sát nhập khác trong khoảng thời gian này. 2016 là năm Evergrande đạt doanh thu cao nhất Trung Quốc ngành bất động sản.
- Trong dòng tiền của hoạt động tài chính 2020, dòng tiền tự do (có thể hiểu là tiền doanh nghiệp có thể sử dụng để thanh toán các khoản ngắn hạn) là 10.4 tỉ. Có gì khác khi so với 5 năm trước đó: Các khoản phải trả tăng lên và lượng hàng tồn kho giảm hẳn.
Đến đây, có lẽ chúng ta cũng không dễ hình dung được vì sao Evergrande sắp bị vỡ nợ. Và thực tế, con số không thể nói đủ về khủng hoảng tài chính. Câu hỏi là vì sao, ngay bây giờ, Evergrande lại bị cho là sắp phá sản:
1 - Truyền thông đều đã nói về ảo vọng bắt đầu thay thực tế kinh doanh của Evergrande, rồi vòng quay tiến lên của họ trở thành vòng xoáy ngược. Khi năm 2016, Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu: “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ” và "Ba lằn ranh đỏ" là: nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty (ngưỡng 100%); Tiền/nợ vay ngắn hạn (ngưỡng 1); Nợ phải trả/tổng tài sản (ngưỡng 70%). Evergrande đã vượt 2 "lằn ranh đỏ", đó là nợ vay/vốn chủ sở hữu và nợ phải trả/tổng tài sản. Thực tế có thể Evergrande đã vượt cả ba.
Mọi sự bắt đầu thay đổi. Giá nhà không tăng nữa, tín dụng cả nổi lẫn chìm không còn dễ như trước. Rồi các khoản đầu tư để tăng trưởng nóng của Evergrande cũng được báo là chưa hiệu quả và ngốn quá nhiều vốn. Nghe như một lời than vãn của một nhà đầu tư mất hàng trăm tỉ USD nhẹ nhàng như mất vài chục Yuan. Rồi 5 năm sau giai đoạt đột phá tăng trưởng (2016-2020), đột nhiên Evergrande như sắp vỡ nợ. Dù đã chuyển sang xây dựng các mô hình nhà giá trong phân khúc thấp hơn, tình hình có vẻ vẫn không đổi. Nhưng tình hình là tình hình nào?
2 - Số liệu tài chính không nói lên việc vỡ nợ. Cần nói thêm lúc này, Evergrande không phải là công ty có tỉ lệ vay nợ cao nhất trong ngành bất động sản, dẫn đầu đang là Guangzhou R&F và GreenTown. Chúng ta có thể thấy điều gì bất thường không. Thực không dễ thấy. Điều có thể thấy là Evergrande vẫn bán hàng tốt, vẫn có dòng tiền trả nợ (mà chưa chịu trả), vẫn tồn tại những giá trị xây dựng cơ bản dở dang và các thành phẩm có thể bán. Và vẫn đi đầu tư liên tục trong 5 năm qua khoảng 35 tỉ USD. Nghĩa là các công ty con của Evergande vẫn phát triển do nhận được đầu tư từ công ty mẹ. Chỉ có 3 lằn ranh đỏ như chiếc vòng kim cô. Nói rằng đã có một cuộc chạy trốn về phía trước đối với vấn đề thoát nghèo là một cách biểu đạt lượng thứ. Thực tế có thể còn tàn nhẫn hơn: ‘Ai đó’ đã tạo ra chiến dịch truyền thông như một đòn tâm lý về việc sắp vỡ nợ trước và diễn biến theo sau: Evergrande dùng dằng một vài khoản nợ đáo hán, tạo ra một làn sóng ớn lạnh trong giới đầu tư lẫn cho vay, tẩu tán tài sản sang các công ty thành viên bằng cách bán giá rẻ hơn giá thực, bán cổ phần cho nhà đầu tư được chính quyền chỉ định. Cuối tháng 9, lãi suất trái phiếu Evergrande có lúc vọt lên 28.5%! Không chỉ cần tiền, chỉ số đó còn cho thấy sự rủi ro cao trong việc hoàn vốn.
