Hong Kong: ‘Cần quốc tế ủng hộ nhưng ông Trump không quá quan trọng’ (Bùi Thư)

"Nhưng việc người ta ghét Trung Quốc không đồng nghĩa là có lợi cho Hong Kong. Chỉ khi người ta đứng lên vì nhân quyền, vì tự do dân chủ, thì điều đó mới có lợi cho Hong Kong", Jeffrey Ngo giải thích thêm. 






Jeffrey Ngo (thứ hai từ bìa phải) cùng Joshua Wong và ca sĩ Denis Ho gặp gỡ bà Nancy Pelosi để vận động ở Mỹ Bản quyền hình ảnh JEFFREY NGO
Image caption Jeffrey Ngo (thứ hai từ bìa phải) cùng Joshua Wong và ca sĩ Denis Ho gặp gỡ bà Nancy Pelosi (chủ tịch Hạ viện) khi vận động cho Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ ở Mỹ năm 2019.
Một nhà hoạt động nói rằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho cuộc đấu tranh dân chủ tại Hong Kong là cực kỳ cần thiết, nhưng "vai trò của ông Donald Trump không quá quan trọng."

"Đã có nhiều thành công trong việc kêu gọi quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân Hong Kong, lớn nhất nhất phải kể đến việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong 2019. Đạo luật này vốn được đề xuất từ hồi phong trào dù vàng nổ ra năm 2014, và phải mất 5 năm mới thông qua", Jeffrey Ngo từ phong trào Demosisto chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 11/6.

Demosisto ra đời năm 2016, ban đầu được thành lập như một chính đảng nhưng bị chính quyền cấm tham gia tranh cử. Sau đó, các thủ lĩnh quyết định chuyển tổ chức này thành một phong trào để tiếp tục công cuộc đấu tranh dân chủ cho đặc khu.

Jeffrey, với vị trí là trưởng ban nghiên cứu (chief researcher) của Demosisto, nằm trong số các nhân vật chủ chốt của phong trào, là đồng tác giả của dự án "Giải mã lịch sử Hong Kong" nhằm thu thập và số hóa các tài liệu về đặc khu từ các thư khố khắp thế giới.
Hiện Jeffrey Ngo đang theo chương trình tiến sĩ tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington DC, Mỹ.

'Ông Trump không quá quan trọng'

Trong nhiều năm qua, các nhà hoạt động Hong Kong đã không ngừng tận dụng cơ hội để vận động sự ủng hộ từ các chính phủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.
"Bởi vì Hong Kong là một trung tâm giao thương quốc tế, việc duy trì nền tự do ở đây là quan trọng cho cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ riêng cho đặc khu này. Các cam kết trong Tuyên bố chung Trung - Anh cũng chịu những ràng buộc quốc tế. Điều này có nghĩa chuyện ở Hong Kong không chỉ là vấn đề nội bộ như Bắc Kinh nói, mà là một vấn đề quốc tế", Jeffrey Ngo chia sẻ. 

"Việc kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng cam kết là điều cần thiết", ông nhấn mạnh.

Theo Jeffrey Ngo, cuộc đấu tranh của người dân Hong Kong đến nay đã nhận được sự ủng hộ cụ thể từ cộng đồng quốc tế.

"Mới đây, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trình báo cáo trước Quốc hội Mỹ, trong đó nói rằng Hong Kong đã mất quyền tự trị, do đó sẽ không còn nhận được quy chế đặc biệt nữa. Với những điều này, chúng ta sẽ thấy việc Mỹ sẽ có nhiều hạn chế hơn đối với Trung Quốc và Hong Kong, ví dụ họ sẽ không bán các thiết bị như đạn cao su, hơi cay,… cho cảnh sát Hong Kong sử dụng để trấn áp người biểu tình", Jeffrey Ngo cho biết.

Ông chia sẻ thêm: "Hiện Thượng nghị sĩ Ben Sasse đại diện cho tiểu bang Nebraska cũng đề xuất dự luật cấp thẻ xanh cho cư dân Hong Kong thoát ly khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc. Như vậy, chỉ riêng tại Mỹ đã có nhiều chuyển động đáng kể, tạo áp lực cho Bắc Kinh. Từ phía Anh quốc cũng có những động thái khả quan, trong đó có việc mở cơ hội cho người Hong Kong sang sống ở Anh. Các quốc gia như Canada, New Zealand, Úc cũng đã có sự ủng hộ theo nhiều cách khác nhau". 

