Khủng hoảng Belarus: Putin phải tìm một kế hoạch B?



Biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống Belarus và đòi Loukachenko từ chức. Ảnh chụp tại thủ đô Minsk, Belarus, ngày 16/08/2020
Biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống Belarus và đòi Loukachenko từ chức. Ảnh chụp tại thủ đô Minsk, Belarus, ngày 16/08/2020 REUTERS - VASILY FEDOSENKO
Thanh Phương 
 
Hơn 10 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống mà phe đối lập tố cáo là gian lận, áp lực trên đường phố cũng như áp lực quốc tế ngày càng tăng, tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko càng bị cô lập hơn bao giờ hết và nay chỉ có thể trông chờ vào sự ủng hộ của tổng thống Nga Vladimir Putin. Thế nhưng, tuy là đối tác thân cận của Minsk, Matxcơva cho tới nay vẫn tỏ ra thận trọng, không hoàn toàn đứng đằng sau nhà độc tài Belarus, cầm quyền suốt từ năm 1994. 

Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 09/08, với kết quả chính thức là ông Loukachenko tái đắc cử với 80% số phiếu, các cuộc biểu tình phản đối bầu cử đã diễn ra hằng ngày với quy mô ngày càng lớn. Ngay cả giới công nhân, vốn là chỗ dựa của chế độ, nay đã quay lưng lại với Loukachenko và phong trào đình công đang lan rộng ra nhiều ngành nghề.

Nhưng cho tới nay, tổng thống Loukachenko, 65 tuổi, vẫn dứt khoát không từ bỏ quyền lực dưới áp lực đường phố. Vào cuối tuần trước, lãnh đạo Belarus đã huy động các ủng hộ viên của ông và kêu gọi những người này hãy bảo vệ « nền độc lập » của Belarus. Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 16/08/2020, nhà sử học Bruno Drweski, giáo sư Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông INALCO, nhận định :
« Lần đầu tiên, lãnh đạo Belarus đã huy động những người ủng hộ ông, mục tiêu là để chứng tỏ ông vẫn có sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong nước, vẫn có khả năng dùng lực lượng này làm đối trọng với phe đối lập. Đó là một điểm chính yếu.

Khi Loukachenko nói đến nền độc lập bị đe dọa, ông muốn nói đến sự can thiệp của ngoại bang. Cần phải biết là ở Belarus, hầu hết các công ty là doanh nghiệp Nhà nước. Loukachenko hàm ý là nếu phe đối lập lên nắm quyền, họ sẽ tư nhân hóa các công ty đó, theo hướng không phải là có lợi cho các nhà tài phiệt phương Tây, mà là có lợi cho các nhà tài phiệt Nga. Khi huy động những công nhân ủng hộ ông, Loukanchenko cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề tư nhân hóa, vì có nhiều công nhân lo ngại về cơ chế mới mà một bộ phận trong phe đối lập chủ trương. 

Cần phải thấy rằng có một khác biệt quan trọng giữa tình hình ở thủ đô Minsk, nơi mà phe đối lập có sự ủng hộ rất mạnh, với tình hình ở các tỉnh, nơi mà các nhà máy có vẻ như vẫn hoạt động bình thường. Các đại diện của chính quyền dường như vẫn kiểm soát được thái độ của công nhân các thành phố của các tỉnh. »

Trong thời gian tranh cử tổng thống, để thể hiện vai trò của nhà lãnh đạo kiên quyết bảo vệ nền độc lập của Belarus, ông Loukachenko đã không ngần ngại cáo buộc Matxcơva can thiệp vào bầu cử để làm mất ổn định chế độ của ông. Loukachenko thậm chí còn tố cáo Nga đã gởi lính đánh thuê đến Belarus để giúp phe đối lập gây ra « một cuộc thảm sát ». Nhưng ngày càng bị chống đối trong nước, Loukachenko cuối cùng đã thay đổi thái độ đối với anh cả Nga. Vào cuối tuần qua, ông khẳng định đã được tổng thống Putin hứa sẽ trợ giúp quân sự để bảo đảm an ninh cho Belalrus, nói cách khác là sẽ can thiệp quân sự vào Belarus nếu cần.

