Bầu cử Mỹ và phong trào dân chủ Việt Nam (Việt Dân)

Việc ủng hộ Donald Trump, một người thiếu đạo đức nhưng thừa lời nói, cử chỉ gây cảm xúc mạnh, giống như một liều thuốc để xoa dịu sự tức giận đó. Nhưng có thể chỉ sau một thời gian ngắn nữa, dấu ngoặc đơn về Donald Trump sẽ sớm khép lại. Những người Việt Nam sẽ có thời gian bình tâm, ngồi suy tư lại và ý thức sâu sắc được rằng, lẽ phải và đạo đức mới là công thức chữa trị đúng đắn nhất cho hiện tình đất nước. Lúc đó, phong trào dân chủ sẽ khởi sắc hơn.


 

Cho tới thời điểm này, thì có mọi triển vọng là Joe Biden sẽ thắng Donald Trump, sau khi vượt lên tại các bang chiến trường như Arizona, Georgia, Pennsylvania (trong khi đó bang Nevada đã được dự báo gần như chắc chắn sẽ thuộc về đảng Dân Chủ).

Với những diễn biến phức tạp như hiện nay, người ta đang kì vọng vào một sự kết thúc càng sớm càng tốt, sau khi tình hình bầu cử ở nước Mỹ đang dần đi đến trạng thái xâu xé nhau, từ nội chiến trong tinh thần đang có nguy cơ bùng phát thành bạo loạn trong thực tế. Hiến Pháp Mỹ cho phép người dân sở hữu súng và theo thống kê thì trong cả nước, người dân đang sở hữu khoảng 400 triệu khẩu súng. Con số thực có thể cao hơn nhiều.

Theo khảo sát thì hơn 80% người ủng hộ cho đảng Cộng Hòa thì nói “tụi Dân Chủ không đáng tin, hợm hĩnh”. Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ cho đảng Dân Chủ thì nhìn xuống mỉa mai “đám Cộng Hòa là tụi ít học, phân biệt chủng tộc, bảo thủ”. Người ủng hộ đảng Dân Chủ, người ủng hộ đảng Cộng Hòa, giống như những người bạn vong niên chỉ khác biệt lý tưởng về xã hội nhưng gắn kết với nhau về những giá trị nền tảng, đã trở thành hai người hàng xóm ghét nhau đến cực độ. Tệ hại hơn, trực giác đã lấn át hoàn toàn lý trí, lý lẽ nhường chỗ cho “chúng ta và chúng nó”. Người ta có thể ví von như hai người vừa bịt tai để khỏi phải nghe đối phương, vừa hét vào mặt nhau một cách đầy thù hằn.

baucu

Tỉ lệ ủng hộ Biden và Trump sít sao cho thấy xã hội Mỹ chia rẽ và phân hóa rất nặng.

Cũng giống như nhiều người, tôi theo dõi tình hình bầu cử Mỹ trong trạng thái rất lo âu. Trước hết là vì một sự quan tâm đặc biệt dành cho nước Mỹ. Nước Mỹ hiện tại là một siêu cường trên thế giới, tổng GDP quốc gia tương đương 20.000 tỷ đô la, tương đương 1/5 tổng sản lượng kinh tế thế giới. Dù muốn hay không, thì quốc gia nào cũng có những vấn đề Hoa Kỳ của riêng mình. Thậm chí, văn hóa Mỹ, Hollywood, thời trang, Fast-food, quần Jean và Coca…len lỏi vào từng ngóc ngách, vào sự vô thức của từng cá nhân mà nhiều khi chúng ta không ý thức được một cách đầy đủ. Quan trọng hơn, Việt Nam là một nước rất lệ thuộc vào thế giới. Thống kê trong năm 2019, tổng ngoại thương của Việt Nam (nhập khẩu+xuất khẩu) là hơn 500 tỷ đô la. Trong đó Mỹ và Châu Âu là hai khối khách hàng nhập khẩu lớn nhất, lần lượt 46.4 tỷ USD, EU gần 27 tỷ USD. Việt Nam đang đối mặt với một trình trạng rất phức tạp trên biển Đông, trước sự thách thức đường lưỡi bò đầy ngang ngược của Trung Quốc, mà sự hiện diện của Mỹ trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, sẽ là một sự đảm bảo ổn vững cho an ninh khu vực.

