Cưỡng chế xét nghiệm : nhân phẩm công dân bị chà đạp
Công lý 404
Tuấn Khanh, RFA, 30/09/2021
Buổi tối ngày cuối tháng 9/2021, khi câu chuyện về người phụ nữ bị đủ loại lực lượng của chính quyền tấn công ngay trong căn nhà mình ở Thuận An, Bình Dương, vẫn còn đang nóng hổi trong dư luận, thì các bài báo nói tương đối đủ và đúng về sự kiện này đột nhiên mất dạng. Nhiều người hỏi nhau, và thử tìm vào báo Tuổi Trẻ điện tử, nơi có bài phát pháo đầu tiên mang tên "Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm : Vi phạm quyền con người", thì đã chỉ còn lại phần thông báo 404, lỗi vì không tìm thấy.
Người phụ nữ bị đủ loại lực lượng của chính quyền tấn công ngay trong căn nhà mình ở Thuận An, Bình Dương
Việc những người làm kiểm duyệt ở Việt Nam cướp đi chứng tích, hay bịt miệng các ngôn luận từ giới truyền thông là điều không lạ. Thậm chí thói quen thô bỉ đó ngày càng trắng trợn đến mức trở thành chuyện cười mỉa thường ngày của đám đông dân chúng.
Nhưng điều đáng nói, sự xóa bỏ này chỉ tạm ẩn đi với người Việt Nam thôi. Hãy thử một dòng mô tả được tìm kiếm trên bing.com, đã cho thấy 3000 kết quả, thay vào lúc các trang bài ở Việt Nam bị xóa. Hình ảnh ông Võ Thanh Quan, Bí thư phường Vĩnh Phú đang hiên ngang và quyết liệt chỉ huy cuộc đột nhập tư gia có phụ nữ, trẻ em, bẻ tay rồi xô đẩy xuống sân để xét nghiệm, nay đã trở thành chuyện của cả thế giới rồi.
Những kẻ làm kiểm duyệt và quan chức ở Thuận An, Bình Dương đang muốn che giấu với ai vậy ? Những hành động can thiệp rẻ tiền này, có phải đã vô hình trung biến sai lầm của một cá nhân lạm quyền và không đủ tư cách làm quan tại một thành phố nhỏ, trở thành chuyện bao che ở tầm quốc gia, mà tất cả hệ thống đều chịu vết nhơ chung ?
Đừng quên, khi diễn giải và cố nói giảm nhẹ về hành động phi pháp như trộm cướp của ông Võ Thanh Quan, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, bí thư thành phố Thuận An còn nhấn mạnh là "khi cả hệ thống chính trị căng mình chống dịch, tất cả điều luật đều không thể áp dụng bình thường". Có nghĩa, trước sai lầm của thủ hạ, bà Phương đã đẩy cả một hệ thống chính trị Cộng sản Việt Nam án ngữ, chịu trách nhiệm thay cho hành động hồ đồ của một quan chức cấp thấp. Và hơn nữa, bà cũng không quên phủ nhận luôn giá trị luật pháp hiện hành của một quốc gia, để bao che cho tay chân của mình.
Thật khủng khiếp, chỉ là một vết thương nhỏ của "hệ thống chính trị" ở Bình Dương mà bà Huỳnh Thị Thanh Phương đã giới thiệu đủ cho người dân Việt Nam cả nước – và cả thế giới – thấy cuộc sống của nhân dân Việt Nam, bình an của một quốc gia Việt Nam, với mọi nỗ lực để dựng nên một thể chế, như đổ sông đổ biển.
Việc phủ nhận mọi giá trị luật pháp, được Quốc hội nhiều đời của Nhà nước Việt Nam xây dựng và được xác nhận bởi những người lãnh đạo cao nhất, chỉ qua một lần chọt mũi – nói theo kiểu dân gian – cũng có thể bị phế bỏ dễ dàng, để bảo vệ cho chuyện quan quyền, sai nha… để xông vào bẻ tay một phụ nữ, lôi ra khỏi nhà trước tiếng khóc thét của trẻ con, sự kinh hãi của dân cư. Nếu bỏ qua với hành động và tư duy của ông Võ Thanh Quan và bà Huỳnh Thị Thanh Phương, sớm muộn gì, cũng sẽ là tiền lệ đi đến hủy diệt mọi trật tự trên đất nước này.
Ai đã giới thiệu những người như vậy vào hệ thống cầm quyền ? Và ai đã bầu cho họ ? Tôi tin rằng chẳng có ai bầu cả. Những lá phiếu vô hồn được thúc hối ở các kỳ bầu cử tại Việt Nam, nay đã chỉ rõ bất cập của nó, và nhân dân đang phải chịu hậu quả trực tiếp.
