Kit xét nghiệm COVID-19: Việt Nam làm được sao phải xin Hàn Quốc? (Diễm Thi)
Những tuyên bố và hành động thực tế của quan chức cộng sản Việt Nam nhiều khi rất khó hiểu. Có thể là bộ kít thử covid - 19 của Việt Nam làm chưa hoàn thiện, chưa đủ tin cậy nhưng các lãnh đạo cho công bố sớm để khoe khoang chăng ?!
Nhân viên y tế Hàn Quốc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul vào ngày 4 tháng 3 năm 2020. AFP
Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long, có cuộc tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam và TS. Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam vào sáng 15/3/2020.
Trong cuộc tiếp xúc, ông Nguyễn Thành Long đưa ra đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ các sinh phẩm, kit chẩn đoán nhanh, trang thiết bị xét nghiệm. Mục đích nhằm giúp Việt Nam xét nghiệm nhanh, nhiều mẫu cùng lúc để có thể rút ngắn thời gian xét nghiệm và ứng phó kịp thời nếu xảy ra tình huống dịch trên diện rộng, ca bệnh nhiều.
Trước đó 10 ngày, hôm 5/3/2020, Bộ Khoa học - Công nghệ đã công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit phát hiện virus corona chủng mới (COVID-19) do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện với công suất 10.000 bộ/ngày. Khi cần có thể tăng công suất, sản xuất 30.000 bộ/ngày. Có thể đáp ứng nhu cầu trong nước hoặc hỗ trợ quốc tế. Thời gian phát hiện virus trong vòng 2 giờ.
Tại buổi họp báo, Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân Y, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nhấn mạnh, đây mới chỉ là thành công giai đoạn đầu. Để một sản phẩm khẳng định được chất lượng thì cần thêm một thời gian nữa.
Một người làm việc tại Học viện Quân y xác nhận việc này sáng 15/3/2020:
“Đã bắt đầu chính thức sản xuất cách đây 1 tuần sau khi công bố. Còn chuyện sản xuất 10.000 bộ/ngày là có khả năng sản xuất được, còn sản xuất được bao nhiêu là thông tin mật chưa thể công bố. Chỉ có ban lãnh đạo và nhà sản xuất mới biết.
Kit test nhanh COVID-19 thì Học viện Quân y thực hiện và sản xuất nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nhưng nếu có dịch lớn thì vẫn có thể sản xuất đầy đủ. Trước tiên mình phải theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Toàn bộ các quy trình đạt chuẩn Việt Nam đã rồi mới theo tiêu chuẩn thế giới. Chưa theo tiêu chuẩn Việt Nam thì sao mà ra thế giới được?”
Truyền thông trong nước dẫn lời Thiếu tá Hoàng Xuân Sử, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, quy trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thiết kế cần thực hiện 2 phản ứng khác nhau để nhận biết mẫu bệnh phẩm có nhiễm nCoV hay không. Bộ kit của CDC Hoa Kỳ (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) cũng phải thử 3 phản ứng. Trong khi bộ kit của Việt Nam chỉ cần thực hiện một phản ứng, do “Việt Nam nghiên cứu sau nên khắc phục được các hạn chế của các đơn vị nghiên cứu đi trước”.
Hôm 2/3/2020, bộ kit chẩn đoán COVID-19 của Viện Công nghệ sinh học được Viện Y học dự phòng quân đội kiểm nghiệm và cho biết đạt kết quả có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ Kit realtime RT-PCR của WHO với độ đặc hiệu 100%, độ nhạy là 5 copies/phản ứng. Theo đó, với kết quả nghiên cứu đưa ra, Việt Nam đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất kit xét nghiệm COVID-19, không phụ thuộc vào việc nhập ngoại cũng đang trong tình trạng khan hiếm.
Ngược lại những tuyên bố thành công như thế, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, vẫn mở lời xin Hàn Quốc giúp đỡ. Hàn Quốc hiện là quốc gia có số người nhiễm bệnh nhiều thứ 5 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ý, Iran, Tây Ban Nha.
Đối với vụ việc này, ông Nguyễn Đình Ngọc từ Sài Gòn nêu ý kiến của ông:
“Tôi không hiểu cái liêm sỉ tối thiểu của người cộng sản Việt Nam họ để đâu, nhưng tôi không ngạc nhiên bởi bản chất cố hữu của người cộng sản là nói dối. Tuy nhiên, với những tình huống khác thì người dân còn cười cợt, còn chế diễu được. Còn tình hình hiện nay mà gian dối như vậy thì tôi cho đó là quốc nhục mà lẽ ra người Việt Nam không phải chịu nếu Việt Nam có một chính quyền do dân bầu lên!”
Thông tin từ nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm COVID-19 do Việt Nam sản xuất cho hay, hiện có hơn 10 quốc gia đề nghị mua sản phẩm này, bao gồm Campuchia, Nigeria, Ba Lan, Úc, Đức, Phần Lan, Ukraine, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Ireland...
Riêng thành phố Hà Nội đặt mua 200.000 test, tức 4.000 bộ, để sử dụng tại Hà Nội và tặng cho các bệnh viện ở Ý, nơi có dịch nặng nề nhất ở châu Âu.
Trả lời báo chí trong nước về việc vì sao Việt Nam tuyên bố đã sản xuất được bộ kit có hiệu quả, nhưng lại đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ bộ kit xét nghiệm, đại diện Bộ Y tế cho biết do thời gian cho kết quả của bộ test do Hàn Quốc sản xuất là khá nhanh, nếu có thêm nguồn test có thể rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm.
Nhà báo Nguyễn An Dân từ Sài Gòn cũng không tin vào tuyên bố sản xuất hàng chục ngàn bộ một ngày, cũng như chất lượng thật sự của những bộ kit này. Ông giải thích:
“Trong lúc chống dịch thì ngân sách được thoải mái nên họ lập ra những dự án về y học để xin ngân sách, còn hiệu quả hay không thì phải xem lại.
Tuyên bố của ban điều hành dự án sản xuất bộ kit xét nghiệm 10 ngày trước đã lộ rõ sự thiếu tin cậy. Họ tuyên bố đủ sức đáp ứng cho việc chống dịch của Việt Nam và hỗ trợ quốc tế. Tại sao bên Hàn Quốc nhiều người nhiễm hơn Việt Nam nhiều lần thì lại không giúp mà lại đi xin? Nếu mình đủ sức sản xuất thì mình cần gì ai nữa!”
Chủ tài khoản Facebook Bùi Quang Thắng có ý kiến cụ thể rằng ‘Loại Việt Nam sản xuất là dùng cho máy RT-PCR, cả nước chỉ có 30 phòng xét nghiệm dùng kỹ thuật này để chẩn đoán COVID-19; còn loại của Hàn Quốc là test thử nhanh có độ chính xác thấp hơn PCR.
Nguồn: RFA Tiếng Việt