Google phối hợp với WHO chống tin thất thiệt về dịch corona (VOA Tiếng Việt)

Internet là một thế giới khác của nhân loại, thế giới ảo. Dĩ nhiên, trong thế giới đó sẽ có thật giả, xấu tốt lẫn lộn như thế giới thực của con người, trong đó có thông tin giả.

Để đối phó với thông tin giả, không có gì hữu hiệu bằng việc các chính phủ phải cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người dân.


Tổng Giám Đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (ảnh chụp ngày 30/1/2020)

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đang làm việc với Google để đảm bảo là mọi người có được những dữ liệu của WHO trước tiên khi họ truy tìm tin tức về virus mới xuất hiện tại Trung Quốc.

Tổng Giám Đốc WHO Tedros Adnanom Ghebreyesus nói tại phiên khai mạc hội nghị ban điều hành của WHO vào ngày 3/2 là những mạng truyền thông xã hội như Twitter, Facebook, Tencent và TikTok cũng có những bước để hạn chế sự lan truyền những tin tức không đúng và những tin đồn về virus và dịch bệnh bùng phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm ngoái và hiện đã lây lan sang 23 nước khác.

“Để đạt mục đích này, chúng tôi đã làm việc với Google để đảm bảo là những người đi tìm tin tức về virus corona thấy được thông tin của WHO ngay phần đầu kết quả tìm kiếm,” ông nói.

Các giới chức WHO như ông Tedros đã liên tiếp ca ngợi những đáp ứng của Trung Quốc trước công chúng, lặp lại lời kêu gọi tránh hoảng loạn của Bắc Kinh, tìm cách củng cố các hệ thống y tế yếu kém và bác bỏ những tin đồn có thể gây ra việc kỳ thị chống lại công dân Trung Quốc và những người châu Á khác.

Đại sứ Li Song, phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Geneva, chỉ trích về việc cấm bay, không cấp visa và việc một vài nước từ chối không chấp nhận người dân tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán, gọi những động thái này là vi phạm những khuyến cáo của WHO.

Ông Li nói là Chủ tịch Tập Cận Bình, trong cuộc gặp với ông Tedros tại Bắc Kinh hồi tuần trước, đã nói là dịch bệnh do virus corona gây nên “là ác quỉ-chúng ta không thể để ác quỉ ẩn núp.”

Ông Li nói tiếp “Cộng đồng quốc tế cần xử lý virus một cách khách quan, công bằng, bình tĩnh và hợp lý, không nên giải thích quá đáng một cách tiêu cực và bi quan hay cố tình gây hoảng loạn. Chúng ta cần sự kiện, không lo sợ. Chúng ta cần khoa học, không phải tin đồn. Chúng ta cần đoàn kết, không phải lăng nhục.”

Ông Tedros nhắc lại lời khuyên của con gái ông là không nên đến Bắc Kinh, và ông giải thích cho con ông là “Không sao, virus không có trên toàn Trung Quốc.”

Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, có một số tuyên bố sai lầm hay giả mạo về virus được loan truyền trên mạng. Trong đó có những giả thuyết âm mưu ngụy tạo là virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm và vaccine hiện đã được chế tạo, khuếch đại về con số người bệnh và người chết và đưa ra những phương thuốc chữa trị giả mạo.

Ngày 2/2 WHO than phiền là dịch bệnh bùng phát và cách đáp ứng đã được đi kèm bằng quá nhiều tin tức, một số chính xác, một số không- làm cho mọi người khó tìm được những nguồn đáng tin cậy và những hướng dẫn khả tín khi cần đến.

Báo cáo cho biết WHO làm việc “24 giờ một ngày để định ra những tin đồn được loan truyền nhiều nhất có thể làm hại đến sức khỏe công chúng, như những biện pháp phòng ngừa và điều trị giả mạo.”

Ông Tedros cũng nhắc lại quyết định của ông hồi tuần trước xếp hạng virus bùng phát là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Ông nói rằng hành động này được đưa ra vì con số lây lan từ người qua người gia tăng sang nhiều nước và có thể ảnh hưởng mạnh đến các nước đang phát triển với hệ thống y tế yếu kém.

Tính đến ngày 3/2, dịch bệnh bùng phát đã lây nhiễm hơn 17.300 người, trong đó có 17.238 ca và 361 người chết được xác nhận tại Trung Quốc. Bên ngoài Trung Quốc có 151 ca được xác nhận tại 23 nước, và một người chết tại Philippines ngày 2/2, ông Tedros cho biết.