Chặn tin từ mạng xã hội liệu có hiệu quả trong thời dịch bệnh? (Diễm Thi)
Các quy định chống tin giả mà chính quyền cộng sản Việt Nam đưa ra chỉ là cái cớ để bóp nghẹt tự do thông tin trên mạng xã hội.
Chính hệ thống truyền thông quốc doanh mới là thành phần chính tung thông tin giả, kể cả phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam cũng là kẻ tung thông tin giả. Vụ Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ.
Ảnh minh họa. AFP
Ngày 3 tháng 2 năm 2020, Thủ tướng chính phủ ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 15 tháng 4 năm 2020. Điều 101 nghị định này quy định mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi bị cho lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống.
Tin thật - tin giả?
Nghị định 15 vừa nêu được ban hành vào thời điểm virus corona xuất phát từ Trung Quốc lan rộng, và Việt Nam bị cho là nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh do lượng người Trung Quốc đến Việt Nam quá đông và mang theo mầm bệnh lâu nay. Tiếp đến là làn sóng người Việt sang Hoa Lục làm ăn phải về nước…
Tin tức về dịch bệnh từ phía cơ quan chức năng lại có những khoảng trống hay mâu thuẫn khiến dân chúng không biết nên tin đến mức độ nào.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhìn nhận mặt tích cực về nội dung của Nghị định 15, còn về mặt thực hiện có đúng như thế hay không thì theo ông, phải chờ thời gian mới kiểm chứng được. Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng những tin không có thực mà phịa ra để đưa thì phải bị trừng trị, còn nếu tin mình đưa chắc chắn là thật có kiểm chứng có bằng chứng cụ thể thì nên khuyến khích người dân Việt Nam đưa lên. Tức phải làm sao để mạng xã hội thực hơn chứ không phải một nơi có quá nhiều tin giả. Chính sách như vậy tôi thấy nên khuyến khích.
Bây giờ mục đích của Nhà nước là gì mình chưa rõ nhưng nếu đó là điều tốt thì chính người dân phải ép nhà nước để thực hiện cái tốt đó và tự mình làm trong sạch mạng xã hội. Thậm chí phải vạch ra những gì báo đảng nói bậy. Mình hãy cứ chấp nhận những lời lẽ họ đưa ra. Nếu họ làm bậy mình trị họ sau.”
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, nếu tin thật mà báo chí nhà nước lấp liếm không đưa thì người dân cứ đưa lên. Mạng xã hội bây giờ có rất nhiều nguồn, nhiều người để kiểm chứng. Nếu người dân đưa tin một cách trung thực thì chẳng có gì phải sợ cả.
Xử phạt đưa tin trên mạng
Hôm 4 tháng 2 năm 2020, Reuters có bài xã luận về tình trạng bắt bớ những người đưa tin về dịch bệnh này ở châu Á. Theo đó, ít nhất 16 người đã bị bắt vì các bài đăng liên quan virus corona ở Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Hồng Kông. Singapore đã sử dụng luật "tin giả" mới để trừng phạt cư dân mạng. Tại Trung Quốc, có 8 người bị bắt đầu tháng 1 do lan truyền những thông tin về virus này nhưng cuối cùng họ đã được thả.
Cũng theo bài xã luận này thì tại Việt Nam - nơi có ‘một đội quân đông đúc chuyên kiểm duyệt các tin tức, bài viết trên mạng xã hội cho chính quyền’ - đã phạt ít nhất chín người và mời làm việc ba người nổi tiếng do đã đăng các thông tin, bài viết về virus corona.
Luật sư Đặng Đình Mạnh trong một lần trao đổi với RFA cho rằng những biện pháp mà phía công an thực hiện đối với những facebooker vừa nêu là không đúng luật.
“Thật ra việc người dân có ý kiến về bệnh dịch Corona thì rất có thể họ nói quá sự thật nhưng điều đó xét về phương diện pháp lý thì không có gì sai đến mức độ bị chế tài hoặc bị bắt giữ.