Giờ thì khắp nơi, hệ thống truyền thông thuộc nhà nước đang đẩy mạnh hình ảnh ông Quan xin lỗi công khai nạn nhân là bà Hoàng Phương Lan. Nhưng việc "công khai" đó như thế nào ? Mọi thứ diễn ra trong một căn phòng nhỏ khoảng 16m2, bà Lan ngồi cùng ông Quan và người hòa giải. Chung quanh thì lô nhô người phía chính quyền đang lăm lăm máy quay, máy chụp hình… chờ để bắt kịp hình ảnh vui vẻ, chân thành và tha thứ nhằm tuyên truyền.
Rất thú vị, là ngay ở buổi đầu bà Lan đã từ chối hòa giải suông. Có lẽ bà hiểu, đằng sau bà là cư dân của khu chung cư Ehome4, của những học viên lớp dạy của bà đang điếng người trước khung cảnh, và của con bà, với niềm tin rằng bà đã bị xúc phạm như thế nào.
Cuộc thương lượng hòa giải rõ là không cân sức, khi người được hỏi có đồng ý với lời xin lỗi không, lại là người đang bị thu giữ căn cước công dân, bị buộc ký các biên bản vi phạm theo quan điểm của những kẻ hành động sai quấy, nhân danh chính quyền.
Nhưng quan trọng hơn, là bởi những bài báo mô tả đúng về tình cảnh của bà trên các trang báo nhà nước đang bị gỡ bỏ im lặng, cùng một hệ thống tay sai dư luận viên đang mở chiến dịch bôi nhọ bà về chuyện "ngoan cố", "thiếu ý thức", "bị cưỡng chế là đúng"… Hòa giải đang ở ý nghĩa nào trong bối cảnh u ám như vậy ?
Không có gì mạt hạng hơn, khi mọi thứ giống như cả một "hệ thống chính trị" đang vào cuộc đế chống lại một người đàn bà. Mạt hạng tận cùng.
Bạn có đang tự hỏi với tôi không, rằng với những gì đang diễn ra, lời "xin lỗi công khai" đang được thực hiện bài bản ở Thuận An, Bình Dương, với bà Hoàng Phương Lan, có thật là sự chân thành nhận biết ? Hay lại chỉ là thứ thủ đoạn thao túng dư luận, rập khuôn theo câu nói vô liêm của ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ : "Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 30/09/2021
********************
Ai trả cái giá nhân phẩm cho người dân sau đại dịch ?
Miên Trường, Luật Khoa, 30/09/2021
Nhân phẩm nhắc ta về cuộc sống mình từng có, và xứng đáng có.
Ảnh chụp từ clip ghi lại những vụ bạo hành của lực lượng chống dịch trong thời gian qua ở Long An, Bình
Làm sao để đánh giá một quốc gia chống dịch tốt hay không ? Tất nhiên là thời này làm gì còn ai chỉ đếm số ca nhiễm nữa.
Ví dụ, Nikkei Asia xếp loại các nước chống dịch bằng Chỉ số Hồi phục Covid-19 (The Nikkei Covid-19 Recovery Index ) [1], căn cứ trên các tiêu chí ca nhiễm thấp, vaccine phủ rộng và biện pháp giãn cách đỡ khắc nghiệt. Bloomberg có Bảng xếp hạng Khả năng Phục hồi (Resilience Ranking ) [2], trong đó họ đo mức độ kiểm soát dịch, chất lượng chăm sóc sức khỏe, độ phủ của vaccine, tỷ lệ tử vong và tiến trình mở cửa trở lại. Các chỉ số trên phần nào tính cả cái giá mà người dân và cả đất nước phải trả – hậu quả kinh tế, hệ lụy của các lệnh giãn cách – vượt trên phạm trù có nhiều người bị nhiễm bệnh hay không (Việt Nam đang đứng ở nhóm cuối của cả hai bảng).
Nhưng liệu chúng đã bao gồm chi phí về nhân phẩm của người dân ?
Nhân phẩm là gì ? Tôi thử hỏi Google.
Wikipedia cho kết quả "nhân phẩm hay phẩm giá con người là quyền của một người được coi trọng và tôn trọng vì lợi ích của chính họ, và được đối xử một cách có đạo đức" [3]. Từ điển của Đại học Oxford trả kết quả cho chữ "dignity "là "sự xứng đáng được tôn trọng" [4]. Tựu trung, nhân phẩm có thể được xem là tình trạng được tôn trọng với tư cách một con người riêng lẻ, chứ không phải một giống người nói chung.
Nhân phẩm khác biệt – dù có thể không tách biệt – với những nhu cầu khác như được ăn uống, được an toàn, được khỏe mạnh. Giữa thời đại dịch, khi các nhu cầu của con người bị giản lược đến mức tối thiểu ("sao không ăn mì tôm để giúp cả nước chống dịch ?"), nhu cầu được tôn trọng hẳn đã thành một thứ xa xỉ, một sản vật của thế giới thứ nhất.
