Việt Nam khó thu hút các nhà đầu tư phương tây! (Diễm Thi)


Lợi thế công nhân giá rẻ hiện nay không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam nữa. Đó chỉ là lợi thế tạm thời, trong khi những yếu tố căn bản như hệ thống luật lệ, chính sách minh bạch … vẫn là những điều kiện cần thiết để tạo niềm tin đối với nhà đầu tư thì chúng ta lại không có. Đảng CSVN kiên quyết duy trì sự cai trị độc tài của họ lên người dân, nên những yếu tố để xây dựng một xã hội dân sự ổn vững là điều họ sẽ không làm và cũng không thể làm.





Tổng thống Pháp Jacques Chirac, đệ nhất phu nhân Bernadette và bộ trưởng tài chính Thierry Breton trong ngày khởi công xây dựng nhà máy Peugeot-Citroen tại thành phố Vũ Hán, 27 tháng 10 năm 2006.




27 công ty Mỹ sẽ di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia. Địa điểm di dời các nhà máy Mỹ sẽ là khu vực rộng 4.000 hecta ở Công viên công nghiệp Brebes tại tỉnh Trung Java. Mạng tin Policy Times cho biết như vừa nêu.

Thông tin này khiến nhiều người Việt Nam quan tâm bởi ngay khi có thông tin các công ty nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, sẽ rời Trung Quốc trong tương lai, Việt Nam cũng hy vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn.

Cậu Ba, một doanh nhân Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực thực phẩm, chia sẻ với RFA qua ứng dụng facebook messenger về việc này sáng 20/5:

“Indonesia rất nhạy trong việc lobby (vận động). Cũng có thể do chiến tranh thương mại nên những công ty kia đã chuẩn bị trước. Indonesia là nước cũng có chữ cái alphabet như Việt Nam nhưng cơ sở hạ và thượng tầng tốt hơn. Điều đáng lưu ý là Việt Nam bị vấn nạn các công ty Trung Quốc núp bóng làm mất uy tín.”

Khác với nhiều nền kinh tế tại châu Á, Indonesia không dựa hoàn toàn vào xuất khẩu. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa.
Cái ít tốn kém nhất là phải cải thiện về mặt quản lý nhà nước, tức là luật pháp phải nghiêm chỉnh. Nhưng cái này lại đụng vào chuyện độc quyền của đảng CSVN nên không phải dễ. - Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Việt Nam đừng có hy vọng thu hút được nhiều công ty Mỹ về vì nhiều yếu tố. Đầu tiên là cơ sở hạ tầng, đường xá, bến cảng, số nhân công, tay nghề công nhân, hệ thống pháp lý, pháp luật… trong khi Indonesia là một nước dân chủ, dân số đông gấp hai lần rưỡi dân số Việt Nam và nền kinh tế Indonesia lớn gấp 4 lần kinh tế Việt Nam hiện nay. Ông phân tích thêm:

“Cái ít tốn kém nhất là phải cải thiện về mặt quản lý nhà nước, tức là luật pháp phải nghiêm chỉnh. Nhưng cái này lại đụng vào chuyện độc quyền của đảng CSVN nên không phải dễ. Phải cải cách thể chế về mặt kinh tế và cả về mặt chính trị. Quan trọng hơn là phải tăng cường đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề.

Mình cố gắng hết sức nhưng hy vọng vào chuyện các nước chuyển dịch khỏi Trung Quốc vào Việt Nam là chuyện ảo vọng. Phải nhìn vào thực tiễn.”

Với cái nhìn của một doanh nhân đi về Việt Nam kinh doanh thường xuyên, Cậu Ba lạc quan hơn. Theo nhà đầu tư này thì ‘làn sóng’ di chuyển mới chỉ bắt đầu. 27 công ty quyết định nhanh có thể do họ tìm hiểu trước và do Indonesia quá giỏi. Tuy nhiên có hàng ngàn công ty khác cần phải ‘mồi chài’. Đừng nhìn vào con số 27 mà nản chí.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chánh quốc tịch Mỹ, hiện đang làm việc tại Việt Nam cho rằng, quyết định chọn nước nào để đầu tư sau Trung Quốc có lẽ dựa vào tiêu chí riêng của các nhà đầu tư Mỹ. Việc 27 nhà đầu tư Mỹ không chọn Việt Nam hay các nước Đông Nam Á khác mà chọn Indonesia đủ thấy Indonesia có những tiêu chí phù hợp với họ. Ông nói thêm:

