Việt Nam kêu gọi Trung Quốc mở thêm cửa khẩu giao thương dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp (RFA Tiếng Việt)
Chúng tôi cũng cho rằng, nếu Việt Nam không giải quyết rốt ráo tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc thì những rủi ro như hiện nay sẽ còn lặp lại. Dù phía Trung Quốc cho mở biên giới trở lại thì vấn đề thông quan hàng hóa vẫn sẽ chậm chạp trong thời gian dài vì thủ tục kiểm soát dịch bệnh.
Xe chở hàng tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Reuters
Việt Nam chủ động đề xuất
Truyền thông quốc nội vào ngày 14/3 cho biết trong cuộc điện đàm với giới chức lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây-Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã đôn đốc chính quyền tỉnh Quảng Tây khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại giữa hai nước. Đặc biệt là hoạt động thương mại biên giới để thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân cả hai bên.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị phía Trung Quốc có những biện pháp tạo thuận lợi cho nông sản của Việt Nam, cụ thể như sớm mở thêm cửa khẩu biên giới đất liền và các tuyến vận tải đường sắt cũng như đẩy nhanh thủ tục pháp lý cho việc mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam.
Báo giới cho biết Bí thư Quảng Tây đồng ý với đề xuất vừa nêu của Bộ trưởng Bộ công thương Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Ngô Trí Long, vào tối ngày 16/3 lên tiếng với RFA liên quan đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh:
“Lúc dịch bệnh cao điểm thì người ta tạm thời đóng cửa, nhưng đến nay về cơ bản tương đối có thể tạm coi như là dịu xuống. Trong điều kiện hàng nông sản của Việt Nam bị tồn ứ rất nhiều và chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, mà để càng lâu càng kéo dài thì ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết quả của họ. Cho nên, yêu cầu của ông Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là cần thiết. Nhưng theo quá trình đó, khi mở cửa giao thương thì vẫn phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cũng như phòng dịch phải rất kỹ càng, chứ không thể chủ quan.”
Kể từ khi Việt Nam công bố dịch bệnh COVID-19 hồi cuối tháng 1, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại…giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đình trệ và ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân chính yếu do Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Trong suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Cục Hải quan Việt Nam ghi nhận hàng trăm xe hàng hóa bị ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, tính đến chiều ngày 13/3, có hơn 750 xe chở hàng hóa của Việt Nam chưa thông quan được tại các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc.
Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thì nguy cơ rủi ro càng lớn khi mở thêm các cửa khẩu biên giới để thông thương hàng hóa. Do đó, cơ quan chức năng của Việt Nam phải tăng cường kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu tại biên giới.
Hàng hóa khuân vác từ Trung Quốc ở TP. Móng Cái tại cửa khẩu biên giới. Reuters
Không phải là giải pháp tốt
Trong khi đó, Đài RFA ghi nhận cũng có ý kiến từ giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng nếu như càng mở thêm các cửa khẩu biên giới Việt-Trung thì hiệu quả kinh tế mà Việt Nam đạt được sẽ không thể nào so sánh với những tác hại khôn lường, trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên cả thế giới và gần như đang làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.
Cựu tù nhân nhân quyền-Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Đình Ngọc nói với RFA rằng đề xuất của ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho thấy ông không hiểu biết về phòng chống dịch COVID-19, cũng như chống lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “chống dịch như chống giặc”. Ông Nguyễn Đình Ngọc khẳng định trong lúc những quốc gia bị nhiễm dịch gia tăng khoanh vùng, hạn chế mọi hoạt động tại các cửa khẩu biên giới thì đề nghị này của Bộ Công thương Việt Nam là điều không chấp nhận được.
Trước đó, hồi hạ tuần tháng 2, báo giới từng đề cập đến đề xuất của Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh-Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân rằng Việt Nam nhân thời điểm dịch COVID-19 để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường hàng hóa đầu ra.
Giới chuyên gia kinh tế ở trong nước cũng đưa ra các đề xuất rằng Chính phủ Việt Nam cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động của dịch bệnh bằng các biện pháp “đa phương hóa, đa dạng hóa”.
Chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải nhanh chóng tiến hành giải pháp này:
“Nhiều chuyên gia kinh tế đã yêu cầu Việt Nam thực hiện đa dạng hóa cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào là thay vì Trung Quốc thì tận dụng vị thế của Việt Nam để nhập khẩu nhiều từ các thị trường ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương và từ đó đưa ra xuất khẩu. Còn về xuất khẩu thì ngay cả thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng phải được đa dạng hóa. Tại vì đến một thời điểm nào đó mà thị trường Mỹ gặp khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn.”
Qua trao đổi với RFA, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cũng từng đưa ra kiến nghị:
“Trong diễn biến như thế này, tôi nghĩ rằng sức ép đó cần phải biến thành những phương án cụ thể.”
Một vài vị chuyên gia kinh tế nhận định rằng Chính phủ Việt Nam phải thật cẩn trọng đối với phương án cụ thể trước mắt, theo như đề xuất mở thêm cửa khẩu biên giới Việt-Trung của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Họ đưa ra dẫn chứng cho đến nay, quốc gia Lào vẫn chưa bị một trường hợp nhiễm dịch bệnh COVID-19 nào và Chính phủ Vientiane cương quyết áp dụng biện pháp đóng 10 cửa khẩu quan trọng, kể cả sân bay quốc tế Savannakhet để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc cảnh báo rằng Việt Nam quyết định mở thêm cửa khẩu biên giới với Trung Quốc chẳng khác nào “rước giặc vào nhà” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nguồn: RFA Tiếng Việt