Đại dịch virus corona, Tập Cận Bình và một Trung Quốc « đỏ máu » (Thụy My)

Những tiếng nói phản kháng sự độc tài chuyên chế của chế độ CSTQ dưới thời Tập Cận Bình ngày càng nhiều hơn bên trong lòng chế độ. Việc dấm dúi thông tin và cản trợ những tiếng nói cảnh báo về một đại dịch từ những y bác sĩ từ chính quyền TQ đã gây tổn thất to lớn về nhân mạng và kinh tế ra toàn cầu, mà không biết đến khi nào mới khắc phục được. Chính quyền trung ương CS Bắc Kinh cố gắng đẩy trách nhiệm sang chính quyền địa phương, kích thích tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan và ra sức tuyên truyền về hình ảnh “anh hùng cứu nhân độ thế” giữa lúc thế giới đang trong giai đoạn cao điểm chống dịch gần đây, cũng không che đậy được khuôn mặt thật của Trung Quốc : một chế độ dân tộc chủ nghĩa và toàn trị, kiểm soát toàn bộ hệ thống quyền lực và từng động thái nhỏ của người dân. 

Ảnh chế Tập Cận Bình và virus corona trên một bức tường ở Hồng Kông, ngày 26/04/2020.


Đại dịch do con virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra, đã làm bộc lộ khuôn mặt thật của Trung Quốc : một chế độ dân tộc chủ nghĩa và toàn trị, kiểm soát toàn bộ hệ thống quyền lực và từng động thái nhỏ của người dân.

Vào tiết thanh minh, Zhang Hai thắp nhang trước bức ảnh thờ của người cha. « Ba ơi, con hối tiếc biết bao nhiêu vì đã đưa ba đến Vũ Hán, chuyến đi này đã làm ba ra đi vĩnh viễn ». Người đàn ông tuổi ngũ tuần đau đớn thầm khấn.

Trong ngày lễ thanh minh hàng năm, người Trung Quốc đến lau dọn mộ phần của tổ tiên, theo truyền thống từ nhiều thế kỷ. Nhưng Zhang Hai chỉ còn có thể khóc với một tấm ảnh.

Người cựu nhân viên ngành địa ốc đã nhận được tro thiêu của người cha Lifa, qua đời vì dịch Covid-19 hôm 01/02 tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Khi ông muốn nhận bình tro quý báu của người cha tại thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, một nhóm cán bộ đã đợi sẵn. Chính quyền buộc mỗi thân nhân người chết phải có hai thành viên đảng ủy địa phương hoặc cơ quan đi kèm đến nhà tang lễ. Ngay cả khóc thương cũng bị giám sát.

Zhang Hai từ chối bị xâm phạm thô bạo vào chuyện riêng tư. « Tôi không muốn có sự hiện diện của họ. Tôi chỉ muốn một mình đi nhận tro của ba tôi thôi, có rất nhiều điều để thổ lộ với ba. Tang lễ là dành riêng cho thân nhân ».

Chế độ đang trong thế thủ

« Điện thoại của tôi bị nghe lén » - người đàn ông giải thích. Ông đã hai lần bị công an đến nhà hăm dọa, ra lệnh không được nói chuyện với báo chí ngoại quốc. Điều này chứng tỏ sự bối rối của chế độ, vào dịp tết thanh minh đầu tiên sau đại dịch. Trên ứng dụng WeChat, ông chia sẻ nỗi lòng với các gia đình khác ở Vũ Hán cũng có người thân qua đời. Nhưng hôm 31/3, công an đã câu lưu người lập ra nhóm chat tưởng niệm người thân này.

Đọc thêm: Virus corona : Trung Quốc ca khúc khải hoàn quá sớm
Theo Le Figaro, đây là phản xạ truyền kiếp của một chế độ đang ở thế thủ, lặp đi lặp lại như một lời nguyền về bi kịch đã làm nạn dịch lan rộng : việc đàn áp các bác sĩ Vũ Hán đã sớm đưa ra lời cảnh báo hồi đầu tháng Giêng như Lý Văn Lượng (Li Wenliang) hay Ngải Phân (Ai Fen), khi họ sững sờ nhận ra các bệnh nhân viêm phổi tăng vọt từ cuối 2019. Trong suốt ba tuần sau đó, chính quyền cộng sản bóp nghẹt thông tin, để cho dịch bệnh lan tràn mà không một người dân nào hay biết.

Sự chậm trễ này đã cướp đi sinh mạng người cha của Zhang. Ông cụ đã trên 70 tuổi, tàn tật sau khi bị té ở Thâm Quyến (Shenzhen) ở miền nam, nơi ông cư ngụ cùng với con trai, và Zhang quyết định đưa ông về nguyên quán ở thành phố Vũ Hán cách đó 1.000 km. Tại đây, người cựu binh từng tham gia chương trình nguyên tử có thể được chữa trị miễn phí ở bệnh viện quân đội. Giờ đây Zhang cay đắng hối hận về quyết định này.

