Cách Mỹ thách thức Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình

Chính sách Mỹ-Trung đòi hỏi một chiến lược nghiêm túc, bền vững, chứ không phải một chiến lược chắp vá trong chiến dịch tranh cử tổng thống để cứu lấy một chính quyền thất bại.
 
1185990662
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua một liên kết video từ Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 2/12/2019. Ảnh Noel Celis-Pool / Getty

Nhà Trắng tin rằng chiến lược tái tranh cử tốt nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump là gieo tiếng xấu cho Trung Quốc. Ngày càng có nhiều đề xuất cho rằng Washington nên tuyên bố cuộc chiến kinh tế, mà Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa. Cách tiếp cận như vậy sẽ đẩy các nước khác rời xa Mỹ và hướng về phía một Trung Quốc ngày càng tăng cường đàn áp.

Mặc dù có thể hiểu được là đại dịch đang thu hút sự chú ý của thế giới hiện nay, nhưng mối quan hệ Mỹ-Trung không phải là vấn đề một sớm một chiều. Mối quan hệ giữa hai quốc gia quan trọng nhất thế giới có khả năng sẽ còn vấp phải khó khăn trong nhiều thập kỷ và các nhà hoạch định chính sách cần phải suy nghĩ lâu dài về thách thức này chứ không chỉ trong thời điểm hiện tại.

Trung Quốc không giống như Liên Xô. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington - và phần còn lại của thế giới - quan trọng, phức tạp và có lợi hơn nhiều so với mối quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ. Cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ cam go hơn nhiều, chia rẽ sâu sắc cái gọi là thế giới tự do và có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng. Washington cần phát triển một chính sách nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa cụ thể đồng thời duy trì hợp tác khi có thể.

Việc duy trì hợp tác có ý nghĩa quan trọng. Những người thúc đẩy việc quân sự hóa chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và cô lập nước này với Mỹ và phương Tây cho rằng sự can dự là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong việc khiến Trung Quốc thay đổi. Họ đã đúng khi cho rằng việc mở cửa ra thế giới sau những cải cách kinh tế của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình không mang lại dân chủ. Thế nhưng, sự can dự thực sự đã giúp triệt tiêu chủ nghĩa Mao, tạo ra một Trung Quốc cởi mở hơn nhiều với sự mở rộng về quyền tự chủ cá nhân và quyền tự do tư tưởng cũng như sự xuất hiện của các thể chế xã hội dân sự. (Điều đáng chú ý là hàng trăm triệu người cũng đã thoát khỏi cảnh nghèo đói). Hơn nữa, quá trình này mang lại cho Đảng Cộng sản Trung Quốc cơ hội tham gia một trật tự toàn cầu nhìn chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng ; xâm lược quân sự sẽ phải trả giá đắt.
Điều không may là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang quay trở lại tiến trình này. Tuy nhiên, sự bùng nổ tin tức trên các phương tiện truyền thông xã hội về tính minh bạch của Chính phủ liên quan đến dịch Covid-19 chứng tỏ nhiều người Trung Quốc đang bất bình và sẵn sàng bày tỏ ý kiến. Việc duy trì các mối liên kết với người dân Trung Quốc trên toàn thế giới là hết sức quan trọng. Việc đón tiếp sinh viên Trung Quốc cũng như việc cung cấp các kênh thông tin bằng tiếng Hoa, duy trì sự độc lập của các tờ báo hải ngoại và hỗ trợ những người muốn vượt qua "Bức tường lửa vĩ đại" là đặc biệt quan trọng.

