Việt Nam tỏ dấu hiệu từ bỏ mô hình kinh tế tập trung (VOA Tiếng Việt)

Đúng là trong một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì đầu tư nhà nước đã giảm (đáng lẽ phải chấm dứt hoàn toàn), vì có muốn, chính quyền cộng sản Việt Nam cũng không còn tiền.

Nhưng những lĩnh vực quan trọng như : điện, viễn thông, khai khoáng, đường sắt, xây dựng cơ bản, cảng.v.v... thì chính quyền cộng sản vẫn kiểm soát, và chính những trì trệ của thành phần này khiến đất nước không thể phát triển.

Một người bán hàng rong đi ngang một cửa hàng Viettel ở Hà Nội.

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại của Việt Nam, mới đây đã nói rằng họ sẽ không đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế nữa, báo hiệu bước đi mới nhất trong sự chuyển đổi ra khỏi nền kinh tế kế hoạch tập trung ở quốc gia cộng sản này.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý rằng đầu tư nhà nước, thường là dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước, đã giảm trong những năm gần đây. Cho đến năm 2020, ông ước đoán đầu tư của nhà nước sẽ chiếm khoảng 16% nền kinh tế của thành phố, chỉ bằng một nửa so với con số 32% hồi năm 2005.

“Trong thời gian sau, trong lĩnh vực đầu tư sản xuất và kinh doanh, khu vực nhà nước về cơ bản sẽ không đầu tư nữa,” ông Nhân nói. “Do đó, động cơ tăng trưởng kinh tế nằm ở khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.”

Đảng Cộng sản đã lên nắm quyền ở đất nước này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam hồi năm 1975. Khi đó, họ đã ban hành hạn ngạch sản xuất và kiểm soát giá cả. Tuy nhiên, nền kinh tế đã chuyển sang hướng khu vực tư nhân nhiều hơn kể từ những năm 1980. Điều đó có nghĩa là các tập đoàn nước ngoài, doanh nghiệp trong nước và gần đây nhất là các công ty khởi nghiệp đã và đang đóng vai trò ngày càng tăng trong nền kinh tế. Điều đó cũng có nghĩa là chính phủ đã thoái vốn và cho phép cổ phần tư nhân lớn hơn trong các doanh nghiệp nhà nước, một quá trình mà họ gọi là cổ phần hóa.

Vai trò của nhà nước đang thay đổi

Thay vì đầu tư, nhà nước sẽ tập trung vào môi trường đầu tư, theo ông Nhân. Vai trò của Nhà nước là đối thoại với các bên liên quan và giải quyết các vấn đề về thuế, đất đai và các chính sách công khác khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết, ông nói.

“Môi trường kinh doanh rất quan trọng,” ông Nhân nói tháng trước trong một phiên cập nhật cho công chúng về tình trạng nền kinh tế. “Chất lượng không khí như thế nào, khi các nhà đầu tư hỏi, chúng ta phải có câu trả lời. Không chỉ là đất đai, mà còn với môi trường sạch sẽ, giao thông tốt và chất lượng không khí tốt thì các nhà đầu tư mới đến.”

Ông đề cập đến nông dân như là một ví dụ. Để phù hợp với chính sách kinh tế cộng sản, tất cả đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng người dân có thể cho thuê nó trong nhiều thập kỷ. Có vẻ như một số nông dân, chẳng hạn như những nông dân ở các khu vực ngoại thành xa xôi của Thành phố Hồ Chí Minh, đã chuyển đổi từ nông nghiệp sang các loại công việc khác. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đó đã tạo ra sự nhầm lẫn về quy hoạch đất đai và người dân có quyền sử dụng như thế nào đối với các loại đất đai khác nhau. Khoảng 2/3 lãnh thổ Việt Nam là nông thôn nhưng quá trình đô thị hóa ngày càng tăng.

Triển vọng kinh tế 'tích cực'

Cổ phần hóa cũng là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam. Nó có mục tiêu cổ phần hóa 403 doanh nghiệp nhà nước cho các nhà đầu tư tư nhân trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, nhưng đến nay chỉ mới đạt được khoảng 1/5 mục tiêu.

Tuy nhiên, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã thay đổi triển vọng chính thức về kinh tế của Việt Nam từ ‘ổn định’ sang ‘tích cực’ hồi tháng 5 với lý do rằng tiến trình cổ phần hóa đã góp phần giảm mức nợ của chính phủ.

“Mức giảm này cũng được hỗ trợ bởi các khoản thu ổn định từ tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, tăng trưởng GDP danh nghĩa cao [tổng sản phẩm quốc nội] và thâm hụt tài khóa thấp hơn,” Fitch nhận định. "Tốc độ cổ phần hóa chung đã chậm lại, nhưng quá trình này vẫn tiếp diễn, với 28 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong năm 2018 so với 69 doanh nghiệp trong năm 2017.”