Để làm tăng thêm trọng lượng cho lời kêu gọi Putin trợ giúp, Loukachenko khẳng định là ở Belarus đang diễn ra một cuộc « cách mạng màu » và kịch bản này là một mối đe dọa « không chỉ đối với Belarus ». Trong cuối tuần qua, tổng thống Belarus đã hai lần nói chuyện qua điện thoại với đồng nhiệm Nga Putin. Chính quyền Minsk đã « quảng cáo » rất nhiều cho hai cuộc điện đàm này, thậm chí còn cố tình nhắc đến hiệp định quốc phòng giữa hai nước có từ thập niên 1990. Hôm Chủ Nhật 16/08, Loukanchenko còn cố làm cho tình hình trầm trọng hơn khi khẳng định là khối NATO đã huy động nhiều xe tăng và phi cơ sát biên giới Belarus, điều mà một phát ngôn viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã bác bỏ.

Nhưng thay vì ủng hộ hết mình Loukachenko, điện Kremlin đã tỏ ra rất thận trọng, chỉ tuyên bố Nga « sẵn sàng giúp giải quyết các vấn đề đang nổi lên » ở Belarus. Thực tế là Putin luôn nghi ngại nhà lãnh đạo độc đoán của nước láng giềng này. Cho tới nay, điện Kremlin vẫn không chấp nhận thái độ lập lờ của Loukachenko giữa phương Tây và Nga, cũng như việc Minsk cưỡng lại ý định của Matxcơva lập một liên hiệp giữa Belarus với Nga.

Theo nhận định của nhật báo Pháp Le Monde ngày 17/08, Putin khó mà bỏ rơi hoàn toàn một đồng minh đang bị người dân chống đối ngày càng mạnh, nhưng cũng không muốn bị lâm vào thế kẹt do thái độ cố chấp của tổng thống Belarus. Mặt khác, hiện giờ trong số những người tham gia biểu tình cũng như trong số những người lãnh đạo phong trào, chưa có ai tỏ ý muốn Belarus ngả sang phương Tây, cho nên nếu Matxcơva tỏ thái độ ủng hộ Loukanchenko rõ rệt quá, thì tâm lý bài Nga sẽ trỗi dậy ở Belarus.

Nhưng Belarus dầu sao cũng là một đối tác chiến lược và kinh tế hàng đầu của Matxcơva, một « vùng trái độn » lý tưởng nằm giữa Nga với Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO. Theo nhận định của nhà sử học Bruno Drweski, tuy không công khai ủng hộ Loukachenko, nhưng Putin cũng không thể chấp nhận một quốc gia thân phương Tây ở sát cạnh mình :

« Dầu sao cũng cần phải biết rằng hệ thống quân sự của Belarus liên hệ chặt chẽ về mặt chiến lược với hệ thống quân sự của Nga. Putin sẽ không công khai ủng hộ Loukachenko, nhân vật nay đã mất rất nhiều uy tín trong nước. Ngược lại, quan hệ giữa quân đội hai nước vẫn còn rất vững chắc và Nga chưa sẵn sàng chấp nhận một quốc gia thù nghịch chỉ nằm cách Matxcơva có 500 km. 

Dĩ nhiên là sẽ không có chuyện Nga xua quân xâm lăng giống như đối với Tiệp Khắc năm 1968. Thời nay không phải như thời đó. Điều mà họ sẽ theo dõi sát, đó là tâm trạng của người dân Belarus sau các cuộc biểu tình vừa qua. Nhưng mặt khác, không loại trừ khả năng là trong nội bộ chính quyền Minsk, kể cả trong gia đình Loukachenko, có một nhân vật sẽ là ứng viên cho chức tổng thống, nếu như tình hình diễn tiến xấu đi (đối với chế độ). 