“Tiêu chí thứ nhất là luật lệ của nước nhận đầu tư phải đủ thông thoáng để họ đầu tư, làm ăn một cách dễ dàng; tiêu chí thứ hai là họ chọn những quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng yêu cầu khắt khe của họ về mặt kỹ thuật, về mặt kinh doanh; tiêu chí thứ ba là tất cả những chính sách, luật lệ về hối đoái, về đầu tư phải thuận tiện cho các nhà đầu tư cả khi họ vào lẫn khi họ ra. Nhà đầu tư nào cũng quan tâm chiến lược để rút lui (Exit strategy). Không nhà đầu tư nào dại dột đến nỗi chỉ nhắm đường vào mà không có đường thoát.”
Ông Nguyễn Trí Hiếu nêu một vấn nạn mà một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, xem nhẹ và coi đó là một điều kiện kinh doanh không chính thức, chi phí được xem như chi phí đầu tư, đó là vấn nạn tham nhũng.

Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 23 tháng 3 năm 2019.
Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 23 tháng 3 năm 2019. AFP
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra, tiếp theo là đại dịch Covid-19, không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng có kế hoạch chuyển các nhà máy ở Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.
Indonesia là nước có nhiều động thái giữ chân các công ty đa quốc gia của Mỹ khi tổ chức các cuộc trao đổi trực tiếp với Tổng thống Trump cùng những người đứng đầu các công ty Mỹ…

Chính phủ Nhật Bản gần đây đã dành 2,2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế 992 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc. Việt Nam là một nước Đông Nam Á. Việt Nam phải làm gì để kéo các công ty muốn rời Trung Quốc?

Nhà kinh doanh, Cậu Ba, nêu ý kiến qua ứng dụng facebook messenger:

“Tìm hiểu thật kỹ công ty họ cần gì, muốn gì để cho họ cái đó và hơn thế nữa. Không khó nhưng dĩ nhiên không dễ. Cứ giảm thuế đi. Tạo mọi điều kiện. Giờ là lúc giải quyết lao động dôi dư và nâng tầm công ty nhỏ và vừa lên làm sub contract.
Tóm lại, cho dù có dịch chuyển công việc từ Trung Quốc qua thì nó vẫn nằm trong tầm trung và dài hạn. Việt Nam hãy ‘quét dọn nhà sạch sẽ, châm trà tiếp khách’. Nếu Việt Nam không khôn ngoan để mở rộng cửa và tạo điều kiện triệt để để cạnh tranh thì mất cơ hội vàng.

Tại phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ. Báo cáo cho biết thời gian qua, quan hệ đối ngoại của Việt Nam được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch COVID-19 và đã được đánh giá cao. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng.
Tóm lại, cho dù có dịch chuyển công việc từ Trung Quốc qua thì nó vẫn nằm trong tầm trung và dài hạn. Việt Nam hãy ‘quét dọn nhà sạch sẽ, châm trà tiếp khách’. Nếu Việt Nam không khôn ngoan để mở rộng cửa và tạo điều kiện triệt để để cạnh tranh thì mất cơ hội vàng. - Nhà kinh doanh, Cậu Ba
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính cho rằng, muốn thu hút các công ty nước ngoài đến Việt Nam thì phải tạo điều kiện kinh doanh tốt và lành mạnh.

“Với cơ hội COVID-19 thì chính phủ Việt Nam cũng đang hy vọng. Nhưng để hy vọng trở thành hiện thực thì phải rà soát lại xem những điều kiện gì, như yêu cầu gì mà các doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ họ cần. FTA được Quốc Hội thông qua và thực thi thì đó là điều kiện thúc đẩy thể chế của Việt Nam để làm sao phù hợp, cho tương đồng thì mới thu hút nguồn vốn đầu tư đặc biệt từ Mỹ.”

Cũng trong phiên họp hôm 15/5/2020, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các kịch bản vực dậy nền kinh tế và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững sau dịch.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A kết luận rằng, Việt Nam muốn đi nhanh, thay đổi nhanh cũng không thể được. Ví dụ cải cách về giáo dục cần phải nhiều năm; xây dựng hạ tầng cơ sở cũng cần nhiều thời gian và tiền bạc. Cải cách thể chế và sửa đổi luật pháp nhìn có vẻ dễ nhưng cũng rất khó bởi vì đụng đến bao nhiêu lợi ích của nhóm này, nhóm kia bên trong đảng CSVN.

Lợi thế công nhân giá rẻ hiện nay không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam nữa. Đó chỉ là lợi thế tạm thời, trong khi những yếu tố căn bản như hệ thống luật lệ, chính sách minh bạch … vẫn là những điều kiện cần thiết để tạo niềm tin đối với nhà đầu tư.

Nguồn tin: RFA Tiếng Việt