Các nguồn sử liệu về vùng ‘Champa Thượng’ trong thời kỳ cổ – trung đại - Đổng Thành Danh

1. Dẫn luận

Champa – Thượng (Le Haut Champa) là cách mà J. Dournes 1 gọi tên vùng đất cao Tây Nguyên trong thời kỳ cổ trung đại, thời kỳ mà phần lớn lãnh thổ cao nguyên này thuộc về vương quốc Champa hoặc có một mối quan hệ chặt chẽ với Champa ở miền đồng bằng 2 . Vùng đất này, thuộc Cao nguyên Trường Sơn Nam, không chỉ giới hạn ở các tỉnh Komtum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng mà còn vươn xuống tận phần rìa phía Tây của các tỉnh Miền Trung nơi cư trú của các cộng đồng nói tiếng Nam Đảo và Nam Á 3 .

champa1

Việc nghiên cứu mối liên hệ giữa vùng đất Tây Nguyên và Champa trong quá khứ là một trong những mảng nghiên cứu đáng chú ý và thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả. Trong khi một số các nhà nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc khảo tả và liệt kê các di tích, dấu vết của Champa ở vùng Tây Nguyên 4 , một số các nghiên cứu mang tính học thuật hơn lại cố gắng lý giải sâu hơn các mối liên kết này, không chỉ trên bình diện dân tộc học mà còn dựa trên các tương tác về chính trị liên vùng trong quá khứ 5 .

Có hai xu hướng chính nhằm diễn dịch mối quan hệ chính trị giữa cao nguyên và đồng bằng : một xu hướng cho rằng người Chăm đồng bằng đã tiến hành những cuộc giao tranh với các tộc người miền cao, để rồi từ đấy áp đặt một thiết chế hành chính, thu thuế và áp đặt nghĩa vụ lao dịch với các sắc tộc này, thống trị các sắc tộc ấy theo kiểu thuộc địa 6 ; trong khi đó một số người lại bảo vệ quan điểm ngược lại, nhìn mối quan hệ này một cách mềm dẻo hơn, ôn hòa hơn, thậm chí miêu tả mối quan hệ này là thân thiện, như kiểu những liên minh về chính trị, quân sự 7 .

Tùy theo cách tiếp cận các nguồn tư liệu và quan điểm nghiên cứu khác nhau mà mỗi nhóm lại bảo vệ cho quan điểm riêng của mình. Có thể kể ra một số nguồn sử liệu chính liên quan đến vấn đề này như sau :

- Sử liệu của trung Hoa ghi nhận về Lâm Ấp, Hoàn Vương và Chiêm Thành ;

- Các bia ký ghi bằng chữ Phạn hoặc chữ Chăm cổ ở miền Trung Việt Nam thuộc về vương quốc Champa ;

- Các thư tịch viết bằng giấy của người Chăm còn lưu giữ ở Ninh Thuận – Bình Thuận ;

- Các truyện kể dân gian của các tộc người thiểu số miền Trung – Tây Nguyên.

Trong bài viết này chúng tôi sẽ điểm lại một số thông tin quan trọng liên quan đến vùng "Champa – Thượng" hay là vị trí, vai trò và mối quan hệ của vùng cao nguyên Trường Sơn Nam với vương quốc Champa thời cổ – Trung đại từ các nguồn sử liệu trên.

2. Nguồn sử liệu Trung Hoa và bia ký Champa

Những nguồn tư liệu đầu tiên ghi nhận về thành phần dân tộc của Champa chính là các văn bản Trung Hoa, mà sớm nhất (khoảng thế kỷ 3) có thể là một ghi chép về Lâm Ấp như sau : "…Những bộ tộc của nó thật đông đảo, những nhóm người nhỏ trong các bộ tộc ấy sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau ; tận dụng lợi thế địa hình núi non, họ không bao giờ chịu quy phục [triều đình Trung Hoa]…" 8 . Sau đó, sang thế kỷ thứ 4, các sử liệu Trung Hoa lại ghi nhận sự va chạm đầu tiên giữa người đồng bằng với các sắc dân ở sâu trong vùng nội địa, đó là sự kiện vua Lâm Ấp Phạm Văn tiến hành các cuộc bình định trong xứ sở để thu phục các bộ tộc "man dã" đang thành lập các tiểu quốc 9 . Ch. Meyer, lưu ý thêm trong số các dân tộc ấy : "người Jarai và Rhade là hiếu chiến nhất" 10 .

Các nguồn sử liệu Trung Hoa còn ghi nhận liên tiếp các nguồn cống phẩm mà Champa mang đến cho Trung Hoa, chứa đầy các mặt hàng có nguồn gốc từ miền núi như là ngà voi, sừng tê, trầm hương, kỳ nam, và nhiều hương liệu, gỗ quý khác… và kỳ lạ thay, đây lại là những mặt hàng khiến Champa trở nên nổi tiếng trong khắp vùng, điều đó cũng cho thấy Champa đã sớm xây dựng một hệ thống thương mại lớn với vùng cao nguyên. Cụ thể, sử liệu ghi nhận rất nhiều lần như vậy : vào năm 340, Champa lần đầu tiên cống voi cho Thiên triều, rồi rải rác sau đó cũng vậy, đến năm 630, Champa lại dâng cho Trung Hoa đá quý, voi thuần dưỡng…, năm 642 là 11 sừng tê giác, rồi các năm 711, 731, 749…đến tận năm 992, họ dâng đến 300 ngà voi, 2.000 cân hương liệu và 100 cân gỗ đàn hương, năm 1018, dâng 72 ngà voi, 86 sừng tê, 100 cân kỳ nam và 200 cân hương liệu 11 .

Bước vào thời kỳ ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, các bia ký trở thành nguồn tư liệu quan trọng để xác nhận những liên hệ giữa Champa với các sắc dân cao nguyên. Ngay từ thế kỷ thứ 4, một văn bia ở Vat Laung Kau (gần đền thờ Wat Phu ở Bassac, Lào) đã chứng minh tầm ảnh hưởng của vương quốc Champa kéo dài đến tận vùng Champasak tức vùng Nam Lào 12 . Tiếp đến, một văn bia Phật giáo có niên đại năm 914, được tìm thấy ở Kon Klor (Kom Tum) ghi nhận về việc xây dựng một đền thờ Bồ tát ở vùng đất này, sự xuất hiện của văn bia xác nhận việc xây dựng đền thờ của Champa ở đây cho thấy lãnh thổ Champa vào thời điểm này bao gồm cả vùng Kom Tum ngày nay 13 .

Khoảng thế kỷ 12, các bia ký Champa lần đầu tiên nhắc đến các sắc tộc miền núi với các danh xưng "Kiratas" (những người miền cao), "Mleccha" (những người hoang dã) 14 . Theo những nguồn tư liệu này, vào thời điểm năm 1149, phía Bắc Champa nằm dưới sự cai trị của người Khmer, tiểu vương Panduranga là Jaya Harivarman I đã đem quân từ phía Nam ra chiếm cứ và giải phóng Vijaya, sau ngày thắng lợi ông không trao lại ngai vị cho hoàng tộc ở Vijaya mà tiếm quyền thống trị cả Champa. Vì vậy, ông phải khuất phục các dân tộc "Radé, Mada và những người Man di khác" ở phía Tây, được gọi chung là Kiratas. Để chống lại hành động này, vị "vua của người Kiratas" (có thể là thủ lĩnh của các dân tộc này) đã tôn hoàng tử Vangsaraja (em vợ của Jaya Harivarman I) lên làm vua và lãnh đạo cuộc đấu tranh. Tuy nhiên, cuộc phản kháng này thất bại, Vangsaraja phải chạy sang Đại Việt và bản thân các dân tộc miền núi phải thần phục Jaya Harivarman I 15 .

Bước sang thế kỷ sau, vùng cao nguyên và các sắc tộc ở đây cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ của Champa. Trong cuộc đối đầu với cuộc xâm lăng của nhà Nguyên, từ năm 1282 – 1284, vua Indravarman V và hoàng tử Harijit (sau này là vua Jaya Sinhavarman III, tức Chế Mân) đã cho rút quân tạm thời từ kinh thành Vijaya về sâu trong miền núi để thực hiện cuộc kháng chiến lâu dài 16 . Từ đây, vùng đất cao nguyên trở thành hậu cứ của quân Champa, và bản thân các sắc dân miền núi ở đây cũng sát cánh bên cạnh người Chăm tiến hành cuộc kháng chiến chống lại quân Mông – Nguyên hùng mạnh, điều này phần nào cho thấy họ cũng là thần dân và có nghĩa vụ tranh đấu vì vương quốc Champa 17 .

