Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bỏ Sổ hộ khẩu (Lê Sơn)
Chế độ hộ khẩu là một minh họa rõ nét đảng CSVN cai trị người dân như một lực lượng chiếm đóng. Họ sống trên xã hội. Được sao chép theo hệ thống hukou dưới thời "Bước đại nhảy vọt" của Mao Trạch Đông áp đặt lên toàn bộ người dân Trung Quốc, câu chuyện sổ hộ khẩu mang theo nhiều ký ức đau buồn và ám ảnh nhiều thế hệ người Việt Nam cho đến tận bây giờ. Nhiều người hẳn vẫn không thể quên những câu chuyện ví von dưới thời bao cấp « Sao mà mặt ngệch ra như thằng mất sổ gạo vậy ? » hay « Sao mặt mày thất thần như cái thằng mất sổ hộ khẩu thế kia ? Một việc vô lý nhưng họ vẫn khăng khăng và trì trệ nhiều chục năm để tiến đến việc thay đổi, liệu những người vẫn còn giữ tư tưởng "cải tổ từ bên trong" hay hợp tác với chế độ để tìm kiếm sự an toàn cho bản thân có thể kì vọng gì ở trí tuệ và tâm hồn của một đảng toàn trị như vậy?
Chiều 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo
luận về Luật Cư trú (sửa đổi) với đa số ý kiến tán thành bỏ Sổ hộ khẩu
và nhiều quy định khác liên quan quản lý dân cư theo hướng đơn giản,
hiện đại, tránh phiền hà…
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Đổi mới phương thức quản lý dân cư theo hướng hiện đại
Theo
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lần này có
những nội dung mới làm thay đổi cơ bản cung cách quản lý cư trú hiện nay
theo hướng hiện đại, nhanh gọn và thống nhất.
Dự
thảo Luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ
thủ công là Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ
liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định
danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ,
kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương
thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm
thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân.
Dự
thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, sổ hộ
khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu,
giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật
Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013)…
Việc
quản lý thường trú, tạm trú bằng phương thức mới thông qua mã số định
danh cá nhân của công dân và các thông tin về nơi thường trú, nơi tạm
trú được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư được quy định tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
lần này.
Về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú
theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, Tờ trình của Chính phủ cho
biết việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số
định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu
về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục
hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công
dân.
Bỏ quy định riêng về đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương
Đối
với về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung
ương, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc
đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương so với đăng ký
thường trú vào tỉnh. Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di
dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở
hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.
“Thực
tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu
quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn
đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương
vẫn rất cao. Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn
sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong
học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định
riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung
ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của
Hiến pháp năm 2013”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Do
vậy, Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký
thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, việc đăng ký thường trú
tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân
biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, để
bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định
bãi bỏ Khoản 3, Khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng
ký thường trú ở Thủ đô.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định công dân được đăng ký lại nơi thường trú ban đầu khi trở về địa phương sinh sống.
Trên
cơ sở đó, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý
kiến vào kỳ họp thứ 9, thông qua vào kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực từ
1/7/2021.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật
tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện
Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến
pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý
bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Ủy
ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của
công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ
đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành
chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực
chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân
cư ở nước ta hiện nay. Đây cũng là phương thức quản lý cư trú hiện đại
dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát
triển, được một số quốc gia trên thế giới áp dụng.
Việc hạn chế quyền của công dân cần quy định ngay trong luật
“Đa
số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của
Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương đó (Khoản 1 Điều 21). Theo loại ý kiến này, việc
bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực
thuộc Trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân”,
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.
Chủ
nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng bày tỏ
“nếu bỏ được sổ hộ khẩu là cuộc cách mạng như bỏ sổ gạo thời bao cấp
trước đây”, thay bằng phương thức quản lý mới, hiện đại và thuận tiện
cho người dân với số định danh cá nhân.
Bày tỏ
hoan nghênh những cải cách tiến bộ của dự thảo Luật Cư trú sửa đổi lần
này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận thấy dự thảo Luật này
rất tiến bộ, “vì người dân khổ sở về cái sổ hộ khẩu này lắm rồi”. Người
dân đi đâu, làm gì cũng phải kè kè cái sổ hộ khẩu từ làm việc, học hành,
chữa bệnh. Nhiều nước đã bỏ quản lý công dân bằng hộ khẩu, tạo thuận
lợi cho người dân, ngăn ngừa được tiêu cực, nâng cao hiệu quản lý nhà
nước về dân cư.
“Người dân mất sổ hộ khẩu như
mất sổ gạo trước đây, bản thân tôi cũng đã từng mất sổ hộ khẩu nên rất
hiểu vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ
tịch Quốc hội tán thành cao việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng
sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng số định danh cá nhân, đơn giản hóa thủ tục,
tạo điều kiện cho người dân, Luật này chính là cụ thể hóa Điều 23 của
Hiến pháp 2013.
Luật cụ thể nhiều hơn nữa, rõ
hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, rà soát kỹ những quy định hạn
chế quyền cư trú của công dân, cái gì hạn chế quyền của công dân phải
được quy định trong luật chứ không phải văn bản dưới luật.
Chủ
tịch Quốc hội cũng tán thành việc bỏ quy định về riêng điều kiện đăng
ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời, tán
thành việc dự án Luật này cần thiết đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ
họp thứ 9, thông qua vào kỳ họp thứ 10 tới đây.