Ông Biden đã có cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục để giành vé đại diện cho đảng Dân chủ. Ảnh: AP.
Ông Joe Biden đã cố trở thành ông chủ Nhà Trắng hơn 30 năm
nay. Trong lần thứ ba tranh cử tổng thống, liệu ông có thể đánh bại Tổng
thống Trump?
Đầu mùa tranh cử sơ bộ năm nay, ông Joe Biden không có nhiều sự ủng
hộ ở các bang “mở màn” như Iowa hay New Hampshire. Chiến dịch của ông
thiếu sức sống, dù ông vẫn dẫn đầu trong thăm dò trên toàn quốc. Nhưng chỉ gần một tháng sau cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên ở Iowa, ông
Biden giành chiến thắng áp đảo ở bang South Carolina, và cơ hội về đầu
bên phía đảng Dân chủ của ông trở nên rõ nét. Các ứng viên khác lần lượt
rút khỏi cuộc đua. Ông Biden đã có cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục. Tuần này, bắt đầu từ ngày 17/8, đảng Dân chủ sẽ tổ chức đại hội trực
tuyến để chính thức chọn ông Biden làm ứng viên sẽ thách thức Tổng thống
Trump.
Các thăm dò ở các bang chiến trường quyết định đều cho thấy ông Biden đang dẫn trên với cách biệt đáng kể. Ảnh: AP.
Giờ đây, khi kể lại, các cố vấn của ông Biden nói việc ông giành vé
đại diện cho đảng Dân chủ là điều họ dự tính từ trước. Nhưng vào đầu mùa
tranh cử, họ đều tỏ ra bi quan, theo Financial Times. Sự bi quan đó là hoàn toàn có lý. Họ không hề quên các lần chạy đua
thất bại trước đây của ông Biden. Cho đến trước năm nay, ông Biden trong
hơn 32 năm chưa từng thắng một cuộc bầu cử sơ bộ nào. Năm 1987, ông rút
lui vài tháng trước khi bỏ phiếu sơ bộ bắt đầu, vì dính cáo buộc đạo
văn một bài phát biểu. Năm 2008, ông rút lui sau khi chỉ giành được 0,9%
số phiếu tại cuộc bỏ phiếu mở màn ở Iowa. “Vào thời điểm đó, hầu hết mọi người nghĩ cơ hội làm tổng thống của
ông Biden đã chấm dứt”, theo Shailagh Murray, khi đó là nhà báo của Washington Post,
sau làm phó chánh văn phòng của ông Biden. Không ai nghĩ rằng Barack
Obama, người đắc cử tổng thống năm đó, lại chọn ông Biden làm phó tổng
thống. Lần này, ông đang đứng trước cơ hội lịch sử. Các thăm dò toàn quốc và
ở các bang chiến trường quan trọng đều cho thấy ông Biden đang dẫn
trên. Thị trường cá cược cũng cho thấy ông Biden nhiều khả năng đánh bại
Tổng thống Trump. Nếu đắc cử, ông sẽ là một tổng thống như thế nào? Bài
viết gần đây của biên tập viên Edward Luce trên Financial Times phản ánh dự đoán của nhiều người thân cận với ông Biden. “Vì ông làm chính trị quá lâu, một nửa Washington cho rằng họ biết rõ con người ông Biden”, Financial Times bình luận.
Nhiều người cho rằng ở tuổi 77, ông sẽ là một tổng thống
mang tính nghi thức. Ngay cả những người bạn thân cận thừa nhận rằng ông
Biden không còn giàu năng lượng như trước. Nhiều khả năng ông sẽ cố
khôi phục lại nước Mỹ như trước thời Trump, và loại bỏ những điều mà ông cho là lệch hướng của thời Trump. Những người biết rõ ông Biden nhất cũng nhận định về phong cách mà
ông sẽ đem tới cương vị “lãnh đạo thế giới tự do”. Một "tổng thống
Biden", trong dự đoán của họ, vẫn sẽ nói nhiều như trước đây, vẫn sẽ
không ngại thể hiện cảm xúc của mình. Nhưng họ nói sự cảm thông mà ông
Biden thể hiện là thật lòng - và rất cần thiết cho nước Mỹ đang trải qua
một đại dịch kinh hoàng. “Ông Biden vẫn là người mà tôi từng gặp năm 1969 - vẫn tràn đầy nhiệt huyết”, Louis Susman, cựu đại sứ Mỹ tại Anh, nói với Financial Times. “Biden không thù dai, thích dành thời gian cho mọi người”. Nếu đắc cử, Biden sẽ hoàn thành cuộc chạy marathon dài nhất trong
lịch sử chính trị Mỹ. Trong lịch sử hiện đại, chưa ai đã nỗ lực nghiêm
túc trong thời gian dài như vậy để đến với ngôi vị quyền lực nhất thế
giới. Đa số người Mỹ còn chưa sinh ra khi ông Biden bắt đầu sự nghiệp chính
trị. Năm 1972, ở tuổi 30, ông là thượng nghị sĩ trẻ thứ 5 trong toàn bộ
lịch sử Mỹ. Sự nghiệp 48 năm của ông Biden còn dài hơn tuổi đời của các
tổng thống John F. Kennedy, Bill Clinton và Barack Obama khi họ đắc cử.
