Khi đất có giá thì ga xe lửa bị ‘bứng’? (Diễm Thi)
Các dự án xây dựng ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản thì yếu tố lợi ích kinh tế quốc gia, môi trường, văn hóa, lịch sữ... chỉ là phụ. Yếu tố quan trọng nhất là lợi ích kinh tế của các quan cộng sản và phe nhóm.
Bên trong một ga xe lửa ở Việt Nam. AFP
Quy hoạch thành phố Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không có việc giải tỏa ga Nha Trang chuyển thành đất ở. Nhưng trong phương án di dời ga lại có đề xuất xây nhà ở, cao ốc thương mại. Việc này đã gây nên nhiều ý kiến tranh luận trái nhiều.
Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung là doanh nghiệp được Bộ Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa cho phép lập các phương án đề xuất cải tạo, dời ga Nha Trang nhằm đầu tư khai thác kinh doanh quỹ đất của ga Nha Trang hiện nay.
Phương án 1 chỉ dời hoạt động vận chuyển hàng hóa đến ga mới. Còn ga hành khách vẫn tiếp tục duy trì tại ga Nha Trang hiện nay. Phương án 2 di dời toàn bộ ga Nha Trang đến ga mới.
Cả 2 phương án của Công ty Tuấn Dung đều có mục đích quy hoạch sử dụng đất ga Nha Trang xây dựng chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp cao 35 tầng, nhà liền kề, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Nhiều người cho rằng, để công ty tư nhân đầu tư quy hoạch như vậy là một hình thức tư nhân hóa bất động sản. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường thì lại cho rằng:
“Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lãnh vực phát triển kinh tế xã hội là một chủ trương đúng. Vấn đề quan trọng là đằng sau sự cho phép đó có thực hiện đấu thầu hay không, hay là biểu hiện tham nhũng trong đó. Tôi cho rằng đó là việc cần làm. Tư nhân hay nhà nước làm đều tốt cả, nhưng theo tôi thì khuyến khích khu vực tư nhân làm có lẽ tốt hơn.”
Ga Nha Trang là một nhà ga chính trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Ga được khánh thành ngày 2 tháng 9 năm 1936. Nhà ga là nơi chứng kiến cuộc nổ súng chống Pháp của người Việt rạng sáng ngày 23 tháng 10 năm 1945. Vì thế, ga này được coi là một di tích lịch sử. Cho đến ngày nay, ga Nha Trang vẫn còn giữ được kiến trúc độc đáo thời Pháp.
Ông Võ Văn Tạo, cư dân Nha Trang bày tỏ niềm tiếc nuối khi ga Nha Trang bị biến thành những chung cư cao tầng. Ông nói:
“Thật ra việc di dời ga xe lửa ra khỏi thành phố là xu thế của một thời, không riêng gì ga Nha Trang. Riêng ga Nha Trang có kiến trúc Pháp từ lâu đời rất đẹp. Có giá trị cả về kiến trúc lẫn lịch sử. Quan điểm của tôi là cố gắng giữ lại ga Nha Trang. Nếu di dời ga Nha Trang là một sai lầm nghiêm trọng khó khắc phục.
Phương án đưa ga Nha Trang lên phía Bắc thành phố đã được nói đến từ những năm 90 khi đất đai bắt đầu có giá. Bây giờ khu đất đó không còn là khu đất vàng mà đã là khu đất kim cương thì họ khơi lại.”
Ông Tạo kết luận, vì tiền họ chả xin ý kiến dân, cũng không hỏi ý các nhà khoa học. Những người có quyền thì cứ quyết. Nhà đầu tư đi đêm với họ thì xong tất.
Kiến trúc sư Trần Đình Nam cũng cùng ý kiến khi cho rằng các chủ đầu tư họ tham lam, họ vì cái lợi trước mắt. Chính quyền thành phố Nha Trang phải cương quyết giữ lại những giá trị văn hóa như vậy. Ông nói thêm:
“Kiến trúc Pháp nhưng rất hợp với cảnh quan đô thị Nha Trang. Những người kiến trúc sư ngày xưa thiết kế ga này là những người tài hoa. Nó là tài sản của thành phố. Nó phù hợp với khí hậu, với con người Nha Trang. Những kiến trúc xưa cũ đều quý, cần phải gìn giữ vì khi đã mất không thể làm lại được. Nó có giá trị lịch sử.”
Việc di dời ga xe lửa ra khỏi nội ô ở các thành phố lớn được nói tới từ mấy mươi năm trước dưới vỏ bọc quy hoạch thành phố. Đa số bị người dân phản đối.
Ngay từ năm 2008, UBND TP.HCM đã có văn bản góp ý với Bộ Kế hoạch và đầu tư năm về dự thảo chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch được đưa ra là dời ga Sài Gòn, ga Bình Triệu về ga Dĩ An tỉnh Bình Dương. Và dự án giữ lại ga Sài Gòn bằng việc xây dựng đường trên cao.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có cái nhìn tương đối khác người dân Nha Trang khi quy hoạch ga xe lửa ở đây. Ông nói:
“Ga Nha Trang thuộc di sản văn hóa. Nó được xây dựng lâu đời. Nếu ga này không có giá trị lịch sử về văn hóa thì việc quy hoạch lại trên nguyên tắc không đi qua trung tâm thành phố như hiện nay thì cũng là một việc nên làm.
Còn trụ sở cũ để làm gì thì tôi cho rằng cái quan trọng nhất là quy hoạch sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố Nha Trang. Đó là việc phải xem xét kỹ lưỡng.
Xu hướng đa số ở Việt Nam là những miếng vàng thường hay dùng để xây chung cư là bởi vì bán được giá cao. Tôi không đồng ý với những việc như thế!”
Truyền thông trong nước dẫn lời kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc - nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa rằng, việc phá dỡ ga Nha Trang và đường sắt vào tận trung tâm thành phố du lịch Nha Trang hiện nay để cho làm dự án theo đề xuất của doanh nghiệp tư nhân là một "đánh đổi rất lớn" của thành phố Nha Trang. Bởi việc dỡ bỏ nhà ga Nha Trang đã có lịch sử cả trăm năm cùng cả hệ thống đường sắt hiện hữu vào ga này thì hàng trăm năm sau không dễ gì có thể khôi phục, xây dựng lại được.
Hầu như tất cả các dự án di dời ga xe lửa ra khỏi nội ô đều với lý do giảm ùn tắc trong thành phố dù đường sắt là một loại hình giao thông công cộng. Nếu di dời sẽ bỏ qua tiềm năng rất lớn về phát triển giao thông công cộng. Vì vậy, di dời nhà ga không còn đơn thuần là chuyện quy hoạch, giảm ùn tắc cho địa phương, mà trở thành câu chuyện giữa lợi ích cục bộ và lợi ích số đông bởi những khu đất vàng đang rất nhiều nhà đầu tư nhắm đến.
Nguồn: RFA Tiếng Việt