Công khai thông tin khi chính quyển cố ‘bịt miệng’ vụ Đồng Tâm! (Diễm Thi)
Chúng tôi đồng ý với nhà đấu tranh Phạm Đoan Trang là không thể chờ đợi sự tự thay đổi từ chính quyền cộng sản, và cũng không thể dùng biện pháp mang tính cực đoan, bạo lực để đối đầu với chính quyền.
Biến cố Đồng Tâm là một bài học cho nhiều người, đặc biệt là các đảng viên trung kiên như cụ Lê Đình Kình khi cả tin vào lãnh đạo cộng sản. Tất cả các lãnh đạo cộng sản đều coi việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lợi phe nhóm là mục đích tối thượng dù phải tàn sát dân chúng.
Bìa bản Báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm. NXB Tự Do
Nhóm “Hành Động Vì Đồng Tâm” do một số nhà báo, nhà hoạt động, nạn nhân mất đất… tại Việt Nam thành lập vừa ra bản báo cáo thứ hai về vụ công an tấn công Đồng Tâm rạng sáng ngáy 9 tháng 1 năm 2020. RFA phỏng vấn chị Phạm Đoan Trang, người viết bản báo cáo này.
Diễm Thi: Xin chị cho biết mục đích của chị và các đồng sự khi đưa ra bản cáo lần hai về vụ tấn công Đồng Tâm?
Phạm Đoan Trang: Báo cáo này cũng như báo cáo trước nhằm chia sẻ và thúc đẩy những thông tin. Chúng ta biết là với mọi chính quyền độc tài thì thông tin, sự hiểu biết, sự nhận thức của dân chúng là điều họ không chấp nhận được vì đó là tử huyệt của chế độ.
Trong lịch sử cầm quyền, đảng cộng sản rất nhiều lần gây sức ép, gây ra nhiều vụ đàn áp đẫm máu nhưng rồi đều đi vào quên lãng. Gần như là giết người diệt khẩu, không để lại thông tin, không lưu trữ gì cả.
Đến lúc chúng ta không thể chấp nhận như thế được nữa. Những người bị trị phải chống lại giai cấp thống trị. Họ bịt miệng thì chúng ta phải tìm cách công khai thông tin và lưu trữ, làm sao để những vết nhơ đó không thể xóa đi được. Chúng tôi muốn có thể làm đến cùng việc này. Trước mắt chưa thể đem lại công lý cho người dân Đồng Tâm ngay thì phải làm sao phổ biến thông tin rộng rãi đến cho người dân Việt Nam cũng như ra nước ngoài.
Diễm Thi: Điều khiến chị bận tâm nhất trong việc thu thập thông tin để viết báo cáo là gì ạ?
Phạm Đoan Trang: Cũng như những nhà báo khác, chúng tôi phải có rất nhiều nguồn tin. Điều khó khăn khi làm báo cáo này là làm sao để bảo vệ nguồn tin, làm sao để bảo vệ an toàn cho các nhân chứng. Đó là điều tôi đau đầu nhất. Phải làm sao để vừa có độ tin cậy cao trong báo cáo lại vừa bảo vệ được các nhân chứng và để làm sao công an không thể dựa vào chi tiết đó để bắt thêm người và đàn áp thêm.
Diễm Thi: Cho đến hôm nay, chị có được thông tin nào mới nhất về số lượng người bị bắt ở Đồng Tâm cũng như thông tin anh Lê Đình Chức bị cho là đã chết?
Phạm Đoan Trang: Chúng tôi cũng không có được thông tin về tình trạng hiện nay của anh Lê Đình Chức. Nhưng ngay cả việc chúng ta không có một thông tin gì cũng là một thông tin. Nó nói lên được sự bưng bít của chính quyền, sự biệt giam, bịt miệng có nguy cơ họ thực hiện việc giết người diệt khẩu. Tôi nghĩ đó là một chi tiết cần lưu ý.
Số người bị bắt hôm đó ít nhất là 22 người. Trong những ngày sau đó tiếp tục bắt bớ thêm. Có những người đã phải bỏ trốn. Tình trạng của bà con ở Đồng Tâm cho đến giờ phút này vẫn không yên. Công an vẫn tiếp tục quấy phá, đe dọa, khủng bố…
Số người bị bắt cập nhật lúc này có thể lên đến 27 người. Họ còn sống hay đã chết, bị đánh đập thương tật nặng đến mức nào không ai biết cả. Công an đã giấu tuyệt đối. Đó cũng là một thông tin quan trọng.
Hình minh họa. Cảnh sát cơ động ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020 Courtesy of TTXVN
Diễm Thi: Báo cáo đề cập đến những khuyến nghị. Bên chị đã nhận được phản hồi gì từ cộng đồng quốc tế chưa ạ?
Phạm Đoan Trang: Hiện giờ chúng tôi cũng như chưa nhận được phản hồi cụ thể nào từ cộng đồng quốc tế. Chúng tôi chỉ biết sơ bộ là họ quan tâm đến vụ việc này và sẽ đề cập đến khả năng xin được tiến hành điều tra độc lập. Việc điều tra độc lập ở Việt Nam do quốc tế tiến hành rất khó vì phải xin phép chính phủ Việt Nam. Phía Việt Nam thì sẽ từ chối. Tôi nghĩ họ biết vậy nhưng sớm muộn gì cũng sẽ đề nghĩ chính phủ Việt Nam cho được điều tra độc lập.