Bước vào thế kỷ 15, bia ký Drang Lai (C43) 18 cho ta một cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về mối liên hệ mật thiết về chính trị giữa triều đình Champa với các dân tộc ở miền núi. Theo bia ký này, vào khoảng năm 1415 và 1435, vua Champa ở Vijaya là Virabhadravarman đã thu phục "Vị vua vĩ đại của người miền núi" và "vua của loài voi" (Sri Gajaraja) làm chư hầu của mình. Bằng sự bảo trợ này, vua Champa đã cho xây dựng các đền thờ thần Shiva (dưới tên gọi Kiratesvara), đồng thời cho xây dựng các hệ thống thủy lợi, đường sá cho vùng cao, bản thân các vị vua chư hầu phải huy động thần dân trong vùng, đảm bảo công việc trồng lúa, điều tiết thủy lợi để cung cấp hoa lợi cho việc phụng thờ thần Shiva 19 . Nội dung của bia ký Drang Lai cùng với các phế tích đền tháp Hindu quanh thung lũng Cheo Reo – Ayun Pa cho thấy một mức độ ảnh hưởng sâu sắc của người Chăm ở đồng bằng đối với các dân tộc ở vùng này, nhất là người Jarai 20 .

3. Nguồn sử liệu dân gian và thư tịch của người Chăm

Người Chăm xuất hiện khá sớm và phổ biến trong các truyền thuyết, sử thi của những sắc dân người Thượng. Cùng với sự đa dạng thành phần dân tộc ở Tây Nguyên là sự đa dạng trong cách nhìn của người bản địa về người Chăm đồng bằng. Trong một số huyền thoại của người Srê, người Mạ… người Chăm được mô tả như những kẻ xâm lược 21 , người Jarai lại lý giải sự tồn tại của các công trình tháp Chăm tại Tây Nguyên theo một nghĩa tiêu cực – là hệ quả của sự xâm chiếm 22 . Trong khi, những câu truyện khác, có thể cũng của người Jarai hay người Raglai lại mô tả người Chăm là những người anh em, những đồng minh về quân sự trong các cuộc chiến chống ngoại bang hay những người thân thiện dù họ cũng là kẻ thống trị 23 .

Từ sau thế kỷ 15, các thư tịch cổ của người Chăm (bao gồm cả các văn bản chính thống của hoàng gia) càng cho thấy rõ nét hơn mối quan hệ giữa người Chăm và các sắc dân miền núi (bao gồm K’ho, Rhade, Churu, Raglai…) như là những thần dân của cùng một vương quốc. Theo những nguồn tư liệu này, vùng đất mà các sắc dân này sinh sống thuộc sự quản lý trực tiếp của vị Thuận Thành vương (vua Champa thời Chúa Nguyễn), họ có trách nhiệm hay nghĩa vụ nạp các sản vật, thuế khóa và quân lính cho Trấn Thuận Thành, tức là Champa dưới thời chúa Nguyễn 24 . Ngoài ra, các dân tộc miền núi còn có vai trò giữ gìn các vật phẩm của vua, chúa Champa, như người K’ho ở Lavang (Lâm Đồng) lưu giữ Tư liệu Hoàng gia Champa mà người Pháp đã đem sang Paris lưu trữ, người Raglai ở Ninh Thuận, Bình Thuận thì lưu giữ y trang, phẩm vật của các vua thần Chăm, hằng năm họ vẫn đem những vật phẩm này xuống vùng người Chăm để thực hiện các nghi thức phụng tế thần linh 25 .

Mặt khác, những điều này không phản ảnh rằng các dân tộc miền cao chỉ có vai trò thấp kém (so với người Chăm) trong vương quốc, ngược lại họ nắm giữ các vai trò quan trọng, tham gia vào các vị trí then chốt trong cơ cấu chính quyền Champa. Những nguồn tư liệu cho thấy vua Po Romé (1627 – 1651), một vị vua Champa nổi tiếng, có nguồn gốc là người Churu, trong khi vị hoàng hậu (thứ 2) của ông là người Rhade, dưới thời gian ông trị vì các vị quan lại cũng có nhiều người xuất thân từ các dân tộc miền núi như Churu, Raglai, K’ho… 26 . Thêm vào đó, vào năm 1834, trong phong trào phản kháng cuối cùng của Champa chống lại triều đình Minh Mạng, người Chăm và các sắc dân miền núi đã tôn một nhân vật người Raglai lên làm vua, tức Ja War Palei, đồng thời tôn một nhân vật Churu làm hoàng tử kế vị tức Yang Aia Harei 27 .

