Biển Đông ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ

Việt Nam và Ấn Độ họp hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 21/12/2020, dưới sự chủ trì của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng nhiệm Narendra Modi. Một trong những chủ đề nổi bật của cuộc họp lần này chính là vấn đề Biển Đông và quan hệ hợp tác quốc phòng càng lúc càng phát triển mạnh giữa hai nước có cùng một đối thủ trong vùng là Trung Quốc. 

Ảnh tư liệu: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) đón tiếp đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi, tại Hà Nội ngày 03/09/2016.
Ảnh tư liệu: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) đón tiếp đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi, tại Hà Nội ngày 03/09/2016. AP - Hau Dinh

Một điểm then chốt đã được thủ tướng Ấn nêu bật liên quan đến cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông. Theo ông Modi, Bộ Quy Tắc rất cần thiết này không được làm phương hại đến lợi ích của các nước khác bên trong cũng như bên ngoài khu vực Biển Đông.

Lời nhấn mạnh này chính là một phản bác nhắm vào Trung Quốc, vốn đang muốn ép ASEAN phải chấp nhận ghi vào Bộ Quy Tắc đang đàm phán một điều khoản cấm các nước ngoài vùng Biển Đông có những hoạt động quân sự như tập trận với các nước trong vùng, mặc nhiên ngăn cản không cho Ấn Độ, Hoa Kỳ Úc hay Nhật Bản xen vào vấn đề Biển Đông.

Trên thực tế, Ấn Độ đã trực tiếp hỗ trợ Việt Nam trong lãnh vực quốc phòng, đặc biệt là trong việc tăng cường năng lực tuần tra và giám sát vùng biển của mình, thường xuyên bị Trung Quốc xâm phạm.

Theo nhận định của giới quan sát, khi vạch ra lộ trình sắp tới đây cho quan hệ quốc phòng giữa hai nước, hai thủ tướng Ấn Độ và Việt Nam đã nhấn mạnh trên nhu cầu “tự kiềm chế" và "phi quân sự hóa" Biển Đông,

Nhân thượng đỉnh hôm 21/12, hai nước đã công bố một văn kiện mang tên Tầm nhìn chung Ấn Độ-Việt Nam vì Hòa Bình, Thịnh Vượng và Người Dân, với hai đoạn dành riêng cho vấn đề Biển Đông.

Tài liệu cho biết: "Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành mọi hoạt động - đối với các bên tranh chấp và tất cả các quốc gia khác - đồng thời tránh các hành động có thể làm tình hình phức tạp thêm hoặc tranh chấp leo thang, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".

Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, và đã liên tục phản đối các cuộc tập trận của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp, cáo buộc Bắc Kinh đe dọa ngư dân Việt Nam và áp đặt các yêu sách chủ quyền dưới mọi hình thức.

Còn Ấn Độ cũng đang vướng vào những rắc rối biên giới tồi tệ nhất với Trung Quốc trong hơn 4 thập kỷ. New Delhi đã tố cáo Bắc Kinh thay đổi hiện trạng ở vùng biên giới tại khu vực Ladakh, với các cuộc đàm phán cho đến nay không giải quyết được bất đồng.

Các nhà phân tích lưu ý rằng có rất nhiều lĩnh vực hội tụ giữa Ấn Độ và Việt Nam, hai nước cũng sẽ có ghế (không thường trực) trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tháng tới.

Mặc dù Ấn Độ không trực tiếp tham gia vào tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng New Delhi đã bị Bắc Kinh cảnh cáo nhiều lần về các hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực. Một trong những lô dầu mà Ấn Độ tham gia nằm trong một vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ.

Trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu là quốc phòng đang nổi lên như một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai bên, với việc Ấn Độ sẵn sàng cung cấp vũ khí và chuyển giao công nghệ quốc phòng cho Việt Nam.

Nguồn tin RFI Tiếng Việt