Trái ngược với những đánh giá bi quan về Trung Quốc, các chính sách hiện hành có thể không tồn tại lâu hơn những chính sách trước đây. Chắc chắn là việc Tập Cận Bình xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho thấy mong muốn lãnh đạo suốt đời, nhưng các kế hoạch được lập ra kỹ lưỡng nhất thường thất bại. Đã có những nhân vật đáng chú ý theo tư tưởng tự do nắm giữ cương vị lãnh đạo như Triệu Tử Dương và có thể vẫn còn nhiều người khác như vậy trong xã hội Trung Quốc. Tập Cận Bình có nhiều kẻ thù trong và ngoài đảng. Người đàn ông này sẽ không tồn tại hay lãnh đạo mãi mãi. Có thể có những thay đổi lớn và tích cực trong tương lai. Việc áp dụng các chính sách kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cũng như đoàn kết người dân chống lại Mỹ và phương Tây sẽ phản tác dụng. Washington nên nhắm đến việc tạo ra tác động ngược lại, áp dụng các biện pháp cố định nhưng có mục tiêu.

Cuối cùng, Trung Quốc hiện tại đang suy yếu. Nước này có thể gây ảnh hưởng, nhưng sẽ không tránh khỏi những hậu quả. Trung Quốc vẫn còn nghèo, với khoảng cách lớn giữa các thành phố ven biển và vùng nội địa nghèo khó. Các tác động về mặt nhân khẩu học của chính sách một con vẫn còn đó : Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rất có thể sẽ già đi trước khi trở nên giàu có. Các thách thức kinh tế đối với nước này đã ở mức nghiêm trọng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, và thất bại kéo dài trong việc mang lại tăng trưởng kinh tế sẽ làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của đảng, ngay cả khi chế độ này đe dọa thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc.

Danh tiếng quốc tế của Trung Quốc thậm chí còn bị ảnh hưởng nhiều hơn, đặc biệt sau khi Bắc Kinh cố gắng ngăn chặn sự chỉ trích của các nước khác và kiểm soát sự viện trợ dành cho họ.
Điều không may là Chính quyền Trump có vẻ quyết tâm vứt bỏ lợi thế của mình. Trước hết, họ nỗ lực biến Trung Quốc thành một vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử, chỉ trích cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ của Trump, là đã mềm mỏng với nước này. Tuy nhiên, không giống như Trump, Biden không bao giờ tuyên bố Tập Cận Bình, người ngày càng giống với Mao Trạch Đông, là bạn. Hơn nữa, bản chất đảng phái của các cuộc công kích làm giảm uy tín của Tổng thống và các quan chức của ông. Ngay cả các chính phủ nước ngoài thân thiện cũng không tin tưởng Washington. Việc tìm cách buộc các nước khác phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc đặc biệt phản tác dụng.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về nguồn phát tán virus SARS-CoV-2 không được các cơ quan tình báo của Mỹ và nước ngoài ủng hộ. Điều đó khiến Chính phủ Mỹ chẳng khác nào những kẻ âm mưu cho rằng Bắc Kinh đã tạo ra và cố tình phát tán virus trên khắp thế giới. Thực tế rằng Chính quyền Tập Cận Bình có khả năng làm điều xấu xa không biện minh cho việc phát tán những thông tin sai lệch. Điều này càng làm giảm uy tín của Washington.

Phản ứng vụng về của Chính quyền Trump trước cuộc khủng hoảng khiến Trung Quốc có vẻ có lợi thế khi so sánh. Bắc Kinh đã có phản ứng sai lầm khi không báo cáo kịp thời về cuộc khủng hoảng y tế đang lan rộng, cung cấp thông tin chính xác về đặc điểm của virus hay nhanh chóng cấm người dân di chuyển từ tâm dịch Vũ Hán. Nếu Bắc Kinh hành động nhanh chóng và minh bạch hơn, thì thế giới hẳn đã có thể tránh được đại dịch toàn cầu này.

