"Giờ là lúc lãnh đạo
các quốc gia châu Âu và các đại biểu dân cử châu Âu phải tiếp tục nỗ
lực để tìm ra được một tiếng nói chung cho dự án chung của Liên Âu. Một
dự án chung cho châu Âu không thể chỉ là kết quả của một thỏa thuận giữa
chính phủ các nước, mà phải có tiếng nói quyết định của những người đại
diện cho cử tri châu Âu. Đó chính là nguyên tắc cốt lõi của một nền dân
chủ."
Trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, Pháp.REUTERS/Arnd Wiegmann
Trọng Thành
Nghị Viện Châu Âu đe dọa bác kế hoạch 750 tỉ
euro, mà lãnh đạo 27 nước vừa thông qua sau 4 ngày đàm phán cam go; LHQ
đề xuất ''thu nhập tối thiểu tạm thời'' giúp 2,7 tỉ dân nghèo, ở 132
nước, sống qua đại dịch; Nghị Viện Đài Loan ra nghị quyết sửa hộ chiếu,
để dân Đài không bị lầm là người Trung Quốc; ''Đơn giản là người da
đen'', một trong ba phim ăn khách nhất ở Pháp mùa hậu phong tỏa. Trên
đây là các chủ đề chính tạp chí Thế Giới Đó Đây.
Ngày 21/07/2020, vào lúc 5
giờ 28 phút sáng lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu cuối
cùng đã đạt thỏa thuận về kế hoạch chấn hưng 750 tỉ euro, cùng ngân sách
7 năm của khối, sau gần 92 giờ thương lượng kín căng thẳng, có lúc
tưởng như đổ vỡ. Tuy nhiên, niềm hân hoan không kéo dài.
Nghị Viện Châu Âu - Cửa ải thứ hai không dễ vượt qua
Dự
án chấn hưng châu Âu bước sang « hiệp hai », với cửa ải Nghị Viện không
dễ vượt qua. Ngày 23/07, Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu bày tỏ thái độ sơ
bộ về thỏa thuận nói trên. Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu, với 465
phiếu thuận (150 phiếu chống và 67 vắng mặt), « phản đối » thông qua
ngân sách « trong hình thức hiện tại », và cảnh báo « sẵn sàng không phê
chuẩn (…) cho đến khi có được một thỏa thuận đáp ứng được đòi hỏi (của
Nghị Viện) ».
Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles : « Ngân
sách của Liên Âu sẽ còn phải được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn để có
hiệu lực, và dịp 7 năm một lần là lúc mà các nghị sĩ châu Âu khẳng định
rõ thẩm quyền quyết định của họ. Chủ tịch các nhóm chính trị trong Nghị
Viện cho biết nhìn chung hài lòng về kế hoạch chấn hưng, tuy nhiên, cũng
cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện dự án ngân sách, bởi có các khoản
thiếu hụt cần bổ sung. Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, chính trị gia người Ý
David Sassoli, cho rằng thỏa thuận ngân sách vừa rồi là thiếu tham
vọng.
Ông nói : Đề xuất hiện nay đã được đệ trình, nhưng
chúng tôi muốn cải thiện nó. Nếu như chúng ta muốn đặt hy vọng vào các
thế hệ mới, chúng ta không thể nào giảm các đầu tư cho nghiên cứu, cho
giới trẻ, cho chương trình Erasmus. Nếu chúng ta thấy việc làm sáng tỏ
chính sách nhập cư và tị nạn như đề xuất của Đức – chủ tịch luân phiên –
là quan trọng, thì chúng ta không thể cắt giảm ngân sách cho nhập cư và
tị nạn.