"Hiện nhóm G7 cũng gia tăng áp lực đối với với Trung Quốc liên quan tới luật An ninh Quốc gia. 

Điều này cho thấy áp lực quốc tế dồn lên Bắc Kinh là rất lớn", ông nhận định.
Mặc dù nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế nói chung và từ các cường quốc phương Tây nói riêng, nhưng Jeffrey Ngo cho rằng không nên đặt nặng vào vai trò của Tổng thống Mỹ.

"Chúng tôi vận động cả hai đảng tại Washington DC ủng hộ cho Hong Kong. Tôi không nghĩ vai trò của ông Donald Trump quá quan trọng. Theo tôi, có hay không có ông Trump, thì đại bộ phận người Mỹ cũng nhận được tầm quan trọng của việc đứng lên chống lại sự bạo ngược của Trung Quốc", ông đánh giá.
Jeffrey Ngo cùng Joshua Wong, Agnes Chow, Nathan Law và Derek Lam ở London Bản quyền hình ảnh Jeffrey Ngo
Image caption Jeffrey Ngo cùng Joshua Wong, Agnes Chow, Nathan Law và Derek Lam ở London.
Theo nhà hoạt động Jeffrey Ngo, trong đại dịch Covid-19, khi có quá nhiều chỉ trích đối với Trung Quốc trong vấn đề minh bạch về nguồn gốc và tình trạng dịch bệnh, người ta càng nhìn ra vai trò của Hong Kong như là một người tiên phong chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. 

"Nhưng việc người ta ghét Trung Quốc không đồng nghĩa là có lợi cho Hong Kong. Chỉ khi người ta đứng lên vì nhân quyền, vì tự do dân chủ, thì điều đó mới có lợi cho Hong Kong", Jeffrey Ngo giải thích thêm. 

"Chẳng hạn ông Trump, dù có vẻ ông ấy chống Trung Quốc, nhưng ông ấy không ủng hộ nhân quyền. Và đối với chúng tôi, những nhà vận động nhân quyền, thì điều đó là rất đáng quan ngại". 

Jeffrey nói rằng đó là lý do tại sao Demosisto nhấn mạnh tính lưỡng đảng trong khi vận động ủng hộ Hong Kong tại Washington DC. 

"Chúng ta sẽ thấy các nhân vật của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đứng ra bảo vệ nhân quyền, cất tiếng ủng hộ Hong Kong. Cho nên, tóm lại, việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Hong Kong nhiều hay ít sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc họ ủng hộ nhân quyền nhiều hay ít", ông giải thích.

Về làn sóng biểu tình Black Lives Matter (Mạng sống người da đen quan trọng) đang tiếp diễn tại Mỹ, mới đây, Joshua Wong, một thủ lĩnh của Demosisto, đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh đòi bình đẳng cho người da đen. Động thái này đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều.

Về điều này, Jeffrey Ngo cho biết: "Với tư cách là một phong trào dân chủ, nhân quyền, Demosisto ủng hộ cuộc đấu tranh Black Lives Matter. Và theo tôi quan sát, nhiều người Hong Kong cũng như vậy".

'Luật An ninh quốc gia rất nguy hiểm'

Vào cuối tháng 5, Quốc hội Trung Quốc thông qua việc bổ sung luật An ninh quốc gia vào Phụ lục III luật Cơ bản Hong Kong. Bước đi này được nhiều nhân vật đấu tranh dân chủ tại đặc khu gọi là dấu chấm hết cho cơ chế "một quốc gia, hai chế độ". 

Jeffrey Ngo chia sẻ với BBC: "Chuyện này bắt đầu theo một cách thức phi dân chủ. Đó là việc dự luật An ninh quốc gia, khi không thể thông qua tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong, đã được Quốc hội Trung Quốc thông qua. Sau đó họ đưa vào Phụ lục III Luật Cơ bản Hong Kong và áp đặt cho chúng tôi".
Bà Carrie Lam, đặc khu trưởng Hong Kong phát biểu trong cuộc họp ngắn vào ngày 3 tháng 6 năm 2020 về luật an ninh quốc gia. Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Bà Carrie Lam, đặc khu trưởng Hong Kong phát biểu trong cuộc họp ngắn vào ngày 3 tháng 6 năm 2020 về luật an ninh quốc gia.
"Trong dự luật an ninh mà vừa thông qua, có việc cấm các hoạt động như phản quốc, lật đổ, nổi loạn. Các tổ chức nhân quyền, vận động dân chủ tại Hong Kong như chúng tôi có thể bị liệt vào nhóm đó một khi luật này có hiệu lực vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7", ông nêu rõ.