Tuy nhiên, cho dù có nhiều thời gian để chuẩn bị khi chứng kiến sự bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc, nhưng Mỹ lại không làm gì khác ngoài việc cấm nhập cảnh đối với du khách từ nước này - một bước đi hữu ích nhưng có hiệu quả hạn chế. Việc Chính phủ liên bang chuẩn bị sẵn sàng các bộ xét nghiệm không thể sử dụng, đồng thời ngăn cản các phòng thí nghiệm và công ty tư nhân cung cấp các bộ xét nghiệm, khiến Mỹ phản ứng chậm trễ vài tuần. Tổng thống tiếp tục xem thường mối đe dọa ngay cả khi số ca mắc bệnh đã tăng lên theo cấp số nhân, và ông đã đưa ra những chỉ dẫn và khuyến nghị trái ngược nhau khi vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Câu nói "gừng càng già càng cay" rõ ràng không đúng đối với ông.

Washington đã khiến ngay cả những đồng minh thân cận xa lánh mình. Hầu hết các chính phủ đều tránh gây sự chú ý khi họ đóng cửa biên giới, cấm xuất khẩu thiết bị y tế và tranh giành với đồng minh trên danh nghĩa khi tìm kiếm nguồn cung cấp. Chính quyền Trump đã làm điều tương tự sau ba năm xúc phạm và trừng phạt các nước khác mà hầu như không thu được kết quả tích cực nào. Sau đó, họ yêu cầu các chính phủ đang mải chống dịch ủng hộ các cuộc tấn công chính trị nhằm vào Bắc Kinh.
Cuối cùng, ngay cả khi giải quyết các vấn đề nghiêm trọng, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ hầu như cũng không thể hiện được khả năng ngoại giao, bao gồm kỹ năng sử dụng chiến thuật, lời nói, óc phán đoán cũng như kỹ năng xác định đúng thời điểm. Việc sử dụng hội nghị thượng đỉnh G-7 để tăng cường công kích Bắc Kinh khi các thành viên khác đang nỗ lực hết sức để vượt qua đại dịch là hành động không khôn khéo. Việc tìm cách dập tắt những mong muốn giải thích về đại dịch của đông đảo các nước đã ngăn cản sự hợp tác của các đồng minh. Việc ngừng tài trợ cho Tổ chức y tế thế giới (WHO) trong khi các nước trên toàn cầu bị đại dịch tàn phá không được nước nào ủng hộ.
Washington rất cần điều chỉnh lại chính sách của mình. Mục tiêu nên là tận dụng những điểm yếu của Trung Quốc và điểm mạnh của Mỹ. Mỹ nên phối hợp với các đồng minh và các nước khác vốn tức giận hoặc thất vọng trước hành vi của Bắc Kinh, đề xuất mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và đưa ra phản ứng quốc tế. Sáng kiến này nên là nỗ lực đa phương được thực hiện thông qua một cơ quan quốc tế, có thể là một ủy ban đặc biệt, để tránh những nghi ngờ có căn cứ về sự thiên vị của WHO.

Nỗ lực này không nên nhằm vào Trung Quốc, nước chắc chắn không tham gia và không hợp tác. Ngay cả các nước châu Âu cũng bị chia rẽ ; một số nước tức giận vì Liên minh châu Âu (EU) không cung cấp viện trợ và đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc. Thay vào đó, cuộc điều tra nên hướng vào việc giúp thế giới rút ra bài học từ những gì đã xảy ra để ngăn chặn những điều đó tái diễn. Điều đó đòi hỏi một sự đánh giá đầy đủ, cởi mở và trung thực, thậm chí là sự chỉ trích đối với bất kỳ quốc gia nào khi cần thiết. Cuộc điều tra sẽ được tiến hành cho dù có sự trợ giúp của Bắc Kinh hay không.
Chính phủ Mỹ cũng nên làm việc với các chính phủ cùng chung chí hướng để đưa ra các chỉ đạo và yêu cầu quốc tế mới trong việc đối phó với sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Nỗ lực này không mang lại kết quả tức thì và không mang tính trừng phạt, nhưng sẽ khiến dư luận chú ý đến các hành động làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Cả WHO lẫn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc một ủy ban quốc tế đặc biệt về Covid-19 sẽ là nơi thích hợp để hành động.

