Gói hỗ trợ 1.900 tỷ đô Mỹ sang trang thuyết kinh tế Reaganomics

Ngày 10/03/2021 chính sách kinh tế của Mỹ và có thể là của thế giới rẽ sang một khúc quanh mới với kế hoạch American Rescue Plan 1.900 tỷ đô la, tương đương với 10 % GDP của Hoa Kỳ và 3 % tài sản của toàn thế giới. Gói kích cầu khổng lồ đó liệu có dẫn tới nguy cơ lạm phát và khủng hoảng chứng khoán ? Sự can thiệp ở quy mô lớn của chính quyền Biden vĩnh viễn khai tử thuyết kinh tế tự do mang tên tổng thống Ronald Reagan ? 

Bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen người cầm lái kế hoạch kích cầu của Mỹ trị giá 1.900 tỷ đô la.
Bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen người cầm lái kế hoạch kích cầu của Mỹ trị giá 1.900 tỷ đô la. Drew Angerer GETTY IMAGES NORTH AMERICA/AFP/File


4.500 tỷ đô la, tương đương với gần một phần tư GDP của nền kinh tế số 1 thế giới là số tiền mà hai chính quyền Trump và Biden bơm thêm vào cho cỗ máy kinh tế Hoa Kỳ trong chưa đầy một năm do tác động Covid-19 gây nên. Chưa đầy hai tháng kể từ khi tổng thống Joe Biden lên cầm quyền, Quốc Hội lưỡng viện đã thông qua gói kích cầu 1.900 tỷ đô la. 400 tỷ trong số đó đã bắt đầu được giải ngân và gửi đến các hộ gia đình Mỹ có thu nhập dưới ngưỡng 75.000 đô la một năm.

Đánh nhanh, thắng nhanh

Đầu tiên hết hãy nhìn xem kế hoạch cứu nguy kinh tế Hoa Kỳ bao gồm những gì ?

Theo các thông báo chính thức của bộ Tài Chính Mỹ, 400 tỷ trong gói kích cầu của chính quyền Biden năm nay sẽ được rót trực tiếp cho khoảng 85 % những hộ gia đình Mỹ ; 350 tỷ được dành cho chính quyền các bang và ở cấp địa phương ; 170 tỷ tập trung vào ngành giáo dục. Bộ Tài Chính dự trù hẳn một khoản 75 tỷ đô la dành riêng cho khâu xét nghiệm, tiêm chủng chống Covid-19 và sản xuất vac-xin. 

Một trong những mục tiêu chính trong kế hoạch American Rescue Plan là nhằm bơm thêm mãi lực cho các hộ gia đình, chính vì điểm này, tại Thượng Viện, chính quyền Biden đã không giành được một lá phiếu nào của bên đảng Cộng Hòa đối lập. Ở Hạ Viện, lãnh đạo của thiểu số Cộng Hòa Kevin McCarthy thậm chí xem kế hoạch kích cầu 1.900 tỷ đô la này là « danh sách dài những ưu tiên của một chính quyền cánh tả » và hậu quả kèm theo là sẽ đẩy nước Mỹ vào một « núi nợ ». Không chắc hàng chục triệu dân Hoa Kỳ khi nhận được những ngân phiếu có thể lên tới 1.400 đô la một đầu người, 300 đô la trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, trợ cấp cho con nhỏ … đồng tình với phân tích dân biểu bang California Kevin McCarthy.

Trả lời đài truyền hình France 24, giáo sư kinh tế đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ bà Ioana Marinescu phân tích về tầm mức quan trọng của kế hoạch đồ sộ này.

Iona Marinescu : « Theo tôi tác động sẽ rất tích cực vì hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hãy còn cao so với hồi trước khi đại dịch bùng phát. Nhiều người nản chí nên đã ngừng ghi danh tìm việc làm. Như chính thống đốc Ngân hàng Trung Ương Mỹ đã giải thích, thực trạng ở Mỹ là gần 10 % những người trong tuổi lao động không có việc làm. Hơn thế nữa, kế hoạch cứu nguy kinh tế Hoa Kỳ – American Rescue Plan của tổng thống Biden sẽ giúp các hoạt động chóng phục hồi và giúp biết bao nhiêu hộ gia đình thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn cho đến khi kinh tế khởi sắc trở lại ».