Trong thế giới của những nhu cầu được giản lược, việc đưa mèo đi cấp cứu có thể khiến bạn bị chặn lại, xử phạt và quay clip đưa lên TikTok như sự việc xảy ra ở Long An [5]. Chuyện bạn bị xử phạt có thể dựa trên văn bản pháp luật (và bạn chỉ vi phạm hành chính thôi), nhưng bạn còn phải trả thêm một cái giá là những giây phút khổ sở của cuộc đời bạn, khi thú cưng của bạn sắp chết và bạn thì nước mắt lưng tròng, bị tung lên mạng xã hội cho mọi người phán xét. Mà đó là bạn đã phải nghe một bài giảng từ người xử phạt bạn trước đó rồi.
Ở một tỉnh khác, Khánh Hòa, việc đi mua bánh mì ăn có thể khiến bạn bị hỏi là "mày ở trên núi xuống hả ?" [6]. Gần đây nhất, việc từ chối đi xét nghiệm (vì những lý do đáng xem xét) có thể khiến bạn bị một đoàn người xông vào nhà lôi đi trước mặt con cái của mình [7]. Tương tự như vụ việc ở Long An, họ còn quay lại clip của toàn bộ quá trình xúc phạm bạn, tung lên mạng để làm gương cho người khác.
Tất cả những chuyện đó đều ảnh hưởng đến phẩm giá của bạn.
Những lời kêu cứu xuất hiện khắp nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình trang web sosmap.net vào sáng 6/8/2021.
Nhưng chi phí nhân phẩm không chỉ phải trả khi bạn bị xúc phạm trực tiếp. Đôi khi, bạn bị ép phải tự tay bỏ đi những phẩm giá đó. Trong những group cầu cứu, hoặc bên dưới chính video livestream của chính quyền TP. Hồ Chí Minh là những người cầu xin giúp đỡ hoặc cố gắng đòi phần tiền hỗ trợ của họ. Rất nhiều người trong số họ đã phải công khai tên tuổi, địa chỉ, thậm chí cả giấy chứng sinh chứng tử, hồ sơ khám bệnh, chỉ để chứng minh rằng "tôi khổ thật đấy, hãy giúp tôi với". Trong một thế giới coi trọng người giàu và cái nghèo luôn phải che đi, đại dịch ép chúng ta phải chứng minh rằng mình rất nghèo, vì đó là cách duy nhất chúng ta sống sót qua đại dịch.
Trong các biện pháp phong tỏa vốn đã bao gồm chi phí nhân phẩm : lễ tang không thể diễn ra, ông bà không được gặp con cháu, những mặt hàng không thể vận chuyển (như băng vệ sinh, ai nói băng vệ sinh không phải chuyện phẩm giá ?) [8], các combo đi chợ hộ không có gói hàng dành cho người ăn theo nhu cầu tôn giáo, v.v. Trong đại dịch, chúng ta không được có những nhu cầu cá biệt.
Đại dịch cũng khiến các không gian công cộng – công viên, trường học, đường phố, cơ sở tôn giáo, v.v phải đóng cửa. Những không gian này cung cấp những tiện ích mà nhiều người trong chúng ta không thể tự chi trả tại nhà : khoảng sân, góc trời, cảm giác được thuộc về trong xã hội và cả sự riêng tư.
Truyền thông mùa dịch cũng góp phần bào mòn nhân phẩm của tất cả chúng ta, khi biến người dân thành một tập thể "thiếu ý thức phòng dịch", chỉ vì ra đường mua sắm nhu yếu phẩm [9] hay đưa con đi chơi trung thu [10]. Chúng ta nhìn thấy đại diện chính quyền lên livestream quả quyết rằng rất nhiều người trong chúng ta – "người dân" – đã làm một việc xấu xa là bom hàng của lực lượng "đi chợ hộ" [11], trong khi phần lớn những chuyện này là do khả năng tổ chức kém cỏi của chính quyền [12].
Không có gói hỗ trợ nào bù đắp cho những phẩm giá bị mất đi vì cuộc chiến phòng dịch suốt nhiều tháng vừa qua. Mỗi lần một người đứng đầu chính quyền thành phố hay chính phủ kêu gọi người dân "thông cảm và ủng hộ " chính sách chống dịch [13], điều đó có nghĩa là họ đang xin người dân một ít phí tổn về kinh tế, sức khỏe và cả nhân phẩm, trên danh nghĩa vì lợi ích chung. Chi phí kinh tế có thể bù đắp – một phần rất nhỏ, bằng các gói hỗ trợ và bằng triển vọng kinh tế sau này – nhưng chi phí nhân phẩm thì sao ? Và tất nhiên, như mọi chi phí khác của đại dịch, người nghèo và người dễ tổn thương luôn phải trả giá cao hơn.
Nhân phẩm có quan trọng không, bạn sẽ hỏi. Ngày mai (1/10), người Sài Gòn sẽ được ra đường lại, cuộc chiến kết thúc và chúng ta vẫn sống, đó chẳng phải là điều quan trọng nhất sao ? Ai lại dư hơi suy nghĩ đến những chuyện thuộc thế giới thứ nhất như thế chứ !
