Thuế doanh nghiệp toàn cầu, thực hư về một « cuộc cách mạng » xuất phát từ Mỹ
Dưới sự chủ tọa của nước Anh, một thành trì tài chính quốc tế và dưới áp lực của Mỹ, đầu tàu của thế giới tư bản, G7 tại Cornwall 2021 thông báo mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15 % cho toàn cầu. Không chắc một « cuộc cách mạng về thuế khóa » đã khơi mào. Kịch bản những thiên đường thuế khóa bị khai tử mà G7 mong đợi còn xa vời.
Một tuần trước thượng đỉnh G7 tập hợp nguyên thủ và thủ tướng chính phủ bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới tại Cornwall, miền nam nước Anh, bộ trưởng Tài Chính G7 (Anh, Ý, Pháp, Đức, Nhật Bản Canada và Hoa Kỳ) thông báo đồng ý về « nguyên tắc một mức thuế tối thiểu đánh vào các doanh nghiệp đa quốc gia trên toàn cầu ». Mức thuế đó được ấn định là 15 %.
Mục tiêu đề ra nhằm bảo đảm một « sân chơi bình đẳng và công bằng cho các doanh nghiệp » và chấm dứt hiện tượng các đại tập đoàn mở chi nhánh tại các thiên đường thuế khóa chuộc lợi.
Tổng thống Pháp phấn khởi nêu ra con số cụ thể : với Liên Hiệp Châu Âu chẳng hạn, biện pháp mang tính « lịch sử » này cho phép Bruxelles thu vào thêm 50 tỷ euro cho ngân sách hàng năm của toàn khối. Ngay cả những tập đoàn trong tầm ngắm của G7 cũng hoan nghênh sáng kiến đánh thuế đồng đều.
Chấm dứt nạn lách thuế
Động lực nào thúc đẩy G7 đề xuất ý tưởng áp đặt một mức thuế tối thiểu toàn cầu ?
Nhóm này hướng tới hai mục tiêu : chấm dứt các thiên đường thuế khóa, chấm dứt việc thao túng tỷ lệ thuế để thu hút các doanh nghiệp. Hiện tại mỗi quốc gia có toàn quyền ấn định mức thuế doanh nghiệp, thuế cá nhân, tài chính …. Riêng thuế doanh nghiêp có thể dao động từ 0 % như trường hợp tại các thiên đường thuế khóa, đến 28 % như tại Pháp cho đến cuối năm ngoái và 26,5 % hiện tại, hay 24 % tại Ý. Ngay trong 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Hungary có sức hấp dẫn cao nhất với tỷ lệ thuế là 9 %, tại Ailen là 12,5 %. Nhìn sang Hoa Kỳ, tổng thống Trump đã hạ thuế doanh nghiệp từ 35 % dưới chính quyền Obama xuống còn 21 %.
Những khác biệt này thúc đẩy các tập đoàn lớn của thế giới, từ hãng nước ngọt Coca Cola đến Microsoft hay tập đoàn dầu khí Total của Pháp, và đương nhiên là nhóm GAFA đi tìm những « thiên đường thuế khóa ».
Điều tra của báo Anh The Guardian tuần trước tiết lộ một chi nhánh của Microsoft đặt tại Ailen năm ngoái lãi đến 315 tỷ đô la mà không phải đóng 1 xu tiền thuế doanh nghiệp cho Dublin. Lý do : trụ sở của chi nhánh này đặt tại đảo Bermudes, nơi các doanh nghiệp được miễn thuế.
Với mức thuế tối thiểu toàn cầu 15 % một ông khổng lồ như Amazon chẳng hạn lãi năm 2020 lên tới 7,2 tỷ đô la sẽ không có lý do gì khai thuế ở Ailen cho phần lớn các khoản giao dịch ở châu Âu thay vì khai thuế ở Pháp hay tại Ý …
Tuy nhiên theo quan điểm của giáo sư Trường Kinh Tế Paris, giám đốc nghiên cứu Trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội Pháp Thomas Piketty, bên cạnh yếu tố kinh tế, đề xuất của nhóm G7 còn theo đuổi mục tiêu công bằng xã hội : « Trước hết là vấn đề kinh tế vì liên quan đến một khối tiền rất lớn. Nhưng bên cạnh đó đây còn phải nói đến trách nhiệm của khu vực sản xuất đối với xã hội. Nếu như có những công ty trốn thuế, hay tìm cách xoay xở để làm thế nào đóng thuế ít nhất, được hưởng mức thuế thấp nhất rõ ràng việc đó làm tổn hại đến khế ước xã hội. Trong báo cáo gần đây của Đài Quan Sát về Thuế Khóa Châu Âu, nếu như mức thuế doanh nghiệp tối thiểu được ấn định là 25 % thì Pháp sẽ thu về thêm được 26 tỷ euro cho ngân sách hàng năm. Còn nếu như tỷ lệ đó là 15 % như đề xuất của Mỹ và đã được các nước trong nhóm G7 thông qua, thì Pháp chỉ có thể thu về thêm được 4 tỷ euro một năm mà thôi. Để so sánh, 4 tỷ đó tương đương với 1% ngân sách y tế của Pháp ».