Chắc chắc là điện Kremlin có những đồng minh trong chính quyền Loukachenko, họ sẽ thúc đẩy những người này có một ảnh hưởng lớn hơn, thậm chí giành lấy quyền lãnh đạo, nếu như Loukachenko không còn làm chủ được tình hình nữa. Trong những ngày tới, chúng ta sẽ thấy rõ hơn tương quan lực lượng trong dân chúng, cũng như trong thượng tầng chính quyền Belarus. »
Sau khi kêu gọi tổng thống Loukachenko từ bỏ quyền lực, nhà đối lập Svetlana Tsikhanovskaïa đã tuyên bố sẵn sàng lên lãnh đạo đất nước. Nhưng liệu Matxcơva có sẵn sàng chấp nhận nhà đối lập này làm nguyên thủ quốc gia của nước Belarus láng giềng ? Giáo sư Drweski tỏ vẻ dè dặt :
« Tôi không biết rõ về những mối liên hệ cũng như về những giới thân cận của nhà đối lập này, nhưng tôi không tin là Tsikhanovskaïa sẽ được Matxcơva chấp nhận, trừ phi là trong giới thân cận của bà có những nhân vật có thế lực.

Có những điều khá kỳ lạ, đó là không hiểu tại sao Tsikhanovskaïa lại đang ở Litva. Không thể có chuyện bà trốn sang Litva mà cơ quan mật vụ Belarus không hề hay biết, thậm chí có thể an ninh Belarus đã dàn xếp cuộc đào thoát này. Tình hình nói chung là rất phức tạp, nên tôi không dám có dự đoán nào về tương lai chính trị của nhà đối lập này. Tôi không biết mức độ ủng hộ của người dân đối với Tsikhanovskaïa là như thế nào, cũng như sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với bà. Nhưng tôi không nghĩ đây là một ứng viên thật sự có triển vọng lên nắm quyền. Chính bản thân Tsikhanovskaïa đã nhấn mạnh là bà không khả năng chính trị để cầm quyền, mà chỉ có thể đồng hành với một phong trào không phải do bà khởi xướng. »

Như nhận định của tờ La Croix ngày 16/08/2020, đối diện với cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng Belarus, tổng thống Nga Putin có vẻ như đang lâm vào bế tắc, thậm chí đang lo ngại trước tầm mức ngày càng lớn của phong trào phản kháng. Tờ báo trích lời ông Andrei Kortounov, giám đốc Russian Council, một viện nghiên cứu ở Matxcơva : « Thành công của phong trào phản kháng sẽ là một vố đau đối với Nga về mặt chính trị nội bộ. Nếu đường phố mà làm sụp đổ chế độ ở Belarus, một quốc gia anh em thân cận nhất và cũng có cùng tâm lý hậu Xô Viết như Nga, đây là sẽ một mối đe dọa đối với Putin. Những gì xảy ra ở Minsk có thể tái diễn ở Matxcơva ». Tóm lại, hơn bao giờ hết, Putin phải tìm cho ra một kế hoạch B nhằm giải quyết êm thấm cuộc khủng hoảng Belarus.

Nhận thấy nay chỉ có tổng thống Nga là nắm vai trò quyết định trong cuộc khủng hoảng Belarus, ngày 18/08, ba lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu là tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã kêu gọi ông Putin gây áp lực với tổng thống Loukachenko để tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại với phe đối lập. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu hôm 17/08 cũng đã đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải giữa chính quyền Minsk với phe đối lập để thiết lập một cuộc đối thoại « cởi mở và xây dựng ». 

Vấn đề là cho tới nay, điện Kremlin vẫn liên tục cảnh cáo là nước ngoài không nên can thiệp vào chuyện nội bộ Belarus và lên án mọi « áp lực » lên chính quyền của nước Cộng hòa Liên Xô cũ này.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt