Trung Quốc tiếp tục đối mặt với 'cơn khát' thịt heo (Khánh Lan)


Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, thì quy mô đàn heo ở Trung Quốc đã bị giảm 40% chỉ vì dịch tả heo Châu Phi. Đại dịch ảnh hưởng lên toàn cầu sẽ làm nỗ lực tái lập đàn heo lại quy mô ban đầu thêm phần khó khăn hơn và phải mất rất nhiều năm nữa. Trong khi đó, việc nhập khẩu thịt heo từ các nước khác sẽ bị siết chặt hơn vì nhiều nhà máy lớn ở Mỹ, Canada, Úc... đang tạm dừng hoạt động trong biện pháp phòng chống dịch giai đoạn này. Việt Nam cũng ở trong một hoàn cảnh tương tự như Trung Quốc vậy. Trừ khi có những biện pháp hỗ trợ thiết thực nhằm bình ổn giá thịt heo - Một mặt hàng thiết yếu trong bữa ăn của đa số người dân Việt, thì các sắc lệnh, chỉ thị...của những lãnh đạo đảng CSVN không thể định hướng cho thị trường được.


(TBKTSG Online) – Trung Quốc dự báo giá thịt heo ở nước này sẽ bắt đầu tăng trong quí 2 do sản lượng trong nước vẫn còn thấp và nguồn cung thịt heo thịt heo ở nước ngoài bị thắt chặt do tác động của Covid-19.

Khách hàng mua thịt heo ở một chợ nông sản ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters



Sản lượng thịt heo giảm quí thứ sáu liên tiếp

Hôm 21-4, ông Dương Chấn Hải, Vụ trưởng Vụ Thú ý và Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ trải qua “thời khắc khó khăn nhất” về nguồn cung thịt heo trong quí 2 này.

Ông dự báo giá thịt heo ở Trung Quốc sẽ bắt đầu tăng mạnh từ quí này và có thể lập đỉnh vào tháng 9 tới.

Dù nguồn cung thịt heo có thể cải thiện trong tháng 7 nhưng các ngày lễ lớn trong nửa cuối năm nay sẽ đẩy nhu cầu thịt heo tăng mạnh, ông nhận định và cho biết thêm, Trung Quốc sẽ gia tăng sản lượng gia cầm, gia súc khác để bổ sung cho nguồn cung thịt heo.

Giá thịt heo ở Trung Quốc chạm mức kỷ lục 53,79 nhân dân tệ (178.000 đồng)/kg hồi tháng 10 năm ngoái, cao gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2018 do tác động của dịch tả heo châu Phi.
Nhưng giá bắt đầu giảm rõ rệt kể từ tháng 2 nhờ sản lượng thịt heo hồi phục và nhu cầu ảm đạm. Trong tuần từ 13 đến 17- 4, chỉ số giá thịt heo trung bình ở 16 vùng cấp tỉnh của Trung Quốc giảm 0,3% so với tuần trước đó, về mức 43,38 nhân dân tệ (143.500 đồng)/kg.

Bên cạnh đó, kể từ đầu năm, chính phủ Trung Quốc đã tung ra thị trường gần 300.000 tấn thịt heo đông lạnh từ các kho dự trữ của nhà nước để bình ổn giá.

Tính đến cuối tháng 3, đàn heo nái của Trung Quốc tăng 2,8% so với tháng trước đó, trong khi đó, số lượng heo con tăng 7,3%. Ông Dương Chấn Hải nói: “Dù số lượng đàn heo đang cải thiện, nguồn cung thịt heo vẫn đang căng thẳng”.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, sản lượng thịt heo trong quí 1 của nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới giảm mạnh 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này đánh dấu quí giảm thứ sáu liên tiếp và cho thấy tác động khủng khiếp của dịch tả heo châu Phi cũng như thách thức lớn của nhiệm vụ tái đàn heo.

