Taliban “cướp” chính quyền : Do chính phủ Afghanistan tham nhũng để quân đội kiệt quệ

Từ lúc chiếm thủ phủ đầu tiên Zarani ở tây nam cho đến lúc tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/08/2021, lực lượng Taliban chỉ mất 10 ngày. Cộng đồng quốc tế, từ Mỹ đến Nga, đều bất ngờ trước đà tiến thần tốc của quân Taliban. Lính Afghanistan bỏ súng, vượt biên, trong khi nhiều lãnh đạo tỉnh đàm phán giữ mạng, để Taliban tiếp quản. Khoảng 70.000 quân nổi dậy đánh bại lực lượng có đến 300.000 người. 

Tại sao quân đội Afghanistan lại thất bại ê chề như vậy ? 

Tham nhũng có tổ chức  

Lý do chính đó là tệ nạn tham nhũng có tổ chức và phổ biến trong giới lãnh đạo. Bằng chứng mới nhất, theo phát ngôn viên Nikita Ishenko của đại sứ quán Nga tại Afghanistan hôm 16/08, là tổng thống Ghani bỏ trốn khỏi Kabul “với bốn xe ô tô chất đầy tiền. Họ cố gắng nhét số tiền vào trực thăng, nhưng không vừa, nên một số tiền đã bị bỏ lại trên đường băng”. Năm 2019, Afghanistan bị xếp thứ 173 trên 180 nước trong bảng xếp hạng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế.  

Cuộc chiến ở Afghanistan đã tiêu tốn 2,26 nghìn tỉ đô la. Kể từ khi bắt đầu can thiệp vào Afghanistan, Washington đã chi 83 tỉ đô la để thành lập một quân đội kiểu Mỹ. Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan, gồm quân đội và cảnh sát, có đến 300.000 người. Nhưng thực tế, chỉ có 18.000 người thuộc biên chế của bộ Quốc Phòng Afghanistan vào tháng 07/2020, số còn lại là cảnh sát hoặc làm việc cho cơ quan an ninh. Theo phân tích của Trung tâm chống khủng bố thuộc Học Viện Quân sự Hoa Kỳ West Point, Afghanistan có 8.000 lính không quân và 96.000 lính bộ binh.  

Tại sao lại có con số quá chênh lệch này ? Trả lời France 24 ngày 16/08, ông Frédéric Grare, nhà nghiên cứu ở Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu, cho biết : “Nói dối về quân số cho phép (chính quyền Kabul) nhận được tài trợ từ phía Mỹ nhiều hơn mức thực tế”. Còn theo một nhà ngoai giao phương Tây tại Kabul, được Le Monde trích dẫn, “có lẽ có 46 tiểu đoàn ma, mỗi tiểu đoàn có 800 người”. Tình trạng “nhiều lãnh đạo (Afghanistan) hiện nay đều tham nhũng và/hoặc bất tài” đã được nêu trong báo cáo Quốc Hội Mỹ năm 2017. 

Quân đội không thiện chiến 

Quân nhân thì thất vọng vì “giới lãnh đạo không quan tâm đến nghỉ phép, thăng chức, tăng lương” nên giải ngũ. Điều này giải thích cho việc quân đội Afghanistan không có lực lượng ổn định, tinh nhuệ, do thường xuyên phải huấn luyện tân binh. Ví dụ vào năm 2020, số tân binh chiếm đến 25% lực lượng, theo báo cáo của SIGAR Mỹ. Nhưng tân binh cũng thiếu nhiệt huyết do thường xuyên phải “triển khai dài ngày, có thể phải tham chiến gần như thường trực và điều kiện sống khó khăn” và bị điều động ngoài vùng họ sinh sống.  

Khi Washington thông báo rút hết quân, Lầu Năm Góc chuyển tiền cho chính phủ Kabul trả lương cho quân đội, thay vì trả trực tiếp như vẫn làm trước đó. Nhưng nhiều quân nhân Afghanistan khẳng định không nhận được lương trong nhiều tháng. Mất hỗ trợ bằng đường không của Mỹ, nhiều tuyến hậu cần phải ngừng, vì chính quyền Afghanistan không có phương tiện. Kết quả là quân nhân trên chiến tuyến không được chi viện lương thực và đạn dược, nên dễ dàng buông súng khi quân Taliban đến và trốn ra nước ngoài.  

Hoa Kỳ muốn đầu tư trang thiết bị tối tân cho quân đội Afghanistan, nhưng trình độ quân nhân lại có hạn, cơ sở hạ tầng yếu kém, chỉ có khoảng 30% người dân có điện cả ngày. Khi Mỹ bất ngờ đẩy nhanh rút quân, chính quyền Kabul không còn trông cậy được vào lực lượng không quân Mỹ, để cho lực lượng nổi dậy thoải mái di chuyển.  

Ngoài việc thiếu lực lượng có khả năng tác chiến, quân đội Afghanistan còn không có người có tầm lãnh đạo. Quyền chỉ huy nằm trong tay những quan chức dân sự ở phủ tổng thống thiếu kinh nghiệm chiến trường và những vị tướng già lo “đấu đá chính trị” nhiều hơn là vạch kế hoạch đối phó Taliban.  

Tất cả những điểm nêu trên đều có lỗi của Hoa Kỳ. Washington biết những điểm yếu đó, nhưng vẫn làm ngơ, thậm chí chấp nhận “giấu” những thất bại của quân đội Afghanistan theo yêu cầu của chính quyền Kabul. Sai lầm mới nhất của Mỹ chính là đã đánh giá thấp khả năng của Taliban “không thể thắng trận”, để lực lượng nổi dậy tiến vào Kabul không cần một phát súng và sớm hơn so với tính toán của Washington. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cảnh tháo chạy hỗn loạn từ ngày 15/08/2021.

 Nguồn tin RFI Tiếng Việt