‘Người dân có sự tương ái khi bị phong tỏa’ (VOA Tiếng Việt)

Khi hoạn nạn, thì liên đới xã hội là điều tối quan trọng, nhưng liên đới xã hội chỉ có hiệu quả nếu các tổ chức xã hội dân sự có không gian tự do để hoạt động. Những hoạt động thiện nguyện của giới phật tử khi chung cư Hòa Bình bị phong tỏa là một ví dụ.

Chung cư Hòa Bình trong thời gian bị phong tỏa (Ảnh chụp màn hình từ Báo Giác Ngộ Online)

Tinh thần tương ái, giúp đỡ lẫn nhau đã giúp cho những người dân bị phong tỏa trong những ngày dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam ‘cảm thấy ấm lòng’, một người mới vừa bị phong tỏa ở thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA.

Để ngăn chặn đà lây lan của virus corona, những ngày này chính quyền Việt Nam áp dụng chặt chẽ chính sách cách ly-phong tỏa: cách ly những người nhiễm bệnh, những người từ các nước có dịch về và những người nghi nhiễm bệnh; phong tỏa những khu vực phát hiện người nhiễm bệnh đến tránh mầm bệnh lây lan ra cộng đồng.

Cho đến nay, chính quyền đã áp dụng triệt để chính sách này như khi phong tỏa phố Trúc Bạch ở Hà Nội, nơi ở của bệnh nhân 17, phong tỏa hai tuyến đường ở phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, nơi ở của bệnh nhân 34, và mới đây là phong tỏa ba khu vực ở đường Nguyễn Thị Tần, Quận 8, đường Phạm Ngũ Lão, Quận Gò Vấp và chung cư Park View, Quận 7 vốn là nơi cư trú của các bệnh nhân 64, 65 và 66.

Trước đó vào hôm 13/3, khu chung cư Hòa Bình gồm 9 tầng trên đường Lý Thường Kiệt, một khu dân cư đông đúc ở Quận 10, cũng đã ngay lập tức bị phong tỏa sau khi phát hiện ca nhiễm bệnh thứ 48 là một người dân sống tại đây. Hơn 1.000 người sinh sống tại đây đã bị cách ly với thế giới bên ngoài.

‘Phong tỏa sau một đêm’

Trao đổi với VOA, chị Nguyễn Thị Hoài Hương, nhà báo tự do hiện đang sống tại Lô B Chung cư Hòa Bình, nói rằng sau một đêm thức dậy chị mới biết nơi mình ở đã bị đặt vào tình trạng ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’.

“Sáng sớm mới biết chỗ mình ở đã bị cách ly từ tối hôm qua. Do đó, tôi bị bất ngờ,” chị nói.

“Lúc đó tôi có cảm giác làm sao mình đi ra được vì có một số vật dụng trong nhà đã hết,” chị Hương nói thêm và cho biết sáng hôm đó chị định đi ra ngoài mua đồ nhưng bị chặn lại.

Tuy nhiên, chị cho biết về công việc, do chị ‘làm việc ở nhà quen rồi’ nên ‘không bị đảo lộn’.

“Có những người than thở là không đi ra ngoài thì làm sao đi làm được vì nếu thật sự bị cách ly đến 14 ngày thì sẽ có những người sẽ bị khó khăn về việc làm,” chị kể.

Khi được hỏi việc tiếp tế được thực hiện như thế nào khi bị phong tỏa đột ngột như thế, nhà báo tự do này nói chị ‘được cung cấp đồ ăn thức uống đầy đủ’.

“Buổi sáng người ta phát bánh mì, buổi trưa phát cơm,” chị nói. “Có người đem cơm nước đến hết nên không phải lo thực phẩm.”

Theo lời chị thì khi biết có lệnh phong tỏa khu chung cư, người dân ở đó ‘không chống cự, không phản đối gì hết’ vì ‘mọi người cũng biết là đang có dịch khắp nơi’.

“Công an, dân phòng đứng quanh hết cả hai lô chung cư nên có muốn ra cũng ra không được.”

Khi được hỏi việc chấp hành lệnh phong tỏa có chặt chẽ không, chị Hương kể những người mắc bệnh nan y muốn đi ra ngoài khám bệnh ‘phải trình giấy chứng thực của bác sỹ’ nên ‘không ai lẻn trốn ra ngoài được’.

Mặc dù khu A mới là nơi ở của bệnh nhân 48 nhưng khu B cũng bị cách ly vì chính quyền sợ rằng những người tiếp xúc gần với bệnh nhân ở khu A có thể đi qua khu B nên phong tỏa toàn bộ, chị nói.

Tuy nhiên, sau một ngày phong tỏa thì đến giữa trưa chị Hương được ban quản lý chung cư thông báo là ‘đến chiều sẽ dỡ phong tỏa cho khu B’.

