Ngoại giao “chiến lang” Trung Quốc bị phản đòn từ Mỹ tại Alaska

Khẩu chiến dữ dội giữa Mỹ và Trung Quốc tại Alaska trong bối cảnh Washington làm rõ thêm chính sách cứng rắn với Bắc Kinh, cộng đồng châu Á tại Hoa Kỳ trong cơn chấn động sau một vụ thảm sát 8 người tại Atlanta, bang Georgia, chính quyền Hồng Kông bị tố cáo đối xử tàn nhẫn với trẻ em bị Covid-19… Trên đây là một số đề tài nổi bật sẽ được RFI phân tích trong tạp chí Thế Giới Đó Đây hôm nay.

Phái đoàn Trung Quốc do Dương Khiết Trì (g), chủ nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Công tác Ngoại Sự Trung Ương và ngoại trưởng Vương Nghị dẫn đầu, trong phiên khai mạc cuộc hội đàm Mỹ-Trung tại khách sạn Captain Cook ở Anchorage, Alaska, Hoa Kỳ ngày 18/03/2021.

 

Phái đoàn Trung Quốc do Dương Khiết Trì (g), chủ nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Công tác Ngoại Sự Trung Ương và ngoại trưởng Vương Nghị dẫn đầu, trong phiên khai mạc cuộc hội đàm Mỹ-Trung tại khách sạn Captain Cook ở Anchorage, Alaska, Hoa Kỳ ngày 18/03/2021. REUTERS - POOL
Trong hai ngày 18-19/03/2021 lãnh đạo hàng đầu của ngành ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gặp nhau tại thành phố Anchorage, bang Alaska miền cực bắc nước Mỹ. Đại diện Mỹ là ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, còn phía Trung Quốc là ngoại trưởng Vương Nghị và Ủy Viên Bộ Chính trị  Đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì phụ trách đối ngoại.  

Nhân cuộc tiếp xúc mặt đối mặt cấp cao đầu tiên của hai bên từ ngày ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ để bàn về tương lai quan hệ Mỹ-Trung, đã trở nên rất căng thẳng dưới thời ông Donald Trump, lẽ ra không khí phải hòa hoãn, thế nhưng thực tế hoàn toàn khác.

Khẩu chiến đã bùng lên dữ dội ngay ngày đầu tiên của cuộc gặp, với Trung Quốc tỏ ngay thái độ hung hăng đối với Hoa Kỳ, sau khi bị Mỹ chỉ trích về một loạt vấn đề từ Hồng Kông, Đài Loan, cho đến vụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cùng nhiều hồ sơ khác. Phía Mỹ cũng không vừa, đã đáp trả ngay lập tức. Và tất cả đều diễn ra công khai, dưới ống kính truyền hình quốc tế.

Chính quyền Biden sẵn sàng đọ sức chính trị với Trung Quốc

Theo ông Marc Julienne, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), khi công khai nêu bật những quan ngại của mình về các hành động của Trung Quốc, chính quyền Biden đã muốn cho Bắc Kinh hiểu rõ là Washington “sẽ không tự bằng lòng với một cuộc đối đầu kinh tế như thời Donald Trump, mà còn sẵn sàng lao vào một đọ sức chính trị”.

Nhận xét về các động thái đại diện Bắc Kinh, ông Marc Julienne công nhận đây là “lần đầu tiên mà Trung Quốc áp dụng kiếu ngoại giao “Chiến Lang” ở cấp độ đàm phán cao cấp như vậy”. Cung cách ngoại giao hù dọa, hiếu chiến mà Bắc Kinh áp dụng cho đến nay thường chỉ giởi hạn trên mạng Twitter, trong các thông cáo báo chí hoặc ở cấp đại sứ quán, chứ chưa hề được thấy trong những sự kiện quan trọng như cuộc gặp tại Alaska.

Bắc Kinh tức tối trước các động thái cứng rắn của Mỹ

Giải thích về thái độ hung hăng từ phía Trung Quốc, ông Antoine Bondaz, chuyên gia về châu Á tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS cho rằng đó là phản ứng trước việc chính quyền Biden trong thời gian gần đây đã gia tăng các hành động cứng rắn nhắm vào Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ đã hội đàm với các lãnh đạo Úc, Nhật và Ấn vào ngày 12/3 để thổi luồng sinh khí mới vào "Bộ Tứ", một liên minh được thành lập vào năm 2007 nhằm chống lại sức mạnh của Trung Quốc. Ngoại trưởng Antony Blinken thì đã chọn châu Á cho chuyến công du chính thức đầu tiên từ ngày nhậm chức, và ghé thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đối thủ trực tiếp của Trung Quốc.