Nhưng nhân phẩm lại là thứ nhắc chúng ta về một cuộc sống mình từng có, và xứng đáng có. Đó là nhu cầu được yêu thương và tôn trọng, được sống đúng với mong muốn riêng của từng cá nhân, chứ không chỉ "máu còn nóng và tim còn đập" như một sinh vật người [14]. Nhân phẩm nhắc chúng ta rằng những sự chịu đựng mà chúng ta phải trải qua là không bình thường, và "bình thường mới" không có nghĩa là bình thường hóa những mất mát đó. Nó nài nỉ chúng ta nhớ rằng còn một cuộc sống khác với phẩm giá đủ đầy hơn, và chúng ta chấp nhận hy sinh trong ba tháng vừa qua là để hướng đến cuộc sống đó.
"Các biện pháp can thiệp tạm thời [sinh ra trong thời khẩn cấp] bẩn tính ở chỗ nó ở lại sau cả khi giai đoạn khẩn cấp đi qua, đặc biệt trong lúc một thời kỳ khẩn cấp khác quanh quẩn đe dọa". Sử gia Yuval Noah Harari viết như vậy vào tháng 3/2020, khi đề cập đến các biện pháp theo dõi mà nhà nước áp đặt để chống dịch, và hẳn sẽ không ra đi kể cả khi đại dịch không còn là mối lo [15]. Sự bỏ quên nhân phẩm của con người cũng vậy, cũng như sự giản lược nhu cầu của cả xã hội về bao gạo và chai nước mắm, hay tiếng mắng chửi hồn nhiên mà các nhân viên công quyền dành cho những người dân đang tìm cách sống đúng với nhu cầu cá nhân.
Đại dịch rồi sẽ qua. Ngày mai, khi bạn ra đường, đừng quên những ngày phải ở trong phòng ôm lấy những tổn thương của chính mình. Chúng ta đã trả một cái giá nhân phẩm thuộc loại đắt nhất thế giới không phải để đổi lại một tà áo rách. Hãy nhớ lại lời tuyên bố của người phụ nữ bị phá cửa nhà lôi đi xét nghiệm để nhắc mình rằng : tôi xứng đáng được tôn trọng phẩm giá, và người đầu tiên tôi đòi hỏi sự tôn trọng là chính quyền [16].
"Tôi không chấp nhận việc đó [lời xin lỗi của chính quyền địa phương], các anh phải xem xét việc cưỡng chế đúng luật hay chưa. Việc xin lỗi không có giá trị và tôi không đồng ý do đã gây hại sức khỏe và danh dự".
Miên Trường
Nguồn : Luật Khoa, 30/09/2021
Chú thích :
1. Writer, S. (2021, September 3). COVID Recovery Index : Delta strain and late jabs hold ASEAN back. Nikkei Asia.
2. The Covid Resilient Ranking. Bloomberg.
3. Nhân phẩm. Wikipedia.
4. Dignity. Oxford Learners Dictionary
5. BBC News Tiếng Việt. (2021, July 14). Việt Nam : Đưa mèo đi cấp cứu giữa dịch, công an phạt, ‘đúng hay vô cảm’ ?
6. Phó chủ tịch phường ở TP Nha Trang nói bánh mì không phải hàng thiết yếu. (2021, July 19). Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/pho-chu-tich-phuong-o-tp-nha-trang-noi-banh-mi-khong-phai-hang-thiet-yeu-757497.html
7. VnExpress. (2021, September 29). Cảnh sát phá cửa, cưỡng chế người dân xét nghiệm Covid-19. vnexpress.net.
8. An M. (2021, July 31). Cần dành thêm sự quan tâm và khuyến cáo cho phụ nữ và trẻ em gái. ZingNews.vn.
9. Phó bí thư Hà Nội : Thành quả chống dịch bị thách thức vì chủ quan đêm trung thu. (2021, September 22). Thanh Niên Online.
10. Bách, Đ. (2021, August 2). Cát Tường : Nhiều người đi siêu thị mà ý thức kém, chen lấn, không giữ khoảng cách. Báo Thanh Niên.
11. Hà M. (2021, August 27). Có tình trạng người dân ở TP.HCM "bom" hàng khi nhờ đi chợ hộ. ZingNews.vn.
12. VnExpress. (2021a, September 8). Lý do nhiều đơn hàng "đi chợ hộ" không có người nhận. vnexpress.net.
13. Thu H. (2021, July 22). Chính phủ kêu gọi sự ủng hộ của người dân nếu phải phong tỏa diện rộng. ZingNews.vn.
14. Lời bài hát của Đen
15. Yuval Noah Harari : the world after coronavirus | Free to read. (2020, March 20). Financial Times.
16. VnExpress. (2021b, September 29). Bí thư phường xin lỗi người bị cưỡng chế xét nghiệm. vnexpress.net.
***********************
Dùng vũ lực cưỡng chế xét nghiệm : Chuyện không thể có ở những nước văn minh
Nguyễn Quỳnh Thiên Trang, Luật Khoa, 29/09/2021
Điểm khác biệt nằm ở chỗ : chúng ta có nghĩ cho nhau như người với người ?