Khi một công ty khổng lồ vẫn có thể sinh tồn mà lại bị xếp vào dạng sắp sụp đổ thì đó chỉ có thể là một kịch bản quỵt nợ được dàn xếp. Khi Evergrande phình to bằng vốn vay, tạo ra liên tục các dự án để vay vốn, hình thành tài sản và rồi biển thủ bằng xoá nợ. Evergrande không thể tự tiện làm chuyện đó. Cả một kế hoạch được tính toán, đồng lòng thực thi giữa họ và chính quyền Bắc Kinh. Chúng ta không biết, nhưng có quyền suy luận một kịch bản được chuẩn bị từ 5 năm trước cho việc phá sản để xoá nợ.
Evergrande có thể tạo ra một cú sốc toàn cầu? Không, vì số nợ quá nhỏ. Nhưng với các nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật và các quỹ đầu tư khác, họ sẽ bị mất tiền thông qua quá trình cho chính các ngân hàng Trung Quốc vay, và các ngân hàng này cấp vốn cho Evergrande. Còn ai dám làm ăn với Trung Quốc nữa?
Evergrande vỡ nợ để quỵt nợ khiến cho các công ty Trung Quốc, từ nay khó vay tiền từ các định chế quốc tế.
Khôn nhà dại chợ
Câu hỏi đặt ra là tại sao Đảng cộng sản Trung Quốc đánh đổi sự ổn định quốc nội để đổi lại khối nợ mà theo chính họ công bố, chỉ chiếm 2% GDP. Mức tín nhiệm của Trung Quốc không những sẽ bị hạ, mà uy tín quốc tế trong giao thương sẽ biến mất. Cần nói thêm rằng, mức nợ công của Trung Quốc thực tế có thể hơn 300% GDP. Với một quốc gia có GPD bình quân đầu người chưa tới 10.000 USD, mức nợ đó là một gánh nặng kinh khủng.
Câu trả lời là Đảng cộng sản Trung Quốc không có lựa chọn nào. Thế giới đã nhìn ra mối nguy và đang cô lập Trung Quốc. Chủ động phá sản để quịt nợ và co cụm còn hơn là phải giao thương và trả khoản nợ mà họ không có khả năng trong thế bị bủa vây. Tại sao lại đến nông nỗi này:
Một, Trung Quốc không thể dừng tăng trưởng như Ôn Gia Bảo từng thú nhận là phải duy trì mức 8% để tránh bạo loạn. Để tăng trưởng chủ yếu về lượng, phải vay để làm. Thứ hai, tiền đã thất thoát từ sáng kiến “vành đai và con đường”. Chính quyền Bắc Kinh phải tìm cách đoạt lại tài sản sau khi đầu tư cho sáng kiến những “vành đai” và “con đường” bỏ đi. Tiền mất phải được đoạt lại để sống bằng mọi giá. Dù thế nào, đó là những tổn thất không thể bù đắp nổi. Covid-19 chỉ là cái cớ của phá sản và để tuyên bố việc xiết chặt bất động sản. Ưu tiên chuyển đổi sang mô hình kinh tế công nghệ cao của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng chỉ là cái cớ. Công nghệ cần sự sáng tạo, nhưng chỉ có tự do và cảm xúc tích cực mới mang lại sáng tạo. Làm thế nào người dân đến tiêu tiền cho bản thân cũng không dám mà có thể sáng tạo? (Mức chi tiêu nội địa của Mỹ và EU lần lượng là 70% và 60% trên GDP so với 35% của Trung Quốc).