Theo ông Peter Gries, giám đốc viện nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại Học Manchester, Bắc Kinh đã xem đó là những dấu hiệu cho thấy là Washington muốn củng cố một mặt trận chống Trung Quốc. Chuyên gia này cho rằng: “Phản ứng của Trung Quốc càng dữ dội hơn khi chính quyền Biden trở lại với chiến lược ngoại giao đa phương mà Bắc Kinh coi là đáng lo ngại hơn kiểu ngoại giao tay đôi mà Donald Trump chủ trương”

Trung Quốc bắt đầu xét xử hai người Canada

Vào lúc các nhà ngoại giao của họ đấu khẩu với Mỹ tại Alaska, trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc đã cho mở phiên tòa xét xử hai người Canada bị buộc tội gián điệp. Bị giam giữ ở Trung Quốc từ hơn hai năm nay, Michael Spavor đã ra tòa sáng 19/03/2021 tại thành phố Đan Đông miền đông bắc.

Doanh nhân này bị buộc tội gián điệp, cũng như Michael Kovrig, một người Canada khác sẽ ra tòa vào thứ Hai tới đây. Hai công dân Canada này đã bị bắt ngay sau vụ bắt giữ nhân vật số hai của tập đoàn Hoa Vi ở Vancouver, Canada, theo yêu cầu của Mỹ.

Thông tín viên RFI Pascale Guéricolas từ Quebec, Canada phân tích:

Ngày được chính quyền Trung Quốc chọn để bắt đầu phiên tòa xét xử hai người Canada hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà tương ứng với cuộc gặp giữa ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc ở Alaska. Kể từ khi bị bắt vào tháng 12 năm 2018, số phận của Michael Kovrig và Michael Spavor có dấu hiệu liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc với cả Mỹ lẫn Canada.

Rõ ràng là hai người Canada đã bị bắt giữ trên đất Trung Quốc vì vụ các quan chức hải quan Canada tại sân bay Vancouver chặn bắt nhân vật số hai của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi.

Nhưng không như bà Mạnh Vãn Châu, hai người Canada không thể dựa vào luật sư để hỗ trợ họ tại tòa án Trung Quốc. Lãnh sự quán Canada tại Trung Quốc cũng không giúp đỡ được họ vì phiên tòa diễn ra sau cánh cửa đóng kín.

Kết quả khá dễ đoán, vì trong hơn 98% trường hợp, loại thủ tục này kết thúc với bị cáo bị kết tội của. Do đó, Michael Kovrig và Michael Spavor chỉ có thể trông chờ vào mối quan hệ ngoại giao ấm lên trở lại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng minh của Canada.

Không đầy ba tiếng đồng hồ. Đó chính là khoảng thời gian Trung Quốc dành cho việc xét xử Michael Spavor. Giới ngoại giao và báo chí không được phép tham dự phiên xử hoặc tiếp xúc với bị cáo. Các phóng viên chỉ nhìn thấy một chiếc xe bít bùng với cửa kính màu đen đi vào sân của tòa án Đan Đông, nơi phiên tòa xét xử doanh nhân khai mạc lúc 10 giờ sáng theo giờ địa phương. Một nhà ngoại giao Canada cho biết phán quyết sẽ được công bố sau.

Hoa Kỳ: Cộng đồng Châu Á chấn động vì vụ thảm sát Atlanta

Cũng liên quan đến Mỹ, hôm 16/03/2021, một vụ thảm sát đã xẩy ra ở Atlanta, tiểu bang Georgia, khiến 8 người chết, trong đó có 6 người gốc Á. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh hành động tội ác và căm thù nhắm vào cộng đồng châu Á gia tăng mạnh mẽ vì tại Mỹ, người châu Á thường bị cáo buộc là nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Theo thông tín viên RFI tại San Francisco, Eric de Salve, vụ thảm sát đã gây hoảng sợ trong cộng đồng châu Á tại Mỹ, đặc biệt là tại California.