“Có cả ngàn con người, mỗi bữa cả ngàn suất ăn, mỗi ngày ba buổi hơn ba ngàn suất ăn rất tốn tiền bạc, nhân lực lo cho mình,” chị lý giải lý do khu B được dỡ phong tỏa chỉ sau một ngày.

Chị cho biết người dân bên khu A chỉ xác định những ai đã tiếp xúc với bệnh nhân 48 mới được xét nghiệm còn những người còn lại ‘chỉ được dặn là ở nhà, đừng đi ra ngoài’ và được phát mỗi nhà một can nước tẩy rửa để khử trùng xung quanh.

‘Tinh thần thoải mái’

Về cảm giác khi bị phong tỏa, chị Hương cho biết chị ‘cảm thấy lo’.

“Mọi người xung quanh tôi xôn xao. Ai cũng đi dò hỏi xem có ai bị nặng hơn không hay có ai xét nghiệm ra dương tính thêm không,” chị kể và cho biết chị đã chuẩn bị tinh thần sống trong cảnh cô lập trong 14 ngày.

Tuy nhiên, sự quan tâm, chia sẻ của mọi người xung quanh khiến cho chị bớt cảm giác nặng nề và cảm thấy ‘dễ chịu’ khi bị phong tỏa, chị cho biết.

“Cách đối xử không làm cho mình cảm thấy như là bị ở tù,” chị nói và cho biết trên phường, quận ‘có xuống ủy lạo người dân, phát khẩu trang cho dân’.

Sau khi báo chí đưa tin chung cư Hòa Bình bị phong tỏa, chị Hương cho biết chị đã được ‘hỏi thăm quá trời’.

“Nhiều người nhắn tin hỏi tôi có muốn tiếp tế gì hay cần gì thì cứ nói. Điều đó làm tôi ấm lòng,” chị kể và cho rằng đó là ‘tinh thần tương ái của người Việt Nam khi hoạn nạn’.

“Trong cùng khu B, có một chị sinh sống ở dưới lầu nói với mình nếu mình cần thêm cái gì, đồ ăn thiếu gì thì cứ xuống nhà chị ấy mà lấy,” chị kể. “Điều đó làm mình rất cảm động.”

“Trong ngày đầu tiên bị phong tỏa thì ai cũng trong tâm trạng thiếu thốn mà người ta lại sẵn sàng chia sẻ với mình như vậy.”

Chị còn kể là khi lấy đồ ăn thì sẽ có người đại diện đăng ký cho những người già trên 70 và đưa thức ăn ‘đến tận phòng cho người già’.

Khi được hỏi về nguồn gốc các bữa ăn, chị Hương nói chị không biết vì ‘chỉ thấy người ta đem tới phát’ nhưng sau đó mới được biết rằng có những nhà chùa, những tổ chức từ thiện tổ chức nấu cơm cho cư dân chung cư.

Theo báo Giác Ngộ thì các tăng ni cùng Phật tử thuộc Ban Từ thiện-Xã hội của Phật giáo Thành phố đã đứng ra nấu và phân phát các suất ăn chay cho người dân ở đây.

‘Nên thông tin rõ ràng’

Về việc khu chung cư Hòa Bình có bị kỳ thị sau khi được dỡ lệnh phong tỏa một phần hay không, chị Hương nói: “Nghe nói có một số người bên ngoài ngại đi qua khu vực này.”

“Còn tất cả hàng quán ở những con đường xung quanh đều bị đóng cửa hết nên khi được cho phép mở lại họ mừng lắm. Họ không cảm thấy sợ hãi, e dè gì đâu. Dân chung cư được thả ra họ có khách, họ mới bán được,” chị cho biết.

Tuy nhiên, chị cũng đề nghị rằng chính quyền nên cho người dân có sự chuẩn bị và thông tin đầy đủ khi tiến hành lệnh phong tỏa để người dân không cảm thấy bị căng thẳng.

“Nên chăng có sự thông báo rõ ràng là sẽ cách ly bao nhiêu ngày và có giải pháp cho người dân có thể mua sắm lương thực như thế nào đó,” chị nói. “Khi mọi người thấy được giải pháp thì họ sẽ không lo lắng và họ sẽ bình tĩnh, nhất là ở những nhà đông người.”

Tuy nhiên, chị Hương cũng thừa nhận rằng nếu báo trước lệnh phong tỏa thì sẽ ‘khiến mọi người bỏ chạy lung tung’ nên chính quyền buộc phải phong tỏa bất ngờ, nhưng theo chị sau khi đã phong tỏa nên có thông báo tình hình và giải pháp cho các hộ dân.

Về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, chị nói chị ‘không cảm thấy hoảng loạn hay căng thẳng quá’ vì ‘Việt Nam không đến nỗi bị nặng như các quốc gia khác.’