Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc nhiễm virus corona (Thu Hằng)

Từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng lên toàn cầu, thế giới đã ít nghe đến chiến lược “Vành đai, con đường” của Trung Quốc hơn. Với nền kinh tế tăng trưởng âm trong giai đoạn hiện tại, hàng hoá sản xuất ra bị sút giảm nghiêm trọng lượng mua, và hình ảnh xấu xí của chính quyền CSTQ trên trường quốc tế càng làm cho nhiều chuyên gia đồng ý với nhau trên một vấn đề :Trung Quốc đang lâm vào khủng hoảng và sẽ chỉ co cụm lại chứ không thế bành trướng ra như nhiều người còn lo ngại. 


Ảnh minh họa. Một xưởng dệt may ở phía bắc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 29/04/2020.




Siêu vi corona thách thức tham vọng « Vành đai - Con đường » của Trung Quốc, bao phủ khắp ba lục địa Á, Âu, Phi và hai phần ba dân số địa cầu. Những thiệt hại khổng lồ về kinh tế do dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc, cùng với tình trạng phong tỏa, hạn chế mọi hoạt động kinh tế, xã hội trên hầu khắp thế giới khiến dự án bá chủ của Bắc Kinh bị tác động nghiêm trọng.

Tác động thứ nhất liên quan đến tiến độ các công trình trong dự án. Ngay từ tháng 02/2020, sau Tết Nguyên đán, hàng loạt dự án trong khuôn khổ « Vành đai - Con đường » đã bị tạm ngừng hoặc giãn tiến độ do Trung Quốc phong tỏa đối phó với dịch Covid-19 ở trong nước. Sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị tác động, nhân công Trung Quốc, nếu đến được nước sở tại (Sri Lanka, Pakistan, Malaysia, Indonesia, Cam Bốt, Thái Lan…), bị cách ly 14 ngày, đã làm chậm tiến độ của các dự án. Tình hình này sẽ chưa được cải thiện trong thời gian sắp tới vì cho dù Trung Quốc đã « chiến thắng dịch bệnh » nhưng đến lượt cả thế giới đang chống chọi với virus corona.

Tác động thứ hai liên quan đến khả năng « vung tiền » của Bắc Kinh trong tương lai. Virus corona đã làm tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I/2020 giảm 6,8% (GDP năm 2019 là 6%). Thiệt hại này chắc chắn sẽ hạn chế khả năng tài chính của Trung Quốc cho các dự án lớn ở nước ngoài vì Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc với chi phí cho y tế cộng đồng và tái thiết kinh tế trong nước.

Sắp tới, các chủ nợ Trung Quốc sẽ chỉ có thể tái đàm phán nợ với các nước vay vốn và « sẽ không cấp những khoản tín dụng khổng lồ như từng thấy trong quá khứ, ví dụ một dự án lớn về đường sắt, cảng biển hoặc đập thủy điện », theo nhận định với báo mạng Deutsche Welle (17/04) của bà Agatha Kratz, thuộc văn phòng tư vấn Rhodium Group ở New York.

Thực ra, virus corona chỉ là yếu tố tác động mới trong Sáng kiến Vành đai - Con đường. Trước khi xảy ra dịch, dự án đầy tham vọng này đã bị ảnh hưởng vì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chững lại và nhiều ngân hàng bắt đầu giảm tín dụng cho các công trình trong dự án Con đường tơ lụa mới. Ngoài ra, công luận Trung Quốc có thể sẽ chỉ trích việc đầu tư ra nước ngoài thay vì chấn hưng kinh tế, bảo đảm đời sống cho người dân.

Một ý khác được chuyên gia Kratz nêu lên, đó là « một trên 5 đô la mà Trung Quốc cho vay có khả năng gặp khó khăn. Nếu thêm yếu tố Covid-19, thì sẽ phải nhận ra rằng cần phải cải thiện mô hình và chất lượng các khoản tín dụng ».

Đây là một thách thức rất quan trọng, vì, theo thẩm định của công ty khai thác mỏ BHP, được Deutsche Welle trích dẫn, tổng chi phí cho các công trình liên quan đến Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc có thể lên đến gần 1,3 nghìn tỉ đô la trong vòng 10 năm, đến 2023, cao gấp 7 lần Kế hoạch Marshall cứu châu Âu sau Thế Chiến II.

Dùng « quà » để duy trì ảnh hưởng

Tuy nhiên, do tương lai kinh tế thế giới cũng không sáng sủa trong và sau giai đoạn dịch Covid-19, nên Bắc Kinh vẫn có thể tiếp tục duy trì và mở rộng ảnh hưởng, khiến nhiều nước mang ơn mà không mất nhiều chi phí. « Mọi sự ủng hộ của Trung Quốc đều được hoan nghênh », theo nhận định của chuyên gia Kratz, nên Bắc Kinh « chỉ cần tặng quà, trang thiết bị cho những nước đang cần hoặc cấp một số khoản vay nhỏ với lãi suất thấp để xây dựng bệnh viện dã chiến ».

Chiến lược này đã được áp dụng với Ý, cũng như với một số nước Nam Mỹ và Nam Phi, những khu vực Trung Quốc nắm đến 30-40% tổng khối nợ nước ngoài của những nước này.

Cuối cùng, để tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại những quốc gia trên, Bắc Kinh có thể sử dụng chiến thuật tái đàm phán nợ, như tạm hoãn hoặc giãn thời gian thanh toán, trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ gây thiệt hại lớn về nhân mạng và tài chính cho những nước này.

Nguồn bài: RFI