Hiệp định EVFTA với Việt Nam gây chia rẽ sâu sắc Nghị Viện Châu Âu (Thuỵ My)

Với 192 phiếu chống, chiếm hơn 32% số phiếu cho thấy xu hướng coi việc cải thiện nhân quyền là điều kiện hợp tác kinh tế với Liên - Âu đang mạnh lên. Đây sẽ là một áp lực lên Việt Cộng về vấn đề nhân quyền khi  muốn hợp tác với khối EU.

Các nghị viên bỏ phiếu thuận cũng coi việc thông qua EVFTA vừa thúc đẩy kinh tế hai bên, vừa tạo ra công cụ mới để áp lực lên Hà Nội về vấn đề nhân quyền.

12/02/2020 - 15:13
Ủy viên Thương Mại châu Âu Cecilia Malmstrom (T), bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea (G) và bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (P) trong lễ ký hiệp định tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 30/06/2019
Ủy viên Thương Mại châu Âu Cecilia Malmstrom (T), bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea (G) và bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (P) trong lễ ký hiệp định tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 30/06/2019 Tien TUAN / AFP

Hôm nay 12/02/2020 tại Strasbourg, các nghị sĩ châu Âu bỏ phiếu thông qua hiệp định tự do mậu dịch Việt Nam – EU (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư, sau tám năm đàm phán. Theo báo Le Soir, cuộc bỏ phiếu sẽ rất gay go, cuộc tranh luận hôm qua cho thấy Nghị Viện Châu Âu bị chia rẽ sâu sắc.


Hiệp định được nhiều nghị sĩ ủng hộ vì mở ra viễn cảnh lớn với thị trường Việt Nam 100 triệu người, tuy nhiên số khác chống đối vì tình hình nhân quyền và sự thiếu vắng một số tiêu chí xã hội, môi trường.
Đảng Xanh và nhóm cánh tả GUE vào đầu tuần đã yêu cầu hoãn lại cuộc bỏ phiếu nhưng không thành công (đề nghị này được 121 phiếu thuận, 231 phiếu chống, 12 vắng mặt).
Đặc phái viên của RFI tại Strasbourg, Juliette Gheerbrant gởi về bài tường trình :

Đó là một cơ hội tuyệt vời - nghị sĩ Christophe Hansen của Luxembourg thuộc nhóm PPE tỏ ra phấn khởi. Ông vui mừng trước việc dỡ bỏ toàn bộ thuế hải quan.

Ông Hansen nói : Hiện nay Việt Nam đánh thuế từ 20 đến 30% đối với sản phẩm nhập từ châu Âu, làm cho sản phẩm của chúng ta ít tính cạnh tranh hơn so với những nước khác. Theo ông, đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên tình hình chính trị tại Việt Nam khiến một số nghị sĩ bất bình, chẳng hạn đại biểu Pháp Manon Aubry, thuộc nhóm Cánh tả châu Âu thống nhất (GUE).

Bà Aubry cho biết : Việt Nam chưa phê chuẩn các công ước chủ chốt của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), như công ước về lao động cưỡng bức. Nhà nước cũng bắt giam một số nhà đối lập chính trị, hiện nay có 128 người đang bị tù.

Bên cạnh đó vẫn chưa có công đoàn độc lập, việc này được dời lại. Việt Nam còn bị Bruxelles cảnh báo thẻ vàng vì hoạt động đánh cá bất hợp pháp. Tuy nhiên theo nghị sĩ Christophe Hansen thì thỏa thuận tự do mậu dịch sẽ giúp cải thiện được tình hình vì đã có những điều khoản ngăn chận.

Ông Hansen giải thích : Chúng ta có những điều khoản hạn chế áp dụng, có thể dựa vào đó để ngưng một phần hoặc toàn bộ thỏa thuận. Và cũng có cơ chế để các tổ chức phi chính phủ tại chỗ có thể tham gia giám sát.

Các tổ chức phi chính phủ còn tố cáo nạn phá rừng và tình trạng cưỡng đoạt đất đai, rất xa vời so với mục tiêu sinh thái của Ủy Ban Châu Âu.

Chiều nay, với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 vắng mặt, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua Hiệp định tự do trao đổi mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam.