Tunisia: Vị đắng 10 năm sau cách mạng Hoa Nhài

Cuộc cách mạng Hoa Nhài Tunisia 10 năm trước đây chỉ còn lại vị đắng. An ninh, tư pháp và nhất là kinh tế vẫn trong tay một vài phe nhóm thế lực tại Tunis. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại cao hơn gấp 3 lần so với thời “chế độ cũ” và đại đa số dân chúng vẫn mòn mỏi đợi chờ “những ngày mai tươi sáng hơn”. 

Ảnh tư liệu: Dân chúng biểu tình chống nhà độc tài Zine el-Abidine Ben Ali tại Tunis (Tunisia) ngày 14/01/2011.
Ảnh tư liệu: Dân chúng biểu tình chống nhà độc tài Zine el-Abidine Ben Ali tại Tunis (Tunisia) ngày 14/01/2011. REUTERS - ZOHRA BENSEMRA


Cách nay đúng 10 năm, ngày 17/12/2010 sự kiện một thanh niên bán hàng rong Tunisia tự thiêu cho thấy niềm tuyệt vọng của hàng chục triệu con người phải đối mặt với đời sống đắt đỏ, của giới trẻ không có việc làm, của những người dân thấp cổ bé miệng phải chống chỏi với guồng máy tham ô ở đủ mọi cấp… 

Chỉ ba tuần sau vụ tự thiêu, không cần vũ khí, sức mạnh của đường phố cũng đủ để lật đổ chế độ độc tài trong tay tổng thống Ben Ali sau hơn hai thập niên cai trị đất nước với một bàn tay sắt. Cuộc cách mạng Hoa Nhài là mắt xích đầu tiên trong chuỗi dài của phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả Rập, từ Ai Cập đến Libya hay Yemen.

Trong những tháng kế tiếp và cho đến tận 2013, nhiều quan chức của ngành an ninh và cảnh sát đã bị cách chức. IVD, một ủy ban điều tra về những kẻ phạm tội ác dưới thời chế độ Ben Ali đã được hình thành.

Thế nhưng rồi, theo lời cựu phó chủ tịch ủy ban này, bà Silem Bensedrine, được tuần báo Le Point trích dẫn, “những người bị cách chức nói trên không bị xét xử hay trừng phạt” và tệ hơn nữa đại đa số trong guồng máy an ninh của chế độ cũ vẫn được trọng dụng và thậm chí còn được thăng tiến trong bối cảnh Tunisia bị khủng bố đe dọa. Nạn tra tấn vẫn tồn tại và như ghi nhận của Tổ Chức Thế Giới Chống Tra Tấn, “tác giả của những vụ tra tấn đó gần như vẫn được bình yên”.

Nhìn đến hệ thống tư pháp, 10 năm sau phong trào dân chủ Tunisia, ngoại trừ một vài nhân vật quá nổi tiếng dưới thời tổng thống Ben Ali đã phải lùi vào bóng tối khi chế độ cũ sụp đổ, những vị thẩm phán tham ô nhất tuyệt nhiên không bị đưa ra trước vành móng ngựa. Tính độc lập của tư pháp Tunisia đến nay vẫn chỉ “hiện hữu trên giấy tờ”.

Dù vậy ủy ban này nhìn nhận rằng trong số các cuộc cách mạng của phong trào Mùa Xuân Ả Rập thì trường hợp Tunisia được xem là thành công nhất: Quốc gia này đã cho ra đời một bản Hiến Pháp mới. So với ở Ai Cập hay Syria thì Tunisia cũng là một nước hiếm hoi tổ chức bầu cử tự do và cũng là nơi mà quyền tự do ngôn luận được tôn trọng.

Nhưng chỉ cần nhìn vào bức tranh kinh tế Tunisa hiện tại cũng đủ để nhận thấy rằng “những bông hoa nhài của 10 năm trước đã tàn úa”: Năm 2017 theo bảng xếp hạng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, Tunisia sụt giảm mất 15 hạng so với hồi 2010 trong số những quốc gia tham nhũng.

Nhà chính trị học Tunisia, Selim Kharrat  trả lời tuần báo Le Point của Pháp lưu ý rằng chỉ từ hai năm trở lại đây, công luận mới bắt đầu chú ý và thảo luận những vấn đề như tại sao nhiều hoạt động kinh tế vẫn chỉ tập trung trong tay một vài “đại gia” hay liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước với các đại tập đoàn Tunisia … Chế độ Ben Ali đã bị lật đổ cách nay gần một chục năm nhưng những “cung cách” làm ăn, những đặc quyền của các phe nhóm vẫn tồn tại. Năm 2015, một cựu lãnh đạo nghiệp đoàn các chủ doanh nghiệp Tunisia đã cảnh báo rằng, “giai đoạn chuyển tiếp hướng tới mô hình dân chủ chỉ có thể thành công nếu Tunisia thành công về mặt kinh tế

Thực tế phũ phàng là, 10 năm sau vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi ở một thành phố nhỏ miền trung Tunisia, 12 triệu dân xứ này vẫn phải đối mặt với lạm phát, thất nghiệp và những bất công xã hội. Tình hình thêm đen tối dưới tác động tai hại virus corona. Tỷ lệ thất nghiệp cao gấp ba lần so với thời của nhà độc tài Ben Ali.

Điều tai hại hơn cả như triết gia Youssef Seddik ghi nhận : 10 năm trước đây người dân Tunisia đã xuống đường vì miếng cơm manh áo, họ đã lật đổ một chế độ độc tài để đòi tự do. Nhưng thảm họa của Tunisia là “cuộc đấu tranh vì dân chủ và tự do đó đã không được bù đắp lại” bằng những điều kiện kinh tế khả quan hơn. Những người tham gia cuộc cách mạng Hoa Nhài ấy vẫn không trông thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Chính quyền Tunis vừa phải đi vay thêm 5 tỷ euro, tức tương đương với 30 % để hoàn tất dự luật về ngân sách cho năm 2021. Cũng Tunisia đang cầu viện Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế một gói hỗ trợ vào mùa xuân này. Trong khi chờ đợi, chính phủ theo dõi chặt chẽ các cuộc bãi công rải rác trên toàn quốc hay những xung đột dù rất nhỏ giữa các bộ tộc ở miền nam, với một mục tiêu duy nhất đó là phát hiện kịp thời những mầm mống của một cuộc cách mạng khác.

Nguồn tin RFI Tiếng Việt