Chính quyền Bắc Kinh có cố thủ thành công sau khi quịt nợ? Có mọi khả năng câu trả lời là KHÔNG. Thế giới đã thay đổi, con người đã thay đổi theo hướng dân chủ hơn, hiểu biết về nhân quyền hơn và cũng có yêu cầu cao hơn hẳn không chỉ về vật chất, mà còn tinh thần. Người Trung Quốc không thể sống như thời 40 năm trước, trước thời điểm họ cải cách và khai quan. Không ai trả một cái giá đắt để rồi quay về âm hơn mức xuất phát.
Khối 1,4 tỉ người Hoa giờ đây không chỉ đã đi qua thời kỳ dân số vàng, mà còn suy giảm nhiều về sức lực qua hơn 40 năm tăng trưởng. Chất lượng không khí xuống cấp trầm trọng. Nước uống thiếu và miền Bắc bị sa mạc hoá không thể canh tác. Thế giới thu nhỏ trong hình dung của lãnh đạo Trung Quốc bị phá sản bởi chính thoả ước với dân chúng về mức tăng trưởng 8% và chất lượng sống. Trước nay, tiền tiết kiệm nội địa là nguồn đảm bảo cho các ngân hàng Trung Quốc với tỉ lệ có thể tới 50% so với mức trung bình toàn cầu khoảng 22%. Tiền đó đã bị mất một phần bởi những Evergrande. Động tác bơm tiền của Đảng cộng sản Trung Quốc vào hệ thống tài chính sau vụ Evergrande, chỉ có tác dụng câu giờ cho sự chuẩn bị chạy trốn.
Trung Quốc không thể bảo lãnh các khoản nợ xấu bằng khoản vay mới với sự hỗ trợ từ các tập đoàn trong nước, vì các tập đoàn này phần lớn cũng sống bằng nợ, nghĩa là có cùng bản chất phát triển như Evergrande. Họ cũng không thể làm chậm tăng trưởng để thanh lọc quá trình phát triển và tạo ra hệ tín dụng lành mạnh. Evergrande chỉ là điểm khởi đầu, nhưng rất lớn, của quá trình quịt nợ sau khi thế giới chứng kiến tập đoàn Hàng không Hải Nam giải thể (HNA). Công thức Evergrande sẽ được lặp lại. Người Trung Quốc có thể làm những điều phi thường trong lịch sử, bằng những nỗ lực phi thường đến bất chấp tất cả. Nhưng sự sụp đổ từ trong lòng đất nước thì không phi thường. Nó bình thường và phải đến vì những điều phi thường không phục vụ con người, thảm họa sẽ không tránh được.
Tại sao lại khôn nhà dại chợ? Chúng ta hình dung giản dị thế này: Một người trong gia đình, được trao mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Anh ta phát đạt, sau đó không giúp gì được cho ai trong nhà vì luôn cho rằng tự mình giỏi giang và làm ra mọi thứ. Cuối cùng, anh ta đã dại dột và làm mất mát hết trong lúc đầu tư. Đó là bản chất mối quan hệ thu nhỏ của Đảng cộng sản Trung Quốc và người dân trong nước.
Liệu Việt Nam có xảy ra tình trạng các tập đoàn bất động sản vỡ nợ như Evergrande?