Danny Yu Chang, một người Mỹ gốc Hoa, vẫn đang bị sốc. Khuôn mặt của anh ấy sưng lên, không thể nào mở được mắt phải của mình. Hôm thứ Hai, người đàn ông này đã bị hành hung dữ dội ngay giữa đường phố ở trung tâm thành phố San Francisco. Ông nói: “Tôi rất bị sốc sau những gì đã xảy ra với mình. Tôi không ngờ là bị như thế".

Nhân viên một hãng du lịch này đang nghỉ để ăn trưa thì bất ngờ bị một kẻ lạ mặt đấm túi bụi vào vào mặt mà không rõ lý do. Người đàn ông 59 tuổi đã bất tỉnh. Giờ đây, Danny Yu Chang tin rằng mình bị hành hung vì là người châu Á: “Rõ ràng, đây là một cuộc tấn công có động cơ thù hằn. Tôi không bị đánh cắp gì cả. Khi tỉnh dậy, tôi vẫn còn nguyên mọi thứ trên người.”

Tại Hoa Kỳ, các vụ hành hung người châu Á đang gia tăng. Tổ chức Ngăn Chặn sự Thù Hằn Người Mỹ gốc Á - Stop Asian American Hate- đã liệt kê hơn 3.000 vụ kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Theo Danny Yu Chang, mọi sự xuất phát từ lập luận của cựu Tổng thống Donald Trump: “Tất cả là do Trump. Ông ta là người bắt đầu với câu chuyện virus Trung Quốc của ông! Ông liên tục nhắc lại trên các phương tiện truyền thông rằng Covid-19 bắt đầu ở Trung Quốc. Cuối cùng nó đã đi vào tâm trí của mọi người và đó là lý do tại sao mọi người bắt đầu ghét người châu Á ở đây.”

Danny Yu Chang nhập cư vào Hoa Kỳ năm 1999 để tìm việc làm. Kể từ khi bị tấn công, ông dự kiến rời khỏi California.

Hồng Kông: Chính quyền bị tố cáo nhẫn tâm với trẻ em bị Covid

Theo hãng tin Anh Reuters ngày 16/03/2021, một số phụ huynh phương Tây đã đưa ra một cảnh báo về cách đối xử "vô nhân đạo" của chính quyền Hồng Kông đối với một số trẻ em, bao gồm cả trẻ sơ sinh, bị tách khỏi cha mẹ trong trường hợp bị nhiễm Covid-19.

Vấn đề, theo thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông, là chính quyền Hồng Kông đã tỏ thái độ dửng dưng trước tình trạng này.

Trong một bài đăng trên Facebook cách đây vài ngày, một bà mẹ trẻ đã mô tả điều đã trở thành cơn ác mộng của tất cả các bậc cha mẹ có con còn nhỏ ở Hồng Kông trong trường hợp con họ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Hai bé trai của người phụ nữ này, mới có 1 và 5 tuổi, bị xét nghiệm dương tính, đã phải nhập viện để được cách ly tại khoa nhi bệnh viện Queen Mary, bệnh viên công lớn nhất Hồng Kông.

Sau khi khăng khăng đòi được tiếp cận với các con, cô nói rằng cô đã phát hiện ra chúng bị "trói" trên giường, mặc bộ quần áo giống như khi đến nơi, không có bất kỳ trò chơi hay sách nào, mà chỉ có một chiếc tivi để xem và không được gắp bất kỳ ai khác, ngoài người đến cung cấp các bữa ăn ba lần mỗi ngày.

Bà mẹ trẻ thậm chí còn chỉ ra rằng cậu con trai 5 tuổi của bà đã phải mang tã lót, để tránh phải việc phải đi cùng cậu bé vào nhà vệ sinh.

Aude Desmarques, mẹ của hai đứa con nhỏ ở Hồng Kông, cũng bị sốc, giống như hầu hết các bậc cha mẹ trẻ khác: “Điều khiến tôi sốc nhất là thái độ dửng dung hoàn toàn của chính quyền Hồng Kông trước hệ quả tâm lý của các biện pháp mà họ áp đặt lên những đứa trẻ, lên gia đình của các em và lên xã hội nói chung. "

Tại Hồng Kông, mọi người đang hy vọng rằng chính quyền có thể có những giải pháp nhân đạo hơn một chút để quản lý cuộc khủng hoảng Covid.

Khi được hỏi về vấn đề này, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga không hề hối tiếc về những biện pháp kể trên nhân danh mục tiêu duy nhất lúc này là tiêu diệt virus.

Nguồn tin RFI Tiếng Việt