Tôi cũng đọc những ý kiến như: “Tại sao chuyện bầu cử Mỹ xa xôi phải quan tâm, trong khi miền Trung đang gặp bão lụt”, “ăn rau muống, nói chuyện quốc tế”, “chuyện chính trị ở Việt Nam thì không có lời nào trong khi lo chuyện đâu đâu”…Theo tôi, ai cũng có quyền được bày tỏ ý kiến của mình. Việc không có một thái độ nào trước một vấn đề cụ thể, tự nó cũng là một thái độ. Tôi nhớ ông Yuval Noah Harari - Một nhà sử học rất nổi tiếng đã viết hai quyển “Lược sử loài người” (Homo Sapien) và “Lược sử tương lai” (Homo Deus), trong một lần thuyết trình ở TED Talk, đã đại để nói như sau: ”Nếu bỏ một người bình thường và một con tinh tinh (chimpanzee) lên một hòn đảo hoang sơ, tôi có thể đánh cuộc là con tinh tinh có khả năng sống sót cao hơn một người bất kì nào vì nó có những kĩ năng sinh tồn cao hơn chúng ta. Sở dĩ loài người đã trở thành sinh vật thống trị trên trái đất này không phải là vì chúng ta thông minh hơn, khỏe hơn con tinh tinh, hay bất kì loài vật nào khác. Điều tạo nên sự đặc biệt của loài người đó là khả năng kết hợp trên qui mô lớn. Nếu để 10 con tinh tinh lại với nhau, chúng sẽ được gọi là một đàn tinh tinh. Nhưng nếu để 1000 con tinh tinh lại với nhau, mọi thứ sẽ ngay lập tức hỗn loạn và dẫn đến bạo lực. Nhưng loài người, với khả năng ngôn ngữ và khả năng kết hợp, đã tạo ra những liên minh hàng nghìn, hàng triệu người ở mức độ hết sức tinh vi. Tất cả được tóm gọn lại trong cụm từ “civil society”, “xã hội dân sự”. Con người, đúng hơn là một sinh vật xã hội”.

Nói đúng hơn lời của Yuval Noah Harari, thì phải dẫn lại lời của Socrates, một triết gia nổi tiếng của nhân loại: Con người về bản chất là một sinh vật chính trị.

Nhưng trước hết là những phản biện rất cụ thể:

Tại sao bầu cử Mỹ xa xôi phải quan tâm, trong khi miền Trung đang gặp bão lụt”? Đây là một câu hỏi với quan niệm sai của người hỏi. Đây không phải là một dạng lý thuyết của trò chơi có tổng số bằng 0 (zero-sum game). Bạn vừa có thể quan tâm đến bầu cử Mỹ, vừa có thể bày tỏ lòng trắc ẩn và hướng về miền Trung.

Ăn rau muống, nước mắm mà đi nói chuyện quốc tế”: Việt Nam là một nước nhỏ và rất lệ thuộc vào các biến động quốc tế, trái với suy nghĩ chỉ đóng cửa lo việc nhà mình đừng quan tâm ai, chúng ta là một dân tộc đặc biệt cần hiểu biết về thế giới. Một anh nhà giàu như nước Mỹ có thể không cần quan tâm đến thế giới, nhưng một cậu học sinh nghèo như Việt Nam thì cần phải đặc biệt cố gắng tìm hiểu và theo dõi mọi diễn biến quốc tế. Dù thực tế đã phủ định, ngay cả nước Mỹ cho tới thời điểm hiện tại cũng đã mất luôn đặc quyền đó, nước Mỹ cũng rất cần quan tâm đến thế giới.

