Syria: Bachar tấn chiếm Idleb, trục Nga – Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ tan vỡ? (Minh Anh)
Quan hệ Nga - Thổ thay đổi thái cực liên tục trong những nằm gần đây.
Xung đột vùng ảnh hưởng tại Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là tại Syria khiến mối quan hệ nồng ấm mấy tháng trước đang trở lại vòng xoáy xung đột.
Điều đáng lo ngại là việc Mĩ bỏ rơi vùng chiến lược đầy bất ổn này, khiến nguy cơ về một thảm họa nhân đạo đang cận kề, khi mà mọi diễn biến tại Syria đang bị phó mặc cho ba nhà lãnh đạo độc tài Putin, Erdogan, Assad.
28/02/2020 - 13:10
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan (T) và nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Sotchi, Nga, tháng 10/2019. Alexey DRUZHININ / SPUTNIK / AFP
Tuần trăng mật giữa Nga và Thổ phải chăng đang lâm nguy? Từ nhiều tuần qua, chiến sự bùng lên dữ dội giữa quân đội trung thành với chế độ Damas và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng tỉnh biên giới Idleb, khiến gần một triệu thường dân phải bỏ nhà cửa chạy sơ tán. Giới quan sát lo ngại những mục tiêu trái ngược giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria dẫn đến một thảm kịch nhân đạo lớn chưa từng có.
Vùng Idlib hay còn gọi là Idleb, nằm ở phía tây bắc Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 1,5 triệu dân, chủ yếu sống bằng nghề nông, đặc biệt là trồng cây ô liu. Năm 2015, tổng thống Syria, Bachar al-Assad từng tuyên bố: “Idleb sẽ là mồ chôn phiến quân”. Lời đe dọa này giờ có nguy cơ biến thành hiện thực. Từ tháng 12/2019, chế độ Damas mở các đợt tấn công nhắm vào Idleb, ổ kháng cự cuối cùng của phe nổi dậy chống chính quyền Bachar al-Assad.
Khu vực trước đây nổi tiếng yên bình giờ biến thành nơi tập trung nhiều nhóm nổi dậy chống chế độ cũng như các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan có tuyên thệ trung thành với Al Qaida. Theo nhật báo Công giáo La Croix, trước đà tiến quân của chế độ Damas, khoảng 3-4 triệu thường dân và chiến binh đang bị vây hãm và không có lối thoát nào nữa bởi vì không còn một khu vực nổi dậy nào khác để tiếp nhận họ. Idleb là thành trì thánh chiến cuối cùng, và Bachar al-Assad muốn thâu tóm lại toàn bộ lãnh thổ.
Chuyện gì xảy ra ở Idleb?
Điều trớ trêu là trong khuôn khổ “tiến trình Astana” do ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đề xuất, một thỏa thuận đã được Matxcơva và Ankara ký kết tại Sotchi năm 2018 nhằm giải quyết tạm thời cuộc xung đột ở Syria. Theo đó, nhiều “vùng giảm căng thẳng” được thành lập, trong đó có Idleb.
Cũng trong khuôn khổ thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ được phép lập 12 chốt quan sát và triển khai quân. Và cho đến đầu tháng 2/2020, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tỏ ra tương đối im lặng trước đà tiến quân của Damas dù rằng vẫn lên tiếng lấy làm tiếc rằng Nga “không tuân thủ” thỏa thuận được ký kết giữa hai nước.
Tuy nhiên, tình hình bỗng nhiên có những diễn biến bất ngờ. Ngày 03/2, quân đội Syria nã pháo vào các chốt gác của Thổ Nhĩ Kỳ làm 7 binh sĩ thiệt mạng. Quân đội Thổ đáp trả bằng pháo giết chết 13 quân nhân Syria. Kể từ hôm đó đến nay, các cuộc va chạm giữa hai bên tiếp tục xảy ra. Trong một diễn biến mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một đợt oanh kích dữ dội trong đêm thứ Năm 27 rạng sáng thứ Sáu 28/2 nhắm vào các vị trí của Damas tại Idleb sau vụ 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tử trận trong một cuộc đọ súng hôm trước. Đây cũng là đợt thiệt hại nhân mạng nhiều nhất của phía Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng hai tuần qua, nâng tổng số binh lính bị thiệt mạng lên đến hơn 40 người.
Vì sao Nga – Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối đầu quân sự ở Idleb?
Rõ ràng các cuộc tấn công quân sự của Damas tại Idleb đã làm tan vỡ thỏa thuận Sotchi và có nguy cơ dẫn đến một sự đối đầu giữa quân sự Nga và Thổ. Vì sao như thế? Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng đó là vì giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có những mục tiêu khác biệt tại Syria.