Sau khi định không nhậm chức thượng nghị sĩ, ông
Biden cuối cùng cũng đồng ý, với điều kiện tuyên thệ trong bệnh viện,
cạnh giường của con trai. Ảnh: Getty.
Hầu hết cử tri Mỹ đều biết về bi kịch vào thời kỳ đầu sự nghiệp ông
Biden. Vài tuần sau khi ông được bầu vào Thượng viện, vợ ông Neilia và
con gái 1 tuổi Naomi chết trong một tai nạn xe hơi, khi họ đang đi mua
sắm Giáng sinh
ở bang Delaware, bang nhà của ông Biden. Các con trai ông, Beau 3 tuổi
và Hunter 2 tuổi, sống sót nhưng bị thương nặng, phải nhập viện. Đa số người khác sẽ sụp đổ sau một bi kịch như vậy. Ông Biden còn
định không nhận ghế thượng nghị sĩ. Nhưng mọi người thuyết phục ông
tuyên thệ nhậm chức ở bệnh viện bên cạnh những người con của mình. Ông
nói chỉ có thể tiếp tục sự nghiệp chính trị nếu được nhìn thấy các con
mỗi sáng và mỗi tối.
Vì vậy mà ông Joe Biden có biệt danh “Joe Amtrak” - ông
đi làm và về nhà trên chuyến tàu hỏa Amtrak dài 90 phút giữa thủ đô
Washington và Wilmington, Delaware để chúc các con trai ngủ ngon. Ông đi
đi về về như vậy cho đến năm 2008, dù các con trai đã lớn. Trừ đi thời gian ông có thể không đi tàu Amtrak, trừ đi cuối tuần và
những tháng mà Quốc hội Mỹ nghỉ không làm việc, biên tập viên Edward
Luce của Financial Times ước tính ông Biden có thể đã dành 21.000 giờ - ba năm cuộc đời - trên con tàu đó.
Ông Joe Biden cùng vợ, Jill Biden, vận động tranh cử năm 1988. Ảnh: Getty.
“Ông biết tên của mọi người soát vé và ai cũng quý ông ấy”, Paul
Laudicina, giám đốc phụ trách lập pháp dưới quyền ông Biden năm
1977-1982, nói với Financial Times. “Ông thường nói chuyện cả
sau khi lên tàu, và tôi thường đi về tận Wilmington cùng ông, rồi sang
bên kia sảnh chờ và bắt tàu quay trở lại”. Nhà báo Kitty Kelley, từng phỏng vấn ông Biden năm 1974, nói ông
Biden “rất điềm đạm”. Nhưng khi nói về người vợ quá cố của mình, ông
Biden khen hết lời. “‘Để tôi cho bạn xem hình vợ tôi mà tôi thích nhất’, ông nói, giơ lên
hình bà Neilia mặc bikini. ‘Bà ta có thân hình đẹp nhất trong mọi phụ
nữ tôi từng thấy. Bà còn đẹp hơn người mẫu Playboy, đúng không?’”, nhà
báo Kelley kể lại, và nói văn phòng ông Biden như một nơi thờ phụng bà
Neilia. Năm 1977, ông Biden cưới Jill Tracy Jacobs, một giảng viên ở
Wilmington. Khi ông Biden làm phó tổng thống, bà Jill Biden vẫn đi dạy
mỗi ngày tại một cao đẳng cộng đồng ở bang Virginia. Khi ông rời chức vụ
năm 2017, tài sản của gia đình ông chỉ dưới 500.000 USD. Họ vẫn chưa trả xong khoản nợ vay trả góp mua nhà ở Wilmington. Cho đến khi được ông Obama chọn làm ứng viên tranh cử phó tổng thống,
ông Biden được biết đến với cuộc tranh cử thất bại năm 1988. Nhiều cố
vấn của ông trong chiến dịch đó vẫn còn phục vụ ông, đa số là người Mỹ
gốc Ireland.
