Virus corona: Trung Quốc cố tránh khủng hoảng chính trị nội bộ (Đức Tâm)

Dịch virus corona là một thảm họa kéo dài, nếu ngay từ đầu, chính quyền Trung Cộng không có hành động độc tài, ngu xuẩn thì tình trạng dịch bệnh đã không trầm trọng như hiện nay.

Chính điều này khiến chế độ Trung Cộng đang bị chỉ trích gay gắt, nhất là đối với Tập Cận Bình. Các đối thủ trong đảng sẽ coi đây là cái cớ để thách thức quyền lực của ông.

Tập Cận Bình đang cố gắng tránh cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ bằng các biện pháp như siết chặt kiểm duyệt, tuyên truyền mị dân, đưa một số lãnh đạo địa phương ra kỉ luật để xoa dịu dư luận.


10/02/2020 - 16:01
Trên một phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, thời dịch virus corona. (Ảnh chụp ngày 10/02/2020)
Trên một phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, thời dịch virus corona. (Ảnh chụp ngày 10/02/2020) REUTERS/Aly Song

Virus corona không chỉ lây lan trong dân chúng, mà xâm nhập cả vào bộ máy lãnh đạo ở cấp trung ương Trung Quốc. Bị chỉ trích gay gắt xử lý kém cuộc khủng hoảng bệnh dịch, Bắc Kinh đang cố gắng tránh xẩy ra một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ. Theo giới chuyên gia, đây là một thách thức to lớn, đầy rủi ro đối với Tập Cận Bình.
Gần ba tuần sau khi cách ly thành phố Vũ Hán, rồi sau đó, cả tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, virus corona « biến thể » thành virus chính trị. Làn sóng chia buồn và phẫn nộ trên các mạng xã hội sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), trong nhóm 8 bác sĩ đầu tiên báo động về dịch bệnh. Đầu năm 2020, vị bác sĩ 34 tuổi này đã bị công an câu lưu với cáo buộc « phát tán tin đồn » và ép buộc viết bản tự kiểm điểm hứa sẽ không có những « hành động vi phạm pháp luật » nữa. Thế nhưng, dịch bệnh lây lan quá nhanh, sức ép công luận rất lớn, Bắc Kinh đã phải lùi bước. Tòa Án Tối Cao Trung Quốc đã phải ra phán quyết phục hồi danh dự cho cả nhóm 8 bác sĩ.

Theo chuyên gia Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược, được tuần báo L’Express trích dẫn, thì Bắc Kinh có ý đồ khi lùi bước như vậy : « Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng vụ Lý Văn Lượng và 7 vị bác sĩ khác để dàn dựng cảnh cho thấy khả năng của chính quyền trung ương làm thay đổi quyết định của chính quyền địa phương. Chiến lược của Bắc Kinh là đổ lỗi cho chính quyền địa phương ».

Thế nhưng cái chết của bác sĩ Lý lại là ví dụ minh họa biểu tượng cho sự yếu kém, trục trặc trong lãnh đạo xử lý khủng hoảng và hậu quả của chính sách kiểm duyệt thông tin. Bởi vì, ngay thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang), khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Nhà nước vào cuối tháng Giêng vừa qua, đã giải thích, thành phố chậm đưa tin về virus corona vì chưa được phép của trung ương. Thế nhưng, Bắc Kinh không thể nào thừa nhận trách nhiệm vì sợ mất mặt, đe dọa chính trị nội bộ. Do vậy, chính quyền phải tìm ra những « chiêu » chạy tội

Trước tiên là « khoanh vùng trách nhiệm ». Chuyên gia Bondaz nhận định : Điều quan trọng đối với chính quyền trung ương, đó là phải « Vũ Hán hóa cuộc khủng hoảng ». Bởi vì nếu người ta nói đến trách nhiệm của Bắc Kinh, thì có nghĩa là Tập Cận Bình bị nhắm tới. Thế nhưng, « chiêu » này không ổn vì bệnh dịch đã nhanh chóng lan sang các nơi khác.

Vậy thì phải tìm kẻ « bung xung » ở bên ngoài. Trong số các « thế lực thù địch », dễ cáo buộc nhất là Hoa Kỳ. Theo Bắc Kinh, chính quyền Washington « đã gây ra và reo rắc hoảng sợ » khi cấm nhập cảnh những người không định cư tại Mỹ và từ Trung Quốc tới. Theo chuyên gia Bondaz, « kế » này nhằm đánh lạc hướng, thu hút sự chú ý của công luận vào một quốc gia bên ngoài. Cách thức này có thể mang lại ít nhiều hiệu quả lúc ban đầu, nhưng về lâu dài sẽ không ổn và mất sức thuyết phục.

Theo giới quan sát, chính quyền Bắc Kinh mò mẫm và không biết cách xử lý một cuộc khủng hoảng trên phương diện chính trị. Chuyên gia Bondaz nhấn mạnh, chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng : « Khủng hoảng càng kéo dài, thì tác động của nó lại càng lớn. Tất cả những thủ thuật về thông tin tuyên truyền chỉ có tác dụng lúc đầu. Sau một thời gian, người ta sẽ nghi ngờ khả năng của chế độ xử lý khủng hoảng » và « khi xẩy ra khủng hoảng về tính chính đáng trong nội bộ, thì điều này thật đáng lo ngại bởi vì người ta sẽ đòi tính sổ với những người cầm quyền ».