Nước Nga của ông Putin thì muốn tái chinh phục vị thế trung tâm ở Cận Đông bằng mọi giá, nên ủng hộ vô điều kiện chế độ Syria, vốn muốn chiếm lại vùng Idleb, thành trì cuối cùng của quân thánh chiến, nhằm có thể tuyên bố là đã thắng cuộc nội chiến kéo dài từ chín năm qua. Hơn nữa, phía Nga cũng cho rằng không chấp nhận khu vực này được dùng để làm nơi trú ẩn của quân khủng bố thánh chiến. Ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov hôm thứ Ba, 25/2 tuyên bố thẳng thừng đó có thể sẽ là “một sự đầu hàng trước quân khủng bố”.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không ủng hộ chế độ Assad và hỗ trợ các nhóm nổi dậy chống Damas, lao vào Syria còn nhằm mục tiêu triệt hạ các lực lượng người Kurdistan, một mối họa hiện sinh bởi sự liên hệ của phe này với những người đòi ly khai Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, Ankara quan ngại chiến sự ở Idleb sẽ gây ra một làn sóng người tị nạn mới. Gần một triệu người dân đã bỏ chạy khỏi khu vực kể từ khi Damas mở chiến dịch tấn công, trong khi mà hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tiếp nhận hơn 3,5 triệu người tị nạn Syria trong những điều kiện ngày càng khó khăn hơn.
Theo một thăm dò mới nhất, cứ 5 người Thổ Nhĩ Kỳ được hỏi có 4 người muốn trả số người tị nạn này về nước. Ankara tuy hy vọng rằng có thể từ từ hay cưỡng bức tái định cư số người tị nạn này ở vùng phía bắc Syria nhưng chỉ mới chiếm được 1/3 diện tích vùng lãnh thổ mong muốn.
Đâu là điểm cốt lõi căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ?
Chỉ có điều trong cuộc đọ sức này, quân đội Thổ ở trong thế yếu. Chế độ Damas nhờ vào sự yểm trợ của không quân Nga tiến như vũ bão và oanh kích vào các điểm được cho là có quân thánh chiến không phân biệt thường dân. Việc không quân Nga được quyền kiểm soát không phận Syria đã đẩy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong thế bị động, theo như phân tích của bà Agnès Levallois, chuyên gia về Trung Đông và Địa Trung Hải, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược với đài RFI.
“Trên địa bàn, Nga đương nhiên là mạnh hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Chính điều này đã làm cho Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng bởi vì chúng ta thấy rõ trong các cuộc đối đầu mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất rất nhiều binh sĩ, đây là điều mà tổng thống Erdogan khó có thể chấp nhận và ông không muốn là việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lao vào địa bàn Syria dẫn đến nhiều thiệt hại nhân mạng như thế.
Trong mối tương quan lực lượng này, Nga dĩ nhiên là mạnh hơn Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì Nga đang kiểm soát không phận Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có ở mặt đất. Do vậy, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có một phạm vi hoạt động rất hạn hẹp ngay cả trên phương diện quân sự. Bởi vì trong một cuộc xung đột, ai làm chủ không phận thì thống trị mặt trận.
Điều này giải thích vì sao căng thẳng xảy ra. Nga vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ Assad và trong khuôn khổ thỏa thuận ký kết năm 2018, Nga chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đã không làm gì hạn chế hay tiêu diệt ảnh hưởng của quân thánh chiến ngay trong lòng vùng Idleb. Matxcơva cho rằng phần này của thỏa thuận đã không được Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng”.
Tuần trăng mặt Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đã qua?
Căng thẳng này bùng phát trong bối cảnh Matxcơva và Ankara thời gian gần đây tỏ nhiều cử chỉ thân thiện kể từ sau sự cố quân sự năm 2015. Quan hệ hai bên được sưởi ấm còn thể hiện rõ qua việc chính quyền Erdogan mua tên lửa S-400 của Nga bất chấp các khuyên can của các nước thành viên trong khối NATO và Mỹ. Hay như việc cả hai nguyên thủ cùng có mặt làm lễ khánh thành hoành tráng đường ống dẫn khí đốt TurkStream đi từ Nga đến châu Âu qua ngả Hắc Hải.
Theo Les Echos, những sự kiện này đã không che giấu được một sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc. Cuộc chiến tại Syria gợi nhắc lại các cuộc đọ sức giữa đế chế Sa hoàng và Ottoman năm 1853, 1877 rồi Đệ Nhất Thế Chiến nhằm giành quyền ảnh hưởng tại vùng Trung Đông giàu dầu hỏa, vùng Balkan và nhất là vùng Hắc Hải. Đây chính là cửa ngỏ duy nhất cho phép Nga, cường quốc hải quân đi vào vùng biển nước ấm Địa Trung Hải.
Chỉ có điều, như ngạn ngữ có câu “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Trong cuộc đối đầu này, người dân Syria là những nạn nhân đầu tiên. Tính từ đầu cuộc chiến Syria đến nay, gần 500.000 người chết hay bị mất tích, hơn 55% thường dân phải di tản (tương đương với khoảng 22 triệu dân). Nội chiến tại Syria thể hiện rõ tất cả những gì là ghê rợn nhất của chiến tranh: từ tấn công vũ khí hóa học, thành phố bị tàn phá, các cuộc thảm sát có tổ chức…
Trong khung cảnh hãi hùng này, 14 ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng kêu gọi các bên ngưng chiến tìm kiếm một thỏa thuận chính trị cho đất nước. Lời kêu gọi này cho thấy rõ sự bất lực của phương Tây trong trước những cuộc tàn sát được báo trước!
Nguồn: RFI Tiếng Việt