Thông điệp Việt Nam
Chúng ta vừa đi qua một hành trình cô đọng nhất có thể về kịch bản Evergrande và những gì đang và sắp diễn ra tại Trung Quốc. Giờ là lúc ngoảnh đầu nhìn lại mình. Sự đồng dạng về thể chế của Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam không phản ánh tầm vóc của 2 Đảng. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ bắt chước và cũng chỉ có thể rập khuôn ‘đàn anh’ như một người mù loà đi theo người chột mắt. Người đàn anh của họ nay đã triệt thoái và khủng hoảng, và kẻ theo sau là Đảng cộng sản Việt Nam thì đã bỏ đàn anh đi tìm miền đất mới với các nước dân chủ với tỉ lệ 80%. 20% chưa dám bỏ hẳn là vừa sợ, vừa muốn giữ chế độ cộng sản. Vậy thông điệp nào cần được gửi tới Việt Nam:
Gửi chính quyền Việt Nam: Trung Quốc sẽ không thể chuyển hoá về dân chủ mà không tan rã ra thành từng khối về mặt địa lý và con người. Nhưng Việt Nam thì có thể giữ được sự vẹn toàn lãnh thổ và lòng người khi có dân chủ. Đó là điều quan trọng nhất. Đảng cộng sản Việt Nam đã không thể đáp lại tiếng gọi quan trọng nhất lúc này là dân chủ và nhân quyền để đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng do Covid-19 và từ chính những thảm hoạ trong quá trình cai trị đất nước của họ. Họ chỉ có thể triệt thoái nội bộ, chia rẽ, ngột ngạt và tan vỡ. Đất nước cần những lãnh đạo dân chủ có tầm nhìn và kiến thức, một thể chế dân chủ sẽ tạo ra liên kết đồng dạng để giúp Việt Nam khỏi khó khăn. Cơn điên trong tăng trưởng hoang dại của Trung Quốc sẽ không bị lặp lại với Việt Nam.
Gửi những tập đoàn kinh tế: Các ngân hàng Việt cũng không cho Trung Quốc vay và vì vậy Evergrande không ảnh hưởng gì đến họ. Trung Quốc đã thoát nghèo từ một xuất phát điểm rất thấp bằng trọng điểm là các nhà máy sản xuất và đầu tư hạ tầng. Rồi từ đó họ sản sinh ra những Evegrande. Điều này không hoàn toàn giống các tập đoàn kinh tế hiện nay ở Việt Nam. Chúng ta chỉ mới tập trung xuất khẩu hàng hoá giản đơn, nông sản và gia công chất lượng thấp. Việt Nam chưa đạt được chu kỳ căn cơ của sản xuất. Vì vậy, các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam phình to chỉ dựa vào bất động sản và trục lợi. Họ mong manh hơn hẳn bên Trung Quốc.
Nhưng bây giờ nếu cảm nhận rủi ro do chế độ thay đổi, thì họ rút cũng không được nữa. Có nhiều khả năng trong cơn kiệt quệ, Đảng cộng sản Việt Nam đã ra lệnh các tập đoàn phải ‘ở lại’ và tiếp tục đóng góp. Họ sẽ vẫn ăn nên làm ra ở phương diện kinh doanh bất động sản và tiêu dùng, nhưng trong vòng xoáy cạn nguồn tiền của Đảng cộng sản Việt Nam, tiền họ kiếm ra sẽ bị hút hết vào đó và họ sẽ là những nạn nhân bất kỳ lúc nào, dù chính họ chưa chắc vô tội. Tạo ra các công ty đủ lớn để tham gia vào cấu trúc xã hội chỉ có thể diễn ra ở xã hội dân chủ, qua nhiều năm tích luỹ nhân lực và công nghệ, chứ không bao giờ là tăng trưởng nóng và đa ngành. Làm gì tiếp theo đây?
Cho đồng bào Việt Nam: Hãy cảm nhận những gì người dân Trung Quốc đang chịu đựng và trải qua. Chúng ta cũng đã phải chịu đựng không ít hơn họ và chúng ta đã là chúng ta như ngày nay, vì phần nào chúng ta xứng đáng với chế độ cộng sản. Nhưng thế giới đã thay đổi, tiến hoá về cả dân chủ và nhân quyền. Phải dám tin rằng thực sự chúng ta cũng đã khác, vì Việt Nam đã có những trí thức chính trị, cùng làm việc trong một tổ chức chính trị và kiến tạo ra một Dự án chính trị có tên Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai. Đó là những gì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã thực hiện. Tổ chức duy nhất đến lúc này đưa ra một truyện thuyết mới cho dân tộc. Những gì bạn cần làm trước tiên là đọc Dự án chính trị của chúng tôi một cách lắng đọng và cởi mở.
Để rồi chúng ta sẽ tìm đến với nhau, và xứng đáng với một tương lai khác.
Quốc Bảo
(6/10/2021)