Nếu Trung Quốc và Nga cố gắng ngăn chặn những nỗ lực như vậy, thì họ nên bị cô lập và các chính phủ nên sẵn sàng hành động nhiều nhất có thể. Chắc chắn Trung Quốc sẽ phản ứng lại ; tuy nhiên, chế độ Tập Cận Bình có thể do dự trước khi lấy lại danh tiếng đã mất. Hãng tin Reuters đã đưa tin về báo cáo gần đây của một tổ chức tư vấn chiến lược có quan hệ với Bộ An ninh quốc gia bày tỏ lo ngại về thiệt hại đối với thương hiệu Trung Quốc.

Trong tương lai, Washington nên đề xuất tiến hành các cuộc tham vấn thường xuyên với chính phủ các nước châu Á và châu Âu để thống nhất phản ứng với hành vi sai trái của Trung Quốc. Mỹ nên học được cách phối hợp hiệu quả hơn với các nước khác hoặc thay thế chính quyền hiện tại bằng một chính quyền mới có năng lực hơn. Tuy nhiên, các nước khác có thể sẵn sàng hợp tác với Mỹ do phải chịu những tổn thất đáng kể từ hệ thống độc đoán của Trung Quốc - đặc biệt là việc nước này giấu giếm thông tin và trừng phạt những người tìm cách thông báo cho đồng nghiệp và đưa tin về sự lây lan của dịch bệnh. Hành vi của Chính phủ Trung Quốc có thể không còn được coi là một mối quan ngại nội bộ đơn thuần.

Covid-19 đã khiến việc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng trở nên cấp thiết ; một cam kết hợp tác nghiêm túc giữa các đồng minh có thể giúp kết nối các nước dân chủ cùng chí hướng ở châu Á và châu Âu với tư cách là những địa điểm đầu tư ổn định. Các vấn đề thương mại và kinh tế khác, chẳng hạn như vai trò của Hoa Vi và đầu tư của Trung Quốc, cũng khiến các nước châu Âu cũng như Mỹ lo lắng. Hợp tác thay vì chống lại EU trong lĩnh vực thương mại sẽ mang lại cho Mỹ một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Trung Quốc, nhấn mạnh các vấn đề mang tính cơ cấu, hơn là các mục tiêu thiển cận và nhất thời như tăng mua hàng hóa của Mỹ.

Không có giải pháp thống nhất hay dễ dàng cho những thách thức địa chính trị khó khăn do Bắc Kinh đặt ra. Chế độ dân chủ ở Hong Kong là điều không tưởng trong lúc này, nhưng việc duy trì quyền tự chủ là mục tiêu thực tế. Sức ép của Trung Quốc đối với Đài Loan là không thể tránh khỏi, nhưng một cuộc xâm lược thì có thể tránh được. Sự độc lập của Philippines và Nhật Bản quan trọng hơn tuyên bố chủ quyền của Manila đối với bãi cạn Scarborough và việc Nhật Bản kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các khía cạnh khác nhau của các vấn đề khác nhau sẽ dẫn đến các chiến lược khác nhau.

Tuy nhiên, khả năng của Mỹ trong việc ép buộc Trung Quốc là có hạn. Hành động đa phương, được tiếp thêm sức mạnh nhờ việc các nước đều sẵn sàng phá vỡ quan hệ với Bắc Kinh và cô lập nước này về mặt kinh tế trong những trường hợp xấu nhất, sẽ hiệu quả hơn trong việc định hình hành vi của họ.

Nếu Trung Quốc không thất bại, thì các mối đe dọa kinh tế của Mỹ cũng sẽ không đủ để buộc Chính quyền Tập Cận Bình phải thừa nhận các mục tiêu chính trị căn bản. Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ áp đặt một cách bừa bãi các biện pháp trừng phạt kinh tế ngay cả đối với các đồng minh trên danh nghĩa như Đức. Chính sách gọi là "gây sức ép tối đa" dưới nhiều hình thức khác nhau đã thất bại trong việc thay đổi hành vi của một nhóm các chính quyền mục tiêu, trong đó có Nga, Triều Tiên, Iran và Venezuela. Trung Quốc thậm chí ít có khả năng đầu hàng hơn.

