Luật sư Pháp và châu Âu tư vấn cho Việt Nam về EVFTA
"Việt Nam đã cải thiện rất nhiều, cho nên Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện thể chế. Với hiệp định này, Việt Nam phải có luật về quyền của người lao động như bên châu Âu. Ở Pháp, luật về quyền của người lao động rất là quan trọng, rất là khắt khe. Mình không có quyền bắt một người làm quá một số giờ trong một tuần, phải được hưởng mức lương tối thiểu (SMIC), phải có một số ngày nghỉ hè rõ ràng, và phải được quyền về hưu."
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu EVFTA đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/08 và như vậy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu kể từ nay sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất 0%, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu.
Để giúp Việt Nam thực hiện tốt hiệp định này, các luật sư Pháp và châu Âu trong Hội Hợp tác Pháp lý Châu Âu Việt Nam ( Association pour la Coopération Juridique Europe Vietnam – ACJEV ) đang tham gia tư vấn cho các trường đại học và các luật gia ở Việt Nam.
Các sáng lập viên của Hội Hợp tác Pháp lý Châu Âu Việt Nam là những chuyên gia kỳ cựu về luật châu Âu và luật quốc tế, và hội thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo ở Pháp, châu Âu và Việt Nam về các vấn đề luật pháp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong tạp chí hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe bài phỏng vấn luật sư Mỹ Hạnh Ngô Folliot, chủ tịch Hội Hợp tác Pháp lý Châu Âu Việt Nam:
RFI: Xin chào luật sư Mỹ Hạnh Ngô Folliot, trước hết luật sư có thể giới thiệu sơ qua về hoạt động của Hội Hợp tác Pháp lý Châu Âu Việt Nam?
LS Mỹ Hạnh Ngô Folliot: Hội Hợp tác Pháp lý Châu Âu Việt Nam từ nhiều năm nay đã làm việc với Việt Nam bằng cách tổ chức các hội thảo với các trường đại học Việt Nam, vì tôi nghĩ là phải có giáo dục căn bản cho công dân, thì họ mới hiểu và có thể áp dụng diệp định này một cách hiệu quả. Chúng tôi về Việt Nam từ nhiều năm nay, ít nhất là từ năm 2013, năm nào cũng tổ chức hội thảo từ Hà Nội đến Quy Nhơn, Huế, với các trường đại học Huế, Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, tổ chức các chương trình đào tạo. Các cơ quan chính phủ cũng đã quan tâm đến nội dung các cuộc hội thảo này.
Hiệp định EVFTA có rất nhiều tham vọng, trong đó có việc bảo vệ môi trường, thành ra từ nhiều năm nay chúng tôi đã làm việc với Việt Nam để giúp Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn của châu Âu.
RFI: Trong khuôn khổ hiệp định EVFTA thì hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn gắt gao của châu Âu. Hội Hợp tác Pháp lý Châu Âu Việt Nam đã có những chương trình tư vấn gì để bảo đảm cho chất lượng của hàng hóa Việt Nam sang châu Âu?
LS Mỹ Hạnh Ngô Folliot: Châu Âu là một mô hình về chất lượng cao. Các sản phẩm của Việt Nam nếu muốn nhập vào châu Âu thì phải đạt được các tiêu chuẩn của sản phẩm châu Âu, tức là nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm đó phải được xác định đúng, thành phần của các sản phẩm cũng vậy. Những người làm các sản phẩm ấy phải được hưởng đầy đủ các điều kiện làm việc đàng hoàng, không được cưỡng bức lao động, không được để trẻ em dưới 16 tuổi làm việc. Ngoài ra các sản phẩm ấy phải tôn trọng môi trường.
Ví dụ điển hình là nước mắm Phú Quốc. Nếu nước mắm xuất sang châu Âu mà viết là nước mắm Phú Quốc, thì phải theo một tiêu chuẩn rõ ràng. Không thể nói là nước mắm Phú Quốc, nếu nước mắm đó không được làm ở Phú Quốc và không được làm theo tiêu chuẩn của Phú Quốc. Một ví dụ nữa là chocolat. Nếu chỉ làm với 10% cacao thì không thể được gọi là chocolat, mà chỉ được gọi là bonbon au chocolat (kẹo chocolat).
RFI: Như luật sư có nói ở trên, trong việc sản xuất các sản phẩm không được có chuyện cưỡng bức lao động, không được bắt trẻ em làm việc. Như vậy làm sao phía châu Âu có thể kiểm tra, giám sát được những điều kiện đó?
