TP HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỷ đồng
Chính quyền TP HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo giúp hơn 4,7 triệu người khó khăn do ảnh hưởng Covid-19.
Kiến nghị được đề cập trong văn bản về hỗ trợ khẩn cấp người nghèo gặp khó khăn do đại dịch được UBND TP HCM gửi Chính phủ và các Bộ Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 17/8. Số tiền và lương thực này dùng để hỗ trợ tiền ăn, thuê phòng và lương thực cho người dân trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Việc hỗ trợ này theo chính quyền TP HCM sẽ giúp người dân, lao động nghèo yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời thành phố sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch.
Cũng theo UBND thành phố, kiến nghị này được đưa ra trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống Covid-19. Trong đó, có nội dung "nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm, tuân thủ các quy định phòng chống dịch".
Cụ thể, số lao động nghèo dự kiến hỗ trợ hơn 1,5 triệu hộ với hơn 4,7 triệu người. Mức hỗ trợ bao gồm tiền ăn 50.000 đồng/người/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, 15 kg gạo/người.
Theo UBND thành phố, đợt bùng dịch lần thứ 4 tốc độ lây lan nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. TP HCM là tâm điểm của lần bùng phát dịch này với số lượng người mắc bệnh và tử vong tăng nhanh.
Để ứng phó diễn biến dịch bệnh phức tạp, TP HCM đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó giãn cách xã hội với các cấp độ thắt chặt tăng dần. Cụ thể, từ 31/5 đến 14/6 thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15, từ 9/7 đến 15/9 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, từ 15/6 đến 8/7 giãn cách theo Chỉ thị 10 của UBND TP HCM.
Hai tháng qua, ngoài gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ chung cả nước, TP HCM có thêm hai gói với tổng kinh phí gần 1.800 tỷ đồng, cùng nhiều hoạt động từ thiện khác, nhằm giúp đỡ người dân khó khăn.
Ảnh hưởng của dịch cùng với các đợt giãn cách đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, tác động đến tốc độ thu ngân sách trên địa bàn.
Số thu ngân sách có xu hướng giảm dần từ tháng 5, tháng 6 và dự kiến sẽ không đạt dự toán Trung ương giao năm nay (khoảng 365.000 tỷ đồng). Đặc biệt dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân, lao động nghèo, dẫn đến tình trạng nhiều người phải rời thành phố để sang các tỉnh hoặc về quê.
Tính đến tối nay, TP HCM đã ghi nhận 156.186 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư.
Nguồn tin Vnexpress