Nước Đức đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của
Liên Hiệp, như vậy Berlin sẽ phải cùng với các nghị sĩ tiếp tục thương
thuyết về ngân sách trong ‘‘hiệp hai’’. Về nguyên tắc, Nghị Viện Châu Âu
đặt yêu cầu cao hơn lãnh đạo 27 nước Liên Âu. Thoạt tiên, dự án ngân
sách của Nghị Viện là 1.300 tỉ euro, cao hơn thỏa thuận ngân sách vừa
được thông qua vào sáng thứ Ba là 216 tỉ euro ». Đông đảo
dân biểu châu Âu bày tỏ lo ngại lớn trước việc nhiều khoản chi tiêu quan
trọng dành cho « khí hậu », « kỹ thuật số », « y tế và nghiên cứu khoa
học », « văn hóa », « cơ sở hạ tầng » hay « quốc phòng » bị cắt giảm
mạnh. Các cam kết và ưu tiên hàng đầu của Liên Âu như thỏa thuận chuyển
sang nền kinh tế xanh (Green New Deal) và chiến lược thúc đẩy công nghệ
số có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng. Chưa kể đến vấn đề « tôn trọng nhà nước
pháp quyền », dù đã được ghi vào thỏa thuận, nhưng theo nhiều dân biểu
châu Âu, các ràng buộc hiện tại không đủ mạnh để bảo đảm là các nước
được hưởng tài trợ sẽ tuân thủ nguyên tắc này.
Châu Âu « trên đường » trở thành Liên bang
Kế
hoạch chấn hưng – với nguyên tắc 27 quốc gia đồng chi trả các khoản cứu
trợ dành cho những thành viên gặp khó – đã khiến khối 27 nước châu Âu
« đang trên đường trở thành một Nhà nước (liên bang) » thực thụ, như
nhận định của nhà sử học Sylvain Kahn, một chuyên gia về châu Âu, cho dù
khả năng Nghị Viện phủ quyết treo lơ lửng. Tác giả cuốn Lịch sử quá trình xây dựng châu Âu từ năm 1945 / Histoire de la construction de l’Europe depuis 1945 (PUF)
nhấn mạnh đến các nỗ lực thương thuyết bền bỉ và khả năng tìm kiếm một
thỏa hiệp, xây dựng liên minh, tạo lập đa số đủ của các lãnh đạo châu Âu
trong những ngày qua, để thúc đẩy một dự án chung (trả lời phỏng vấn
trên trang France Info, ngày 21/09/2020).
27
quốc gia Liên Hiệp Châu Âu thường xuyên bị chỉ trích là thiếu đoàn kết,
thiếu khả năng hành động thống nhất. Việc kế hoạch chấn hưng, đặc biệt
do cặp Đức – Pháp thúc đẩy, vượt qua được cửa ải đầu tiên đã chứng minh
cho điều ngược lại. Và một Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết và vững mạnh có ý
nghĩa sống còn không chỉ với các nước châu Âu.
Giờ là lúc lãnh đạo
các quốc gia châu Âu và các đại biểu dân cử châu Âu phải tiếp tục nỗ
lực để tìm ra được một tiếng nói chung cho dự án chung của Liên Âu. Một
dự án chung cho châu Âu không thể chỉ là kết quả của một thỏa thuận giữa
chính phủ các nước, mà phải có tiếng nói quyết định của những người đại
diện cho cử tri châu Âu. Đó chính là nguyên tắc cốt lõi của một nền dân
chủ.
Đối phó Covid: 2,7 tỉ dân cư cần « Thu nhập tạm thời tối thiểu »
Đại
dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, với tốc độ cứ mỗi tuần lễ, có hơn một
triệu rưỡi người dương tính với virus. Đại dịch đẩy hàng tỉ người trên
thế giới vào cảnh thất nghiệp, bần cùng. Tác hại của dịch là vô cùng
khủng khiếp, và tình trạng này rất có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn trong
thời gian tới. Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc UNDP (PNUD),
hôm 23/07/2020, đưa ra một đề xuất chưa từng có : cấp « thu nhập tối
thiểu tạm thời » trong vòng 6 tháng cho khoảng 2,7 tỉ dân, tương đương
với một phần ba dân số hành tinh. Một biện pháp được coi là chưa từng có
để đối phó với một tình hình chưa từng có.