Tại Trung Quốc, chính quyền thường sử dụng các 'nhãn' này để chụp mũ và để trấn áp người bất đồng chính kiến. Ở Hong Kong, có thể thấy một viễn cảnh như vậy.

"Dù phía chính quyền nói rằng luật mới không ảnh hưởng tới 99,99% dân chúng, chỉ những kẻ bạo loạn, lật đổ, phản quốc mới là đối tượng trừng phạt. Nhưng thực tế thế nào? Những cái 'nhãn' này có thể được dùng để chụp cho các nhà hoạt động, chính trị gia, nhà lập pháp đối lập. Cho nên nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới xã hội dân sự Hong Kong", Jeffrey nói.
Và ông kết luận: "Tôi cho rằng sự ban hành luật này là một đòn nặng giáng vào nền tự do Hong Kong, nặng nhất kể từ khi chuyển giao vào năm 1997".

Độc lập, tự trị hay thân Bắc Kinh?

Các thủ lĩnh sinh viên hoặc các phong trào đòi dân chủ, tự do như Demosisto luôn nhấn mạnh rằng họ không có mục tiêu ly khai khỏi Trung Quốc để tìm kiếm một nền độc lập cho Hong Kong. Tuy nhiên, trong khoảng một thập niên qua, tinh thần độc lập ngày một lan tỏa tại đặc khu này.

"Cá nhân tôi không chủ trương độc lập. Demosisto cũng không vận động cho điều đó", Jeffrey Ngo cho biết. 

"Nhưng trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, cảm hứng độc lập đã lan tỏa khá mạnh ở Hong Kong. Điều đó là bởi ngày càng có nhiều người nhận ra những bất cập trong cơ chế 'một quốc gia, hai chế độ', nhận ra Bắc Kinh không tôn trọng nền dân chủ của Hong Kong và những cam kết với Anh khi chuyển giao".

"Điều thôi thúc người ta muốn thoát ly khỏi Trung Quốc đó là vì họ không thấy một tương lai dân chủ tự do một khi Hong Kong hòa nhập vào Trung Quốc", ông giải thích thêm.

Ông cũng nói rằng những người vận động cho độc lập hiện không nhiều, nhưng nếu tình hình này tiếp diễn, con số đó sẽ tăng lên. 

"Cần lưu ý là một khi luật An ninh quốc gia được ban hành, các hành động đó sẽ bị liệt vào tội phản quốc", ông chia sẻ. "Theo quan sát của tôi, trước năm 2014, tư tưởng độc lập không có, nhưng sau đó thì tăng lên mỗi ngày. Nếu Bắc Kinh tôn trọng đúng các cam kết về quyền tự trị tại Hong Kong, tôi cho rằng người ủng hộ độc lập sẽ thấp".
Jeffrey Ngo dùng âm nhạc cùng bạn bè để kêu gọi dân chủ cho Hong Kong ở Mỹ năm 2016. Bản quyền hình ảnh Jeffrey Ngo
Image caption Jeffrey Ngo dùng âm nhạc cùng bạn bè để kêu gọi dân chủ cho Hong Kong ở Mỹ năm 2016.
Jeffrey cũng chia sẻ về việc có nhiều người, bao gồm cả chính giới, doanh giới lẫn dân thường nghiêng về phía Bắc Kinh. 

"Đầu tiên phải kể đến những chính đảng thân Trung Quốc, họ có hệ tư tưởng thân Trung Quốc, hoặc là các nhóm nghiệp đoàn. Các đảng phái này luôn ủng hộ Bắc Kinh, bỏ phiếu theo các hướng mà Bắc Kinh mong muốn. Họ đại diện cho lợi ích Bắc Kinh tại đây. Họ không khác gì các lãnh đạo tại Bắc Kinh. 

"Thứ hai là doanh giới. Cộng đồng doanh nghiệp thường có xu hướng ủng hộ các chính sách của Bắc Kinh. Có những lúc họ có khác biệt, chẳng hạn doanh giới cũng chống dự luật An ninh Quốc gia". 

Theo Jeffrey Ngo, việc luật An ninh quốc gia sắp được ban hành cùng với các biện pháp siết chặt kiểm soát của Bắc Kinh đặt Hong Kong vào một tương lai bất định. 

Nguồn tin: BBC Tiếng Việt