Có những sự kiện nhỏ nhưng đủ để khẳng định một thực trạng lớn. Án oan kéo dài 13 năm cho Hồ Duy Hải là minh họa đậm nét cho tình trạng bất công về luật pháp dưới chế độ CSVN. Câu nói công lý chỉ một diễn viên hài vừa có tính châm biếm, vừa chua xót vì nó phản ánh đúng một điều về hiện trạng ổn định tập đoàn cầm quyền hiện nay. Luật pháp và công lý bị bóp méo bởi quyền lực của một nhóm người sống bên trên xã hội, cai trị người dân như một lực lượng chiếm đóng. Phẩm giá và quyền con người không phải là ưu tư của chế độ này.
Hình minh hoạ. Bà Nguyễn Thị Loan kêu oan cho con là tử tù Hồ Duy Hải và bài báo về tử tù Hồ Duy Hải
Courtesy of FB
Oan án kéo dài 13 năm, đơn kêu oan chất chồng, Nghị sĩ Mỹ,
EU, các tổ chức nhân quyền thế giới, nhiều lần lên tiếng. Ủy Ban Tư Pháp
Quốc Hội giám sát, kiến nghị nhưng Tòa và Viện Kiểm sát Nhân dân tối
cao khăng khăng không kiến nghị. Văn Phòng Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng ra văn bản, lập tức gió đổi chiều. Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ
phải chủ tọa Giám Đốc Thẩm bản án mà Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình từng ký
quyết định không kháng nghị. Chánh án sẽ tự vả mồm mình hủy án hay dám
“lật kèo”, trái lệnh Tổng Chủ?
Theo thông tin của TAND TC, phiên xử giám đốc thẩm kỳ án Hồ Duy
Hải sẽ bắt đầu từ ngày 6-5 và kéo dài 3 ngày, do ông Nguyễn Hòa Bình,
Chánh án TAND TC làm chủ tọa. Ngoài các ủy viên của hội đồng thẩm phán
TAND TC và đại diện Viện KSND TC, TAND TC và đại diện các cơ quan tố
tụng của tỉnh Long An, tòa còn mời Luật sư Trần Hồng Phong người hỗ trợ
pháp lý kêu oan cho Hồ Duy Hải trong suốt 10 năm qua.
Thoát chết phút 89
Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về các tội “giết người,
cướp tài sản” bằng những bằng chứng con dao và cái thớt mua từ ngoài
chợ. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả hai cấp sơ, phúc thẩm đều vi phạm
nghiêm trọng. Ngay từ sơ thẩm, Luật sư Nguyễn Văn Đạt (người bào chữa
cho Hồ Duy Hải tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm) và bị cáo Hải đã
kêu oan với đầy đủ lý lẽ, chứng cứ, nhưng không được đoái hoài.
Cuối năm 2009, luật sư Nguyễn Văn Đạt gửi đơn đề nghị giám đốc
thẩm cho phạm nhân Hồ Duy Hải. TANDTC và VKSNDTC gửi văn bản trả lời
luật sư Đạt là đã xét xử đúng người đúng tội. Trước nền công lý tối tăm
ấy, Luật sư Đạt vẫn kiên trì hàng tháng đều đặn ra bưu điện liên tục gởi
đơn kêu oan cho đến lần thứ 36. Sau đó là sự tiếp nối song song với
Luật sư Trần Hồng Phong cho đến khi anh lâm bệnh phải đi định cư ở nước
ngoài.
Riêng thời gian yêu cầu kháng nghị Giám đốc thẩm đến thời điểm
có quyết định kháng nghị là 10 năm, sự kiên trì bền bỉ của gia đình Hồ
Duy Hải và các Luật sư vấp phải áp lực vô cảm, vô tri, tàn bạo kinh hồn
của các cơ quan tố tụng. Một đồng nghiệp đã tóm tắt tiến trình pháp lý
trên Facebook của LS Trần Hồng Phong như sau:
-Ngày 24/10/2011: Viện trưởng Viện KSND tối cao ra Quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm; -Tháng 1/2012, luật sư Trần Hồng Phong (theo yêu cầu của gia
đình Hồ Duy Hải) tiếp tục gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm cho Hồ Duy Hải; -Tháng 4 và 5 / 2012, TANDTC và VKSNDTC cho rằng đã xét xử đúng người đúng tội; - Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước bác đơn ân giảm án tử hình đối với Hồ Duy Hải; -Ngày 24/11/2014, Hội đồng thi hành án ra quyết định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5/12/2014. -Ngày 25/11/2014, cán bộ TAND tỉnh Long An đến nhà, thông báo
cho gia đình Hải về việc nhận xác con sau tử hình. Bà Nguyễn Thị Loan,
mẹ Hải, lại một lần ra Hà Nội gửi đơn kêu cứu. -Ngày 4/12/2014, Báo chí đồng loạt đưa tin về việc sắp thi hành
án đối với Hồ Duy Hải, dư luận xã hội đề nghị cân nhắc, xem xét lại để
tránh oan sai. Gia đình Hải gửi đơn xin hoãn thi hành án. Luật sư Trần
Văn Tạo và Trần Hồng Phong gửi đơn khẩn đến Văn phòng chủ tịch nước và
Chánh án TANDTC đề nghị hoãn thi hành án và xem xét giám đốc thẩm.
Trong ngày 04/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông
báo tới các cơ quan chức năng về việc Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận
được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án TAND,
Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An
tạm dừng thi hành án, để xem xét thật kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng
một con người. Đến khoảng 12h trưa, Hội đồng thi hành án thông báo việc
tạm hoãn thi hành án tử hình (Phó chánh án ghi vào sau Đơn của gia
đình). Cần nói thêm, Hồ Duy Hải may mắn kéo dài cuộc sống đến năm 2014
là do chờ hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi thi hành án tử hình từ bắn
sang tiêm thuốc.
Có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đồi bản chất vụ án!
Theo yêu cầu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đoàn giám sát
liên ngành VKSNDTC, TANDTC và Bộ Công an đã giám sát vụ án này. Tháng
3/2015, đoàn kết luận cho rằng việc kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải về
các tội danh trên là “có căn cứ pháp luật, quá trình điều tra còn có
một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Tử tù Hồ Duy Hải tại một phiên toà trước đây Courtesy of congly.vn
Song song đó, Ủy Thường vụ Quốc hội cũng có chương trình giám
sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố
tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt
động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” trong đó có vụ án Hồ
Duy Hải. Báo cáo kết quả giám sát ngày 20 tháng 5 năm 2015 của Ủy Ban Tư
Pháp cho thấy, việc giải quyết vụ án này có nhiều thiếu sót, vi phạm
như quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ
những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân như cái thớt,
chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra đó là hung khí vụ án
thì cái thớt, con dao đã bị thất lạc không tìm lại được; chiếc ghế thu
giữ sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh
trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh hiện trường; kiểm tra việc sử dụng
thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ;
một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa nhưng không
có chữ ký xác nhận của người khai; động cơ, mục đích giết người nêu
trong kết luận của các cơ quan tố tụng chưa phù hợp với diễn biến vụ án.
Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của
kết quả điều tra, truy tố, xét xử. (1)
Nhưng ngay trên diễn đàn Quốc hội, Chánh án TAND TC Trương Hòa
Bình, Viện trưởng VKSND TC Nguyễn Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Công an Lê
Quý Vương vẫn giữ lập trường “quá trình điều tra còn có một số vi phạm,
thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” và án tử tiếp tục
treo lơ lửng trên đầu Hồ Duy Hải.
Theo pháp chế thì Tố Tụng Hình sự là khuôn thước không thể sai
lệch, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Tư Pháp thời đó đã nhấn mạnh
tại Quốc hội “chỉ cần sai một điểm phải hủy án, bản án này sai hàng chục
điểm”. Nhưng phát biểu này bị chìm trong im lặng. Cần lưu ý, thời điểm
này sắp diễn ra đại hội 12 của Đảng. Trương Hòa Bình có cơ cấu vào Bộ
Chính trị, Nguyễn Hòa Bình có cơ cấu vào UVTƯ, Hồ Duy Hải phải chết để
bản thành tích các quan chức này sạch đẹp?