Sau khi nghiên cứu các nguồn tư liệu và nhìn lại các xu hướng đánh giá về mối quan hệ chính trị Chăm – Thượng, chúng tôi hiểu rằng, vấn đề không nằm ở nguồn từ liệu, mà nằm ở chỗ các nhà nghiên cứu sử dụng các tư liệu ấy. Sự liên kết chính trị này phức tạp hơn những gì mà tư liệu ghi nhận, cách thức mà mối liên kết này hoạt động (theo hai xu hướng đối địch và thân thiện) còn tùy thuộc vào những vùng, những nhóm sắc tộc và các giai đoạn lịch sử khác nhau. Những cuộc xung đột (nếu có) chỉ được áp dụng trong từng thời điểm (thời Lâm Ấp), từng tộc người (như các nhóm sắc dân ở xa người Chăm đồng bằng) hay như J. Dournes mô tả những cuộc xung đột này chỉ mang tính địa phương 28 . Ngay từ buổi ban đầu gặp gỡ, người Chăm đã là anh em với người Thượng, chính họ đã là những đồng minh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và ngay cả trong các cuộc nội chiến. Chính những sắc dân thiểu số cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cấu thành nên hệ thống chính trị, quân sự và tôn giáo của vương quốc Champa.

Cho đến tận thế kỷ 19, các nguồn tư liệu dân gian vẫn còn cung cấp các thông tin về hoạt động khai thác trầm hương vẫn còn diễn ra ở khu vực Phan Rang, Phan Rí giữa người Chăm và người Raglai ở miền cao nguyên. Hoạt động này thường do nhà nước (của người Chăm) tổ chức, trong những lần mà vua Chăm cần kỳ nam hay trầm hương, ông sẽ cử một vị quan gọi là Po Gahluw đến vùng của người Raglai, phối hợp với người đứng đầu làng tổ chức chiêu mộ các thanh niên Raglai, hoặc ở một số làng đã có sẵn những đội như vậy để vào sâu trong rừng khai thác trầm và kỳ. Do đây là một công việc nguy hiểm, khó khăn, kéo dài trong nhiều tháng, nên trước khi đi họ thường tổ chức nghi lễ cúng tế và khi về thì cúng tạ ơn thần linh, trong quá trình đi cũng phải có nhiều kiêng cữ. Những người trong đội này cũng được triều đình ưu đãi ban phát trâu, ruộng và nhiều thứ bổng lộc khác 29 .

4. Kết luận

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra rằng : Vậy thì những liên kết chính trị này được vận hành như thế nào ? Điều gì giúp duy trì, thúc đẩy sự liên kết ấy trong suốt tiến trình lịch sử ? Câu hỏi có phải nằm ở một thiết chế thủ lĩnh "liên làng" hay "siêu làng" như kiểu thiết chế Potao mà J. Dournes và A. Hardy từng gợi mở 30 ? Từ đó mà suy rộng ra, các sắc tộc Tây Nguyên xưa đã tạo ra một hệ thống các thủ lĩnh (tùy theo cách gọi của từng tộc người) của làng hoặc liên làng 31 . Những thủ lĩnh này không chỉ có vai trò liên kết với thần linh mà còn chịu trách nhiệm đối ngoại với các thế lực bên ngoài, trong đó có những người Champa đồng bằng. Tuy nhiên, ngoài thiết chế Potao của người Jarai, chúng ta chưa biết gì nhiều về những thiết chế tương tự ở các dân tộc khác. Do đó, sự tồn tại của những thiết chế như vậy vẫn còn là giả thuyết.

Đổng Thành Danh

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/01/2021

Đồng Thành Danh là nhà nghiên cứu công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận.

Chú thích :

1. Dournes. J, "Recherches sur le Haut Champa", France – Asie. 24 – 2 (1970) : 143 – 162.

2. Maspero G, Le Royaume de Champa (Paris : G. Van Oest, 1928) ; Dohamide – Dorohiem, Dân tộc Chàm lược sử (Saigon, 1965) ; Po Dharma, Le Panduranga – Campa (1802 – 1835) (Paris : EFEO, 1987) ; Vương quốc Champa : lịch sử 33 năm cuối cùng (San Jose : IOC – Champa, 2012) ; T. Quach-Langlet, "Le cadre historique de l’ancien Campa", Actes du séminaire sur le Campa organisé à l’Université de Copenhague (Paris : Travaux du CHCPI, 1988), 27-47 ; Lafont, Vương quốc Champa : địa dư, dân cư, lịch sử (San Jose : IOC – Champa, 2011).

3. H. Maitre, Les Jungles Moï : Mission Henri Maître (1909-1911), Indochine Sud-Centrale (Papis : Larose 1912) ; H. Maitre, Rừng người Thượng (Hà Nội : Tri thức, 2008) ; Dam Bo, "Les Populations Montagnardes du Sud – Indochnois", France – Asie, 1 (1950) ; Dam Bo, Miền đất huyền ảo (Hà Nội : Hội nhà Văn, 2003) ; Hickey, Sons of the Mountains : Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands to 1954 (New Haven/London : Yale U.P, 1982) ; B. Gay, "Vue Nouvelle sur la composition ethnique du Champa", Actes du Séminaire sur le Campa organisé à l’Université de Copenhague (Paris : CHCPI, 1988) : 52 – 56 ; Oscar Salemink, The Ethnography of Vietnam’s Central Highlander (Honolulu : University of Hawai’i Press, 2003).