Diễm Thi: Theo chị, sau vụ Đồng Tâm, người dân Việt Nam hiểu thêm điều gì về đảng cầm quyền?
Điều chúng ta rút ra được sau vụ Đồng Tâm là những kinh nghiệm cay đắng. Tôi tin rằng sau vụ này, giới đấu tranh, phản biện ở Việt Nam hay những người xưa nay vẫn tin vào khả năng tự đổi mới của đảng cộng sản sẽ thay đổi. Họ hết hy vọng vào khả năng đổi mới của đảng cộng sản, khả năng đối thoại ôn hòa…tức là không còn hy vọng gì vào tính chính danh của đảng cầm quyền nữa.
Vụ này là tiền lệ rất xấu cho vụ công an tiếp tục dùng bạo lực khủng bố trong các cuộc tranh chấp đất tiếp theo. Đương nhiên người dân sẽ cảnh giác hơn, không phải như dân Đồng Tâm tin vào những lời hứa của lãnh đạo từ năm 2017. Đến phút cuối vẫn tin rằng công an sẽ không dám bắt, không dám đánh dân đâu. Niềm tin đó đã sụp đổ hoàn toàn, vấn đề là chúng ta có thể làm gì khi niềm tin sụp đổ như vậy?
Sự bế tắc với người dân ở đây là đối thoại ôn hòa không được vì đảng cộng sản không quen kiểu đó, dùng bạo lực thì cũng không thể, họ chưa biết tìm giải pháp nào.
Diễm Thi: Còn về phía chính quyền, chị có thấy tín hiệu nào về sự thay đổi trong cách hành xử không?
Phạm Đoan Trang: Tôi không tin chính quyền Việt Nam rút ra được bài học gì trong vụ Đồng Tâm cả, bởi cho đến giờ phút này tôi vẫn không thấy một dấu hiệu nào thiện ý từ chính quyền. Họ không nhìn lại mình, kiểm điểm lại xem có gì sai để sửa sai.
Hôm nay là ngày 11 tháng 2, những tờ báo như Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân vẫn tiếp tục viết bài tấn công những người đã ủng hộ Đồng Tâm, tấn công những nhà đấu tranh, những người hoạt động cho dân chủ nhân quyền đã lên tiếng và đứng về phía người dân Đồng Tâm.
Tức là bằng mọi cách họ vẫn nhồi sọ dân chúng để cho rằng vụ cướp của giết người này là đúng, là chính đáng. Tôi không thấy dấu hiệu nào của sự phục thiện về phía chính quyền cả, nên tôi tin rằng họ chẳng rút ra bài học nào cả. Nếu có thì sẽ là làm sao để những vụ sau họ xử lý dứt điểm hơn, kiểu như đã giết thì giết hết, không để sót nhân chứng.
Diễm Thi: Với số người bị bắt lên tới 27 người mà chúng ta chưa có tin tức gì về họ, nhóm Hành động vì Đồng Tâm sẽ làm gì để giúp họ?
Phạm Đoan Trang: Chúng tôi tiếp tục làm mọi cách để công khai thông tin, lưu trữ thông tin và đưa vụ việc ra trước ánh sáng. Đó là việc lâu dài. Việc trước mắt, sống còn của tất cả chúng ta là tìm cách bảo vệ những người còn sống, bởi việc 22 người trong số 27 người bị bắt mà bị truy tố về tội giết người với mức án cao nhất có thể lên đến tử hình. Chúng ta phải làm sao bảo vệ họ khỏi án tử hình.
Diễm Thi: Theo chị, mục đích của chính quyền trong việc đưa những người dân Đồng Tâm lên truyền hình thú tội là gì?
Phạm Đoan Trang: Tôi cho rằng những lời thú tội của người dân Đồng Tâm được phát trên truyền hình vào ngày 13 tháng 1 là lý lẽ mạnh nhất để tòa án dựa vào kết tội họ. Công an Việt Nam trình độ kém, không điều tra được nên chỉ còn cách ép cung, rồi dùng chính lời cung đó làm bằng chứng kết tội. Chúng ta cũng biết đó là kết quả của sự tra tấn đến mức khủng khiếp, kết quả của sự bức cung như chúng ta thấy diện mạo ông Lê Đình Công trên truyền hình. Tôi nghĩ chuyện họ nhận tội trong tình trạng đó không có gì lạ.
Diễm Thi: Theo chị, vì sao chính quyền không thay đổi quy định về sở hữu đất đai để tránh những vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài hàng chục năm qua?
Phạm Đoan Trang: Tôi cho rằng chính quyền cộng sản như Việt Nam hay Trung Quốc không bao giờ thay đổi hiến pháp để sửa lại quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý, bởi đó là nguồn gốc sức mạnh của họ. Họ dứt khoát phải kiểm soát cho được đất đai, tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát xã hội dân sự, kiểm soát truyền thông. Họ không bao giờ sửa hiến pháp để tư nhân hóa đất đai. Nếu tư hóa đất đai sẽ kéo theo những vấn đề mà nhà nước không kiểm soát được, chẳng hạn như những tranh chấp đất đai từ trước đến nay, từ thời cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản… Như thế về nguyên tắc thì hệ thống tư pháp, hành chính Việt Nam không đủ năng lực giải quyết.
Chừng nào chế độ cộng sản này còn tồn tại thì chừng đó hiến pháp không thay đổi.
Diễm Thi: Cám ơn chị đã dành thời gian cho RFA.
Đọc online:
Nguồn: RFA Tiếng Việt