Trong chiến dịch tranh cử năm 1988, ông Biden cố thể hiện
mình là một John F. Kennedy mới - trẻ, đẹp trai, gốc Ireland, một người
Công giáo - nhưng không có tác dụng. Sau đó, ông thấy bài phát biểu hay
của Neil Kinnock, chính trị gia ở Anh, và ông thường nhắc lại một số
lời trong đó. Ông vẫn trích dẫn rõ ràng đó là lời của Kinnock. Nhưng đối
thủ Michael Dukakis tìm được một đoạn băng trong đó ông Biden không
trích dẫn rõ ràng, và họ gửi đoạn băng đó cho báo chí, trở thành bê bối
đạo văn lớn cho ông Biden. Vài tháng sau khi rút khỏi cuộc đua năm đó, ông Biden suýt tử vong vì
phình động mạch. Tỷ lệ sống sót của ông trong cuộc phẫu thuật dài 9
tiếng chỉ là 50%. “Joe sẽ không sống sót nếu khi đó ông vẫn đang tranh cử”, Ted Kaufman, từng là chánh văn phòng của ông Biden, nói với Financial Times. “Ông sẽ không có thời gian đi khám kỹ về triệu chứng đau đầu của mình”.
Ông Joe Biden và bà Kamala Harris trong một buổi vận động tháng 3. Ảnh: Getty Images.
Mùa bầu cử năm 2008 không trở thành thất bại lớn cho ông Biden, một
phần vì ông trở thành phó tổng thống. Ngoài ra, “có ai có thể hậm hực vì
thua Barack Obama”, nhà báo Shailagh Murray nói với Financial Times. “Obama được mến mộ như ban nhạc Beatles vậy”.
Ông Biden cùng con trai Beau Biden
Mùa bầu cử mà ông Biden vẫn tiếc là năm 2016, mà ông không tham gia
tranh cử. Ông không muốn tham gia do con trai Beau vừa qua đời năm 2015
vì ung thư não. Ngoài ra, ông cũng không nhận được sự ủng hộ từ Tổng
thống Obama, người đã cam kết ủng hộ bà Hillary Clinton. Thăm dò nội bộ
của ông Biden cho thấy nếu tranh cử, ông có thể đánh bại ông Trump.
Nhưng trong đảng Dân chủ, ông khó có cơ hội giành được vị trí của bà
Clinton, vốn có bộ máy vận động mà ông không thể so được. Trong cuốn hồi ký Promise me, Dad (Bố hãy hứa với con) - đặt
tên theo lời của con trai Beau muốn ông tiếp tục chính trị - ông Biden
cho biết đã rất tức giận về bài viết của Politico nói ông đang
tận dụng việc con trai mình qua đời cho mục đích tranh cử. “Điều đó vượt
xa mọi dự đoán của tôi về việc mình sẽ bị chống đối đến thế nào”, ông
viết. Trên thực tế, ông còn chẳng thể tính đến chuyện tranh cử năm đó. “Ông
ấy sẽ bắt đầu khóc theo đúng nghĩa đen mỗi khi chúng tôi đề cập khả
năng đó”, một người thân cận với ông Biden nói với Financial Times. Nếu không có đại dịch Covid-19, bản tính thường xuyên thể hiện cảm
xúc của ông Biden có thể bị chê. Nhưng giữa một đại dịch, khả năng cảm
thông, sự tự nhiên của ông lại là một điểm cộng. Hơn 165.000 người Mỹ đã
tử vong vì dịch bệnh. Đến khi bầu cử, con số đó có thể lên tới hơn
200.000 người. Việc ông Trump không thể hiện sự cảm thông cho những gia
đình đang đau thương trái ngược hẳn với ông Biden. Năm 2016, cảm xúc
chính trị chủ đạo là giận dữ. Năm 2020, đó là nỗi buồn.
