Ukraina: Tranh cãi nổ ra sau vụ trao đổi tù nhân với phe nổi dậy (Thuỳ Dương)

Việc chính quyền Ukraina trao trả cả những sĩ quan cảnh sát tham gia đàn áp cuộc biểu tình trong cách mạng Maidan 2014 là điều khó hiểu.

30/12/2019 - 14:22
Trao đổi tù nhân giữa Ukraina và lực lượng ly khai gần giao lộ Mayorsk ở vùng Donetsk, miền đông Ukraina, ngày 29/12/2019.
Trao đổi tù nhân giữa Ukraina và lực lượng ly khai gần giao lộ Mayorsk ở vùng Donetsk, miền đông Ukraina, ngày 29/12/2019. Yevgen Honcharenko/Pool via REUTERS

Vụ trao đổi tổng cộng hơn 200 tù nhân giữa chính quyền Ukraina và phe ly khai thân Nga, đang gây nhiều tranh cãi trong nước. Nhiều người cho là nguyên thủ Ukraina đã trả giá quá đắt khi thả 124 người, kể cả 5 sĩ quan thuộc lực lượng Berkout, bị cho là đã sát hại nhiều người biểu tình Ukraina trong cuộc cách mạng Maidan 2014, để nhận lại chỉ có 76 người, trong đó có 12 quân nhân và 64 thường dân.

Từ Kiev, thông tín viên RFI Stéphane Siohan cho biết thêm chi tiết :

“Có một người Ukraina đặc biệt nhạy cảm về việc bị cầm tù, đó chính là Oleg Sentsov, nhà sản xuất điện ảnh, người đã bị giam cầm suốt 5 năm trong một nhà tù ở Nga.

Được trả tự do hồi tháng 09/2019, Oleg Sentsov hiện nay là một nhà bình luận được rất nhiều người quan tâm lắng nghe. Mặc dù cho đến nay, ở một chừng mực nào đó, Sentsov dường như vẫn tin tưởng vào tổng thống Volodymyr Zelenskiy, nhưng hôm qua, Chủ Nhật, ông đã chỉ trích mạnh cách thức tiến hành vụ trao đổi tù nhân.

Cũng giống như nhiều người Ukraina, nhà sản xuất điện ảnh Oleg Sentsov không hiểu tại sao Kiev thả những người thuộc lực lượng Berkout, những cựu cảnh sát bị nghi ngờ đã phạm tội ác nhưng không hề có liên quan gì đến cuộc chiến ở Donbass.

Oleg Sentsov cũng lấy làm tiếc về việc không có một tù nhân nào có nguồn gốc từ Crimée nằm trong danh sách trao đổi lần này. Ông cũng không hài lòng khi thấy có sự chênh lệch rất lớn về số tù nhân hai bên trao đổi. Số người được phía Ukraina trả tự do nhiều gấp đôi so với số tù nhân được phe nổi dậy thả ra.

Nhìn một cách tổng thể, trong công luận hiện giờ có một hố sâu ngăn cách giữa những người hài lòng, hoan nghênh một quyết định mà họ cho là mang tính nhân văn và cần thiết, với những người cho rằng chính quyền Kiev đã phải đầu hàng trước các điều kiện do Nga áp đặt.”

Trong khi đó, tổng thống Nga Vladimir Poutine và thủ tướng Đức Angela Merkel đều hoan nghênh, gọi đây là một sự kiện “mang tính tích cực”. Theo AFP, trong một thông cáo chung, thủ tướng Đức và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron kêu gọi chính quyền Kiev và phe nổi dậy trao đổi “toàn bộ tù nhân có liên quan đến cuộc xung đột” ở miền đông Ukraina.