Xích lô, xe ôm thời Covid-19: Ngồi từ sáng đến chiều rồi về... tay trắng

Từ khi tỉnh Bình Định ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, khách du lịch không còn và việc cấm tập trung đông người khiến các hoạt động kinh doanh dịch vụ quán ăn, nhà hàng, phương tiện công cộng ế ẩm. Điều này cũng khiến những lao động phổ thông, trong đó có nghề xích lô, xe ôm lay lắt mưu sinh kiếm sống qua ngày.

Xích lô, xe ôm thời Covid-19: Ngồi từ sáng đến chiều rồi về... tay trắng - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Lay lắt đời xe ôm, xích lô do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dạo một vòng quanh các khu vực bến xe khách, bệnh viện, các chợ… trong nội thành Quy Nhơn (Bình Định), PV Dân trí đã ghi nhận hình ảnh những bác xích lô, xe thồ ngồi "phơi mặt" cả ngày mòn mỏi tìm khách.

Để có tiền trang trải cuộc sống, những người hành nghề xích lô, xe ôm phải cố bám trụ, dù mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, thậm chí có ngày 0 đồng.

Xích lô, xe ôm thời Covid-19: Ngồi từ sáng đến chiều rồi về... tay trắng - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Nguyễn Trọng Mậu (50 tuổi, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) ngồi "phơi mặt" từ sáng tới chiều được 30.000 đồng.

Mưu sinh bằng nghề đạp xích lô đến nay đã 46 năm, song chưa khi nào ông Huỳnh Ba (70 tuổi, tổ 46, khu vực 5, phường Quang Trung (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thấy đời đạp xích lô lại khó khăn như 2 năm vừa qua.

Ông Huỳnh Ba ngồi từ sáng tới trưa mà không có nổi một cuốc xích lô. Trong 2 năm qua, ảnh hưởng dịch Covid-19, những người hành nghề xích lô như ông lay lắt kiếm sống qua ngày.

Giờ đây, dịch Covid-19 bùng phát, lãnh đạo tỉnh ký lệnh cấm tập trung đông người, du khách không có, hàng quán cũng ế ẩm. Có ngày, ông không kiếm được đồng nào, đến uống ly cà phê cũng phải bỏ tiền tiết kiệm ra.

"Không biết khi nào mới hết dịch để cuộc sống trở lại bình thường", ông Huỳnh Ba bộc bạch nỗi niềm đau đáu của người lao động phổ thông bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Xích lô, xe ôm thời Covid-19: Ngồi từ sáng đến chiều rồi về... tay trắng - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Có những ngày, ông Nguyễn Anh Đào (61 tuổi, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) không kiếm được đồng nào.

Vừa chở một cuốc xích lô miễn phí cho cháu bé từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định về nhà, ông Cù Văn Sang (65 tuổi, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), chia sẻ: "Nghèo khổ thì cũng đã nghèo rồi, thấy cháu nhỏ tội tôi làm phước cho con cháu, còn người lớn thì phải lấy là tất nhiên".

Ông Cù Văn Sang chia sẻ thêm: "Nghề xích lô bữa nay ế ẩm lắm, nếu có bạn hàng đặt chở thì ngày còn chở được một vài cuốc kiếm 70.000-100.000 đồng. Còn không có bạn hàng thì nghề này hết đường mưu sinh, bởi dịch nên không có khách kêu chở. Thỉnh thoảng chỉ một vài người già, trẻ em đi xích lô, nhưng các cụ các cháu thường không có tiền, nên đang lúc ế khách, tôi chở không công giúp thôi".

Xích lô, xe ôm thời Covid-19: Ngồi từ sáng đến chiều rồi về... tay trắng - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Nghề xích lô lâu lâu cũng mới chở được một chuyến hàng.

Trong khi đó, những người hành nghề xe ôm cũng lâm vào cảnh tương tự. Không ít bác xe ôm bắt đầu cuộc mưu sinh từ 3h sáng đến chiều tối, nhưng một ngày kiếm không nổi 100.000 đồng.

Ông Nguyễn Thanh Dũng (56 tuổi, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) nhưng có 30 năm chạy xe ôm ở quanh khu vực Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.

Theo ông Thanh Dũng, khách đi xe ôm chủ yếu là người nhà bệnh nhân, nhưng hiện nay mỗi bệnh nhân chỉ có một người nhà thăm nuôi nên hầu như không có khách để chạy. Trong khi đó, xe khách, xe trung chuyển đưa đón tận nơi nên khách đi xe ôm cũng ít dần.

Mỗi ngày ông chạy xe ôm từ 3h -16h30. Khi chưa có dịch Covid-19, ngày nào gặp may thì kiếm 200.000-300.000 đồng. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, ngày chạy được vài cuốc kiếm 70.000-100.000 đồng, ngày nào nhiều lắm cũng chỉ được 150.000 đồng, trừ tiền xăng xe, ăn uống thì chẳng còn được là bao.

Xích lô, xe ôm thời Covid-19: Ngồi từ sáng đến chiều rồi về... tay trắng - 5

Nhấn để phóng to ảnh

Theo ông Huỳnh Ba, nếu có bạn hàng thì ngày còn kiếm được 70.000 đến 100.000 đồng.

"Giờ có muốn tìm công việc khác cũng khó, làm phụ hồ thì tuổi cao cũng không ai nhận nên cố bám nghề chạy xe ôm. Thời buổi khó khăn này, lao động phổ thông nếu một mình làm thì không nuôi nổi gia đình. Vậy nên phải chồng kiếm một ít, vợ kiếm một ít mới đủ trang trải cuộc sống", ông Nguyễn Thanh Dũng trải lòng tâm sự.

Thuê nhà trọ chạy xe ôm ở khu vực Bến xe Quy Nhơn, ông Nguyễn Trọng Mậu (50 tuổi, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định), cho biết: "Từ ngày xảy ra dịch bệnh Covid-19, bến xe vắng khách, khách vãng lai cũng ít, thậm chí có ngày chạy không có một xu nào. Sáng tới chiều tôi chạy được một chuyến 30.000 đồng thì lấy gì ăn rồi còn tiền trả tiền thuê trọ. Nếu dịch tiếp tục kéo dài không biết người chạy xe ôm làm gì để tồn tại".

Doãn Công

Nguồn tin: Viet-studies

Tin Gốc: DanTri