Hai câu hỏi khác đã được đặt ra liên quan đến nguy cơ lạm phát hiện tượng thị trường tài chính lên cơn sốt. Theo một nghiên cứu gần đây 36 % các khoản trợ cấp xã hội xuất phát từ kế hoạch Biden có nguy cơ được dân chúng dùng để trang trải bớt nợ nần hoặc chuyển vào quỹ tiết kiệm. Ngân hàng Đức Deutsch Bank thực hiện một cuộc thăm dò cho thấy 40 % số tiền được Nhà nước cấp cho để mua cổ phiếu thử vận may trên các sàn chứng khoán. Như vậy trong những tuần lễ tới sẽ có khoảng 170 tỷ đô la được rót vào các thị trường tài chính toàn cầu. Nguy cơ thị trường tài chính bị « nóng lên » trước khi sụp đổ là một hiểm họa mà giới phân tích không dám bỏ qua.

Cũng trên đài France 24, Thomas Costerg, kinh tế trưởng cơ quan quản lý tài chính trực thuộc ngân hàng Thụy Sĩ Picted nêu lên rủi ro thứ nhì đó là lạm phát. Ông giải thích :

Thomas Costerg : « 1.900 tỷ đô la là một kế hoạch khổng lồ nhưng bên cạnh đó phải tính luôn cả gói kích cầu 900 tỷ đô la đã được chính quyền Trump thông qua vào tháng 12 năm ngoái. Trước đó nữa là gói kích cầu 1.700 tỷ đô la. Như vậy tổng cộng đến nay hai chính quyền ở Nhà Trắng đã bơm thêm một số tiền tương đương với 25 % GDP của Mỹ để khắc phục hậu quả Covid-19 gây nên. Trong khi đó nếu so sánh GDP của Hoa Kỳ hiện tại với thời điểm quý 1 năm 2020 thì chênh lệnh chỉ là 650 tỷ đô la mà thôi. Điều đó có nghĩa là Mỹ có nguy cơ bị lạm phát một khi Washington bơm thêm 1.900 tỷ đô la vào cỗ máy kinh tế. Tuy nhiên cần giải thích rõ : một phần lạm phát có thể do hiện tượng giá nguyên và nhiên liệu tăng lên thêm. Điểm thứ nhì là như vừa nói thị trường lao động còn rất ảm đạm cho nên sức mua của các hộ gia đình còn thấp. Điều đó có nghĩa là ít có khả năng vật giá leo thang vì mức cung không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Dù vậy, các nhà đầu tư thì lúc nào họ cũng sợ lạm phát cho nên số này muốn đẩy lãi suất ngân hàng trong dài hạn lên cao ».

Giáo sư Ioana Marinescu đại học Pennsylvania nhìn vấn đề dưới một góc độ khác : theo bà chính quyền Biden đang đứng trước một cuộc chạy đua với thời gian vừa để ngăn chận virus corona cướp đi thêm sinh mạng của những người dân Mỹ, vừa để đối phó với hiện tượng kinh tế giảm sụt, bởi vì « đợi lâu chừng nào, cái giá phải trả đắt chừng nấy »

Iona Marinescu : « Câu hỏi đặt ra là giữa hai mối rủi ro khác nhau chúng ta sẵn sàng chọn phương án nào và mục đích muốn đạt tới là gì ? Như bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen đã giải thích vấn đề ở Mỹ hiện nay là trong giai đoạn kinh tế phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008, Hoa Kỳ đã không đầu tư nhiều để cỗ máy kinh tế đồ sộ này giờ đây có thể khởi động lại một cách nhanh chóng. Có thể là Mỹ cần thời gian để giải quyết vấn đề thất nghiệp. Do vậy chính quyền Biden hiện nay đầu tư vào một số lĩnh vực để tạo đà cho tăng trưởng. Đương nhiên rủi ro lạm phát là có. Song, cần lưu ý hai điều : một là tới nay, lạm phát vẫn còn ở mức thấp so với mục tiêu mà FED đã đề ra. Thành thử có thể nói là trước mắt Mỹ không lo lạm phát. Điểm thứ nhì là ngay cả trong trường hợp lạm phát tăng vọt thì đừng quên rằng Ngân Hàng Trung Ương Mỹ có nhiều phương tiện để can thiệp. Nói tóm lại, nguy cơ không can thiệp đúng mức để phương hại đến kinh tế lớn hơn là nguy cơ can thiệp quá đáng ».