Nhân viên y tế đứng cạnh quầy ở khu vực cách ly tại Viện các bệnh nhiệt đới ở Hà Nội hôm 30/1/2020 AFP
Trường hợp mới nhất là hôm 2 tháng 2, facebooker Them Ly đăng trên tài khoản cá nhân của mình 2 đoạn video ngắn từng hàng dài người Trung Quốc đeo khẩu trang chờ nhập cảnh vào Việt Nam ở cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Facebooker này bị phạt 12,5 triệu đồng vì đưa tin sai lên mạng xã hội. Cùng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long cũng quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng ông Nguyễn Nhựt Tân cũng với cáo buộc ‘tung tin thất thiệt’ về dịch do virus corona tại Cần Thơ trên trang facebook cá nhân của mình.
Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 1 tháng 2 đã ra quyết định xử phạt Facebooker Nhàn Lê số tiền 12,5 triệu đồng vì đưa tin Huế đã có 1 trường hợp dịch cúm Corona là người Vũ Hán đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, ông Lương Tam Quan, tại cuộc họp báo ngày 5 tháng 2 cho biết tính đến lúc đó đã triệu tập hơn 170 người để xử lý, kiểm điểm và yêu cầu gỡ bỏ các thông tin đăng trên tài khỏan cá nhân Facebook về dịch bệnh virus corona mà công an cho là sai sự thật theo Nghị Định 174 của Chính phủ Hà Nội.
Có khả thi khi chặn thông tin trên mạng?
Blogger, nhà quan sát thời cuộc Nguyễn Ngọc Già cho rằng việc phạt tiền như vậy là điều bất hợp lý mà người dân phải chấp hành. Còn việc người dân tin mạng xã hội hơn báo chí chính thống, thậm chí tin cả những tin giả thì đó là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước phải đặt ra câu hỏi “Vì sao dân không tin những thông tin từ phía chính quyền đưa ra?”, từ đó thay đổi để đưa tin thật tới người dân. Theo ông thì Nghị định 15 không hề góp phần cho việc ngăn chặn tin giả mà nó chỉ làm rối thêm tình hình hiện nay. Ông giải thích:
“Những thông tin xuyên tạc, giả mạo, sai sự thật như vậy, nếu đứng về cộng đồng mạng với mấy chục triệu người thì phải nói là rất khó kiểm soát.
Trên mạng xã hội có rất nhiều người đưa ra những hình ảnh avatar không thật, thêm vào đó là lực lượng AK47 và dư luận viên mười mấy ngàn người dựa hơi việc “phát hiện phản động bảo vệ chế độ” có thể giả mạo rất nhiều thông tin, thậm chí cả xuyên tạc và vu khống cộng đồng thì Nhà nước Việt Nam giải quyết như thế nào?”
Theo ghi nhận của RFA, sở dĩ người dân không tin báo chí chính thống nhà nước mà tin vào mạng xã hội là do có những thông tin thuộc loại ‘nhạy cảm’ được mạng xã hội lan truyền trước khi báo chí nhà nước đưa ra, nhất là những gì liên quan đến sức khỏe các quan chức cao cấp như ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Phú Trọng…
Nếu muốn dân tin thì phải đưa tin trung thực và minh bạch, chứ không thể bưng bít thông tin bằng cách bịt miệng dân bằng nhiều hình thức như vậy.
Anh Trần Trọng Nhân từ Đắc Nông, từng nhận giấy mời lên làm việc với chính quyền do những thông tin được anh đăng tải trên facebook cá nhân nói với RFA sáng 5 tháng 2:
“Theo em thì chính quyền không thể chặn thông tin trên mạng xã hội. Điều cần làm là họ phải thay đổi cách làm việc, minh bạch hóa mọi vấn đề, chấp nhận những quan điểm trái chiều góp ý cho chính quyền nhận thấy những cái sai của mình. Phải thay đổi để đáp ứng mong mỏi của người dân chứ không phải cứ lo chặn thông tin trên mạng của dân bằng mọi cách.”
Anh nhân cho rằng chính quyền ban hành Nghị định 15 không nhằm mục đích làm trong sạch mạng xã hội mà chỉ nhằm kiểm soát thông tin gắt gao hơn, hạn chế những tiếng nói bất đồng. Trong một xã hội độc tài toàn trị thì chuyện tự do ngôn luận là điều quá xa vời với người dân.
Từ khi mạng xã hội phát triển, rất nhiều thông tin trong mọi lĩnh vực được đưa lên mạng thu hút sự chú ý, bình luận của cư dân khiến chính quyền đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy biện pháp chặn thông tin từ mạng xã hội đến nay không được hiệu quả.
Nguồn: RFA Tiếng Việt