Việc toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam chống dịch bằng cách cưỡng chế đã không còn là chuyện lạ.
Việc cưỡng chế cách ly tập trung đối với người nhiễm bệnh được làm rất rầm rộ và nhiệt tình khi dịch vừa bùng nổ, nay hóa ra được các "chuyên gia" cho là không phải cách hay (?!) [1].
Việc cưỡng chế người dân ở nhà bằng hằng hà sa số những văn bản trên trời, nay thế này mai thế khác cũng đã được các cây bút Luật Khoa chấm phá nhiều nét. Chính sách ngăn sông cấm chợ này đến nay cũng được "giải thích" lại là thiếu thực tế [2].
Rồi sau đó là cưỡng chế doanh nghiệp không được mở cửa, shipper không được giao hàng. Và thậm chí là cưỡng chế bác sĩ, nhân viên y tế không được nghỉ việc [3].
Nay, với hình ảnh đập cửa, phá khóa, xông vào nhà bắt người, bẻ ngoặt tay người mẹ rồi lôi đi xét nghiệm trong tiếng gào khóc của trẻ nhỏ, đó lại là một sản phẩm "quỷ khóc thần sầu" khác của các nhà chấp pháp chuyên nghiệp Việt Nam.
Cái sai về thủ tục, về thẩm quyền, về quy định pháp luật nói chung từ cao xuống thấp, từ trái sang phải thì đã có chuyên gia pháp luật Việt Nam giải thích rõ ràng [4].
Với tư cách là một người nghiên cứu luật, tôi chỉ muốn đóng góp thêm vài góc nhìn so sánh trước khi những cây bồi bút như Tifosi dùng tin giả để nói hươu nói vượn rằng "nước ngoài cũng thế".
***
Ngày tôi vừa đến xứ lạ quê người trong đại dịch, tôi cũng khá lo lắng về việc mình sẽ phải tụ tập chỗ đông người, và bị những nhân viên y tế nhễ nhại mồ hôi, vốn đã đụng chạm với hàng trăm người trước đó, hì hục "ngoáy mũi".
Lo lắng của tôi hóa ra chỉ là lo bò trắng răng.
Ngoại trừ lần xét nghiệm tại sân bay, các nhân viên y tế phát cho tôi hai bộ xét nghiệm tại nhà (bao gồm đầy đủ các vật dụng như lúc test tại chỗ). Họ dặn dò tôi đọc kỹ những thông tin hướng dẫn đi kèm, và nói sẽ gọi điện hướng dẫn thêm khi ngày xét nghiệm gần đến.
Cách hai ngày trước khi đến ngày xét nghiệm, nhân viên gọi điện yêu cầu tôi đặt một cuộc gọi online với cơ quan y tế bang để xác định thời gian trong ngày (tối đa 15 phút) mà tôi có thể làm xét nghiệm.
Đến ngày, tôi ngồi trước màn hình máy tính và được nhân viên hướng dẫn lại một lần nữa. Người này chứng kiến tôi tự lấy mẫu dịch trong mũi của mình và bỏ vào ống bảo quản. Sau đó, tôi đóng gói ống dịch theo kiện hàng được cho sẵn, dán nhãn cũng do họ cho sẵn, và gửi cho FedEx theo cơ chế đặc biệt đến cơ quan xét nghiệm.
Tôi không lo lắng về việc phải tập trung đông người, phải mất thời gian chờ hàng tiếng đồng hồ để có tờ giấy xét nghiệm mà bản thân không biết họ có ghi nhầm tên hay nhầm kết quả của mình hay không.
Cơ quan nước bạn, dù rất nhiều lần gửi mail nhắc nhở rằng việc cố tình trốn tránh xét nghiệm có thể có hệ quả pháp lý hình sự và con số tiền phạt có thể lên đến hàng trăm ngàn đô-la, cũng không hùng hục gửi áo xanh áo vàng đến trước cửa căn hộ AirBnB của tôi mà chặt chém ổ khóa kèm chửi bới vang vọng khắp một góc trời.
Cái lý do quan trọng nhất của sự khác biệt giữa nước ta và nước bạn, mà ở đây chỉ mới nói đến trong trải nghiệm của tôi, là việc nghĩ cho nhau như người với người.
Lực lượng y tế lấy mẫu tầm soát Covid-19 cho toàn bộ người dân phường 15, quận Gò Vấp vào rạng sáng ngày 29/5/2021. Ảnh : Ngọc Dương/ Thanh Niên.
Có hàng tá lý do mà một người không muốn bị người khác lấy mẫu xét nghiệm.
Theo phân tích của hai nhà khoa học Jane Williams và Bridget Haire trên trang The Conversation [5], những người từ chối xét nghiệm trực tiếp có thể bao gồm người bị chấn thương tâm lý vì là nạn nhân của bạo lực trong quá khứ ; người chưa đủ tin tưởng hệ thống y tế nhà nước ; người lo ngại việc xét nghiệm và tiếp xúc với quá nhiều nhân viên y tế (như tôi) ; người lo sợ việc bị phát hiện dương tính đồng nghĩa với việc họ có thể bị ép đi chữa trị tập trung tại những nơi mà họ không biết là đâu.