"Chuyện chính trị ở Việt Nam thì không có lời nào, trong khi đó toàn lo chuyện đâu đâu”: Trong một thế giới toàn cầu hóa và đan xen nhau chằng chịt những mối quan hệ như hiện nay, việc hiểu biết về thế giới tự nó cũng đã có lợi như khi tìm hiểu về chính đất nước mình.

Trở lại với chuyện bầu cử Mỹ.

Thú thực, tôi đã rất lo âu khi theo dõi diễn biến ngày đầu tiên khi Donald Trump có triển vọng sẽ thắng. Trước khi bầu cử diễn ra, theo mọi khảo sát từ các hãng thông tấn, nghiên cứu uy tín, thì tỷ lệ dẫn điểm của Joe Biden trước Donald Trump luôn duy trì ở mức 8-10 điểm. Có nghĩa là 90% cơ hội Joe Biden sẽ thắng cử. Nhưng sau khi ngày đầu tiên diễn ra, cơ hội này sụt xuống còn 55%. Sự kiện số lượng cử tri phổ thông đi bầu cho Donald Trump không những không giảm xuống, mà còn tăng lên một cách kỷ lục, hơn 5 triệu cử tri so với năm 2016 tự nó đã nói lên nhiều điều.

Sau đó, Donald Trump đã viết lên Twitter mình đã thắng cử tại các bang Pennsylvania, North Carolina, Georgia. Twitter sau đó đã dán nhãn cảnh báo và phải ẩn đi nội dung này vì việc đếm phiếu còn chưa ngã ngũ. Vì diễn biến Covid-19 phức tạp, nên rất nhiều người chọn hình thức đi bầu khiếm diện qua thư trong năm nay. Theo những khảo sát, thì những người đi bầu qua thư và nằm ở các hạt (county) đô thị thường có xu hướng ủng hộ cho đảng Dân Chủ.

Sau khi thắng ngoạn mục ở Michigan và Arizona, cho tới thời điểm này sau khi việc kiểm phiếu gần hoàn tất, thì gần như chắc chắn Biden sẽ thắng luôn ở Pennsylvania và Georgia, cũng như có nhiều triển vọng tại North Carolina. Đến đây, xin phép mở một dấu ngoặc đơn tại bang Arizona. Donald Trump đã làm một hành động rất sai và bậy là chỉ trích và mạt sát cố thượng nghị sĩ John McCain. Ông John McCain từng là một phi công trong chiến tranh Việt Nam và từng bị bắt, ở tù tại miền Bắc Việt Nam trước khi được trao trả. Sau đó, ông dành trọn vẹn sự tận tuỵ cho chính trị Mỹ. Ông làm thượng nghị sĩ nhiều năm tại bang Arizona và nhận được một sự kính trọng hết sức đặc biệt của người dân nơi đây. Chính ông cũng là một trong những tác nhân thúc đẩy bình thường hoá quan hệ Mỹ- Việt và hàn gắn những vết thương chiến tranh giữa hai bên. Nhưng Donald Trump gọi ông ấy là loser, kẻ thất bại dù bản thân ông từng trốn lính.

baucu-02

Ông John McCain là thượng nghị sĩ nhiều năm tại bang Arizona và nhận được một sự kính trọng hết sức đặc biệt của người dân nơi đây.