Sắp đến đại hội 13, gió đổi chiều?
Sau 4 năm kể từ ngày có kết luận giám sát của UBTVQH, tháng
11/2019, Viện trường VKSNDTC Lê Minh Trí bất ngờ có Quyết định kháng
nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Long An
và Bản án hình sự phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí
Minh; đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc
thẩm, theo hướng HỦY TOÀN BỘ BẢN ÁN SƠ THẨM VÀ PHÚC THẨM đã xét xử Hồ
Duy Hải về tội "giết người","Cướp tài sản" để điều tra lại- Tạm đình chỉ
thi hành Bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải. Quyết định kháng
nghị này thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối
cao đã ban hành tháng 10/2011
Hình minh hoạ. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình Courtesy of thanhtra.com.vn
Quyết định này là tin vui bất ngờ đối với gia đình Hồ Duy Hải
và dư luận nói chung. Nhưng vì sao ông Viện Trưởng Lê Minh Trí dám kháng
nghị, lật ngược lại quyết định của người tiền nhiệm giờ đã là UVTƯ,
Chánh án TC, đặc biệt là Trương Hòa Bình Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó TT
thường trực phụ trách nội chính?
Một tháng trước đó, trên RFA có bài “Hồ Duy Hải: cơ hội cuối
đời của Nguyễn Phú Trọng” chỉ mới đặt vấn đề về quyền ân xá của Tổng Chủ
“Quyền ân xá của Chủ Tịch Nước là quyền nhân đạo, không ảnh hưởng đến
tiến trình tư pháp trước đó, không ảnh hưởng đến thành tích, vai vế của
Trương Hòa Bình, Chánh Án TAND Tối cao hay Nguyễn Hòa Bình Viện Trưởng
VKSND Tối cao thời điểm đó.
Năm năm trước, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã làm được điều
chưa có tiền lệ, chỉ đạo Văn phòng Chủ Tịch Nước ra công văn hoãn thi
hành án Hồ Duy Hải vào giờ chót. Một quyết định chấn động dư luận, cứu
sống mạng người đươc dư luận cả nước đồng tình tuy nó chỉ là một ý kiến
nửa vời.
,,,,,Với tuổi tác và sức khỏe hiện nay, ngày ông Trọng rời xa
quyền lực, thậm chí ngày rời xa thế giới này để đi gặp ông Mác, ông Hồ
cũng không còn xa, ký một quyết định nhân đạo cứu sống một thanh niên vô
tội là cơ hội để ông có thể để lại điều gì đó cho sự nghiệp của mình”.
(2)
Trả lời BBC tiếng Việt, Luật sư Trần Hồng Phong cũng cho rằng
“Không loại trừ sự cạnh tranh chính trị “việc vụ án được kháng nghị giám
đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân: trước hết là áp lực
từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các
luật sư (qua đơn từ) - mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý; từ
các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp
quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính
trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất
luận thế nào, thì việc kháng nghị của VKSNDTC thực sự là một tin vui”.
(3)
Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Lê Minh Trí dẫn ra nhiều
căn cứ để ra quyết định nhưng Báo Thanh Niên mới đây thông tin về phiên
Giám đốc thẩm có đưa thông tin mới mà ít người biết được: “Ngày
24.7.2019, Văn phòng Chủ tịch nước (Nguyễn Phú Trọng) có công văn thông
báo ý kiến của Chủ tịch nước đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao và
Chánh án TAND tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo đúng
quy định pháp luật”.(4)
Phải chăng đây là điểm tựa quyền lực để có quyết định kháng
nghị? Gió đã xoay chiều, vụ án sẽ là tình tiết phục vụ cho yêu cầu cơ
cấu nhân sự đại hội 13?
Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ tự xử thế nào?