Kẻ bênh người chống
Đương nhiên, sáng kiến của G7 vừa đề xuất sẽ bị nhiều quốc gia phản đối. Ngay trong Liên Âu, Ailen từ hơn 20 năm nay chủ trương ghìm mức thuế rất thấp để thu hút các doanh nghiêp nước ngoài. Nhờ vậy mà Dublin đã trở thành « kinh đô » của những tên tuổi từ Google đến Amazon và cũng không ít các cơ quan tài chính quốc tế chọn Ailen làm bãi đáp. Ngay cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn nhất hồi đầu thập niên 2010 Dublin cũng đã cương quyết không tăng thuế doanh nghiệp để tiếp tục làm một « thỏi nam châm » trong mắt các nhà tư bản.
Cho dù tỷ lệ thuế doanh nghiệp tối thiểu 15 % không có gì là quá đáng như chuyên gia Piketty vừa trình bày, nhưng chỉ nội việc áp đặt một mức thuế tối thiểu cũng đủ gây « thiệt hại » cho một số quốc gia đang áp dụng chính sách ưu đãi thuế khóa để chiêu dụ các doanh nghiệp nước ngoài. Đứng đầu trong số này là Ailen : nhờ biện pháp ưu đãi thuế khóa mà hàng năm Dublin thu về 2,5 tỷ thuế từ các doanh nghiệp. Giám đốc đặc trách về chính sách thuế khóa thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Pháp Triển Kinh Tế, OCDE, Pascal Saint Amans giải thích : « Tất cả khó khăn ở đây là làm thế nào để tìm ra đồng thuận. Sẽ không dễ để 140 quốc gia trong OCDE cùng đồng ý về mức thuế 15 % này. Những nước đang hưởng lợi hiện nay như trong trường hợp của Ailen chẳng hạn chắc chắn Dublin sẽ phản đối mà thái độ đó cũng chính đáng thôi. Thế còn ngoài khối OCDE, một nước như Trung Quốc thì sao ? Liệu có dễ thuyết phục được Bắc Kinh hay không ? »
Đầu tháng 7 này, đến lượt lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu họp lại tại Venise, Ý không chắc là sáng kiến thuế tối thiểu toàn cầu của nhóm G7 sẽ dễ dàng được từ Ấn Độ đến Trung Quốc hay Nga, Nam Phi tán đồng. Về điểm này bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire tỏ ra lạc quan vì ông tin rằng G7 rồi G20 vẫn là đầu tầu của thế giới với sức thuyết phục rất
Biden không tiến hành một cuộc cách mạng thuế khóa
Dưới nhãn quan của nhà bình luận trên báo kinh tế Pháp, Les Echos Dominique Seux đánh thuế tối thiểu vào các doanh nghiệp toàn cầu là một quyết định chính đáng, nhưng tỷ lệ 15 % mà Hoa Kỳ đề xuất hoàn toàn không phải là « một cuộc cách mạng » như một số chính trị gia đã quá phấn khởi nhận xét : Nếu như mức thuế tối thiểu trên toàn cầu được ấn định ở mức 15 % thì Pháp thu về thêm được 4 tỷ như vừa nói, tức là một số tiền không thấm vào đâu so với ngân sách chung của cả nước. Vả lại, xét cho cùng tỷ lệ 15 % mức thuế tối thiểu mà G7 vừa đề xuất hoàn toàn không phải là một cuộc « cách mạng » và nó không làm đảo lộn các hoạt động của các doanh nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên đây là một quyết định mang tính tích cực ít nhất là trên hai điểm. Điểm thứ nhất là tới nay người tiêu dùng và các công ty lớn trên thế giới hưởng lợi nhiều từ khi kinh tế được « toàn cầu hóa ». Người tiêu dùng thì càng lúc càng mua hàng với giá rẻ. Doanh nghiệp thì đặc biệt tận dụng một thế giới rộng mở, xóa bỏ bớt các hàng rào quan thuế để tiếp cận được với các thị trường ở khắp mọi nơi. Internet đã giúp thu hẹp khoảng cách về địa lý giữa bên mua và bên bán. Điểm tích cực thứ nhì từ sáng kiến hợp nhất thuế tối thiểu trên toàn thế giới ở mức 15 % đó là giải pháp hợp tác về mặt thuế khóa bao giờ cũng có lợi hơn là trong trường hợp mà các quốc gia cạnh tranh với nhau về tỷ lệ thu thuế doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là liệu rằng giải pháp đang được coi như là một chiếc đũa thần đầy hứa hẹn này có thuyết phục được cả thế giới hay không. Hiện tại G7 đã đồng ý, nhưng còn phải đợi đến G20 ».