Theo
UNDP, số tiền để chu cấp « thu nhập tối thiểu tạm thời » cho một phần
ba cư dân hành tinh, tại 132 quốc gia, trong vòng 6 tháng, ước tính
khoảng 1.200 tỉ đô la, tương đương 0,9 GDP toàn cầu. Cơ quan Liên Hiệp
Quốc ưu tiên trước hết hơn 1 tỉ người đang sống trong nghèo đói (có thu
nhập từ 1,9 đô la đến 5,5 đô la/ngày, tùy theo địa phương), và 1,71 tỉ
người có nguy cơ lâm vào trạng thái nghèo đói, do khủng hoảng y tế (đầu
tháng 4/2020, Oxfam dự đoán thêm nửa tỉ dân cư hành tinh có thể rơi vào
nghèo đói do Covid). Lấy đâu ra số tiền khổng lồ nói trên để trang trải
khoản « thu nhập tối thiểu tạm thời » này ?
Trả lời RFI, ông Alexis Laffittan, chuyên gia văn phòng UNDP ở Genève giải thích: « Trên
thực tế, đây là đề xuất của chúng tôi đối với chính phủ các nước liên
quan. Cần phải có các quyết định mạnh. Nếu thực hiện được kế hoạch này,
thì điều đó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. 90% thu nhập tối
thiểu của những người nghèo nhất nói trên ngay lập tức sẽ được rót trở
lại nền kinh tế, dùng để mua nhu yếu phẩm. Chúng ta có nói đến kế hoạch
Marshall, chương trình chấn hưng lớn, nhưng đó không chỉ là các doanh
nghiệp lớn, mà cả những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, dễ tổn thương
nhất do đại dịch. Chúng ta thấy là tại các nước phát triển, các nước
trong nhóm G20, đã có nhiều khoản tiền lớn được thông qua. Tuần này,
Liên Hiệp Châu Âu cũng đã thông qua một ngân sách chấn hưng lớn (trong
đó có các khoản trợ cấp dành cho những người khó khăn nhất). Chúng tôi
cho rằng một thái độ đoàn kết như vậy cũng cần được thể hiện đối với các
nước đang phát triển. Cụ thể là chúng ta nói đến việc hoãn trả nợ (1),
và khoản tiền lẽ ra sẽ phải trả nợ này sẽ được dùng để chuyển sang hỗ
trợ những người nghèo nhất, những người dễ tổn thương nhất, góp phần
giúp cho việc hãm lại đà lây lan của dịch bệnh (do người nghèo có điều
kiện ở nhà, tránh các tiếp xúc tạo điều kiện cho virus lây lan), đang
khiến khoảng mỗi tuần có thêm một triệu rưỡi người nhiễm mới ».
Cũng UNDP, cùng ngày 23/07, công bố báo cáo đầu tiên
về các tác động của đại dịch Covid-19 đến tình trạng nghèo đói tại Việt
Nam. Báo cáo nêu số liệu ước chừng tỷ lệ người nghèo trên toàn quốc
tăng từ 4,6% trước dịch lên 26,7% vào tháng 4 (tức tháng cao điểm phong
tỏa và giãn cách xã hội) và giảm xuống còn 15,8% vào tháng 5. Tại Việt
Nam, nhìn chung, người nghèo được coi là người có mức thu nhập dưới
900.000 VND ở thành phố và 700.000 VND ở nông thôn (tương đương khoảng
40 đô la và 30 đô la/tháng).
Sửa hộ chiếu để dân Đài không bị lầm là người Trung Quốc
Trong
lúc khối 27 quốc gia dân chủ tại châu Âu tìm cách vượt qua khác biệt để
khẳng định một thể chế gần giống với liên bang, thì tại hòn đảo nhỏ Đài
Loan, đa số các đảng phái chính trị tìm cách củng cố nền dân chủ, khẳng
định một xã hội Đài Loan hoàn toàn độc lập trước Trung Quốc. Thách thức
vô cùng lớn, bởi Đài Loan hiện tại vẫn kế thừa di sản một nước Trung
Hoa thời Quốc Dân Đảng. Bắc Kinh đe dọa tấn công, nếu hòn đảo chính thức
tuyên bố độc lập.