Hành động quân sự là một lựa chọn tồi tệ hơn nhiều. Các mối đe dọa vô ích triền miên là đặc trưng của ngoại giao của Mỹ và không có khả năng gây ảnh hưởng đến Trung Quốc. Quan trọng hơn, không thể biện minh cho chiến tranh nếu không có lý do thuyết phục.

Điều đáng chú ý là Mỹ - cụ thể là lãnh thổ, người dân và hệ thống các quyền tự do theo quy định của hiến pháp của nước này - không bị đe dọa tấn công. Vấn đề là Mỹ tiếp tục coi Đông Á là khu vực thuộc phạm vi lợi ích của họ. Việc đe dọa nhiều khả năng hơn sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiến hành các hành động có vũ trang vì không nước nào muốn bị tổn hại trước sự ép buộc của Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần sẵn sàng thích nghi với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khi vẫn nỗ lực giảm bớt tác động của nước này.

Các nước đang phải đối mặt với Trung Quốc nên đi đầu trong các mối quan hệ. Điều này có nghĩa là đánh giá cẩn thận tác động của sự phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh, nguy cơ dựa vào các công nghệ và công ty Trung Quốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng năng lực ngay cả khi quy mô quân đội vẫn ở mức khiêm tốn. Giống như quân đội Trung Quốc đang tiếp tục phát triển năng lực chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD) để ngăn ngừa Mỹ can thiệp vào khu vực, các nước láng giềng của Trung Quốc cũng nên gia tăng cái giá mà họ phải trả cho hành vi xâm lược của mình. Mỹ nên hạn chế vai trò của bản thân, hỗ trợ các nước thân thiện có tầm quan trọng duy trì độc lập chứ không đảm bảo duy trì lợi ích của họ.

Một cách tiếp cận như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến lời kêu gọi thực hiện những hành động nhượng bộ từ những nhân vật theo đường lối cứng rắn trong đảng Cộng hòa như không tùy ý ném bom, xâm lược và chiếm đóng một nước đối địch. Tuy nhiên, trong tương lai, khả năng răn đe của Trung Quốc sẽ lớn hơn khả năng ép buộc của Mỹ. Xét tới những thách thức kinh tế và tài chính lớn mà Mỹ phải đối mặt - thâm hụt ngân sách có thể vượt quá 4.000 tỷ USD vào năm 2020 và 2.000 tỷ USD vào năm 2021, việc hy vọng nước này có thể duy trì mãi một quân đội có khả năng đánh bại mọi quốc gia trên thế giới ngay trên lãnh thổ của họ là viển vông.

Chính sách Mỹ-Trung đòi hỏi một chiến lược nghiêm túc, bền vững, chứ không phải một chiến lược chắp vá trong chiến dịch tranh cử tổng thống để cứu lấy một chính quyền thất bại. Chiến lược đó có vẻ hấp dẫn vì sự thù địch của người dân đang gia tăng - gần 1/4 người Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù chính của Mỹ, chỉ sau Nga. Tuy nhiên, ngay cả khi cách tiếp cận này có hiệu quả chính trị như mong muốn, thì Mỹ và các nước khác cũng có thể sẽ phải trả giá đắt. Việc đối xử với Trung Quốc như kẻ thù có nguy cơ khiến người dân Trung Quốc trở nên đoàn kết trong nhiều năm tới. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không đủ sức theo đuổi một cuộc chiến tranh mới. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải nỗ lực hơn.

Hồng Quyên giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 06/07/2020
Doug Bandow - thành viên cao cấp tại Viện Cato, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan. Bài viết được đăng tải trên Foreign Policy.