Cách suy nghĩ và hành động của Donald Trump có thể nói hoàn toàn theo trực giác và cảm nhận nên tôi cũng không rõ quan niệm về winner - kẻ chiến thắng, và loser - kẻ thất bại là ra sao nữa! Tôi đã theo dõi nhiều phim tài liệu về Donald Trump và đọc nhiều bài báo về ông. Nhận xét cá nhân của tôi là ông là người có bản năng rất mạnh. Ông có cái duyên dáng, cái nét đẹp của một tài tử, của một diễn viên màn ảnh. Chương trình “The Apprenticeship”, một chương trình truyền hình thực tế (reality show) với Trump đóng chính, rất nổi tiếng với câu nói “You’re fired” (Bạn bị sa thải). Đặc điểm của giới giải trí là họ có các cử chỉ, điệu bộ làm lôi cuốn đám đông nhưng sống trong một không gian ảo, phù phiếm, đầy danh vọng như vậy khiến họ gặp phải những hữu hạn của chính mình, họ không có thời gian để học hỏi chuyên sâu. Chính trị là vấn đề của mọi vấn đề, nó bao trùm lên mọi mặt của đời sống nên càng cần một cố gắng suy nghĩ tối đa của bản thân để học hỏi và tiến lên.

Theo lời kể của Mary Trump, cháu gái của ông, người vừa viết “Too much and never enough” (Không bao giờ là đủ) thì Donald Trump là một người hoàn toàn ái kỷ, yêu bản thân và cái tôi của mình một cách ghê gớm. Điều này một phần đến từ chính giáo dục của gia đình ông ấy. Sinh ra là con của một tỷ phú, người mẹ vì bị bệnh mà ít có thời gian chăm sóc con, nên ông lớn lên trong sự giáo dục hoàn toàn lạnh lùng và khắc nghiệt của người cha, một tỷ phú địa ốc rất thành công. Nhân sinh quan của ông Fred Trump, cũng như Donald Trump về thiện, ác, đúng, sai hoàn toàn khác với cách hiểu của đa số. Với Trump thì: “Cái gì có lợi cho ta là nó đúng!”. Trên điểm này, có thể nói Donald Trump là một trong những thiểu số ít người may mắn trong xã hội nhưng ông cũng là nạn nhân của chính sự may mắn này. Sống theo nhân sinh quan này nên Donald Trump nói dối không ngượng miệng. Theo thống kê, trong 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã nói dối hơn 20.000 lần. Có những lần ông nói hôm nay thế này, thì hôm sau đã nói thế khác. Hôm trước ông khen Tập Cận Bình là một chủ tịch vĩ đại, hay “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên” với Kim Jong Un, lãnh đạo độc tài khét tiếng của Bắc Hàn…thì ngay lập tức, hôm sau ông lại đổi giọng là Trung Quốc gây mất thăng bằng thương mại, đe dọa sẽ đánh thuế lên hàng hóa của Trung Quốc…

Trở lại chính sách với Trung Quốc

Tôi sẽ bàn kĩ hơn về tình hình Trung Quốc bên dưới. Hình như tất cả những người ủng hộ cho ông Donald Trump, dù ở mức độ nào, cũng đều nhất trí với nhau trên một quan điểm chung rằng Donald Trump chống Trung Quốc, Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu Donald Trump tiếp tục đắc cử. Mặc cho những hành động hay lời nói thiếu trang nhã và sai sót của ông ấy, chúng ta vẫn phải ủng hộ Donald Trump…

Đây là một giải thích có phần hợp lý, vì Việt Nam, vốn có mối quan hệ địa lý, lịch sử cực kì phức tạp và gắn bó với Trung Quốc nên đương nhiên, tôi có thể hiểu được tâm lý và ý kiến này. Vậy chúng ta cần phân tích chính sách của Donald Trump đối với Trung Quốc trong 4 năm dưới nhiệm kỳ của mình.

Về quan hệ Mỹ - Trung

Đầu tiên ngay khi vừa lên nắm quyền, Donald Trump đã thực hiện lời hứa tranh cử của mình là rút Mỹ khỏi TPP (Hiệp định Đối tác Châu Á - Thái Bình Dương) với 12 nước thành viên, trong đó bao gồm Việt Nam. Dường như Donald Trump không rút được bài học nào của các đời tổng thống trước đó.