4. H. Maitre, Les Jungles Moï : Mission Henri Maître (1909-1911), Indochine Sud-Centrale (Papis : Larose 1912) ; H. Maitre, Rừng người Thượng (Hà Nội : Tri thức, 2008) ; Dournes. J, "Recherches sur le Haut Champa", France – Asie. 24 – 2 (1970) : 143 – 162 ; Lê Đình Phụng, "Những di tích văn hóa Chăm pa ở Tây Nguyên", Khảo cổ học, 4 (1996) : 48 – 59 ; Nguyễn Thị Kim Vân, "Dấu ấn văn hóa Champa trên đất Gia Lai", Di sản Văn hóa số 3 (2015) : 58 – 61.

5. Li Tana, Xứ Đàng Trong : lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 – 18 (Tp. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2013) ; Trần Kỳ Phương, "Bước đầu tìm hiểu về địa-lịch sử vương quốc Chiêm Thành (Champa) ở miền Trung Việt Nam : với sự tham chiếu đặc biệt vào "hệ thống trao đổi ven sông" của lưu vực sông Thu Bồn ở Quảng Nam", Thông tin khoa học, Huế : Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, 3 (2004) ; Trần Kỳ Phương, "Thung lũng sông Thu Bồn : Một mẫu hình của phương thức trao đổi ven sông nối kết thượng đạo Đông – Tây ở miền Trung Việt Nam", Nghiên cứu Văn hóa Miền Trung (Huế : Phân viện VHNT Việt Nam, 2009) : 19 – 24 ; Nguyễn Phước Bảo Đàn, "Từ con đường muối : nhận diện mạng lưới trao đổi xuôi ngược ở miền Trung ViệtNam trong lịch sử", Nhận thức về miền Trung Việt Nam-hành trình 10 năm tiếp cận (Huế : Thuận Hóa, 2009) : 151-218 ; Andrew Hardy, "‘Nguồn’ trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong", Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (Hà Nội : Thế Giới, 2008) : 55-65 ; Andrew Hardy, Nhà nhân học chân trần : nghe và đọc Jacques Dournes (Hà Nội : Tri thức, 2014) ; Nguyễn Hữu Thông, "Sông Ba : giao lộ chính trị – kinh tế – Văn hóa đặc thù", Thông báo khoa học, Đại học Văn Hiến, 7 (2015) : 33 – 45 ; Nguyễn Thị Hòa, "Những con đường giao thương từ cao nguyên đến ven biển miền Trung trong lịch sử", Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 18, số X1 (2015) : 33 – 38.

6. H. Maitre, Rừng người Thượng, 187 – 193 ; B. Bourotte, "Essai d’histoire des Populations Montagnardes du Sud Indochinois", BSEI XXX, 1 (1955) : 32 – 35 ; Ch. Meyer, "Kambuja et Kirata", Études Cambodgiennes, 5 (1966) : 20.

7. B. Gay, "Vue Nouvelle sur la composition ethnique du Champa", 52 – 56 ; Dominique Nguyen, Từ vựng Hroi – Việt (San Jose : IOC – Champa, 2003) : 6 – 10 ; Andrew Hardy, Nhà nhân học chân trần, 40, 100 – 101.

8. Paul Pelliot, "Le Pou – Nan", BEFEO, III (1903) : 255.

9. G. Maspero, Le Royaume de Champa, 52 ; H. Maitre, Rừng người Thượng, 173 – 174.

10. Ch. Meyer, "Kambuja et Kirata", 20.

11. H. Maitre, Les Jungles Moï, 434 – 436 ; G. Maspero, Le Royaume de Champa, 88, 120 – 121, 132, 138 ; Momoki Shiro, "Chămpa chỉ là một thể chế biển ? (Những ghi chép về nông nghiệp và ngành nghề trong các tư liệu Trung Quốc)", Nghiên cứu Đông Nam Á, 4 (1999) : 45.