Vài ngày sau khi phẫu thuật thành công, ông cụ bỗng bị sốt, và cuối cùng được chẩn đoán dương tính với Covid-19. Chỉ hai ngày sau ông qua đời. « Ba tôi đã bị nhiễm virus ở bệnh viện ! Tôi phẫn nộ vì điều đó. Nếu họ công bố sự thật, chẳng bao giờ tôi đưa ông về Vũ Hán » - Zhang tố cáo, đòi hỏi chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Đại dịch là thảm kịch tàn phá « giấc mộng Trung Hoa » của Tập Cận Bình, người đã tái thúc đẩy tinh thần dân tộc chủ nghĩa kể từ khi lên nắm quyền năm 2013. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng hôm 07/02 đã làm nổ ra một trận sóng thần phẫn nộ trên mạng, khiến đội quân kiểm duyệt bị quá tải trong một thời gian ngắn. Đã quen giám sát từ ly từng tí, lần đầu tiên đội ngũ này phải luôn tay xóa cờ Mỹ và những bài hát đấu tranh của người biểu tình Hồng Kông trên mạng xã hội Hoa lục.

Nhà sử học độc lập Dương Lập Phàm (Zhang Lifan) nhận định : « Cuộc khủng hoảng là một thử nghiệm chưa từng có đối với Tập Cận Bình ». Kể từ khi nhà nước cộng sản Trung Quốc được thành lập năm 1949, nhiều người đã biết cách đọc những gì ẩn chứa phía sau các thông tin tuyên truyền, luôn ngờ vực những thông báo chính thức. Nhưng lần này kiểm duyệt đã gây ra cái chết của hàng ngàn người vô tội, thường là những người « ái quốc » tử tế như ông Zhang Lifa, cựu chiến binh Giải phóng quân.

« Hoàng đế đỏ » đánh hơi được sự nguy hiểm, đã nhanh chóng siết chặt việc xử lý khủng hoảng, đóng vai thủ lãnh chiến tranh bảo vệ tổ quốc trước « con ác quỷ virus » qua việc tăng cường ồ ạt tuyên truyền. Nhà lãnh đạo tập trung mọi quyền lực trong tay, với « tư tưởng » được ghi vào điều lệ đảng, sau đó khẳng định đã có những chỉ thị từ ngày 07/01. Ông ta « tuốt gươm » trảm những quan chức ở Hồ Bắc - những con dê tế thần của ông.

Richard McGregor, Viện Lowy ở Sydney nhận xét : « Ông Tập đã tái vận dụng thành công phương thức của các hoàng đế Trung Hoa thời xưa, luôn đổ tội cho các quan địa phương ». Ngay cả Zhang Hai đang đau khổ vì cái tang, cũng nghĩ rằng « nạn dịch đã được chính quyền trung ương quản lý tốt », sai sót là do quan chức tỉnh.

Độc tài và đàn áp

Trong cảnh khốn đốn, Tập Cận Bình – người chủ trương một Trung Quốc « đỏ máu », từ ngữ của nhà Trung Quốc học Alice Ekman – tăng gấp đôi sự độc đoán và thổi bùng dân tộc chủ nghĩa, khai thác tối đa bài thuốc ý thức hệ mà ông ta đã áp đặt cho quốc gia đông dân nhất thế giới từ bảy năm qua. Tại Hoa lục, đàn áp gia tăng, điển hình là vụ bắt giữ ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), đại gia bất động sản và là đại biểu Quốc hội, người đảng viên bị nghi ngờ dám so sánh Tập Cận Bình là một « thằng hề cởi truồng » trong một bài viết gây bão mạng.

Bộ máy trấn áp đang sẵn sàng ra tay. Nhà chính trị học độc lập Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) nhận định : « Cuộc khủng hoảng đã khiến ông Tập tăng cường quyền hành trong đảng, không còn ai dám lên tiếng chống đối ngoài một ít nhà trí thức tự do ».

Bên cạnh việc kiểm duyệt internet, còn có các chiến dịch tuyên truyền nhằm phản công, nêu ra sự hỗn loạn ở phương Tây trước đại dịch đồng thời nhấn mạnh tính « ưu việt » của mô hình « chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa ». Nhà sử học Dương Lập Phàm cảnh báo : « Tập Cận Bình cố gắng chuyển bại thành thắng, muốn chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên đại dịch virus corona có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trong nước, về lâu về dài có thể làm lung lay sự thống trị của đảng ».

Trong quý I năm nay, tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc bị sụt mất 6,8%, một sự kiện chưa từng thấy kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay. Bóng ma thất nghiệp đang đe dọa.

Một năm trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập - năm 2021, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn còn một lá bài tai hại nhằm đánh lạc hướng : lòng tự hào dân tộc được hàng trăm triệu người dân chia sẻ, do bị tuyên truyền nhồi nhét ngày đêm từ nhiều năm qua và thiếu vắng nguồn thông tin tự do, như Zhang Hai chẳng hạn. Trong tầm ngắm, là nước Mỹ của ông Donald Trump.

Dưới áp lực, Bắc Kinh giương oai diễu võ qua việc liên tục cho tập trận ngoài khơi Đài Loan, đe dọa các láng giềng trên Biển Đông, bắt giữ hàng loạt các nhà đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông. Cứ như đại dịch xuất phát từ Vũ Hán là hồi chiêng cuối cùng báo trước một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Nguồn tin: RFI