LS Mỹ Hạnh Ngô Folliot: Việt Nam đã cải thiện rất nhiều, cho nên Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện thể chế. Với hiệp định này, Việt Nam phải có luật về quyền của người lao động như bên châu Âu. Ở Pháp, luật về quyền của người lao động rất là quan trọng, rất là khắt khe. Mình không có quyền bắt một người làm quá một số giờ trong một tuần, phải được hưởng mức lương tối thiểu (SMIC), phải có một số ngày nghỉ hè rõ ràng, và phải được quyền về hưu.
Khi các trường đại học và các giảng viên, luật sư ở Việt Nam nhờ đến chúng tôi để tư vấn, chúng tôi so sánh luật của Việt Nam với luật với luật ở Pháp hay ở Đức, và chúng tôi bổ sung những gì còn thiếu. Việt Nam có vài năm để thích ứng với hiệp định đó. Tất cả những chủ đề là do Việt Nam yêu cầu và chúng tôi tổ chức hội thảo để đáp ứng các yêu cầu đó.
RFI: Gần đây nhất Hội đã tổ chức hội thảo về các chủ đề gì?
LS Mỹ Hạnh Ngô Folliot: Chúng tôi đã tổ chức hội thảo về môi trường ở Hà Nội. Lúc ấy đại sứ Bertrand Lortholary có đến tham dự. Mỗi lần chúng tôi tổ chức ở Việt Nam đều thông qua đại sứ quán và bộ Ngoại Giao Pháp, cho nên đại sứ Pháp tại Việt Nam luôn luôn được mời đến và phát biểu, và hoàn toàn ủng hộ các chương trình hội thảo của chúng tôi.
Tất cả đều là quan trọng hết, chẳng hạn như luật về người tiêu dùng, luật bảo vệ người lao động, luật bảo vệ các giao dịch, vì tất cả đều dính líu với nhau. Vấn đề môi trường rất là quan trọng, vì Việt Nam đã ký hiệp định khí hậu Paris, thành ra Việt Nam rất quan tâm, nhất là vì Việt Nam có bờ biển dài, cho nên đây là một trong mười quốc gia bị tác động rất nhiều về biến đổi khí hậu.
RFI: Năm nay do có dịch Covid-19 nên các trao đổi của Hội với phía Việt Nam cũng tạm ngưng, nhưng nếu tình hình diễn tiến tốt, năm sau Hội có những dự án nào khác để tiếp tục mở rộng hoạt động ở Việt Nam?
LS Mỹ Hạnh Ngô Folliot: Chắc chắn hội thảo đầu tiên khi chúng tôi về được Việt Nam sẽ là về hiệp định thương mại này, vì từ đây đến đó, thứ nhất là Việt Nam đã có một số kinh nghiệm về việc áp dụng hiệp định và sẽ cần chúng tôi tư vấn. Thứ hai là Việt Nam có 10 năm để thích ứng với hiệp định thương mại tự do với châu Âu, thành thử trong mấy năm tới, tất cả các vấn đề đều liên quan đến hiệp định này.
Trong khi chờ về Việt Nam, tôi cũng có dự án tổ chức ở Paris một hội thảo về hiệp định này tại trụ sở hội Société de Législation Comparée (vì tôi là chủ tịch ủy ban Việt Nam của hội này), về vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Tôi nghĩ là trên thế giới ai cũng thích Việt Nam, thích sản phẩm Việt Nam, nhưng chắc chắn là có những sản phẩm chưa đạt mức của châu Âu. Châu Âu có danh tiếng về chất lượng. Chẳng hạn như khi tôi về Hà Nội năm ngoái, tôi thấy trong một tiệm có ghi EU Quality. Nếu Việt Nam đạt được chất lượng của châu Âu, thì sẽ dễ sản xuất hơn, sản xuất nhiều hơn và thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài, như vậy thì Việt Nam sẽ không chỉ lệ thuộc vào khối ASEAN.
RFI: Ngoài tư vấn về EVFTA, Hội của luật sư có những hoạt động gì về đào tạo?
LS Mỹ Hạnh Ngô Folliot: Tháng nào chúng tôi cũng có các khóa đào tạo cho sinh viên, luật sư và đào tạo cả giảng viên nữa, vì chúng tôi nghĩ là nền giáo dục bắt đầu từ căn bản và nếu mọi người đều được giáo dục như nhau, thì chắc chắn là mọi người đều ý thức được là cần tăng chất lượng, cần có sự tin tưởng cao hơn của công dân ở Việt Nam.
RFI: Việc đào tạo có gặp trở ngại vì dịch Covid-19?
LS Mỹ Hạnh Ngô Folliot: Không, thay vì về Việt Nam và gặp mặt mọi người, chúng tôi cũng đã làm vài visioconférence với một số đại học. Nhưng chắc chắn là nếu gặp nhau thì sẽ dễ dàng hơn, và dễ phát triển các mối quan hệ hơn là qua vissioconférence.
RFI Tiếng Việt