Trong
những ngày gần đây, có một sự kiện đáng chú ý: ngày 22/07/2020, Nghị
Viện Đài Loan ra nghị quyết đề nghị chính phủ sửa trang bìa hộ chiếu,
nhấn mạnh chữ Đài Loan, để tránh người mang hộ chiếu Đài Loan (Đài Loan
tên chính thức tiếng Anh là « Republic of China ») bị nhận lầm là người
Trung Quốc (Trung Quốc tên chính thức là tiếng Anh là «
People's Republic of China »). Theo hãng tin CNA, nghị sĩ
các đảng phái chính trị Đài Loan, ngoại trừ Quốc Dân Đảng, đã bỏ phiếu
thông qua nghị quyết (64/113 dân biểu), theo đề nghị của đảng Dân Tiến
cầm quyền. Trên trang bìa hộ chiếu Đài Loan, quốc hiệu Trung Hoa Dân
Quốc (bằng chữ Hoa và chữ Anh) được đặt ở phía trên tên Đài Loan. Tên
Đài Loan được ghi vào hộ chiếu kể từ năm 2003.
Theo đảng Dân Tiến,
việc sửa tên cho phép công dân Đài Loan « bảo vệ được phẩm giá » và
« an toàn hơn » khi ra nước ngoài. Lý do trực tiếp: người Trung Quốc dễ
bị kỳ thị, đặc biệt sau khi Bắc Kinh để dịch covid-19 vượt tầm kiểm
soát, từ Vũ Hán lan ra khắp thế giới. Nghị quyết mang tính khuyến nghị
chứ không bắt buộc.
Rút chữ Trung Hoa (China) ra khỏi tất cả
các tên gọi chính thức là chủ trương từ lâu của phe đòi độc lập cho Đài
Loan. Đối với nhiều người, nghị quyết nói trên của Nghị Viện Đài Loan là
một bước tiến hướng đến độc lập, rất đáng chú ý.
Pháp: « Đơn giản là người da đen » trong tốp 3 phim ăn khách nhất
Bộ
phim trào phúng « Tout simplement noir » (Đơn giản là người da đen)
nằm trong nhóm 3 phim ăn khách nhất tại Pháp, trong tháng mở đầu mùa
phim ra khỏi phong tỏa Covid-19, với hơn 400.000 lượt người xem sau 2
tuần lễ ra mắt đầu tiên. Vì sao bộ phim của ca sĩ nhạc ráp, nhà tấu hài
Jean-Pascal Zadi và nhà nhiếp ảnh John Wax lại thu hút công chúng ?
Bộ
phim « Đơn giản là người da đen » ra rạp đúng vào lúc tại Hoa Kỳ bùng
lên phong trào chống bạo lực cảnh sát, chống kỳ thị chủng tộc, sau cái
chết của người da đen George Floyd. Tại Pháp, một phong trào phản kháng
tương tự cũng bùng lên với cái chết của thanh niên da đen, Adama Traoré,
trong thời gian bị cảnh sát câu lưu (vụ án hiện vẫn đang trong quá
trình điều tra), nhưng với quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Vấn đề kỳ thị người
da đen, thái độ phản kháng của người da đen ắt hẳn là một lý do thu hút
công chúng tại Pháp (bộ phim dự tính ra mắt tháng 4/2020, nhưng phải
hoãn lại do đại dịch). Tuy nhiên, theo nhiều nhà phê bình, bộ phim hài
của Jean-Pascal Zadi đưa công chúng đến với một cái nhìn rất khác về nạn
kỳ thị màu da, về cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vượt
qua quan điểm đối kháng tuyệt đối thiện – ác, địch - ta.