Vào năm 2008 khi vừa lên nắm quyền, Obama đã thực hiện lời hứa tranh cử là rút quân khỏi Iraq. Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9, chính quyền George Bush đã đổ quân vào Iraq và lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein. Vào thời điểm đó, cả Châu Âu, nhất là Pháp và Đức phản đối dữ dội, vì đang có những lợi ích kích tế với chính quyền Saddam Hussein. Sau khi tiêu tốn gần 1000 tỷ đô la, thì dần dần đã mang lại hiệu quả. Iraq đã đi vào ổn vững với một thể chế Dân Chủ mới. Nhưng chính trị gia Mỹ vốn dựa vào tâm lý dân chúng là chính. Giai đoạn 2008 người Mỹ đã chán Iraq, cũng như năm 1975 người Mỹ đã chán Việt Nam. Dám nói và dám làm có tác dụng mang lại cho người ta cái cảm giác ông đó, bà đó là người mạnh mẽ, quyết đoán. Nhưng nói sai đã rất nguy hại, còn làm sai trong chính trị có thể ảnh hưởng đến mạng sống của hàng triệu người. Quyết định hấp tấp của Obama đã để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, phong trào hồi giáo khủng bố cực đoan IS đã bùng lên dữ dội, dẫn đến thảm cảnh hàng trăm ngàn người mất mạng và cả triệu người lênh đênh trên biển xin tị nạn Châu Âu. Điểm tín nhiệm của Obama xuống thấp kỷ lục trong nhiệm kỳ đầu. Người ta đánh giá ông là một người có tâm hồn đẹp nhưng nhát sợ. Nhát sợ trước những bạo chúa chỉ là dại dột. Obama sau đó đã can thiệp lại vào Iraq, nhưng mọi sự đã rồi và còn ảnh hưởng đến tận ngày hôm nay. Nhận diện tham vọng bá quyền của chính quyền Trung Quốc, nước Mỹ đã chủ động thiết lập hiệp định TPP, mà ai cũng biết là Joe Biden, với hơn 10 năm làm chủ tịch ủy ban đối ngoại thượng viện và rất am hiểu thế giới, là kiến trúc sư chính. TPP là một khối gồm 12 nước, bao gồm 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới và vây bọc Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Lời cam kết của việc giảm thuế (tariffs) và cắt bỏ những luật lệ hành chính trong toàn khối 12 nước này sẽ là một thỏi nam châm đa phương mạnh mẽ để hút các nhà máy, xí nghiệp gia công ra khỏi Trung Quốc. Nhưng TPP không chỉ là kinh tế. Nó còn là một chiến lược vây bọc Trung Quốc trên biển. Việt Nam với địa lý và địa thế rất đặc biệt trên biển Đông, đã được ưu tiên nâng đỡ và đưa vào khối này. Nói một cách giản dị, những khối các nước Dân Chủ lớn nhất như Mỹ và Nhật Bản muốn đưa Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc.

baucu-03

Việt Nam là một nước nhỏ và phụ thuộc rất nhiều vào thế giới nên càng phải quan tâm, tìm hiểu về thế giới

Nhưng Donald Trump đã thực hiện đúng lời hứa America First (Nước Mỹ trên hết)

TPP mất đi hẳn nội dung và trọng lượng để cô lập Trung Quốc. Sau đó, Nhật Bản vẫn tiếp tục lãnh đạo và tiến tới đồng thuận về một hiệp định mới CTPP, mặc dù không có Hoa Kỳ tham gia. Donald Trump chủ trương triệt thoái. Tới đây, cũng phải giải thích thêm một nhận định đúng, nhưng có phần thái quá từ nhiều người Mỹ. Đó là sự “hy sinh vĩ đại” của nước Mỹ đối với thế giới, bây giờ thì họ mệt mỏi rồi nên không muốn làm nữa, chỉ muốn America First.

Có thật vậy không?