Dù vì lý do gì đi chăng nữa, và dù quần chúng có thể gọi họ là "ích kỷ", "thiếu suy nghĩ", các quốc gia phát triển như Úc từ chối việc sử dụng vũ lực để bắt buộc xét nghiệm Covid.
Hai tác giả nêu trên nhấn mạnh hai lý do cho việc này : trước tiên là quyền tự do thân thể (right to bodily integrity) và quyền riêng tư (right to privacy), sau đó là nghĩa vụ và tôn chỉ của hầu hết các nhân viên y tế rằng họ chỉ có thể thực hiện việc khám chữa bệnh với sự đồng ý tự nguyện của người được khám. Nhờ vậy, các cơ quan y tế ở Úc luôn nhớ rằng họ sẽ chỉ sử dụng vũ lực như là biện pháp cuối cùng. Và biện pháp cuối cùng ấy cũng sẽ phải trải qua hàng loạt các tiêu chuẩn tư pháp khác.
Tại sao chính quyền Việt Nam cho đến nay vẫn không nghĩ ra nổi cách để người dân lấy mẫu tại tư gia, với đầy đủ tiện nghi, an toàn và sự riêng tư ?
***
Nói rộng ra hơn nữa, dù hầu hết các quốc gia đều cân nhắc ý tưởng xét nghiệm bắt buộc (mandatory testing), nó rất khác với kiểu xét nghiệm cưỡng bức (coerced testing) mà các nhà chấp pháp "thần thánh" tại Bình Dương đang thực hiện. Xét nghiệm Covid-19 bắt buộc là quy định yêu cầu người dân chứng minh rằng họ không mắc Covid-19 tại thời điểm gần nhất khả dĩ như một điều kiện hình thức, và trong hoàn cảnh họ cần đi ra ngoài [6].
Ở Canada, ngay cạnh hai cổng ra vào khuôn viên trường tôi, chính quyền địa phương đặt một loạt các phòng lấy mẫu tại chỗ và trả kết quả trong ngày (hiển nhiên là miễn phí). Đây là một giải pháp tình thế để giúp các sinh viên muốn vào khuôn viên, sử dụng thư viện hay các dịch vụ khác của trường mà vẫn chưa (hoặc không thể) tiêm vaccine đầy đủ. Lưu ý là trong trường hợp những sinh viên này muốn vào trường, yêu cầu "bắt buộc" của việc xét nghiệm Covid-19 mới phát sinh. Trong trường hợp họ vẫn học online và tự cách ly ở nhà, quyền xét nghiệm hay không nằm ở họ.
Tương tự, ở Vương quốc Anh, quy định xét nghiệm bắt buộc thường được giao cho các tổ chức tư nhân tự quyết định, và hẳn nhiên chỉ phục vụ cho mục đích của người dân muốn ra ngoài để sử dụng một loại dịch vụ nhất định nào đó.
Những nhân viên không muốn tiêm vaccine có thể bị bên tuyển dụng yêu cầu xét nghiệm theo một tần suất nhất định (thường là mỗi hai tuần một lần). Họ cũng được khuyến khích bảo đảm các điều kiện làm việc giúp cho người lao động bỏ thời gian đi xét nghiệm không cảm thấy lo lắng (ví dụ như đảm bảo trả lương khi vắng mặt) [7].
Các nhà hát nổi tiếng tại Anh hiện nay cũng có thể đề nghị khán thính giả muốn tham gia dự khán trực tiếp, nhưng chưa tiêm vaccine, phải có kết quả âm tính trong thời hạn 48 giờ [8].
Nhìn chung, không ai lại phá cửa nhà một người không có bất kỳ triệu chứng gì để cưỡng bức xét nghiệm cả.
Ngay cả Đài Loan, một trong những quốc gia áp dụng chính sách xét nghiệm chủ động (proactive testing ) đầu tiên và mạnh mẽ nhất thế giới, cũng chưa dùng đến bạo lực để bắt buộc những người dân cách ly tại nhà phải xét nghiệm [9]. Trong nỗ lực mới nhất của Đài Loan trong việc chuẩn bị đối phó với biến chủng Delta, chính quyền Đài Bắc cũng từ bỏ các chiến dịch gõ cửa từng nhà hay bắt buộc tập trung xét nghiệm [10]. Thay vào đó, 82 cơ sở y tế lớn khắp đất nước được giao thẩm quyền, tự quyết định xem người nào có nguy cơ mắc Covid-19 và cần thực hiện xét nghiệm tại nhà. Các bộ xét nghiệm cũng được cung cấp miễn phí để người dân tự xét nghiệm một cách thoải mái nhất, tương tự như trường hợp của người viết nói trên. Đây mới thật sự là biện pháp đúng để giải phóng nguồn lực y tế và lấy mẫu xét nghiệm, lại nhanh chóng, an toàn hơn cả.