Còn nhiều điểm mơ hồ
Một câu hỏi rất cụ thể khác đó là những tập đoàn nào sẽ trong tầm ngắm của kế hoạch về thuế khóa vừa được G7 thông qua ? Trước mắt các bên chủ yếu nhắm đến những ông khổng lồ trong ngành công nghệ kỹ thuật số, mà hầu hết là các hãng của Mỹ. Riêng Washington vận động để mở rộng danh sách các « đối tượng liên quan ». Nhiều tổ chức như hiệp hội Attac chủ trương đánh thuế vào các dịch vụ tài chính đang phấn đấu để biện pháp mang tính « lịch sử » nói trên được áp dụng cho tất cả những công ty có doanh thu trên 750 triệu euro một năm. Theo quan điểm của kinh tế gia Thomas Piketty vấn đề ở đây vẫn là một sự bất bình đẳng giữa các đại tập đoàn đa quốc gia thì chỉ phải đóng thuế 15 % còn các công ty còn con thì phải chịu mức thuế cao hơn. Ông giải thích trên đài phát thanh France Inter hôm 04/06/2021 : « Đối với châu Âu điểm quan trọng ở đây là đánh thuế tất cả các đại tập đoàn, kể cả những hãng của Mỹ … Tuy nhiên cần lưu ý rằng nếu mức thuế tối thiểu đánh vào các công ty lớn là 15 %, trong khi đó thì các công ty vừa và nhỏ của Pháp chẳng hạn sẽ vẫn phải chịu mức thuế doanh nghiệp là 26,5% như quy định được áp dụng từ đầu năm nay. Như vậy thật là bất công với các hãng nhỏ, trong khi đó thì số này mới là nguồn tạo công việc làm đắc lực. Cần phải nói rằng những hãng khổng lồ mới có phương tiện trốn thuế hay mở chi nhánh hãng ở các thiên đường thuế khóa để chuộc lợi, trong lúc những hãng nhỏ thì làm sao có được phương tiện để luồn lách thuế, hay đóng thuế với mức tối thiểu ? Cần biết rằng, một doanh nghiệp ở Pháp tính cả phần thuế đóng cho chính phủ lẫn những khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội, tổng cộng họp phải nộp tới 31 % tiền lãi cho các khoản chi tiêu này. Ở đây có một sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các hãng lớn và hãng bé ».
Một điều thú vị là vào lúc dự án đánh còn khá mơ hồ, còn nhiều tranh cãi về bản thân tỷ lệ 15 % thuế tối thiểu như G7 đề xuất, cũng chưa biết « ai là những đối tượng » bị nhắm tới, dự án có hy vọng được thực hiện hay không … thì giới truyền thông đã liên tục nói đến một « tiến bộ vượt bực từ gần một thế kỷ qua » đến một « cột mốc lịch sử trong ngành thuế vụ » trong « hợp tác toàn cầu » …
Có điều như hai nhà kinh tế Thomas Piketty và Dominique Seux hay đại diện của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triền Kinh Tế OCDE, Pascal Saint Amans vừa giải thích còn nhiều thách thức đang ở trước mặt và cũng khó hy vọng thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các quốc gia bù đắp vào công quỹ vốn đang bị thâm hụt nghiêm trọng dưới tác động giây chuyền từ Covid-19 gây nên.
Công luận ít chú ý đến hai điểm : một là sáng kiến áp đặt một ức thuế toàn cầu đã được Pháp và Đức đề xuất cách nay hai năm nhưng đã nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Phải đợi đến khi Hoa Kỳ lên tiếng và coi như đó là một đề xuất của tổng thống Joe Biden thì G7 mới nhiệt tình hưởng ứng.
Điểm thứ nhì là Washington cũng chỉ đề xuất một mức thuế rất « khiêm tốn » bởi vì thuế doanh nghiệp ở Mỹ hiện nay cao hơn nhiều so với mức 15 % mà ông Biden đề xuất. Điều đó có nghĩa là nếu thành công thì chính những tập đoàn của Mỹ hưởng lợi trên hết và đó cũng là cách để lôi kéo GAFA của Mỹ trở lại về nguyên quán đóng thuế cho chính quyền Liên bang. Theo nghiên cứu của OCDE khoảng 30 % tiền lãi của các đại tập đoàn Mỹ bị đánh thuế ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Ở vào đầu thập niên 1990, tỷ lệ này là 5 %.
Nguồn tin: RFI Tiếng Việt