Bán đảo Cam Ranh                @you tube
Bán đảo Cam Ranh @you tube
Ý tưởng này thường được nêu ra mỗi khi Trung Quốc có những hành động hung hăng ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo quan điểm của giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc Phòng Úc, trên báo mạng The Diplomat ngày 06/05/2020, khả năng này là ít xảy ra do chính sách quốc phòng từ cả hai phía.

Việt Nam với chính sách « Ba Không »

Chuyên gia người Úc ghi nhận từ hơn một thập niên gần đây, số lần tầu chiến Mỹ cập cảng Việt Nam, hoặc để viếng thăm chính thức, hoặc để bảo trì, sửa chữa ngày càng nhiều. Và nhất là năm 2016, ba tầu chiến Mỹ đã ghé thăm cảng Cam Ranh, bên cơ sở dân sự.
Những sự kiện này cùng với việc chính quyền Philippines dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte tìm cách chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự (EDCA) đã làm rộ lên nhiều lời đồn đoán cho rằng Hoa Kỳ đang nhắm đến việc tiếp cận các cơ sở cảng biển ở Cam Ranh cũng như là các đảo đá của Việt Nam ở Biển Đông.

Thế nhưng, theo giáo sư Carlyle Thayer, khả năng này bị hạn chế vì chính sách « Ba Không » của Việt Nam, nghiêm cấm việc cho thuê cảng Cam Ranh hay các đảo đá ở Biển Đông.

Sách Trắng Quốc Phòng có từ năm 1998 ghi rõ : « Không liên kết với một quốc gia này để chống lại một nước khác ; Không đối đầu và tấn công bất kỳ quốc gia nào ; và Không tham gia bất kỳ liên minh quân sự cũng như một hoạt động quân sự nào ».
Tuy Sách Trắng năm 2019 lại có đoạn ghi rằng « Tùy theo tình hình và những điều kiện cụ thể, Việt Nam có thể phát triển các mối quan hệ quân sự cần thiết và phù hợp với các nước khác… », nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ thay đổi chính sách đối ngoại và quân sự trong một sớm một chiều.

Hoa Kỳ : « Places not bases »

Về phần mình, nước Mỹ từ lâu vẫn chủ trương có các « điểm tiếp nhận chứ không phải là lập căn cứ » (places not bases). Căn cứ có vị trí cố định dễ bị tấn công, trong khi điểm tiếp nhận cho phép Hoa Kỳ có nơi trú ẩn vào những thời điểm quan trọng như thảm họa thiên nhiên hay một cuộc khủng hoảng. Có nhiều khả năng Hoa Kỳ tìm cách cho các tầu chiến thường xuyên cập cảng Việt Nam hơn là thuê một cơ sở để làm căn cứ tiếp tế.
Hoa Kỳ cho rằng không nhất thiết phải có một « trạm dừng » giữa Singapore và Đài Loan. Bởi vì, Mỹ đã có nhiều căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương như Yokosuka ở Nhật Bản, đảo Guam hay như ở Hawai. Và nhất là các tầu chiến của Mỹ có khả năng nhận tiếp tế ngay trên biển.

Trong bối cảnh những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hăng, đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông, chính quyền Hà Nội và Washington đã có các cuộc đàm phán nhằm nâng cao mối quan hệ đối tác từ toàn diện lên thành chiến lược.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Carl Thayer, chính phủ Việt Nam vẫn sẽ tỏ ra cực kỳ cẩn trọng trong việc áp dụng bất kỳ một sự thay đổi nào đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng dài hạn trong kỳ đại hội Đảng lần thứ 13, dự kiến diễn ra trong quý I năm 2021.

Chủ trương « đa dạng hóa và đa phương hóa » sẽ tiếp tục được duy trì trong quan hệ với các cường quốc. Do vậy, sẽ không có chuyện Việt Nam liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc. Điều này cũng giải thích vì sao Việt Nam khó có thể cho Hoa Kỳ thuê cảng Cam Ranh hoặc một số đảo ở Biển Đông lâu dài làm căn cứ tiếp tế hay trạm dừng. 

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt