Luật sư: Bản án 10 năm tù giam đối với blogger Trương Duy Nhất là phi lý! (RFA Tiếng Việt)

Ông Trương Duy Nhất chỉ là người thừa hành và có liên quan đến hành vi tham nhũng khi bán tài sản công ở Đà Nẵng vào đầu những năm 2000. Điều khôi hài là những người đứng đầu vụ chỉ bị đề nghị kỉ luật đảng, còn ông Nhất bị tuyên bản án tới mười năm tù giam. Trắng trợn hơn, cộng sản khi thẩm định thiệt hại, các quan chức cộng sản được tính theo thời giá năm 2004, còn ông Nhất bị tính theo thời giá 2018, dù cùng một tài sản công. Không thể tưởng tượng được sự bỉ ổi của tập đoàn cộng sản Việt Nam.

Nếu ông Nhất không phải là người bất đồng chính kiến, vụ này nếu cộng sản đưa ra xét xử để thanh trừng nội bộ. Cùng lắm, ông Nhất chỉ là người có liên quan ra làm chứng.

Blogger Trương Duy Nhất ra tòa tại Hà Nội hôm 9/3/2020
Blogger Trương Duy Nhất ra tòa tại Hà Nội hôm 9/3/2020. Courtesy of SGGP

Nhà báo Trương Duy Nhất, blogger của Đài Á Châu Tự Do vừa bị Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên án 10 năm tù giam vào sáng 9 tháng 3 năm 2020 với cáo buộc "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Trương Duy Nhất nói với phóng viên rằng, đây là bản án hết sức nặng nề và bất công.

“Tôi có thể khẳng định ngay được, đây là một bản án hết sức là là bất công đối với ông Trương Duy Nhất.
Nếu mà xét thuần túy về phương diện pháp lý thì theo luật Hình sự Việt Nam, để mà buộc tội một người thì có bốn yếu tố cấu thành tội phạm.

Trong đó chúng tôi thấy rằng là có ít nhất 3 yếu tố cấu thành tội phạm là có vấn đề.

Và chỉ cần một yếu tố không đạt được thì tất cả những yếu tố kia không cần phải xem xét nữa.

Nhưng mà cuối cùng dường như họ có chủ định trước nên phiên xử diễn ra rất là chóng vánh nên hình phạt sẽ là như vậy.”

Theo báo chí nhà nước, ông Lê Quang Trang, cựu Tổng biên tập và Bùi Thượng Toản, cựu Phó tổng biên tập, bị Viện kiểm sát nhận định là đã có hành vi tự ý ký các văn bản đề xuất mua cũng như chuyển nhượng nhà đất tại Đà Nẵng.

Hành vi trên có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên xét tính chất, mức độ hành vi, cơ quan điều tra không đề cập xử lý hình sự và mới đây, cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét kỷ luật đối với hai ông, điều này được cho là phù hợp.

Tuy nhiên luật sư Đặng Đình Mạnh chỉ ra điểm mà ông cho là phi lý này.

“Mặc dù cái sự thiệt hại tài sản vẫn là như vậy nhưng hai ông kia lại được tính theo giá trị vào năm 2004, nhưng anh Nhất lại bị tính theo giá trị vào thời điểm năm 2018 là hết sức là phi lý.

Đây là cái điểm hết sức là phi lý mà ở tòa tôi đã chỉ ra các điểm đó nhưng mà tòa án họ không nghe cái điểm này, do đó họ vẫn buộc ông Nhất phải chịu trách nhiệm.

Họ lý giải cho rằng là cái sự thiệt hại kéo dài đến năm 2018, như vậy phải áp dụng cái thời giá năm 2018 là đúng, nhưng nếu giải thích như vậy mà áp dụng đối với ông Trương Duy Nhất thì lẽ ra cũng phải áp dụng đối với hai ông kia.”

Theo cáo trạng, ông Trương Duy Nhất khi còn là Trưởng văn phòng đại diện Trung Trung bộ của báo Đại Đoàn Kết năm 2004 đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, tự ý ký ba công văn gửi UBND TP Đà Nẵng liên quan đến việc đề nghị được mua nhà đất công sản để làm trụ sở cho tòa báo ông đang công tác.

Ngoài ra, ông Nhất còn thỏa thuận với ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) thông qua các hợp đồng nguyên tắc với nội dung thông báo sẽ bán nhà đất số 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79 bằng với giá UBND TP Đà Nẵng phê duyệt với điều kiện báo Đại Đoàn Kết sẽ sử dụng miễn phí tầng 2 của ngôi nhà trong vòng 30 năm.

Cáo trạng này đã bị ông Nhất bác bỏ và cho rằng ông chỉ là người thừa ủy quyền của hai lãnh đạo cao nhất của tòa báo.

Như chúng tôi đã thông tin, ông Trương Duy Nhất được cho là bị an ninh Thái Lan bắt giữ và giao cho mật vụ Việt Nam dẫn độ về nước, hồi tháng 1 năm 2019, chỉ một ngày sau khi ông đến Văn phòng Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok để xin tị nạn chính trị.

Ông Nhất từng bị tuyên án 2 năm tù giam vào năm 2013 với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức công dân” theo điều 258 Bộ luật hình sự.

Lúc đó, ông điều hành trang blog mang tên ông với khẩu hiệu “Một góc nhìn khác” có nhiều bài viết bất đồng ý kiến với chính quyền cộng sản Việt Nam, trong đó ông đã chấm điểm Thủ tướng và yêu cầu Tổng bí thư phải ra đi.

Năm 2015 ông ra tù, tiếp tục làm báo, viết blog, trả lời phỏng vấn các báo đài về tình hình Việt Nam đồng thời cũng viết blog cho Đài Á Châu Tự Do.