Có nước nào mà không đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết? Nước Mỹ vĩ đại vì dù với sức mạnh quân sự của họ, họ hoàn toàn không có tham vọng bá quyền hay áp đặt chế độ thuộc địa lên bất cứ nước trong suốt dòng lịch sử. Lịch sử khai sinh ra nước Mỹ vào năm 1776 có thể tạm tóm gọn trong câu “The land of the brave and the home of the free” (Vùng đất của những con người dũng cảm và mái nhà của những người tự do). Đây là điều không ai phủ nhận. Mỗi năm ngân sách quốc phòng của nước Mỹ ở mức trên 750 tỷ đô-la, với các căn cứ quân sự hiện diện trên khắp thế giới. Vì lẽ đó, có một sự logic hợp lý khi đồng đô-la Mỹ (USD) trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế. Có nghĩa là, nếu một chính quyền một nước khác in tiền thì đất nước đó chịu lạm phát. Nhưng nếu FED của nước Mỹ in tiền, thì cả thế giới cùng chịu lạm phát và gánh cùng người Mỹ. Cái đặc quyền này đảm bảo rất nhiều lợi ích cho bộ máy kinh tế khổng lồ của Hoa Kỳ, với đỉnh điểm của những cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu là sẽ có thể “xoá bài làm lại”, bail-out…

Chính Donald Trump, dù chủ trương triệt thoái vai trò của Mỹ với thế giới nhưng lại rất thực tiễn muốn giữ lại đặc quyền này. Bằng chứng là chi phí quốc phòng của Mỹ dưới thời Donald Trump thậm chí còn tăng lên, chứ không giảm.

Donald Trump chống Trung Quốc?

Nền kinh tế Trung Quốc có tổng sản lượng khoảng 13.000 tỷ đô theo dữ liệu họ cung cấp. Năm 2019, Trung Quốc xuất khẩu qua Hoa Kỳ khoảng 450 tỷ đô la, trong khi đó nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu là nông sản, khoảng 100 tỷ đô la. Trump tố cáo Trung Quốc gây mất thăng bằng thương mại và đòi hỏi một thỏa thuận tốt hơn, nếu không sẽ đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Ban đầu là mức 10%, sau đó đe dọa lên tới 15-20%. Cứ tạm gọi những điều này thành hiện thực, thì 10% của 450 tỷ đô la là 45 tỷ đô la. Con số này rất khiêm tốn so với một nền kinh tế như Trung Quốc, bằng rất ít so với tiền lãi suất mà chính quyền Trung Quốc, cũng như các công ty Doanh nghiệp Nhà Nước của nó, có nghĩa vụ phải trả hàng năm. Trung Quốc đang oằn mình trên khối nợ khoảng 40,000 tỷ đô la. Nói theo ngạn ngữ Mỹ là “The last straw that broke the camel’s back” (Chỉ một cọng rơm cũng làm gãy lưng con lạc đà). Chiến thuật của Donald Trump không chứng tỏ hiệu quả nào dù thực tế Trung Quốc đang tới đỉnh điểm của khủng hoảng.

Mức đánh thuế này không làm cho lượng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ ít đi, trái lại, còn tăng lên trong các năm tiếp theo. Người dân Mỹ phải gánh khoản thuế này. Chiến thuật xông pha, nói và làm của chính quyền Donald Trump không dẫn đến một kết quả nào. Nước Mỹ gây thương chiến với tất cả những đồng minh của mình là EU, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Điều này càng làm cho người Trung Quốc tự tin. Theo khảo sát của Asian Nikkei Review, thì người Trung Quốc mong Donald Trump thắng cử vì ông ấy làm nước Mỹ suy yếu trên trường quốc tế, là cơ hội để Trung Quốc mạnh lên và tiếp tục quảng bá chính sách “Vành Đai và Con Đường” của mình. Tệ hại hơn, đó là sự xói mòn niềm tin vào các giá trị dân chủ, tự do và đập phá tan hoang đi những liên minh lâu đời. Giữa cái muốn và cái phải làm đôi khi rất khác nhau. Muốn cô lập Trung Quốc, hay muốn các nhà máy, xí nghiệp, vốn đi ra khỏi Trung Quốc thì nước Mỹ phải cần các đồng minh, chứ không thể đơn phương một mình. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên thuộc vào nhau như hiện nay. Hiệp định TPP đã là một dự án như vậy nhưng Donald Trump đã xé bỏ, bất chấp khuyên ngăn từ các cố vấn của mình. Điều này cũng không lạ, vì ông khai thác được đám đông và lời hứa rút khỏi TPP cũng là một trong những lý do đưa ông tới Nhà Trắng. Một lý do nữa là Trump muốn xóa bỏ đi mọi dấu ấn của người tiền nhiệm Obama.