Khi ông Biden là phó tổng thống, Norm Ornstein, một
chuyên gia theo dõi Quốc hội Mỹ, bị mất con trai trong một tai nạn thảm
khốc. “Ngay sau khi nghe tin, ông Biden gọi điện nói chuyện với chúng
tôi trong một tiếng. Hôm sau tôi nhận được thư viết tay chia buồn của
ông”, Ornstein nói với Financial Times. “Không có chút giả tạo nào trong sự cảm thông của ông Biden. Ông cảm thấy nó một cách sâu sắc”. Andrew Yang, nhân vật nổi bật của đảng Dân chủ trong giai đoạn tranh cử sơ bộ, nói với Financial Times:
“Khi đa số còn chưa biết tôi là ai, Joe gọi tôi ra bắt chuyện và rất
lịch thiệp, thân thiện. Ngay cả khi mọi chuyện không thuận lợi, ông vẫn
như thế - ông luôn điềm đạm và tốt tính, trước công chúng hay khi gặp
riêng”. Một số người ủng hộ ông Biden thừa nhận có vài lo ngại về cuộc bầu cử
sắp tới. Lo ngại lớn nhất là ông Biden thường có những sai lầm ứng xử,
những lần nói lỡ lời “ngớ ngẩn” trước ánh nhìn dư luận. Vì vậy mà giãn
cách xã hội lại tốt cho ông - ông không phải đi các nơi vận động tranh
cử, ít cơ hội mắc sai lầm.
Khi ông Obama được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 2004, ông
mời ông Biden vào Ủy ban Đối ngoại. Một lần nghe phát biểu dài dòng của
ông Biden, ông Obama viết vài từ vào giấy nháp rồi đưa cho cố vấn của
mình. Tờ giấy viết: “Bắn chết. Tôi. Ngay”. Khi Obama đắc cử tổng thống, và Biden thành phó tổng thống, họ thảo
luận về cách sẽ làm việc với nhau. “Tôi muốn nghe ý kiến của anh, Joe,
nhưng phải trong 10 phút, chứ không phải 60 phút”, ông nói với ông
Biden. Đầu năm nay, ông Biden phải xin lỗi sau khi nói với cử tri “bạn không phải người da đen” nếu không bầu cho mình. Nhiều cố vấn đang hy vọng việc chọn thượng nghị sĩ da màu Kamala
Harris làm ứng viên phó tổng thống sẽ khiến ông Biden đỡ bị chỉ trích vì
những câu nói xúc phạm chủng tộc như trên.
Dù vậy, những người thân cận ông Biden không hề lo ngại
về ba cuộc tranh luận với ông Trump trong những tuần tới. Như ông Biden
từng thể hiện khi đối mặt với Sarah Palin năm 2008 và Paul Ryan năm 2012
- là các ứng viên phó tổng thống của John McCain và Mitt Romney - ông
tranh luận tốt một cách đáng ngạc nhiên. Trong khi đó, ông Trump dường
như cũng mắc bệnh “nói nhiều” và nói “lỡ lời” - cuộc phỏng vấn gần đây
của ông với Fox News bị chê cười khi ông khoe có thể nhớ được 5 từ trong bài kiểm tra trí nhớ. Lo ngại thứ hai của những người thân cận ông Biden là tuổi tác. Nhưng
nếu so sánh, ông Trump, năm nay 74, cũng chỉ ít tuổi hơn ông Biden một
chút. Dù vậy, sự khác biệt của ông Biden so với ông Trump nằm ở các cố vấn.
Đa số người của ông Biden đã theo ông từ nhiều thập kỷ. Còn Tổng thống
Trump hiện giờ đang có chánh văn phòng thứ tư và cố vấn an ninh quốc gia
thứ 6. “Điều dễ thấy ở những người xung quanh ông Biden là năng lực của họ.
Họ không cần thời gian quen dần công việc”, John Podesta, quan chức cao
cấp Nhà Trắng thời Obama, nói với Financial Times. Cũng có những lo ngại về con trai Hunter Biden, mà một người thân với
gia đình ông Biden nói là “điểm mù” của ông. Hunter phải ra khỏi Hải
quân Mỹ vì dương tính với cocaine, sau đó theo đuổi một số dự án kinh
doanh trong khi cha mình làm phó tổng thống, bị cáo buộc lợi dụng chức
vị của cha. Tổng thống Trump từng cố gắng gây áp lực để Ukraine cung cấp
thông tin bê bối về Hunter Biden, dẫn đến việc ông Trump bị luận tội
năm ngoái. “Chiến dịch của ông Biden phải tìm cách không để Hunter làm ảnh hưởng”, người bạn của gia đình ông Biden nói thêm.
Ông Biden đứng cạnh ông Trump và ông Obama vào ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống, 20/1/2017. Ảnh: AFP.