12. B. Gay, "Vue Nouvelle sur la composition ethnique du Champa", 49 – 50 ; Dominique Nguyen, Từ vựng Hroi – Việt, 6.

13. B. Gay, "Vue Nouvelle sur la composition ethnique du Champa", 50 ; Lafont, Vương quốc Champa, 27.

14. L. Finot, "Notes d’épigraphie : XI. Les inscriptions de Mi-Sơn", BEFEO, IV (1904) : 965 – 966 ; H. Maitre, Rừng người Thượng, 174, 182 ; Dominique Nguyen, Từ vựng Hroi – Việt, 7 – 8 ; J. Dournes, Potao : một lý thuyết về quyền lực của người Jarai Đông Dương (Hà Nội : Nxb. Tri thức, 2013), 168.

15. G. Maspero, Le Royaume de Champa, 158 – 159 ; Dohamide – Dorohiem, Dân tộc Chàm lược sử, 59 ; Lafont, Vương quốc Champa, 161 – 162.

16. Tư liệu không ghi nhận chính xác về vùng núi mà triều đình Champa chọn làm hậu cứ trong cuộc đối đầu với nhà Nguyên. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, theo một số chú thích của Nguyên Sử và ghi chép của Marco Polo lãnh thổ phía Tây của Champa, lúc bấy giờ, có thể kéo dài đến tận khu vực Komtum và Pleiku (Lafont, Vương quốc Champa, 28).

17. G. Maspero Le Royaume de Champa, 175 – 187 ; Dohamide – Dorohiem, Dân tộc Chàm lược sử, 73 – 74, Dominique Nguyen, Từ vựng Hroi – Việt, 8 – 9 ; Lafont, Vương quốc Champa, 170 – 171.

18. Trước bia ký này được tìm thấy ở Tháp Yang Mum (Ayun Pa, Gia Lai) nên thường được gọi là bia ký Yang Mum hay Cheo Reo (tên gọi trước của Ayun Pa). Nhưng nguồn gốc thật sự của nó là ở một ngôi đền khác gần đó gọi là Drang Lai, do đó bia ký này phải được gọi là Drang Lai. Xem thêm : Arlo Griffiths và đồng sự, Văn khắc Chăm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (Tp. Hồ Chí Minh : Đại học Quốc gia, 2012), 43 – 44.

19. Arlo Griffiths và đồng sự, Văn khắc Chăm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, 43 – 56.

20. H. Maitre, Rừng người Thượng, 190 ; J. Dournes, Potao : một lý thuyết về quyền lực của người Jarai Đông Dương, 167.

21. J. Boulbet, Pays des Maa, domaine des génies, Nggar Maa, Nggar Yang : Essai d’ethno-histoire d’une population proto-indochinoise du vietnam central (Paris : EFEO, 1967), 67 – 75 ; Andrew Hardy, Nhà nhân học chân trần, 53 – 54.

22. H. Maitre, Rừng người Thượng, 220 ; J. Dournes, Potao : một lý thuyết về quyền lực của người Jarai Đông Dương, 168 – 169.

23. Người Raglai và người Chăm có câu : "Cam xa-ai, Raglai adei" (Chăm là chị, Raglai là em), trong khi theo tài liệu của Dambo (J. Dournes, ông dẫn lời nói của người bản địa : "Chúng ta và người Chăm là anh em cùng một mẹ" (Dẫn theo : Dam Bo, "Les Populations Montagnardes du Sud – Indochnois", 22 – 23 ; cũng chính ông trích lại câu truyện của người Tây Nguyên về một vị thủ lĩnh Chăm chống lại người Việt, vị thủ lĩnh này đã kêu gọi các dân tộc cao nguyên giúp sức cho mình, lực lượng của ông bao gồm người Srê, người Mạ, người Noang và Raglai (Dam Bo, "Les Populations Montagnardes du Sud – Indochnois, 25).

24. H. Maitre, Rừng người Thượng, 195 ; Shine Toshihiko, "Montagnards and the Cham Kings : Labor and Land Administration as seen in the Documentary and Oral Archives", Bài trình bày tại Hội thảo Quốc tế Hiện đại và Động thái của Truyền thống ở Việt Nam : Những cách tiếp cận Nhân Học, Tp. Hồ Chí Minh ; Po Dharma, Vương quốc Champa : lịch sử 33 năm cuối cùng, 93, 127 ; Đổng Thành Danh, "Bàn thêm về Phiên quốc Panduranga – Champa hay trấn Thuận Thành, phủ Bình Thuận (thế kỷ XVII – XIX)", Nghiên cứu Lịch sử, 9 (2016) : 71 – 78.

25. E. Durand, "Les archives des derniers rois chams", BEFEO, VII (1907) : 353 – 355 ; H. Maitre, Rừng người Thượng, 195 – 196 ; Sakaya, Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa (Hà Nội : Tri thức, 2013), 257 – 258.