Năm ngoái, sau khi dịch tả heo châu Phi lan rộng khắp cả nước, số lượng đàn heo Trung Quốc sụt giảm ít nhất 60%, khiến sản lượng thịt heo của nước này giảm về mức 42,6 triệu tấn, mức thấp chưa từng thấy trong 16 năm qua.

Các nông dân và công ty chăn nuôi Trung Quốc đang nỗ lực tái đàn heo nhưng điều này cần thời gian. Sản lượng thịt heo được dự báo tiếp tục giảm trong năm nay một phần là do đàn heo nái thiếu hụt, khiến nhiều người nuôi giữ lại heo cái để tái đàn, thay vì bán chúng cho các lò mổ.
Wens Foodstuff Group, nhà sản xuất thịt heo hàng đầu Trung Quốc, nuôi ít heo con hơn trong nửa cuối năm 2019 và giữ lại một số heo cái để tái đàn cho các trang trại. Công ty này ghi nhận doanh số bán heo giảm mạnh 62% trong quí 1-2020.


Dịch Covid-19 cản trở nỗ lực tái đàn heo

Một chợ bán sĩ thịt heo ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: EPA


Trung Quốc đã nỗ lực tăng sản lượng thịt heo nhưng các biện pháp khống chế dịch Covid-19 bao gồm lệnh phong tỏa đi lại trong những tháng vừa qua đã làm gián đoạn nỗ lực này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Vu Khang Chấn, cho biết rủi ro dịch tả heo châu Phi tăng trở lại trong thời gian gần đây khi các nông dân bắt đầu xây dựng các trang trại heo mới và hoạt động vận chuyển heo cũng nhộn nhịp hơn.

Trung Quốc đang tăng mua thịt heo từ nước ngoài để khỏa lấp nguồn cung thiếu hụt ở trong nước. Trong quí 1 năm nay, nhập khẩu thịt heo của nước này tăng lên mức kỷ lục gần 1 triệu tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Song nguồn cung thịt heo ở nước ngoài có thể thắt chặt trong thời gian tới.

Dịch Covid-19 khiến nhiều nhà sản xuất ở nước ngoài phải đóng cửa các nhà máy chế biến thịt heo của họ do công nhân bị nhiễm bệnh. Nhiều nhà máy chế biến thịt heo đã đóng cửa ở bang Iowa, nơi cung cấp 30% sản lượng thịt heo của nước Mỹ.

Trong khi đó, nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới, Smithfield Foods, cũng đã dừng hoạt động nhiều nhà máy chế biến thịt heo bao gồm lò mổ khổng lồ Sioux Falls ở bang Nam Dakota, nơi cung cấp khoảng 5% nguồn cung thịt heo cho cả nước. Smithfield Foods cảnh báo nguồn cung thịt ở Mỹ có thể thiếu hụt do hàng loạt nhà máy chế biến thịt đóng cửa trên cả nước.

Trung Quốc đã mở rộng các biện pháp hỗ trợ tài chính để khuyến khích các trang trại tư nhân mở rộng đàn heo và đặt mục tiêu khôi phục sản lượng thịt heo trở lại mức bình thường vào cuối năm 2020, nhưng nhiệm vụ này đang đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí chăn nuôi đang tăng và phần lớn các trang trại tư nhân có thể không tích cực tái đàn heo

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng thịt heo toàn cầu sẽ giảm trở lại vào năm nay, chủ yếu do nỗ lực tái đàn heo ở Trung Quốc chậm hơn kỳ vọng. Theo USDA, sản lượng thịt heo toàn cầu trong năm nay sẽ đạt 94,3 triệu tấn, giảm 7% so với năm ngoái. Riêng sản lượng thịt heo ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm 20% sau khi đã giảm 21% trong năm 2019.

USDA dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 3,85 triệu tấn thịt heo trong năm 2020, tăng gần 60% so với năm 2019.

Theo Reuters, Bloomberg