Virus corona - Covid-19: Tập Cận Bình muốn dập tắt mọi chỉ trích nội bộ (Trọng Thành)

Không phải Tập Cận Bình muốn dập tắt chỉ trích nội bộ, mà thực tế là không ai trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay dám chỉ trích Tập. 

Những tiếng nói chỉ trích chỉ đến từ không gian mạng, hoặc vài trí thức ít ỏi phẫn uất trước hành vi sai trái của chính quyền, khi đối phó với khủng hoảng dịch bệnh covid - 19.

17/02/2020 - 18:46
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng tại Bắc Kinh chỉ đạo chống dịch virus corona ngày 10/02/2020.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng tại Bắc Kinh chỉ đạo chống dịch virus corona ngày 10/02/2020. Tân Hoa Xã/ Reuters

Dịch Covid-19 diễn biến khó lường, với số người chết và nhiễm virus tăng hàng ngày, nhiều thành phố lớn tự phong tỏa, để chặn dịch. Đặc biệt đáng chú ý có thông tin ngày 15/02/2020, về việc chủ tịch Trung Quốc khẳng định ông đã chỉ đạo chống dịch ngay từ đầu năm. Trái với quan điểm cho rằng, với thừa nhận này, uy tín của Tập Cận Bình bị tổn thương do để xảy ra khủng hoảng dịch, một số nhà quan sát nhận định là ông Tập muốn giành lại thế thượng phong, dập tắt mọi chỉ trích trong nội bộ.

Sau hai tuần trong hậu trường theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh, ngày 10/02, chủ tịch Trung Quốc đột ngột xuất hiện trên ''tuyến đầu''. Ông đến thăm một khu phố ở Bắc Kinh, chỉ đạo hoạt động chống dịch tại Hồ Bắc qua truyền hình… Ngày 13/02, Bắc Kinh cách chức bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc và bí thư thành ủy Vũ Hán. Cùng lúc, tỉnh Hồ Bắc cũng thay đổi cách tính người nhiễm virus. Chỉ trong một ngày, thêm 15.000 người bị coi là nhiễm Covid-19, so với hơn 40.000 người được tính là đã nhiễm từ đầu dịch. Số ca nhiễm bệnh tăng vọt cho thấy chính quyền thừa nhận quy mô dịch lớn hơn nhiều so với cách tính trước đó.

Vạch áo cho người xem lưng

Nhiều người cho rằng cách tính mới phản bác lại quan điểm lạc quan của ông Tập Cận Bình, về triển vọng tích cực, dịch bệnh đang từng bước được khống chế. Uy tín của chủ tịch Trung Quốc dường như đang bị thách thức, trước quy mô dịch có vẻ sẽ kéo dài, trở nên khó lường. Ngày 15/02, báo Cầu Thị (Qiushi), một tạp chí chính của Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đăng tải một bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, trong một cuộc họp ban lãnh đạo Đảng ngày 03/02, thừa nhận đã trực tiếp chỉ đạo chống dịch ngay từ đầu, trong cuộc họp của Thường Vụ Bộ Chính Trị, ngày 07/01/2020.

Thông tin về vai trò số một của ông Tập trong việc chỉ đạo chống dịch có nhiều khả năng sẽ hướng mũi nhọn chỉ trích về trách nhiệm để xảy ra khủng hoảng - vốn lâu nay vẫn hướng về chính quyền địa phương - sang trực tiếp nhắm vào ban lãnh đạo tối cao. Chính quyền trung ương Trung Quốc phải đối mặt với trách nhiệm đã nhắm mắt trước nguy cơ xảy ra đại dịch, cũng như về các biện pháp cực đoan sau này (như bất thần phong tỏa thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và toàn bộ tỉnh hơn 50 triệu dân cư này), với danh nghĩa là để chống dịch, nhưng rất có thể đã góp phần làm cho dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn, thiệt hại nhân mạng lớn hơn, do hệ thống y tế tại chỗ đã hoàn toàn không được chuẩn bị để đối phó với quy mô dịch bệnh lớn hơn rất nhiều so với các dự đoán từ phía chính quyền. Nhiều người thậm chí nói đến tội ác của chính quyền Trung Quốc, khi phong tỏa toàn bộ một tỉnh hàng chục triệu dân cư, các bệnh viện dã chiến được cấp tốc xây dựng bị tố cáo là nơi giam giữ những người bị nghi nhiễm virus, khiến nguy cơ lây lan dễ dàng, cái chết của những người dân thường thấp cổ bé họng được dễ dàng xóa sạch dấu vết.