26. Hickey, Sons of the Mountains, 113 ; B. Gay, "Vue Nouvelle sur la composition ethnique du Champa"., 50 – 51 ; Dominique Nguyen, Từ vựng Hroi – Việt, 9 – 10 ; Po Dharma, Vương quốc Champa : lịch sử 33 năm cuối cùng, 13.

27. Po Dharma, Vương quốc Champa : lịch sử 33 năm cuối cùng, 147 – 148 ; Lafont, Vương quốc Champa, 215.

28. J. Dournes, Potao : một lý thuyết về quyền lực của người Jarai Đông Dương, 169.

29. E. Aymonier, Les Tchames et Leurs religion (Paris : Ernest Leroux,1891), 73 – 74 ; Sakaya, Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa, 518 – 519.

30. Theo A. Hardy : "…người Jarai, khi họ sáng tạo ra thiết chế Potao, có lẽ đã hoàn thiện một hệ thống dùng để tạo lập và duy trì các quan hệ kết nghĩa với những vị vua cai trị Champa : hệ thống Potao bản thân nó có thể đã xuất hiện từ mối quan hệ như thế…" Xem A. Hardy, sđd, 2014, 101.

31. Các sắc tộc Tây Nguyên thường tạo nên các liên minh từ các vị trí địa lý gần nhau chứ không dựa vào tộc người, trong nhiều trường hợp người Bana liên kết với người Jarai, người Xơ-đăng để tấn công một làng Bana khác…

 ——–

Tài liệu tham khảo

- Aymonier. E. 1891. Les Tchames et Leurs religion. Paris : Ernest Leroux.

- Bourotte. B. 1955. "Essai d’histoire des Populations Montagnardes du Sud Indochinois". BSEI XXX, 1 : 17 – 116.

- Boulbet. J 1967. Pays des Maa, domaine des génies, Nggar Maa, Nggar Yang : Essai d’ethno-histoire d’une population proto-indochinoise du vietnam central. Paris : École française d’Extrême-Orient (EFEO)

- Lê Đình Chi. 2006. Người Thượng miền Nam Việt Nam. Califonia : Văn Mới.

- Durand. E. M. 1907. "Les archives des derniers rois chams". Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient (BEFEO) VII : 353 – 355.

- Dohamide – Dorohiem. 1965. Dân tộc Chàm lược sử. Saigon.

- Dam Bo. 1950. "Les Populations Montagnardes du Sud – Indochnois". France – Asie. Paris.

- Dam Bo. 2003. Miền đất huyền ảo. Hà Nội : Nxb. Hội nhà Văn.

- Dournes. J. 1970. "Recherches sur le Haut Champa". France – Asie. 24 – 2 : 143 – 162.

- Dournes. J. 2013. Potao : một lý thuyết về quyền lực của người Jarai Đông Dương, Hà Nội : Nxb. Tri thức.

- Dominique Nguyen. 2003. Từ vựng Hroi – Việt, San Jose : IOC – Champa.

- Đổng Thành Danh. 2015. "Bàn thêm về Phiên quốc Panduranga – Champa hay trấn Thuận Thành, phủ Bình Thuận (thế kỷ XVII – XIX)". Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9 (485) : 71 – 78.

- Nguyễn Phước Bảo Đàn. 2009. "Từ con đường muối : nhận diện mạng lưới trao đổi xuôi ngược ở miền Trung Việt Nam trong lịch sử". Trong Nhận thức về miền Trung Việt Nam-hành trình 10 năm tiếp cận. Huế : Nxb. Thuận Hóa : 151-218.

- Finot. L. 1904. "Notes d’épigraphie : XI. Les inscriptions de Mi-Sơn". BEFEO, IV : 897 – 977.

- Gay. B. 1988. "Vue Nouvelle sur la composition ethnique du Champa". Actes du Séminaire sur le Campa organisé à l’Université de Copenhague. Paris : Travaux du CHCPI : 49 – 58.

- Griffiths, Arlo và đồng sự. 2012. Văn khắc Chăm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Đại học Quốc gia.

- Cửu Long Giang – Toan Ánh. 1974. Cao Nguyên miền Thượng. Saigon.

- Đỗ Trường Giang. 2011. "Biển với lục địa – thương cảng Thị Nại Champa (Champa) trong hệ thống thương mại Đông Á (Thế kỷ XX – XV)". Trong Người Việt với biển, Nguyễn Văn Kim (Chủ biên). Hà Nội : Nxb. Thế giới : 285 – 314.

- Hickey, Gerald C. 1982. Sons of the Mountains : Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands to 1954. New Haven/London : Yale U.P.