Triển vọng nào nếu Joe Biden lên nắm quyền?

Thú thực, khi theo dõi diễn biến bầu cử Mỹ tôi đi từ bi quan đến một sự lạc quan tương đối. Dù đã đọc và theo dõi nhiều phim tài liệu về xã hội Mỹ nhưng tôi không nghĩ những vấn đề xã hội trong nước Mỹ lại khiến người ta chia rẽ đến mức như vậy.

Chris Hedges, một học giả uy tín, có viết như sau: “Beauty, greed, immortality…The nature of illusion desire of moment to make you feel good about yourself…sense of functions like a drug. Optimism no longer rooted in reality. Hope becomes something you express through illusion, it is not hope, it is fantasy”. Tạm dịch: “Sự sùng kính với cái đẹp hình thức, lòng tham, sự bất tử…Bản chất của những khao khát mộng mị trong từng khoảng khắc này làm bạn cảm thấy chính mình tốt đẹp…cảm giác này giống như ảo giác từ ma túy vậy. Chủ nghĩa lạc quan không còn bén rễ vào hiện tại nữa. Nếu hy vọng trở thành một thứ gì đó bạn bộc lộc thông qua sự ảo tưởng, nó không còn là hy vọng. Nó là ảo tưởng”.

Trong một đoạn khác “People interpret their problems as personal, rather than political or social problems”….“Corporate states made a war against critical thinking, teaching people how to think, rather than what to think” (Mọi người diễn giải những vấn đề của chính họ như những vấn đề cá nhân, hơn là nguyên nhân gốc rễ từ những vấn đề chính trị hay xã hội”… “Chế độ tư bản toàn trị gây ra một cuộc chiến chống lại tư duy phản biện, dạy mọi người phải suy nghĩ như nào, hơn suy nghĩ cái gì).

Sau hơn bốn thập kỷ theo đuổi chủ nghĩa tự do phóng khoáng kể từ thời Bill Clinton, bằng cách thả nổi các công cụ đầu cơ tài chính, bỏ qua sự liên đới…nước Mỹ đã ở trong một tình trạng đáng báo động về chênh lệch giàu - nghèo. 1% nhóm trên cùng giàu thêm hơn 20.000 tỷ đô la, trong khi 50% ở bên dưới nghèo đi thêm 9.000 tỷ đô la. Những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động, mà cha anh họ đã có thời là những công dân gương mẫu, đầy chăm chỉ và hãnh diện. Thì nay, họ dần dần bị bỏ lại và trở thành một tầng lớp vô dụng (un-employable) trong xã hội Mỹ.