Theo báo Tuổi trẻ & Đời sống số ra ngày 5-5 ghi nhận, việc
Chánh án Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên tòa làm dư luận băn khoăn. Luất
sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, việc ông
Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao làm chủ tọa một phiên tòa đúng
là điều khá đặc biệt. Trước đây rất hiếm trường hợp đích thân Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao đứng ra làm chủ tọa xét xử một vụ án.
Luật sư Trần Thanh Phong thuộc đoàn Luật sư Cần Thơ nhắc đến
một quy tắc “bất tái cứu” dành cho thẩm phán tòa sơ phúc thẩm, đã xử vụ
án một lần rồi thì sẽ không đươc ngồi xử lần thứ 2. Năm 2011, ông Nguyễn
Hòa Bình là Viện trưởng Viện KSND TC, từng ra quyết định không kháng
nghị (ngày 24/10/2011) theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì
cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội. Không rõ
nguyên tắc này có áp dụng cho tòa TC không?
Tương tự, trang Báo Mới cũng có bài đăng ý kiến soi rọi thêm
khía cạnh tố tụng, rằng việc ông Chánh án TAND Tối cao ngồi ghế chủ tọa
trong phiên xử sắp tới có phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều
53 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS 2015) hay không... Bởi vào thời điểm
tháng 10-2011, khi giữ chức vụ Viện trưởng VKSND Tối cao, ông Nguyễn Hòa
Bình đã ban hành quyết định không kháng nghị vụ án này...
Cũng theo bài viết này, TS Võ Thị Kim Oanh (nguyên trưởng khoa
luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP. HCM) nêu quan điểm: Đầu tiên, cần phải
khẳng định ngay là ông Bình không tham gia xét xử sơ thẩm (tòa tỉnh Long
An) và phúc thẩm (tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. HCM) đối với vụ án
Hồ Duy Hải.
Như vậy, điều cần xác định ở đây là ông Bình có phải đã từng là
người tiến hành tố tụng theo quy định của Điều 53 BLTTHS hay không?
Quyết định không kháng nghị lúc đó của ông Nguyễn Hòa Bình được
kí với vai trò và chức danh Viện trưởng VKSND Tối cao. Đây là các thủ
tục đặc biệt dành riêng cho giám đốc thẩm và tái thẩm, do người có thẩm
quyền theo luật định thực hiện.
Đồng ý rằng, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng là KSV nhưng nếu là
một KSV bình thường, không mang chức danh quản lý (cụ thể là mang các
chức danh có thẩm quyền kháng nghị) thì không thể kí ban hành các quyết
định kháng nghị liên quan đến vụ án. Nên hiểu, việc ông Bình kí quyết định không kháng nghị vụ án
vào thời điểm tháng 10-2011 là với thẩm quyền của Viện trưởng VKSND Tối
cao chứ không phải là một KSV tham gia giải quyết vụ án. (5)
Dù cho là đúng luật, việc ngồi xử Giám đốc thầm bản án mà mình
từng ký quyết định bác kháng nghị khác nào ông Nguyễn Hòa Bình đang tự
vả vào mặt mình? Nhưng dù sao đây cũng là cơ hội để minh oan cho một thanh niên
vô tội, đền trả cho người mẹ, người em, những người dì 13 năm ròng xả
thân đòi công lý. Họ đã khánh kiệt, phải bán hết nhà cửa ruộng vườn đi ở
nhờ nhà người anh. Cầu mong cho ánh sáng hiện ra ở cuối đường hầm.
Nhưng điều cầu mong lớn hơn là thể chế chính trị, nền tư pháp
Việt Nam cần có bước đổi thay cơ bản vì còn Đặng Văn Hiến, Nguyễn Văn
Mạnh, Lê Văn Chưởng những tử tội tương tự Hồ Duy Hải bị kết án oan bởi
những “vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”. Phải
thay đổi làm sao để sinh mạng, quyền tự do của con người phải được tôn
trọng, bảo vệ chứ không là trò chơi, là công cụ của quyền lực.