- Hardy, Andrew. 2008. "‘Nguồn’ trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong". Trong Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. UBND Tỉnh Thanh Hóa – Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. Hà Nội : Nxb. Thế Giới : 55-65.

- Hardy. A. 2014. Nhà nhân học chân trần : nghe và đọc Jacques Dournes. Hà Nội : Nxb. Tri thức.

- Nguyễn Thị Hòa. 2015. "Những con đường giao thương từ cao nguyên đến ven biển miền Trung trong lịch sử". Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 18, số X1 : 33 – 38.

- Lafont. P-B. 2011. Vương quốc Champa : địa dư – dân cư – lịch sử. San Jose : IOC – Champa.

- Li Tana. 2013. Xứ Đàng Trong : lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 – 18. Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ.

- Maspero G. 1928. Le Royaume de Champa. Paris : G. Van Oest.

- Maitre, Henri. 1912. Les Jungles Moï : Mission Henri Maître (1909-1911), Indochine Sud-Centrale. Pans : Larose.

- Maitre. H. 2008. Rừng người Thượng. Hà Nội : Nxb. Tri thức.

- Meyer, Ch. 1966. "Kambuja et Kirata". Études Cambodgiennes 5 : 17 – 33.

- Pelliot. P. 1903. "Le Pou – Nan". BEFEO III. Paris : 248 – 303.

- Po Dharma. 1987. Le Panduranga (Campa) : Ses rapports avec le Vietnam (1802- 1835). Paris : EFEO. tome I (2 tome).

- Po Dharma. 2012. Vương quốc Champa lịch sử 33 năm cuối cùng. San Jose : IOC – Champa.

- Lê Đình Phụng. 1996. "Những di tích văn hóa Chăm pa ở Tây Nguyên". Tạp chí Khảo cổ học số 4 : 48 – 59.

- Toshihiko. Shine. 2007. "Montagnards and the Cham Kings : Labor and Land Administration as seen in the Documentary and Oral Archives". Bài trình bày tại Hội thảo Quốc tế Hiện đại và Động thái của Truyền thống ở Việt Nam : Những cách tiếp cận Nhân Học, Tp. Hồ Chí Minh.

- Trần Kỳ Phương. 2004. "Bước đầu tìm hiểu về địa-lịch sử vương quốc Chiêm Thành (Champa) ở miền Trung Việt Nam : với sự tham chiếu đặc biệt vào "hệ thống trao đổi ven sông" của lưu vực sông Thu Bồn ở Quảng Nam". Trong Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại Thành phố Huế, số tháng 3.

- Trần Kỳ Phương. 2009. "Thung lũng sông Thu Bồn : Một mẫu hình của phương thức trao đổi ven sông nối kết thượng đạo Đông – Tây ở miền Trung Việt Nam". Tạp san Nghiên cứu Văn hóa Miền Trung. Phân viện VHNT Việt Nam tại Huế : 19 – 48.

- Quach-Langlet T. 1988. "Le cadre historique de l’ancien Campa". Trong Actes du séminaire sur le Campa organisé à l’Université de Copenhague. Paris : Travaux du CHCPI : 27-47.

- Salemink, Oscar. 2003. The Ethnography of Vietnam’s Central Highlander. Honolulu : University of Hawai’i Press.

- Southworth W. 2004. "The coastal states of Champa". Trong Southeast Asia : from prehistory to history. Glover I, Bellwood PS, editors. London : RoutledgeCurzon : 209–233.

- Southworth W. 2011. "River Settlement and Coastal trax to wards a specific model of early state development in Champa". Trong The Cham of Vietnam : History, Society, and arts. Bruce Lockhart and Tran Ky Phuong (ed). Singapore : NUS Press : 102 – 119.

- Sakaya. 2013. Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa. Hà Nội : Nxb. Tri thức.

- Shiro. M. 1999. "Chămpa chỉ là một thể chế biển ? (Những ghi chép về nông nghiệp và ngành nghề trong các tư liệu Trung Quốc)". Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 : 43 – 48.

- Nguyễn Hữu Thông. 2015. "Sông Ba : giao lộ chính trị – kinh tế – Văn hóa đặc thù". Trong Thông báo khoa học. Đại học Văn Hiến số 7 tháng 5 : 33 – 45.

- Trần Quốc Vượng. 1998. Việt Nam cái nhìn địa – văn hóa. Hà Nội : Nxb. Văn hóa Dân tộc.

- Nguyễn Thị Kim Vân. 2015. "Dấu ấn văn hóa Champa trên đất Gia Lai". Tạp chí Di sản Văn hóa số 3 (52) : 58 – 61.