Sự mặc cảm, tức giận trước một xã hội thay đổi quá nhanh và sự chuyển dịch vai trò của đàn ông, phụ nữ, sắc tộc khác nhau trong xã hội…đã làm cho họ mỗi lúc một cực đoan hơn. Nhưng giai cấp cầm quyền thì không những không cố gắng nhận diện để giải quyết vấn đề, còn châm thêm dầu vào lửa. Chính trị dần trở thành trình diễn, với những con người đầy hãnh tiến nắm giữ nấc thang quyền lực cao nhất. Hillary Clinton gọi những người ủng hộ Donald Trump là “Full basket of deplorable” (tụi rác rưởi). Vợ, chồng bà trở thành những con người cực kì đáng ghét trong mắt một số đông người dân Mỹ. Họ phẫn nộ và bầu cho Trump. Đây là một thái độ phản kháng, một thái độ giận dữ cần phải được cảm thông. Donald Trump không phải là một tai nạn ngẫu nhiên, mà ông ấy là một triệu chứng bùng phát sau khi cảm giác phản bội đã âm thầm, nhưng đầy mãnh liệt, len lỏi vào trong số đông người Mỹ từ lâu.

Biden lên nắm quyền và rất nhiều khả năng ông ấy sẽ chỉ làm một nhiệm kỳ vì năm nay đã 78 tuổi. Nhiệm vụ chính và có thể làm ngay là một cố gắng hàn gắn nước Mỹ. Những chính sách như tăng thuế để có thêm tiền đầu tư vào giáo dục nghề miễn phí, y tế giá rẻ cho mọi người dân Mỹ, đầu tư vào hạ tầng…Nếu có may mắn đảm bảo được sự liên tục thì sẽ gặt hái được thành quả sau một, hai thập niên.

Về mặt đối ngoại, Biden sẽ làm một cố gắng đề hòa giải nước Mỹ với thế giới và những đồng minh của mình. Nước Mỹ sẽ đóng một vai trò khiêm tốn hơn sau khi trải qua những vấn đề của chính mình. Có nhiều triển vọng là nước Mỹ sẽ quay trở lại hiệp định TPP. Đây là một điều đáng mừng vì chiến lược cô lập Trung Quốc sẽ có bài bản hơn.

Tương lai nào cho Việt Nam?

Việc nước Mỹ nhấn mạnh lại những giá trị dân chủ, nhân quyền trong chiến lược ngoại giao sẽ là một sự ủng hộ rất lớn về mặt tinh thần cho phe đối lập ở Việt Nam. Chắc chắn chính quyền Việt Nam sẽ không thể nào bắt bớ hay có những hành động đàn áp trong mấy năm vừa qua. Nhưng tương lai dân chủ cho Việt Nam vẫn sẽ đến từ chính cố gắng của người Việt Nam. Sự kiện Donald Trump có tác dụng làm trầm trọng và chia rẽ người Việt với nhau, kể cả trong phong trào tranh đấu. Đây là một thực tế đáng buồn. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã luôn nhấn mạnh rằng chính trị và đạo đức không thể tách rời nhau.

THDCDN0

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn nhấn mạnh rằng chính trị và đạo đức không thể tách rời nhau.

Có thể, trước một sự thất vọng quá lớn đối với hiện tình đất nước và sự cai trị quá lâu của chính quyền cộng sản Việt Nam đã đưa đến một tâm trạng chung thất vọng đối với nhiều người. Kể cả những người thuộc vào thiểu số đáng quý trong xã hội Việt Nam hiện tại, tức là vẫn còn quan tâm đến hiện tình đất nước. Thất vọng và chán nản đưa đẩy chúng ta đến cảm giác tức giận. Việc ủng hộ Donald Trump, một người thiếu đạo đức nhưng thừa lời nói, cử chỉ gây cảm xúc mạnh, giống như một liều thuốc để xoa dịu sự tức giận đó. Nhưng có thể chỉ sau một thời gian ngắn nữa, dấu ngoặc đơn về Donald Trump sẽ sớm khép lại. Những người Việt Nam sẽ có thời gian bình tâm, ngồi suy tư lại và ý thức sâu sắc được rằng, lẽ phải và đạo đức mới là công thức chữa trị đúng đắn nhất cho hiện tình đất nước. Lúc đó, phong trào dân chủ sẽ khởi sắc hơn.

Việt Dân

(7/11/2020)