Việc ông Tập đứng ra nhận trách nhiệm đã trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến phòng dịch ngày 07/01 chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng, đặt lãnh đạo tối cao Trung Quốc vào tình thế bị động, như ghi nhận của tiến sĩ Bùi Mẫn Hân (California), được coi là một chuyên gia về chế độ cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu như điều này có thể là đúng đối với nhiều người dân Trung Quốc, đối với công luận bên ngoài, đối với quốc tế, thì tình hình có thể là hoàn toàn khác đối với nội bộ chính quyền Trung Quốc.

Đòi hỏi trung thành tuyệt đối với Trung Ương

Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, Đại học Báp-tít Hồng Kông, trong những ngày gần đây ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản dường như đang nắm lại thế chủ động, trên mặt trận an ninh, cũng như truyền thông. Ông Tập Cận Bình đã cử một người thân tín nắm bộ máy công an tại Vũ Hán, siết chặt kiểm duyệt thông tin, để tránh các chỉ trích đi quá xa, biến thành một phong trào chính trị chống lại chế độ.
Việc báo chí Trung Quốc công bố một diễn văn của Tập Cận Bình, khẳng định lãnh đạo tối cao chỉ đạo chống dịch ngay từ ngày 07/01/2020, cần được đặt vào bối cảnh chung này, đặt trong chiến lược nắm lại thế chủ động của ban lãnh đạo Đảng, trước hết là nắm lại thế chủ động trong nội bộ Đảng, vốn dường như đang bị phân hóa mạnh mẽ, khi chính quyền các cấp tỏ ra lúng túng trước khủng hoảng dịch Covid-19. Hôm qua, 16/02, báo Cầu Thị đăng tải một diễn văn khác của Tập Cận Bình, nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, do Tập chủ tịch đứng đầu, trong cuộc chiến chống dịch, đòi hỏi các cấp chính quyền, các cơ sở đảng phải ''trung thành tuyệt đối'' với Trung Ương.

Khi khẳng định chỉ đạo ngay từ đầu cuộc chiến chống dịch, ông Tập Cận Bình đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục tuân theo chỉ đạo của ông trong những ngày tới, và cuộc chiến chống dịch chỉ có thể thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng, của lãnh đạo tối cao. Chỉ có một con đường chống dịch đó là tuân theo sự chỉ đạo của Trung Ương. Mọi quan điểm khác biệt trong nội bộ đều không được phép tồn tại.

Ông Tập chỉ đạo chống dịch từ 07/01 : Thực hư ra sao ?

Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về khả năng đích thân ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo chống dịch ngay từ đầu. Nhà báo Amy Qin, trong bài viết trên New York Times, nhận xét: trong thông báo chính thức về nội dung cuộc họp ngày 07/01 của Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc, được Tân Hoa Xã đăng tải, đã không hề có dòng chữ nào nhắc đến dịch bệnh.

Phải chăng chống dịch là một thông tin xếp vào hàng bí mật nội bộ của Đảng ? Liệu có thực sự là ông Tập Cận Bình đã nói đến việc chống dịch ngay trong cuộc họp này ? Nội dung được đề cập đến như thế nào ?... Có lẽ rất khó mà biết rõ thực hư của câu chuyện này, trong bối cảnh Đảng Cộng Sản Trung Quốc coi bí mật nội bộ là nguyên tắc tối cao. Chỉ có điều, cho đến nay, chưa có ai trong hàng ngũ ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc lên tiếng nói khác. Tuyên bố của Tập chủ tịch ắt hẳn phải đồng nghĩa với sự thực, với chân lý. Với bài diễn văn nói trên, dường như Tập Cận Bình đã có thêm một thành công trong việc bóp nghẹt mọi tiếng nói khác biệt trong nội bộ.