Một bộ mặt mới cho xã hội Mỹ

Tranh cãi về nguy cơ lạm phát và giá cổ phiếu bị đẩy lên trời và sẽ là mầm mống của một cuộc khủng hoảng tài chính khác còn chưa đến hồi kết. Nhưng theo ghi nhận của giáo sư Philip Golub, giảng dạy tại đại học Mỹ ở Paris, tầm mức quan trọng của chính sách kích cầu 1.900 tỷ đô la lần nay vượt lên trên những cái « được-thua » thuần túy về kinh tế. Theo ông, với American Rescue Plan tổng thống Biden đang tái tạo lại một bộ mặt xã hội của Mỹ :

Philip Golub : « Đây là một kế hoạch đầy tham vọng với mục đích là khôi phục lại tăng trưởng cho kinh tế Hoa Kỳ vốn đang bị tổn thương vì đại dịch. Kèm theo đó, chính quyền Biden cũng muốn tái lập lại một sự công bằng trong xã hội qua các khoản trợ cấp an sinh. Rõ ràng quyết định này của Nhà Trắng đang mang lại cả một sự thay đổi rất quy mô trong chính sách kinh tế và xã hội của Hoa Kỳ. Khó khăn ở đây là làm thế nào để thuyết phục đảng đối lập. Tôi e rằng chính phủ Mỹ vấp phải sự chống đối của bên đảng Cộng Hòa.

Kế hoạch Biden tập trung vào tầng lớp trung lưu và giới tiểu thương, vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một khác biệt lớn so với chính quyền tiền nhiệm. Dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ chủ yếu rót tiền cho các đại tập đoàn, giúp đỡ những thành phần giàu có nhờ những chính sách thuế khóa ưu đãi. Nhưng biện pháp đó không giúp ích gì được cho xã hội theo nghĩa rộng cả ».

Gói cứu nguy kinh tế sau đại dịch Covid-19 được ban hành dưới chính quyền Biden là một trong những kế hoạch kích cầu « quy mô nhất trong lịch sử Hoa Kỳ » với tham vọng tạo thêm « 7 triệu việc làm cho người dân trong những tháng sắp tới », « giảm 1/3 số người Mỹ sống dưới ngưỡng nghèo khó » và « giảm đi phân nửa số trẻ em Hoa Kỳ phải sống trong cảnh bần cùng », đầu tư vào y tế và giáo dục.

Đành rằng đề xuất tăng mức lương tối thiểu tại Mỹ đang từ 7 lên thành 15 đô la một giờ, một trong những biện pháp được coi là « mang tính tham vọng nhất » trong chương trình kinh tế của tổng thống Biden đã tạm thời bị cho vào ngăn kéo để đạt được đồng thuận thông qua gói hỗ trợ 1.900 tỷ đô la nói trên. Tuy nhiên, từ sau chính sách kinh tế mang tên cố tổng thống Ronald Reagan được áp dụng từ năm 1986 và tiếp theo đó là những chương trình cải tổ dưới chính quyền Trump chủ yếu ưu đãi khu vực sản xuất và những thành phần giàu có, có lẽ chính quyền Biden bắt đầu « chôn vùi thuyết Reaganomics ». Chủ thuyết đó được dựa trên bốn yếu tố căn bản: giảm thiểu mức độ chi tiêu của chính quyền liên bang (ngân sách quốc phòng là một ngoại lệ), giảm các loại thuế như thuế thu nhập, doanh nghiệp, trị giá gia tăng …, giảm mức độ can thiệp của Nhà nước vào sinh hoạt trong đời sống kinh tế, và trọng tâm phải là kềm chế lạm phát.

Trong lúc Washington nóng ruột và hướng tới chiến lược « đánh nhanh, thắng nhanh » để phục hồi kinh tế thì tại châu Âu, 7 tháng sau khi vất vả đạt được đồng thuận về một gói kích cầu 750 tỷ euro – chưa đầy 1.000 tỷ đô la, cho toàn thể 27 nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles vẫn luẩn quẩn vì những tranh cãi vô bổ và chưa thể bật đèn xanh cho việc giải ngân số tiền đó. 

Nguồn tin RFI Tiếng Việt