Nhân
vật chính trong phim là JP, một diễn viên không thành đạt, tầm 40 tuổi,
quyết định tổ chức một cuộc tuần hành phản kháng lớn trên khắp nước
Pháp. JP, do đạo diễn Jean-Pascal Zadi thủ vai, ngay tại nhà mình, với
khẩu khí của một thủ lĩnh chính trị, hô hào cổ vũ trên các mạng xã hội
cho một « cuộc tuần hành khổng lồ bày tỏ nỗi giận dữ của người da đen »,
để chống lại tình trạng mà anh gọi là « người da đen hoàn toàn không có
vị trí gì trong xã hội ». Trong hậu cảnh, người vợ da trắng của JP cặm
cụi làm việc nhà, thỉnh thoảng lại hỏi chồng về một số công việc trong
nhà. Những can thiệp đời thường của người vợ phá vỡ bầu không khí giận
dữ, nghiêm trọng, mang âm hưởng tiền cách mạng, mà người diễn viên JP
đang cố gắng làm sống dậy.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Le
Monde, đạo diễn Jean-Pascal Zadi, người gốc Côte d’Ivoire (Phi châu),
sinh trưởng tại tỉnh Seine-Saint-Denis, ngoại ô Paris, cho biết đối
tượng chính mà ông muốn trào lộng là lối sống co cụm cộng đồng, những
định kiến về quan hệ chủng tộc. Với Jean-Pascal Zadi, người da đen tại
Pháp không phải là một cộng đồng thuần nhất, « mỗi người da đen ở Pháp
đều có bản sắc riêng ». Không phủ nhận thực trạng kỳ thị mầu da trong xã
hội, nhưng không thổi phồng, đạo diễn bộ phim « Đơn giản là người da
đen » nhấn mạnh: con cái ông lớn lên tại một đất nước có bộ trưởng Tư
Pháp là người da đen (nữ chính trị gia Christiane Taubira, trong chính
phủ thời François Holland), có nhiều người da đen nổi tiếng trong truyền
thông, điện ảnh (như phóng viên, người dẫn chương trình truyền hình
Harry Roselmack, hay các diễn viên Omar Sy, Ladj Ly…). Ông tin tưởng
người da đen chắc chắn sẽ phải được xã hội thừa nhận nhiều hơn.
Điều
mà đạo diễn « Đơn giản là người da đen » mong muốn thúc đẩy là thái độ
cởi mở, đối thoại trong xã hội. Ông cũng không ngần ngại phê phán việc
đương kim tổng thống Emmanuel Macron nêu quan điểm « tại Pháp sẽ không
có bức tượng nào bị lật đổ ». Theo ông, như vậy là « đóng cửa với đối
thoại ». Jean-Pascal Zadi không ủng hộ việc lật đổ các tượng đài, nhưng
bảo vệ quyền bày tỏ quan điểm, bày tỏ những động cơ thúc đẩy nhiều người
muốn phá bỏ những tượng đài (mà họ cho là để tôn vinh những kẻ phạm tội
ác), và nhất là quyền được biết đến những sự thật lịch sử, đặc biệt về
giai đoạn thực dân, mà theo ông, hiện vẫn còn vắng bóng trong nhà
trường. *** Ghi chú 1 - Năm 2020,
các nước đang phát triển phải trả nợ bên ngoài tổng cộng khoảng 3.100 tỉ
đô la - cả vốn lẫn lãi - theo UNDP. Khoảng 2.600 tỉ đô la (năm 2020) và
3.400 tỉ đô la (năm 2021), theo UNCTAD
- Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển. Hôm 18/07, bộ
trưởng Tài Chính và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương khối G20 quyết định
hoãn nợ cho 42 trên 73 nước nghèo nhất, với tổng số tiền 5,3 tỉ đô la,
nhưng 73 nước này vẫn phải trả 33,7 tỉ, từ nay đến cuối năm. Theo các
nhà quan sát, số tiền hoãn nợ nói trên là quá ít ỏi so với mục tiêu mà
UNDP và nhiều tổ chức phi chính phủ thế giới đưa ra. Ngày 13/04/2020,
trong bối cảnh đại dịch bùng phát, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu
gọi « hủy nợ trên quy mô lớn » đối với các quốc gia nghèo ở châu Phi.