Nếu đắc cử, ưu tiên thứ nhất, thứ hai, thứ ba của ông, hay với bất kỳ
tổng thống nào, sẽ đều là đối phó với dịch bệnh. Ngoài ra, chủ trương
kinh tế của ông Biden đang là cấp tiến, đi xa nhất nếu so sánh với các
tổng thống Dân chủ gần đây. “Chúng tôi sẽ điều động lượng đầu tư lớn
nhất kể từ Thế chiến II”, Stef Feldman, giám đốc phụ trách chính sách
của ông Biden, nói với Financial Times. “Chúng tôi sẽ huy động lực lượng như đang trong chiến tranh”. Nhiều người so sánh thách thức khổng lồ của nước Mỹ hiện nay như năm
1932, khi Franklin D. Roosevelt (thường được viết tắt FDR) đắc cử giữa
cơn đại khủng hoảng kinh tế. Dù tranh cử không quá ồn ào, FDR thi hành
một loạt các chính sách quyết liệt, táo bạo thay đổi hoàn toàn nước Mỹ. Nhưng cũng có những khác biệt giữa ông Biden và FDR. Dù gây thiệt
hại, gián đoạn diện rộng như hiện nay, dịch Covid-19 không “khó trị” như
đại khủng hoảng kinh tế. Năm sau, thế giới sẽ tiến gần hơn với vaccine.
Và ông Biden sẽ kế nhiệm một tổng thống có tỷ lệ ủng hộ thấp, nhiều bê
bối. Ông Biden có thể được tán dương trong 100 ngày đầu nhờ làm được
những điều hết sức cơ bản, như công bố kế hoạch toàn quốc đối phó dịch
bệnh, tránh cãi nhau trên Twitter, và dừng việc xúc phạm nguyên thủ các
nước. Thậm chí, một cố vấn và người bạn của ông Biden còn nói: “Nếu tổng
thống Mỹ đến cuộc gặp thượng đỉnh ở nước ngoài, chỉ yên lặng dùng bữa,
thay vì ném dao nĩa khắp nơi, chắc đã đủ để thế giới vỗ tay tán dương
rồi”.
Các thành tích về ngoại giao mà ông Biden dễ đạt được
trong những ngày đầu nhậm chức bao gồm quay lại Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân với Iran,
theo Jake Sullivan, phụ trách chính sách của chiến dịch Biden. Ông cũng
sẽ triệu tập thượng đỉnh toàn cầu để chống dịch Covid-19. Về đối nội, ông có thể dừng việc xây tường biên giới, để các nhà khoa
học tự chủ trì họp báo hàng ngày về virus corona, và chọn một bộ trưởng
Tư pháp sẽ ủng hộ những ý tưởng cải tổ của phong trào biểu tình Black
Lives Matter. Trong quan hệ với các nghị sĩ đảng Cộng hòa hay với các lãnh đạo nước
ngoài, ông Biden đều ưu tiên tạo sự gần gũi cá nhân. Thích nói chuyện
với mọi người là điểm khác biệt giữa ông Biden với ông Obama. “Cái mà
ông Biden thích nhất là cái mà ông Obama ghét nhất - những gì cá nhân”,
ông Podesta nói. Ông Biden thích thú kiểu ngoại giao nói chuyện thường
xuyên với các đối tác - như việc “cắt tỉa kiên nhẫn” một khu vườn. Nhưng những người hoài nghi ông Biden có quan điểm của riêng họ. Họ
chỉ ra rằng đảng Cộng hòa giờ đây, nhất là sau sự chia rẽ mà nhiệm kỳ
Trump gây ra, đã khác hẳn so với đảng Cộng hòa của trước đây. Khả năng
đảng Cộng hòa hợp tác với ông Biden sẽ khá thấp. Ngoài ra, quãng thời gian thuận lợi ban đầu trong đối ngoại của ông
Biden có thể không kéo dài. Nhiều người hoài nghi khả năng ông Biden có
thể khôi phục lại quan hệ quốc tế của thời trước Tổng thống Trump. Chẳng
hạn, Trung Quốc đã trở thành vấn đề lớn hơn nhiều so với năm 2016. Đồng minh ưa thích của ông Biden ở châu Âu là Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ nghỉ hưu vào năm sau.
Người phụ nữ gốc Nam Á 'phá trần' trong cuộc đua bầu cử Mỹ
Một ngôi sao của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris được báo chí Mỹ đồng
loạt đánh giá là “người mở đường”, “người phá vỡ rào cản” trong hầu hết
sự nghiệp của mình.
Bầu cử chỉ còn gần 100 ngày, ông Trump đang đi ngược gió
Chỉ còn khoảng 100 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Tổng thống
Trump đang bị đối thủ Joe Biden vượt trên ở hàng loạt bang quyết định,
trong thế cờ khác hẳn 2016.