***
Bệnh "ngáo xét nghiệm" không phải là hiện tượng mới tại Việt Nam. Rất nhiều trường hợp được chia sẻ cho thấy tình trạng chính quyền địa phương bắt ép xét nghiệm ngày đêm, từ tỉnh thành này qua tỉnh thành khác, và có khi chỉ cách nhau có vài tiếng đồng hồ. Người dân lâu nay chỉ bông đùa vài câu cho qua, và chấp nhận thực hiện với kỳ vọng rằng chính sách của chính quyền là đúng, và nó sẽ giúp kiểm soát được bệnh dịch.
Nay, thấy cách lực lượng chấp pháp phá cửa nhà, bắt bớ một người chỉ vì không xuống xét nghiệm tập trung đúng giờ, trong khi người này thực hiện đúng các biện pháp giãn cách và không có triệu chứng gì ; có lẽ chúng ta nên đặt dấu hỏi về mục tiêu thật sự của chính sách xét nghiệm diện rộng.
Nguyễn Quỳnh Thiên Trang
Nguồn : Luật Khoa, 29/09/2021
Chú thích :
1. Tuổi Trẻ Online. (2021, September 21). Sở Y tế TP.HCM : Bóc tách F0 không phải là đưa cách ly tập trung.
2. Quỳnh H. (TTXVN) (2021, March 25). Không thể đóng cửa mãi khi đã có phương thức kiểm soát Covid-19. Copyright © 2020 by baotintuc.vn.
3. Quản, V. V. (2021b, September 8). Tước bằng hành nghề của y, bác sĩ nghỉ việc : Hoàn toàn trái luật và sai về tư duy. Luật Khoa Tạp Chí.
4. Hoàng Điệp (2021, September 29). Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm : Trái pháp luật ! Tuổi Trẻ Online. Bài viết này đã bị gỡ, mời xem bản lưu trên bộ nhớ cache tại link
5. Williams, J., & Haire, B. (2020, July 3). Why some people don’t want to take a Covid-19 test. The Conversation.
6. Giles, V. (2021, January 18). The Legality Of Mandatory COVID Testing. Coronavirus (Covid-19) – Canada.
7. Workplace testing for coronavirus (Covid-19) – Acas. (2021). ACAS.
8. LW Theatres Audience Guide | Coronavirus Safety Measures. (2021). LW Theatres.
9. Hao-Yuan Cheng, Angela Song-En Huang, Proactive and blended approach for Covid-19 control in Taiwan, Biochemical and Biophysical Research Communications, Volume 538, 2021, Pages 238-243, ISSN 0006-291X.
10. Tzu-Ti, H. (2021, August 31). 82 clinics in Taiwan offer free rapid COVID test kits. Taiwan News.
***********************
Quyền của người dân liên tục bị vi phạm trong đại dịch Covid-19
Diễm Thi, RFA, 29/09/2021
Hôm 28 tháng 9 năm 2021, một video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy dân quân tự vệ, cảnh sát cơ động phá khoá cửa, ập vào nhà bà Hoàng Thị Phương Lan. Những người này bẻ ngoặt tay bà, lôi bà ra ngoài để xét nghiệm Covid-19 trong tiếng la khóc của con bà và sự phản đối của bà, bởi bà đang làm việc online nên không thể đi test lúc đó.
Một người đang được xét nghiệm Covid-19 tại Hà Nội - Reuters
Một ngày sau, bà Lan cho Đài Á Châu Tự do biết tinh thần bà vẫn chưa ổn định trở lại trong khi chính quyền thuyết phục bà gỡ bài, gỡ video trên facebook. Bà kể :
"Khi họ đang phá khóa tôi thấy không được an toàn nơi đang ở và sốc. Theo tôi biết tôi có thể từ chối test nếu không thấy an toàn, họ không được có hành động như vậy. Khi họ chưa ập vào tôi nghĩ có quyền từ chối khi thấy không an toàn. Khi họ dùng vũ lực thì sốc toàn tập. Tôi thấy hành động của họ sẽ tác động đến con tôi về chế độ bây giờ".
Cùng với việc cưỡng ép bà Lan đi thử Covid-19, công an địa phương đã lập biên bản vi phạm, thu giữ CMND của bà. Bà cho biết sẽ hỏi ý kiến luật sư để xem xét việc kiện chính quyền địa phương.
Câu chuyện của bà Lan là một bằng chứng nữa cho thấy nhân viên phòng chống dịch tiếp tục vi phạm quyền con người bằng các hình thức cưỡng chế thô bạo. Chính những người được cho là thực thi pháp luật lại chà đạp lên luật pháp một cách rõ ràng nhất. Những câu chuyện như vậy xảy ra không ít trong mùa dịch này.
Một trường hợp khác xảy ra được người dân quay clip và đăng tải trên Facebook hồi tháng 8, cho thấy một người dân ở Cà Mau tên Trần Tô Ân Châu cũng vì từ chối xét nghiệm Covid-19 tại nhà nên đã bị lực lượng chức năng khiêng đi cách ly tập trung. Ngoài ra, một thanh niên ở Đắk Lắk đã bị công an còng tay áp giải đi test Covid-19 chỉ vì người này từ chối chuyện test và ở yên trong nhà.
Nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói với RFA sáng 29 tháng 9 :
"Các hình thức cưỡng chế đưa người dân đi xét nghiệm là vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng, sỉ nhục nhân phẩm con người. Tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ, đặc biệt là trong thời gian xảy ra đại dịch hiện nay. Chính quyền các địa phương lạm quyền để thực thi những công cụ của họ một cách trầm trọng. Mà tôi nghĩ nó mang tính hệ thống chứ không chỉ một vài địa phương, từ cấp xã đến cấp tỉnh, cấp trung ương.
Cộng đồng Facebook đã lên tiếng rất nhiều các trường hợp nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền hoặc các sai phạm trong quản lý kinh tế, xã hội. Khi nhiều người cùng lên tiếng phản đối thì nhà cầm quyền bắt buộc phải nhìn lại và có một số trường hợp họ thừa nhận sai lầm. Nhưng việc chỉ xin lỗi là chưa đủ. Những người vi phạm nhân quyền phải bị truy tố, nếu nhà cầm quyền Việt Nam muốn xây dựng một chính quyền lành mạnh để đưa đất nước vượt qua đại dịch".
Ông Vũ Quốc Ngữ nói thêm, người dân Việt Nam muốn có nhân quyền thì phải đấu tranh chứ không có cách nào khác, bởi vì tự do, nhân quyền không phải là một món quà mà Thượng đế ban cho.
Cách chống dịch của Việt Nam bị coi là phiên bản của Vũ Hán, Trung Quốc, từ việc xét nghiệm đến việc cách ly.
Khi biến thể Delta bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán vào đầu tháng 8 vừa qua, giới chức thành phố này cho biết sẽ xét nghiệm toàn bộ dân trong thành phố và áp lệnh phong tỏa. Để bảo vệ thủ đô, tất cả các tuyến đường hàng không, xe buýt và các tuyến đi lại từ Bắc Kinh đến các vùng có dịch bị cắt. Tất cả khách du lịch cũng đã bị cấm vào thủ đô và giới chức chỉ cho phép những du khách "thiết yếu" có kết quả xét nghiệm âm tính được vào.
Trở lại câu chuyện bà Lan, truyền thông Nhà nước một ngày sau khi xảy ra vụ việc cho hay, ông Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú Võ Thanh Quan đã nhận khuyết điểm và công khai xin lỗi bà Hoàng Thị Phương Lan. Ông Quan thanh minh cho hành động vi phạm của lực lượng chức năng là do mong muốn nhanh chóng dập dịch, sợ dịch bùng phát trở lại nên hơi nóng vội dẫn đến biện pháp cưỡng chế.
Luật sư Đặng Đình Mạnh thuộc đoàn luật sư TP.HCM nói với RFA rằng, việc ông Bí thư phường chỉ đạo cho nhân viên công lực phá cửa tư gia của một người, ập vào và cưỡng chế đi để xét nghiệm là một việc hoàn toàn bất hợp pháp. Vị Luật sư này nhận định rằng, chính quyền địa phương đã vi phạm ít nhất ba điều : Xâm phạm chỗ ở của người khác ; Bắt giữ người trái pháp luật ; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác. Ông nói :
"Ông Bí thư phường chỉ đạo cho nhân viên công lực phá cửa tư gia của một người sau đấy họ ập vào và cưỡng chế chế đi để xét nghiệm.
Cái diễn biến của sự việc như vậy thì có thể gọi đấy là hành vi cưỡng chế của về phía chính quyền nhưng mà nội dung của việc cưỡng chế này là đưa đi xét nghiệm Covid thôi thì cái này thực ra không có luật pháp nào cho phép làm như vậy. Vì vậy cho nên tôi khẳng định rằng cái việc họ phá cửa đồng thời cưỡng chế bắt cô này đi xét nghiệm là một việc hoàn toàn bất hợp pháp".
Về phương diện luật pháp, chính quyền Việt Nam hiện nay bị cho là bất bình đẳng trong xử lý vi phạm. Chính quyền thì mạnh tay cưỡng chế, vi phạm nhân quyền, nhưng nếu người dân phản đối thì bị kết vô tội "chống người thi hành công vụ".
Qua những vụ việc dân bị hành xử thô bạo, phi pháp, nhiều người nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khi nói về vụ Đồng Tâm tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4 tháng 5 năm 2017 : "Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu người vi phạm có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 07 năm tù.
Công luận nêu câu hỏi nếu lực lượng chống dịch dùng vũ lực bắt dân làm điều mà họ không muốn trong phạm vi luật pháp thì sẽ bị hình phạt như thế nào ?