Kiểm điểm thầy giáo bán khẩu trang vì muốn chứng tỏ quyền lực? (Diễm Thi)

Không ở đâu trên thế giới mà thành phần giáo viên bị chế độ coi rẻ như Việt Nam thời cộng sản. Dù chế độ đặt sau danh xưng giáo viên nhiều mĩ từ hào nhoáng.

Giáo viên Việt Nam thời cộng sản hầu như không thể sống bằng đồng lương của mình, dù trong hệ thống công chức, họ là lực lượng quan trọng và làm việc thực sự chứ không như hầu hết những công chức khác.

Điều khó hiểu là cho đến nay, lực lượng giáo viên vẫn cam chịu trước sự vô lý này, rất ít giáo viên phản kháng chống lại chế độ thối nát đang coi khinh họ. Dù đây là thành phần có nhận thức về thực tại xã hội cao hơn mặt bằng chung.

Vụ một giáo viên ở Cà Mau bị các quan chức kỉ luật, đấu tố chỉ vì bán mấy chiếc khẩu trang đáng lẽ phải tạo ra một làn sóng chống đối chế độ, bởi đây là hành vi làm nhục cả đội ngũ giáo viên.

Một lớp học tiếng Anh ở Hà Nội hôm 2/3/2020. Ảnh minh họa.
Một lớp học tiếng Anh ở Hà Nội hôm 2/3/2020. Ảnh minh họa.

Vụ việc một thầy giáo ở Cà Mau do mua khẩu trang y tế về bán lại cho học sinh với giá cao hơn một chút bị lãnh đạo các cấp chỉ trích, họp kiểm điểm gây xôn xao công luận trong những ngày gần đây. Câu hỏi mà những người quan tâm nêu ra là vì sao lãnh đạo lại chăm chăm xử lý chuyện được xem là ‘quá nhỏ’ như thế?

Cụ thể đó là việc một thầy giáo Trường THCS Nguyễn Huân, tỉnh Cà Mau, trong lúc dịch Covid-19 đang bùng phát khắp nơi như hiện nay, đã bán lại cho học sinh 20 cái khẩu trang cao hơn giá mua 8 ngàn đồng. Một loạt cơ quan chức năng gồm Hiệu trưởng, Quản lý thị trường tỉnh, Phòng Giáo dục huyện cùng tham gia lập biên bản, báo cáo, kiểm điểm… khiến thầy phải nhận ‘bản thân sai, trường đúng’ trên báo chí.

Ông Đinh Kim Phúc, một nhà giáo có hơn 30 năm giảng dạy tại Việt Nam nhận định lý do tại sao thầy giáo trong vụ việc vừa nêu bị kiểm điểm:

“Họ chứng tỏ quyền lực của họ. Trong khi đối với cấp trên thì xu nịnh, chạy chọt…Đây là một căn bệnh nan y hiện nay mà không thể một sớm một chiều giải quyết được vì sự mất dân chủ. Hiện tượng mất dân chủ trong nội bộ các trường học trong ngành giáo dục. Mất dân chủ từ trên xuống dưới.

Tôi lấy một cái ví dụ cụ thể. Vì sao các vị lãnh đạo không mạnh dạn kêu Bộ trưởng Bộ giáo dục công khai lý lịch khoa học mà lại đi ‘ghè’ một ông thầy giáo quèn bán 20 cái khẩu trang lời 8000 đồng, trong khi đường đi từ thành phố Cà Mau về hết cả lít xăng 20 ngàn đồng?”

Sau khi sự việc xảy ra, ông Trịnh Quốc Khánh - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huân - nói với báo chí trong nước là việc kiểm điểm thầy giáo không phải áp đặt hay trù dập gì mà chỉ là yêu cầu thầy nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Ông Khánh giải thích thêm thầy có những cái sai như mua khẩu trang với giá cao trong thời gian phòng chống dịch là tiếp tay cho tình trạng đầu cơ; mua khẩu trang người bán dạo thì không rõ nguồn gốc và không biết khẩu trang có đảm bảo chất lượng hay không.

Theo ông Đinh Kim Phúc, việc Quản lý thị trường tham gia lập biên bản trong trường hợp này là một chuyện bi hài. Lý do bởi chuyện khẩu trang chất lượng không đạt yêu cầu chống dịch là trách nhiệm của Quản lý thị trường, không phải việc của ông thầy giáo dạy học.

Luật sư Trần Đình Dũng thuộc Đoàn LS TP Hồ Chí Minh phân tích với truyền thông trong nước rằng, “Về mặt pháp luật thì hiện luật không qui định một chiếc khẩu trang y tế bán lẻ giá bao nhiêu đồng. Vậy nếu cho rằng ông thầy giáo này bán khẩu trang y tế giá cao, thế nào là cao?”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một giáo viên được biết đến vì không sợ bị trù dập khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực tại một trường trung học ở Hà Nội nhiều năm trước đây, cho rằng bản chất của tất cả những sự việc trên là do sự lộng hành về quyền lực. Ông nói:

“Theo quan điểm của tôi, đó là sự lộng hành về quyền lực. Có rất nhiều hiệu trưởng coi mình là vua ở một trường. Các cấp lãnh đạo như ở phòng giáo dục, quận, huyện, tỉnh…vẫn coi mình là vua một cõi. Họ lộng hành một cách tùy tiện, vận dụng luật tùy tiện để đàn áp những người thấp cổ bé họng bên dưới. Ngược lại, những sai phạm về chính sách, về chỉ đạo họ không bao giờ lên tiếng. Người dân thấp cổ bé họng chỉ góp ý một vài vụ việc thì quy tội phản động, quy tội làm mất uy tín, danh dự của ngành…”

Ông Đinh Kim Phúc nêu ra thực trạng trong hệ thống giáo dục hiện nay: ngay tại TP.HCM hay Hà Nội – hai trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn nhất nước – hầu hết các giáo viên vẫn còn sợ hiệu trưởng; do vậy một ông thầy giáo ở vùng xa như Cà Mau ắt hẳn không nằm ngoài số đông đó.

Trẻ em Hà Nội chụp hôm 11/11/2019. AFP

Theo truyền thông trong nước vừa qua có nhiều quan chức cấp cao phải ra tòa vì số tiền tham nhũng, hối lộ lên đến hàng triệu đô la. Như vụ hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhận tổng cộng là 3,2 triệu đôla hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ. Vụ nhiều cơ quan chức năng cùng nhau ra văn bản, báo cáo cũng như kiểm điểm một ông thầy ‘kiếm lời’ từ việc bán vài chục cái khẩu trang khiến nhiều người dân khó chấp nhận.
Trong khi đó, Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của các cấp Hội đồng Giáo sư Nhà nước đang được xem xét lại yêu cầu không công khai lý lịch khoa học của lãnh đạo hội đồng này, thì không thấy các lãnh đạo ngành giáo dục lên tiếng mạnh mẽ. Vì sao lại có chuyện bị coi là ‘tréo ngoe’ này?

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhận xét:

“Những việc nhỏ đó không đáng để lôi ra phê bình, thậm chí còn phải được khen, nhưng họ lại bẻ quặt theo kiểu của họ. Đó là cách họ muốn ra oai, muốn trấn áp người khác, trấn áp những người bên dưới, để đè bẹp sự phản kháng, sự thể hiện quan điểm các nhân của từng người. Chính quyền Việt Nam từ xưa đến nay vẫn thường như thế. Vẫn đè bẹp mọi sự phản kháng của người dân để họ được lộng hành, tác oai tác quái theo quyền lực mà họ có.”

Ông Đinh Kim Phúc nhận định rằng, một số quan chức không được đào tạo, không được học hành đến nơi đến chốn, nên ứng xử giữa con người với con người không như người dân mong đợi. Theo ông Phúc việc thầy giáo bán khẩu trang chỉ nên vỗ vai nói nhẹ rút kinh nghiệm là xong. Tuy nhiên do sợ mất thành tích với cấp trên, sợ mất thành tích với các tỉnh khác nên bằng mọi cách họ phải dùng quyền lực để chặn tất cả mọi chuyện mà họ cho rằng không được phép xảy ra trên địa bàn. Ông kết luận:

“Những cái lớn không làm được thì bắt đầu bươi móc những cái nhỏ để chứng tỏ ta có quyền lực. Đây là căn bệnh trầm kha, thâm căn cố đế của các quan chức Việt Nam hiện nay.”

Trong một lần trao đổi với RFA về nền giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhận xét phần lớn những giáo chức ở VN không được đào tạo bài bản. Nếu được đào tạo bài bản thì chỉ bài bản về chuyên môn mà thôi, chứ cái triết lý giáo dục, cái nhân văn của giáo dục, cái tinh thần giáo dục họ không thấu triệt, cho nên họ không thực thi được những gì cần thiết cho nền giáo dục nước nhà.